Bài cuối - Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách

19/07/2024
(VBSP News) “Lá lành đùm lá rách”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”, Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã làm phong phú thêm truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ngàn năm văn hiến.
bp2

Với chủ trương “đem ngân hàng đến với người nghèo”, mỗi cán bộ, nhân viên chi nhánh NHCSXH tỉnh Bình Phước luôn tận tình hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách

Người xưa thường nói “cái khó bó cái khôn”. Không ít trường hợp vì khó khăn, vì thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là với người nông dân thiếu vốn đầu tư cho vườn rẫy nên không bứt phá phát triển được kinh tế.
10 năm đi vào thực tiễn, Chỉ thị số 40-CT/TW đã trở thành cứu cánh cho hàng chục ngàn gia đình ở Bình Phước. Và, NHCSXH thực hiện chủ trương đó, không chỉ đã đưa vốn tín dụng ưu đãi đến với nhân dân mà còn là cầu nối gắn kết mật thiết hơn mối quan hệ giữa Đảng - Nhà nước - nhân dân trong công cuộc đẩy lùi khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế.
“Giao dịch tại nhà, giải ngân - thu nợ tại xã”
Nhằm đưa vốn chính sách đến người dân nhanh nhất, hiệu quả nhất, NHCSXH đã và đang từng bước ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động, như: Triển khai phần mềm ứng dụng Core Banking với Intellect Offline hỗ trợ giao dịch tại điểm giao dịch xã. Thu nợ, thu lãi thông qua tài khoản tiền gửi thanh toán… Thực hiện dịch vụ Mobile Banking với giao diện dễ sử dụng, mang đến nhiều lợi ích cho khách hàng, thực hiện các giao dịch 24/7 nhanh chóng.
Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác chính là cầu nối giữa Nhà nước với nhân dân thông qua việc thành lập và chỉ đạo hoạt động các Tổ tiết kiệm và vay vốn tại cơ sở. Từ đó, người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận tín dụng ưu đãi một cách dễ dàng. Các tổ chức chính trị - xã hội cũng phối hợp với NHCSXH tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ về nguy cơ, tác hại của “tín dụng đen”.
Toàn tỉnh hiện có 111 Điểm giao dịch của chi nhánh NHCSXH tỉnh được bố trí trong khuôn viên UBND 111 xã, phường, thị trấn. Các điểm giao dịch này hoạt động vào ngày, giờ cố định hằng tháng (kể cả thứ Bảy, Chủ nhật). Mô hình điểm giao dịch xã là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, là đặc thù riêng của NHCSXH, đã và đang phát huy hiệu quả tích cực trong hoạt động của ngân hàng.
Việc tổ chức hoạt động giao dịch tại 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh hằng tháng đã tạo thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng tiếp cận dịch vụ, thông tin về tín dụng chính sách xã hội một cách tốt nhất, tiết giảm chi phí, thời gian đi lại. Đồng thời qua đó cũng đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách xã hội dân chủ, công khai với cách thức “giao dịch tại nhà, giải ngân - thu nợ tại xã”. Các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi và danh sách khách hàng đang vay vốn được niêm yết công khai tại bảng thông tin tín dụng chính sách.
Khách hàng giao dịch trực tiếp với cán bộ NHCSXH để gửi tiền tiết kiệm, nhận tiền vay và trả nợ dưới sự chứng kiến của cán bộ tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Từ đó góp phần hạn chế nguy cơ dẫn đến thất thoát, xâm tiêu, tham ô chiếm dụng vốn, tạo được lòng tin của nhân dân với các chính sách của Đảng, Nhà nước và đối với hoạt động NHCSXH.
21.453 hộ dân vượt qua ngưỡng nghèo
Với người nghèo, hoàn cảnh khó khăn nhưng có ý chí vươn lên phát triển kinh tế, Chỉ thị số 40-CT/TW và nguồn vốn từ NHCSXH đã đáp ứng nguyện vọng thiết thực nhất. Trên hành trình giảm nghèo bền vững của Bình Phước 10 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã trở thành “bầu trời hy vọng” với nhiều gia đình khó khăn trong tỉnh, để rồi “không ai bị bỏ lại phía sau” trong hành trình phát triển kinh tế.
10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp 21.453 hộ dân tỉnh Bình Phước vượt qua ngưỡng nghèo. Thu hút, tạo việc làm cho 27.401 lao động; 21.453 học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập. Xây dựng 223.613 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; 942 căn nhà cho hộ nghèo và các gia đình chính sách khác…
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW trên địa bàn Bình Phước, Tỉnh ủy đánh giá vẫn còn những mặt hạn chế, khó khăn, vướng mắc, như: Có lúc, có nơi công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội chưa được đưa vào chương trình, kế hoạch thường xuyên. Một số địa bàn công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đạt chất lượng chưa cao. Một số kiến nghị chưa được Chính phủ xem xét, điều chỉnh. Nguồn vốn ủy thác bố trí từ ngân sách địa phương còn hạn chế. Sự phối hợp giữa chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và NHCSXH có lúc, có nơi chưa chặt chẽ. Việc lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất với tín dụng chính sách chưa đồng bộ. Chất lượng tín dụng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là các trường hợp hộ vay đi khỏi nơi cư trú nhưng chưa được phát hiện và xử lý thu hồi vốn kịp thời…
Tuy nhiên, đánh giá chung việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Tỉnh ủy Bình Phước cũng khẳng định các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã nỗ lực quan tâm triển khai đồng bộ, hiệu quả. Tín dụng chính sách xã hội được thực hiện thông qua NHCSXH đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị.
Tín dụng chính sách xã hội cũng đã góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”; phù hợp chủ trương “không để ai bị bỏ lại phía sau” mà Đảng và Nhà nước đề ra. Giúp người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội.
Tiếp tục phát huy chính sách xã hội đặc thù
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Tỉnh ủy Bình Phước đã xác định: Trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục biến đổi phức tạp, khó lường; thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen đã tác động và ảnh hưởng trên nhiều mặt đến đất nước. Ở trong tỉnh, thuận lợi là cơ bản do nhiều dự án lớn, trọng điểm đang được triển khai thực hiện, hoàn thành và đi vào hoạt động, nhưng vẫn còn gặp những khó khăn, thách thức do năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế còn thấp; thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp.
Do đó, vấn đề đặt ra đối với tín dụng chính sách xã hội là tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả mô hình và phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội đặc thù, phù hợp thực tiễn đất nước và của tỉnh, với mục tiêu phấn đấu 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác đủ điều kiện, có nhu cầu được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính do NHCSXH cung cấp.
Với việc xác định rõ kết quả, hiệu quả và những mặt hạn chế, tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện, cũng như đề ra các mục tiêu, giải pháp trọng tâm, việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong thời gian tới chắc chắn sẽ phát huy ngày một hiệu quả hơn.

Bài và ảnh Trần Phương (Báo Bình Phước)

Các tin bài khác