Quảng Nam 20 năm vì công cuộc giảm nghèo và phát triển bền vững (Bài 2: Chăm lo đặc biệt cho đồng bào DTTS)

14/09/2022
(VBSP News) Quảng Nam là tỉnh ven biển thuộc vùng phát triển kinh tế trọng điểm miền Trung, có 18 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó, có 9 huyện miền núi. Dân số toàn tỉnh hơn 1,6 triệu người, riêng đồng bào các DTTS có hơn 132.000 người với 35.771 hộ, chiếm 8% dân số toàn tỉnh; số hộ nghèo theo chuẩn mới 33.127 hộ, tỷ lệ 7,59%, hộ cận nghèo 8.202 hộ, tỷ lệ 1,88%. Để rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền trong tỉnh Quảng Nam nói chung, chi nhánh NHCSXH tỉnh nói riêng đã có nhiều chính sách quan tâm, chăm sóc đặc biệt tới đồng bào dân tộc; giúp nhân dân từng bước vươn lên, hòa nhập vào nhịp sống sôi động của miền xuôi.
quang nam 2

Gia đình chị Hồ Thị Danh, đồng bào Ca Dong ở huyện Bắc Trà My là tấm gương sáng về sử dụng hiệu quả vốn tín dụng chính sách

Đã bớt khó khăn nhiều lắm!
Đó là điều đầu tiên chúng tôi được nghe khi về tham gia phiên giao dịch của chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Nam tại Điểm giao dịch xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My. Một gương sáng trong giảm nghèo là hộ vay Triệu Văn Vàng, người dân tộc Dao từ huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng di cư vào Bắc Trà My lập nghiệp. Sau 27 năm gắn bó với quê hương thứ hai, với sự đồng hành, động viên, khích lệ của chính quyền xã Trà Đốc và của cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Bắc Trà My, vợ chồng anh Vàng đã thoát nghèo và thu lãi trên 200 triệu đồng/năm từ 7ha keo và đàn trâu sinh sản. Hiện vợ chồng anh Vàng đang còn dư nợ 80 triệu đồng của NHCSXH huyện Bắc Trà My “và với số vốn này chúng tôi dự định mở rộng thêm diện tích trồng rừng”, anh Triệu Văn Vàng cho biết.
Càng vui và phấn khích hơn khi thăm mô hình vườn ao chuồng của gia đình chị Hồ Thị Danh, người dân tộc Ca Dong. Mới 33 tuổi nhưng vợ chồng chị Danh đã sở hữu khối tài sản đáng nể: 1 Hợp tác xã nông, lâm nghiệp và thương mại dịch vụ Thiên Danh; 4ha keo; đàn heo rừng, gà lai chọi cả trăm con và hàng trăm giò lan các loại… “Tất cả là của cán bộ đấy chị!”, chị Danh hóm hỉnh chỉ tay vào cán bộ NHCSXH huyện Bắc Trà My khoe.
Chị Hồ Thị Danh cho biết, năm 2010, hai vợ chồng chị kết hôn và ra ở riêng với hai bàn tay trắng. Sau nhiều năm nỗ lực cùng với sự giúp sức của NHCSXH huyện Bắc Trà My chương trình cho vay hộ nghèo, nhà ở xã hội, NS&VSMTNT…, đến năm 2017, chị Danh thoát nghèo và cuộc sống bắt đầu khởi sắc với nguồn vốn vay hộ cận nghèo. Kể từ đó đến nay, hai vợ chồng không chỉ ổn định cuộc sống cho chính mình mà còn giúp cho 5 thanh niên trong xã có việc làm ổn định; gần chục công nhân thời vụ với mức lương 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Theo chị Hồ Thị Mãi - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, bà con Ca Dong bây giờ đã biết cách làm ăn và rất chí thú tăng gia sản xuất. Tổ của chị Hồ Thị Mãi quản lý có 49 hội viên, chủ yếu là các chị em người Ca Dong và 100% xuất phát điểm đều là hộ nghèo nhưng giờ 46 hộ đã thoát nghèo. Dư nợ của tổ hiện là 2,6 tỷ đồng và nguồn vốn được đầu tư nuôi bò, trồng keo. Bản thân chị Mãi cũng đang vay vốn của NHCSXH theo chương trình giải quyết việc làm vùng khó khăn.
“Tôi mừng lắm khi thấy đồng bào mình tiến bộ. Bà con biết cách làm ăn, biết phấn đấu vươn lên để theo kịp các chị em thành phố. Đây là mơ ước không chỉ của riêng tôi hay cán bộ tín dụng mà tôi tin Chính phủ hỗ trợ vốn cho chúng tôi cũng là vì mục tiêu này”, chị Mãi khẳng định.
Sẵn sàng đáp ứng đúng, đủ, kịp thời
