Bình Thuận chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
34 dân tộc thiểu số ở tỉnh Bình Thuận định cư ở 15 xã thuần và 32 thôn, bản xen ghép, thuộc 8/10 huyện, thị, thành phố, với dân số trên 86.000 người (chiếm tỷ lệ 7% dân số toàn tỉnh). Trước đây, bà con chủ yếu sống bằng nghề nông, phát nương, làm rẫy, trình độ sản xuất lạc hậu, đời sống gặp rất nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người chỉ có 62.000 đồng/người/tháng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội từng lúc, từng nơi có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan còn tồn tại ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào, kìm hãm sự phát triển chung của tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết 04 ngày 27/5/2002 của Tỉnh ủy, việc cấp đất sản xuất, cho vay vốn và đào tạo nghề được các địa phương xem như là trao chiếc “cần câu”, hướng dẫn cách câu và địa điểm câu giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập. Trước hết, nói về đất sản xuất - tư liệu sản xuất quan trọng bậc nhất của nhà nông, thời gian qua tỉnh Bình Thuận đã chi hàng chục tỷ đồng khai hoang cấp đất cho đồng bào. Tính đến nay, tỉnh đã cấp gần 5.000ha đất sản xuất cho gần 4.100 hộ, bình quân 1,2ha/hộ. Khi đã cơ bản giải quyết đủ đất sản xuất, tỉnh Bình Thuận lo tiếp bước 2: có nhà cho dân “an cư, lạc nghiệp”. Thực hiện Quyết định 134, tỉnh Bình Thuận đã xây mới 4.615 căn nhà, đạt 134 % chỉ tiêu Trung ương giao, với tổng kinh phí 48,316 tỷ đồng; đầu tư 39 hệ thống nước sinh hoạt tập trung vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với kinh phí 69,336 tỷ đồng.
Từ Nghị quyết 04, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất cho hộ nghèo dân tộc thiểu số vay vốn để phát triển chăn nuôi. Đến nay, đã có 3.160 hộ vay 21,854 tỷ đồng mua 4.690 con bò; tỉnh cũng đã trích ngân sách trả lãi vay cho NHCSXH 4,38 tỷ đồng. Trong quá trình tổ chức cung ứng bò cho đồng bào, UBND các huyện đã thành lập tổ tư vấn, gồm: Trạm Thú y, Phòng Nông nghiệp, Phòng Dân tộc, MTTQ, các hội, đoàn thể của các xã có hộ chăn nuôi bò. Nhờ vậy, đàn bò phát triển tốt, đã sinh sản được trên 20.000 con bê, tăng gấp 4 lần so với tổng đàn bò vay. Rất nhiều hộ sau khi bán bò đã trả dứt nợ cho NHCSXH, vẫn còn lãi 5 - 6 con bò để nuôi. NHCSXH còn cho đồng bào dân tộc thiểu số vay hàng chục tỷ đồng đầu tư vào sản xuất đúng mục đích, như trồng cây cà phê, cao su, điều, cây ăn quả; chăn nuôi dê, heo… tỉnh Bình Thuận cũng đã giao khoán 90.000ha rừng cho 2.447 hộ nhận quản lý, bảo vệ. Bình quân 35,7ha/hộ, mức thu nhập 3,67 triệu đồng/hộ/năm.
Từ năm 2010, Trung tâm dịch vụ miền núi của tỉnh đã phối hợp với các huyện, xã, Sở, ngành liên quan mở nhiều lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật và tổ chức hợp đồng đầu tư, cung ứng trước giống bắp lai, giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… cùng một số mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống trong thời gian mùa vụ với tổng số tiền 38,5 tỷ đồng; đồng thời, đảm bảo mua lại toàn bộ sản phẩm, giá hợp lý, ổn định đầu ra cho các hộ sản xuất. Toàn tỉnh đã có 5.300 lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhận đầu tư ứng trước để trồng 8.600ha bắp lai và lúa nước. Kết quả, sau khi thanh toán hết nợ cho Trung tâm, các hộ còn lãi gần 50 tỷ đồng. Bình quân lãi 10 triệu đồng/hộ/vụ. Ngoài bắp lai và lúa nước, năm 2012 có 164 hộ ở huyện Hàm Thuận Bắc và Tánh Linh đã hợp đồng đầu tư trồng mới thêm 140ha cao su, loại cây đang mở ra triển vọng làm giàu cho đồng bào dân tộc thiểu số ở đây…
Việc thực hiện có hiệu quả các chính sách đã làm thay đổi tích cực nhiều mặt trong đời sống xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận. Trên địa bàn 15 xã thuần và 32 thôn xen ghép đồng bào dân tộc thiểu số đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi. Các ngành nghề thủ công truyền thống như nghề dệt thổ cẩm, mây tre đan, nghề gốm… được đầu tư phát triển, giúp đồng bào có việc làm, tăng thu nhập cải thiện đời sống. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm đáng kể, chỉ riêng huyện miền núi Tánh Linh từ trên 55,5% năm 2005, xuống còn 22,08% năm 2012. Bình Thuận đang phấn đấu đến cuối năm 2013 giảm 1,5% hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh.
Bài và ảnh Quốc Vũ
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Những đổi thay trên quê hương Tân Uyên
- » Quảng Nam ưu tiên phát triển nghề thủ công ở huyện vùng cao
- » Chung kết Hội thi “Thanh niên với vay vốn chính sách xã hội năm 2013”
- » Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Bắc Giang họp phiên thường kỳ
- » “Tiếp sức” duy trì làng nghề
- » Quảng Ngãi tiếp sức hộ cận nghèo
- » Na Hang phát triển cá chiên đặc sản
- » Bí thư Trung ương Đoàn TNCS HCM, Ủy viên HĐQT NHCSXH Nguyễn Mạnh Dũng kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Sóc Trăng
- » Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Thái Nguyên họp phiên thường kỳ
- » Đồng chí Hà Phúc Mịch - Ủy viên HĐQT NHCSXH kiểm tra hoạt động tín dụng chính sách tại huyện Đại Từ (Thái Nguyên)