Bến Tre “số hóa” hoạt động vốn tín dụng chính sách

15/07/2024
(VBSP News) Ðể quản lý hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, chi nhánh NHCSXH tỉnh Bến Tre chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động nghiệp vụ và giao dịch khách hàng. Từ đó, đảm bảo các giao dịch được thực hiện chính xác, an toàn, bảo mật, tối ưu hoá khả năng xử lý các yêu cầu, tạo tiền đề cho việc triển khai các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng ngân hàng số, nâng cao chất lượng phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
173105-ben-tre-hien-dai-hoa-chat-luong-tin-dung

Hoạt động giao dịch tại NHCSXH huyện Chợ Lách, Bến Tre ngày càng được nâng cao nhờ triển khai dịch vụ Mobile Banking

Hiện đại và thiết thực trong giao dịch
Hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với tiện ích của ngân hàng số, NHCSXH huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre đã tích cực triển khai dịch vụ Mobile Banking thông qua ứng dụng VBSP Smart Banking, đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai kênh thông tin Zalo cho các khách hàng.
Năm 2022, sau khi con gái trúng tuyển trường Cao đẳng Sư phạm TP Hồ Chí Minh, gia đình bà Đặng Thị Hồng Châu ở ấp Bình An A, Thị trấn Chợ Lách được tiếp cận nguồn vốn vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn của NHCSXH, với số tiền 20 triệu đồng/học kỳ. Tuy nhiên, do công việc buôn bán nhỏ ở chợ bận bịu cả ngày, lắm lúc bà Châu không có thời gian đến Điểm giao dịch để trả tiền lãi hoặc gửi tiết kiệm hàng tháng. Vì thế, bà mạnh dạn cài đặt ứng dụng VBSP SmartBanking trên điện thoại di động để tiếp cận được với dịch vụ hiện đại của hệ thống ngân hàng chính sách xã hội một cách dễ dàng nhất.
Bà Châu chia sẻ: “Nhờ có dịch vụ Mobile Banking nên ở bất cứ đâu, thời gian nào chỉ cần điện thoại có kết nối Internet, tôi đều chuyển trả lãi qua tài khoản đều đặn mỗi tháng trước quy định. Ngoài ra, tôi có thể dễ dàng tra cứu các thông tin tài khoản thanh toán, nộp tiền gửi, trả tiền vay hằng tháng; lịch sử giao dịch; thông tin các chương trình vay vốn của ngân hàng. Ngoài ra, tôi có thể dùng “app” thanh toán hóa đơn tiền điện, tiền nước, nạp tiền điện thoại, thanh toán bằng mã QRPay… vừa tiện lợi lại tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại”.
Hơn 10 năm làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Nhơn Phú, xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách, chị Trần Thị Phương Châm chia sẻ: Trước đây, đến ngày 15 hằng tháng, chị phải đến từng nhà khách hàng để thu lãi, nhận tiền gửi tiết kiệm. Song có nhiều trường hợp, chị Châm phải đến nhà nhiều lần mới thu được lãi vì người vay vắng nhà. Còn giờ đây, chỉ cần ngồi tại nhà, chị vẫn thu được lãi nhờ ứng dụng dịch vụ điện tử Mobile Banking của NHCSXH, trừ một số trường hợp người vay không có điện thoại thông minh, chị mới đến nhà để thu lãi.
Chị Châm cho biết: Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Nhơn Phú, xã Hòa Nghĩa đang có dư nợ hơn 2,2 tỷ đồng, với 59 hộ còn dư nợ. Từ tháng 6 năm 2023 đến nay, mỗi tháng đến kỳ thu lãi, chị viết hóa đơn tiền lãi rồi chụp hình gửi qua zalo cho người vay. Sau khi nhận hóa đơn, người vay sẽ chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản VBSP SmartBanking. Từ ngày sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử Mobile Banking của NHCSXH, chị cũng yên tâm hơn khi không giữ quá nhiều tiền mặt trong người.
Theo Phó Giám đốc NHCSXH huyện Chợ Lách Nguyễn Minh Tuấn, khi chưa có ứng dụng VBSP Smart Banking, mọi hoạt động giao dịch giữa ngân hàng và các khách hàng đều thực hiện bằng phương thức thanh toán tiền mặt truyền thống. Việc triển khai ứng dụng số không chỉ giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, mà còn chủ động nắm bắt thông tin và tự kiểm soát vốn vay của mình, phòng tránh những thất thoát, rủi ro; đồng thời, giúp ngân hàng quản lý chặt chẽ công tác đối chiếu dư nợ, số dư tiền gửi, giảm tỷ lệ rủi ro, gian lận trong hoạt động tín dụng.
Hiện nay, NHCSXH huyện đang thực hiện 13 chương trình tín dụng ưu đãi, dư nợ đạt gần 454,5 tỷ đồng, với gần 12 nghìn hộ còn dư nợ. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã lan tỏa đến 100% ấp, khu phố trong huyện. Ngoài ra, đơn vị cũng phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thành lập 267 Tổ tiết kiệm và vay vốn, xây dựng 11 Điểm giao dịch tại các xã, đưa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng như cho vay, thu nợ, thu lãi, huy động vốn, tiết kiệm, app VBSP SmartBanking… để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận, góp phần hạn chế tín dụng đen, thực hiện công tác chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt.
Kiện toàn công nghệ số