Đến ngày 31/8/2022, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đạt 6.163 tỷ đồng, tăng gần 5.959 tỷ đồng (tăng 30 lần) so với cuối năm 2002, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hằng năm 19,46% với gần 164.000 hộ còn dư nợ, trong đó, dư nợ nguồn vốn Trung ương là 5.685 tỷ đồng, chiếm 92,2%, dư nợ nguồn vốn ngân sách địa phương là 478 tỷ đồng, chiếm 7,8 %.
20 năm qua, hành trình vì người nghèo không ngừng nghỉ. Từ 2 chương trình tín dụng được bàn giao ban đầu, đến nay, chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Nam đang thực hiện 19 chương trình tín dụng chính sách với tổng doanh số cho vay đạt 17.277 tỷ đồng cho hơn 809.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; doanh số thu nợ đạt hơn 11.479 tỷ đồng, bằng 66,4% doanh số cho vay. Trong đó, nhiều chương trình đã trở thành sợi dây gắn kết và là thương hiệu của NHCSXH mỗi khi các hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách nhắc đến.
Một số chương trình như cho vay hộ nghèo đã kịp thời chuyển tải nguồn vốn đến hơn 270.000 lượt hộ vay vốn với số tiền 3.734 tỷ đồng, góp phần giúp 161.870 hộ thoát nghèo. Tiếp đó là chương trình cho vay hộ cận nghèo được thực hiện từ năm 2013, đã giúp hơn 54.000 lượt hộ vay vốn với số tiền 2.016 tỷ đồng, dư nợ đến 31/8/2022 là 907 tỷ đồng, chiếm 14,72% tổng dư nợ, với hơn 20.000 hộ đang còn dư nợ. Từ đó, góp phần giúp 35.845 hộ thoát cận nghèo. Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo được ví là bệ phóng cho các hộ mới thoát nghèo có đà vươn lên sau nỗ lực giảm nghèo. Chương trình được triển khai từ năm 2015, sau 7 năm thực hiện đã giúp cho hơn 61.000 lượt hộ vay vốn với số tiền 2.660 tỷ đồng.
Đặc biệt, chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn là một chính sách có ý nghĩa nhân văn sâu sắc cả về kinh tế, chính trị và xã hội, hợp lòng dân, tạo được sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành, của cộng đồng xã hội. Thông qua chương trình đã có hơn 123.000 lượt HSSV khó khăn có đủ chi phí để học tập, tạo thêm nguồn nhân lực có tri thức, kỹ năng nghề, góp phần đồng bộ hóa các giải pháp thực hiện chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội và chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương.
Bên cạnh đó, các chương trình cho vay NS&VSMTNT; chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay xuất khẩu lao động; cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn; cho vay thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn; cho vay nhà ở xã hội… đã góp phần giúp địa phương hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Theo Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Nam Trần Thị Minh, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 tăng trưởng kinh tế bình quân các huyện vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt tối thiểu từ 6 - 6,5%/năm. Thu nhập bình quân bằng 1/2 bình quân chung cả nước; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%. Để thực hiện mục tiêu này, chi nhánh sẽ tiếp tục tập trung hoạt động tín dụng chính sách xã hội, quan tâm phát triển theo hướng ổn định, bền vững, bảo đảm thực hiện tốt các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước cho các đối tượng chính sách theo quy định. Đặc biệt là thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ đồng bào DTTS.
Chi nhánh cam kết 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn các chương trình tín dụng chính sách và tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ NHCSXH cung cấp. Phấn đấu tăng trưởng nguồn vốn và dư nợ bình quân hàng năm từ 8 - 10%. Tăng cường hiệu quả sử dụng vốn vay, tiếp tục giữ vững chất lượng tín dụng phấn đấu duy trì tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,05% trên tổng dư nợ. Hàng năm góp phần cùng địa phương phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn khoảng 1%; tạo việc làm và duy trì việc làm cho khoảng 16.000 lao động.

Bài và ảnh Thái Bình

Các tin bài khác