Hội nghị tổng kết công tác dân tộc, chính sách dân tộc nhiệm kỳ (2011 - 2015) và triển khai nhiệm vụ năm 2016

27/02/2016
(VBSP News) Ngày 27/2/2016, tại Lào Cai, Ủy ban Dân tộc và UBND tỉnh Lào Cai đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác dân tộc, chính sách dân tộc nhiệm kỳ (2011 - 2015) và triển khai nhiệm vụ năm 2016. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc chủ trì Hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, đại diện các Bộ, ngành, NHCSXH, lãnh đạo tỉnh Lào Cai và 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Báo cáo của Ủy ban Dân tộc cho biết, hệ thống chính sách dân tộc giai đoạn 2011 - 2015 được xây dựng khá đồng bộ, bao phủ tất cả các lĩnh vực, địa bàn dân tộc và miền núi, được thể chế bằng các Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ với 154 chính sách, thể hiện ở 243 văn bản, bao gồm cả Nghị định, Quyết định sửa đổi. Kinh phí để thực hiện các chính sách dân tộc được đa dạng hóa từ nhiều nguồn, trong đó ngân sách Nhà nước là chủ yếu; ngoài ra còn nguồn vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp và ngân sách địa phương.

Việc xây dựng chính sách, lập kế hoạch, phân bổ nguồn lực được công khai minh bạch và phân cấp cho địa phương tổ chức thực hiện; đã chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình sang hỗ trợ cho cộng đồng, từ cho không sang cho vay, khắc phục dần tình trạng trông chờ, ỷ lại. Hệ thống chính sách dân tộc, trọng tâm là Chương trình 135 giai đoạn 3 thực hiện trên địa bàn 2.331 xã, 3.059 thôn, ở 415 xã biên giới và 190 xã ATK, đã đầu tư gần 20.000 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu (đường giao thông, điện sinh hoạt, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng và chợ nông thôn), góp phần phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của nhân dân, làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn vùng dân tộc và miền núi. Đến hết năm 2015, có 80 xã đặc biệt khó khăn của 23 tỉnh và 366 thôn bản của 30 tỉnh hoàn thành mục tiêu của Chương trình 135.

Lãnh đạo các Bộ, ngành và Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng dự Hội nghị

Lãnh đạo các Bộ, ngành và Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng dự Hội nghị

Trong hệ thống chính sách dân tộc giai đoạn 2011 - 2015 còn có chính sách tín dụng đối với đồng bào DTTS. Trong giai đoạn này, ngoài việc thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện như: cho vay hộ nghèo, HSSV, NS&VSMTNT, cho vay XKLĐ, cho vay hỗ trợ nhà ở,… đồng bào DTTS nghèo còn được thụ hưởng các chương trình dành riêng đối với hộ DTTS như: Chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg; Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg và chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo theo Quyết định 755/QĐ-TTg,… Với dư nợ cho vay đồng bào DTTS đến hết năm 2015 đạt gần 33 nghìn tỷ đồng, nguồn vốn vay ưu đãi đã góp phần giúp trên 658 nghìn hộ nghèo là đồng bào DTTS nghèo; thu hút và tạo việc làm cho trên 56 nghìn lao động, trong đó có trên 6.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 96 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn là con em hộ đồng bào DTTS được vay vốn học tập; xây dựng trên 92 nghìn căn nhà cho hộ nghèo chưa có nhà ở, xây dựng gần 513 nghìn công trình nước sạch, công trình nhà tiêu hợp vệ sinh ở nông thôn…

Quang cảnh Hội nghị

Quang cảnh Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Công tác dân tộc đi liền với chính sách dân tộc luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, coi trọng và đầu tư suốt từ ngày thành lập nước đến nay.

Phó Thủ tướng ghi nhận những thành tựu của công tác dân tộc 5 năm qua. Đó là, việc xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật về công tác dân tộc ngày càng đồng bộ, hoàn thiện hơn với 154 chính sách cụ thể theo vùng, ngành, lĩnh vực và đạt được nhiều thành công. Nguồn lực thực hiện công tác dân tộc ngày càng phong phú, đa dạng, hiệu quả hơn. Đã chuyển một bước tư duy từ “cho không” sang cho vay ưu đãi để tạo động lực cho đồng bào nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Công tác chỉ đạo, điều hành về công tác dân tộc có bước chuyển biến, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi thay đổi rõ rệt, đời sống đồng bào DTTS ngày càng khấm khá hơn. Đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc tâm huyết, trách nhiệm…

Mặc dù đã được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, nhưng công tác dân tộc thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn, chồng chéo, đòi hỏi sự quan tâm, đầu tư hơn nữa để phát triển kinh tế - xã hội đối với đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi.

Chỉ rõ những hạn chế, Phó Thủ tướng cho rằng, có một số chính sách chồng chéo, nhiều chính sách không phù hợp, không đặc thù, chưa đồng bộ, nguồn lực bố trí của Nhà nước còn bất cập, chưa có cơ chế huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, vẫn còn một số địa phương chưa quan tâm đầu tư nguồn lực cho đồng bào DTTS, như có đến 9 địa phương chậm ban hành chiến lược về công tác dân tộc giai đoạn 2016 - 2020. Chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp kém, chưa đạt yêu cầu, năng lực vận động của cán bộ cơ sở còn yếu…

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng chỉ rõ: Cần nâng cao trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương đối với công tác dân tộc để xây dựng chính sách dân tộc sáng tạo, hiệu quả; rà soát lại chính sách dân tộc, tránh trùng lặp, kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách mới bảo đảm hiệu quả, thiết thực trong những năm tới; tăng cường nguồn lực, bố trí tập trung, không dàn trải, công khai minh bạch, chống tiêu cực trong việc thực hiện chính sách dân tộc; quy định cụ thể trách nhiệm với người đứng đầu trong công tác dân tộc; cán bộ làm công tác dân tộc phải sát dân hơn nữa để có tham mưu, kiến nghị thiết thực; đẩy mạnh tuyên truyền vận động với bà con DTTS để bà con đoàn kết, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đời sống, thay đổi nhận thức và hành vi cụ thể của bà con; tạo sự đoàn kết, xây dựng các tuyến biên giới thực sự hòa bình, hữu nghị, phát triển. Các địa phương không để dân đói, bỏ học, dịch bệnh xảy ra trong vùng đồng bào dân tộc và miền núi.

PV

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác