Kỳ 2 - Chung sức vì người nghèo

23/10/2024
(VBSP News) Từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương khu vực Tây Nguyên đã bắt tay thực hiện bằng những cách làm đột phá, sáng tạo, phù hợp với thực tế. Nhờ đó, tín dụng chính sách xã hội nơi đây có thêm sức sống, lan tỏa đến các buôn làng.
z5930997656552_1caec6e990171e0d18fde75d5067f884_20241021201928

Người dân tỉnh Gia Lai nhận nguồn vốn giải ngân ngay tại Điểm giao dịch xã
                                                                                                                                    Ảnh: Sơn Ca

Trách nhiệm không của riêng ai
Trong công tác tín dụng chính sách xã hội, các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã huy động được sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, một số địa phương đã ban hành những Nghị quyết, Chỉ thị, chương trình riêng phù hợp với thực tế địa phương. Đơn cử như tại Đắk Lắk, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Chỉ thị riêng về tín dụng chính sách xã hội là Chỉ thị số 39-CT/TU, ngày 30/6/2023 về tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.
Từ Chỉ thị này, chính quyền địa phương đã chỉ đạo làm tốt công tác rà soát, xác định, bình xét đối tượng vay vốn theo đúng quy định; phối hợp giữa các hoạt động tập huấn kỹ thuật, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ với hoạt động cho vay vốn của NHCSXH, giúp người vay sử dụng vốn hiệu quả; xây dựng, lồng ghép các mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương với việc sử dụng nguồn vốn chính sách.
Thực hiện tín dụng chính sách xã hội bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội theo vùng miền cũng như phát triển các sản phẩm chủ lực tại địa phương để phân bổ nguồn vốn cho vay theo định hướng tập trung xây dựng các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả để từ đó làm cơ sở nhân rộng. Từ những hoạt động trên đã tạo sự lan tỏa, cuốn hút hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tham gia thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, từng bước làm quen với sản xuất hàng hóa, sử dụng vốn đúng mục đích.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung, từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, cùng với đó là Chỉ thị 39 của Tỉnh ủy đã làm thay đổi mạnh mẽ, căn bản nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh về hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Từ đó cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, cùng với NHCSXH triển khai sâu rộng, hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi. Qua đó đã góp phần quan trọng cho công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Đối với tỉnh Lâm Đồng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW và xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với tín dụng chính sách là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chương trình và kế hoạch hoạt động thường xuyên. Tỉnh ủy Lâm Đồng xác định đây là nguồn lực để hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển sản xuất, xóa nhà tạm, cải thiện môi trường sống; giúp con em hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn yên tâm học tập, qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương. Từ đó, các chương trình tín dụng chính sách được triển khai thực hiện, bổ sung, đa dạng đối tượng thụ hưởng qua từng năm, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hay như ở Đắk Nông, trong giai đoạn 2014 - 2024, tỉnh đã có 30 văn bản liên quan đến việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông Lưu Văn Trung khẳng định: Nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị tại địa phương. Qua đó đã làm thay đổi nhận thức các cấp ủy đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nhất là việc quan tâm ưu tiên nguồn vốn để ủy thác cho vay qua NHCSXH với phương châm “Trung ương và địa phương cùng làm”, “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”.
Đặc biệt, với phương thức “giao dịch tại nhà - giải ngân, thu nợ tại xã”, các tổ giao dịch tại xã trên địa bàn tỉnh Đắk Nông được trang bị đầy đủ điều kiện hoạt động của một ngân hàng bảo đảm an ninh, an toàn cho phiên giao dịch nên đã thực hiện hơn 99% khối lượng giá trị giao dịch ngay tại xã. Nguồn vốn chính sách đã được đầu tư đến 100% thôn, bon, bản, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng nhanh chóng, kịp thời, thuận lợi.
Phát huy tối đa nguồn lực

img_1522_20241021201927

Cán bộ NHCSXH cùng chính quyền địa phương kiểm tra hiệu quả vốn vay tại xã Đắk Nuê, huyện Lắk (Đắk Lắk)

Tính đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn Tây Nguyên đã đạt hơn 30.000 tỷ đồng. Đặc biệt, mặc dù điều kiện, nguồn lực còn rất nhiều khó khăn, nhưng từ khi Chỉ thị số 40-CT/TW đi vào cuộc sống, cấp ủy các cấp ở khu vực Tây Nguyên đã quan tâm dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Là tỉnh “sinh sau đẻ muộn”, điều kiện nguồn lực còn có hạn nhưng hằng năm UBND tỉnh Đắk Nông đều dành từ 20 tỷ đồng trở lên chuyển sang NHCSXH. Đồng thời, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã tập trung khai thác nguồn vốn từ thị trường với những giải pháp sáng tạo, phù hợp, tạo nguồn lực để từng bước mở rộng đối tượng, nâng mức cho vay, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông Lê Văn Chiến cho biết: Chỉ thị số 40-CT/TW ra đời là chủ trương đúng, trúng, kịp thời của Đảng, cùng với các chính sách khác đã tạo nên một tổng lực sức mạnh cho công tác giảm nghèo.
Còn theo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà, trong bố trí, huy động nguồn vốn, thực hiện chủ trương đa dạng hóa nguồn lực, cùng với nguồn vốn cân đối từ Trung ương, tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo việc huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Dù điều kiện của tỉnh còn khó khăn, ngân sách eo hẹp nhưng địa phương luôn đặc biệt quan tâm đến công tác an sinh xã hội, hộ nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào DTTS và người yếu thế. Trong vòng 10 năm, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt hơn 502,3 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh ủy thác tăng 209 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách cấp huyện ủy thác tăng 173 tỷ đồng. Đây là sự cố gắng lớn của địa phương.

Bài và ảnh Minh Vũ

Các tin bài khác