173055-ben-tre-hien-dai-hoa-chat-luong-tin-dung

Người dân huyện Chợ Lách cài đặt, sử dụng ứng dụng VBSP SmartBanking

Trong thực tế, việc đưa công nghệ về nông thôn hiện cũng gặp những khó khăn nhất định: nhiều trường hợp người vay thay đổi số điện thoại chưa được cập nhật kịp thời, khách hàng lớn tuổi, neo đơn không ứng dụng được các app điện thoại thông minh… nên hộ vay tiếp cận ứng dụng ngân hàng số còn khiêm tốn. Trong thời gian tới, NHCSXH huyện Chợ Lách sẽ đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện rà soát thu thập số điện thoại khách hàng; tạo các nhóm Zalo để kết nối - chia sẻ kinh nghiệm, thông tin hữu ích… nhằm nâng cao ứng dụng công nghệ vào đời sống, tiết giảm được chi phí và thời gian cho cộng đồng.
Bên cạnh đó, sẽ tổ chức các lớp tập huấn dịch vụ Mobile Banking và các ứng dụng của ngân hàng chính sách xã hội… giúp hộ vay vốn tại đơn vị, khách hàng gửi tiết kiệm, các đơn vị phối hợp ứng dụng công nghệ tốt hơn, chia sẻ thông tin, các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn để thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm…, trên hết là vì an sinh xã hội tại địa phương.
Sau thời gian triển khai thực hiện nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ khách hàng trên điện thoại di động, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã triển khai cài đặt và hướng dẫn sử dụng ứng dụng dịch vụ mobile banking cho hơn 2.100 khách hàng.
Giám đốc chi nhánh Trần Lam Thùy Dương cho biết: Trong chiến lược số hóa nông thôn với hệ sinh thái ngân hàng số, thanh toán không dùng tiền mặt là một thị trường rộng lớn và đầy thách thức, việc chuyển đổi số vừa giúp ngân hàng tiết kiệm chi phí và hợp lý hóa các quy trình hoạt động vừa mang lại trải nghiệm dễ dàng cho khách hàng. Đối với ngân hàng số, mọi hoạt động được số hóa và được thực hiện thông qua Internet Banking và Mobile Banking, khách hàng có thể thực hiện các giao dịch tài chính trên ứng dụng của điện thoại thông minh.
Bên cạnh những thuận lợi, công cuộc chuyển đổi số cũng gặp không ít những khó khăn về cơ sở vật chất, đối tượng tiếp cận là những người yếu thế và một số khách hàng không có điện thoại thông minh. Tuy nhiên, khi triển khai được đã giúp cho khách hàng nâng cao hiểu biết về tài chính ngân hàng, từng bước làm quen với công nghệ số, góp phần không nhỏ vào thay đổi nhận thức của người dân trong quá trình chuyển đổi số, thu hẹp giữa thành thị và nông thôn, xây dựng nông thôn mới góp phần thúc đẩy thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về an sinh xã hội và tiến tới giảm nghèo bền vững.
Hiện nay, chi nhánh đang sử dụng hệ thống ngân hàng lõi CoreBanking. Trong xu thế chung, chi nhánh đang triển khai dự án chuyển đổi sang hệ thống ngân hàng số, từ đó để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ số vào chiến lược phát triển. Cụ thể, trong thời gian tới, chi nhánh sẽ triển khai giải pháp chuyển đổi số đối với hệ thống giao dịch khách hàng tại xã; chuyển đổi số trong việc quản lý, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách cho các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác.
Đây là giải pháp quan trọng cốt lõi trong chuyển đổi số, nhằm phục vụ tốt hơn cho đối tượng thụ hưởng và hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Sau khi chuyển đổi sang ngân hàng số thành công, chi nhánh sẽ tiếp tục số hoá, đa dạng hoá, phát triển các dịch vụ trên nền tảng số phục vụ khách hàng. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, tham mưu tốt cho cấp uỷ, chính quyền địa phương, phối hợp tốt với các tổ chức chính trị - xã hội, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn triển khai đến tận đối tượng thụ hưởng, từng bước chuyển đổi số trong hoạt động tín dụng chính sách.

Bài và ảnh Chương Đài/TTXVN

Các tin bài khác