Những đổi thay trên quê hương Tân Uyên

21/10/2013
(VBSP News) Là huyện vùng cao, lại mới thành lập (tách ra từ huyện Than Uyên vào tháng 10/2008) nên Tân Uyên gặp nhiều khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu. Toàn huyện có 10 xã, thị trấn thì tất thẩy thuộc diện đặc biệt khó khăn, với tỷ lệ hộ nghèo 39,30%, hộ cận nghèo là 12,99% trên tổng số 9.786 hộ, và 49.385 người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm hơn 84%.
Những thước vải được sản xuất ra của đồng bào dân tộc nơi đây là nhờ nguồn vốn chính sách

Những thước vải được sản xuất ra của đồng bào dân tộc nơi đây là nhờ nguồn vốn chính sách

Trước thực trạng đó, Đảng bộ, chính quyền huyện Tân Uyên đã triển khai đồng bộ các chương trình, giúp đỡ người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện định canh, định cư, chương trình khuyến nông, khuyến ngư… Đặc biệt, chú trọng đến giải pháp tín dụng chính sách để làm động lực trong công việc xóa nghèo, ổn định cuộc sống ở một nơi còn nhiều khó khăn nhất vùng Tây Bắc xa xôi. Những năm gần đây, NHCSXH huyện Tân Uyên từng bước nâng cao hiệu quả các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đồng thời tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương để có những quyết sách đúng đắn, kịp thời cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách như: hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xóa nhà tạm, xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…

Từ những cố gắng trong công tác và sự đồng thuận giữa NHCSXH với chính quyền, các hội, đoàn thể và người nghèo, tính đến nay, huyện mới vùng cao Tân Uyên đã triển khai 10 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ trên 120 tỷ đồng. Hơn 6.000 hộ nghèo, mà chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số thông qua 179 Tổ tiết kiệm và vay vốn từ bản Nậm Pe, xã tái định cư Tà Mít xa xôi, chưa có đường cho xe ô tô đi, đến các nơi người Mông sinh sống trên núi cao ở Pắc Tra, Hồ Mít đã vay vốn kịp thời, sử dụng vốn chính sách vào công việc cải tạo đất đồi làm lúa nước, chăn nuôi đàn gia súc, phát triển nghề dệt thêu thổ cẩm, đan mây tre và đầu tư cho con em xuống núi về thành phố học đại học, cao đẳng…

Từ khi tái lập đến nay, NHCSXH huyện Tân Uyên đã giúp gần 500 hộ không có nhà ở hoặc nhà tạm bợ, dột nát được vay vốn ưu đãi để làm nhà ở vững chắc theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ. Đến với bản Nậm Pe, xã Phúc Khoa, chúng tôi cảm nhận những đổi thay không ngừng của người dân nơi vùng cao Tây Bắc. Anh Thào A Phao, dân tộc Mông ở bản Nậm Pe, xã Phúc Khoa phấn khởi cho biết: “Các hộ nghèo trong bản được vay vốn với lãi suất ưu đãi và cùng với hội, đoàn thể, họ mạc giúp đỡ đã làm được căn nhà vững chãi, thoáng mát không sợ mưa gió, giá rét nữa rồi. NHCSXH, Hội Nông dân còn giúp bà con vốn liếng, cách làm ăn, trồng thảo quả, chăn nuôi con trâu, con lợn. Đất rừng ở đây nhiều lắm hiện giờ đang “đẻ ra tiền”, làm cho cái bụng dân no đủ đấy. Cả bản Nậm Pe mình bây giờ ai cũng nghĩ thế và làm thế, bởi được hướng dẫn tận tình dùng vốn vay ưu đãi và ứng dụng KHKT vào sản xuất chăn nuôi”.

Thực tế đã chứng minh, việc áp dụng KHKT và sử dụng vốn vay chính sách đúng mục đích, đạt hiệu quả trong sản xuất hàng hóa ở huyện Tân Uyên là một cuộc cách mạng, mà những cán bộ tín dụng NHCSXH vùng cao này đã và đang sát cánh, hợp lực cùng cán bộ các ban, ngành kiên trì thuyết phục, hướng dẫn cụ thể theo cách “cầm tay chỉ việc”. Chị Vàng Thị Sửu, dân tộc Dáy ở xã Phúc Khoa tâm sự: nhiều bà con nơi đây nói tiếng phổ thông chưa thạo, không biết viết nữa, nên mỗi lần ra xã vay vốn ưu đãi, cán bộ ngân hàng đã tận tình chỉ dẫn và phải nói tiếng dân tộc giúp bà con dân bản hiểu khi dân hiểu ra và tin tưởng thì sẽ đồng lòng nghe theo, làm theo.

Kể từ khi được tiếp cận, thụ hưởng nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, bộ mặt làng quê ở huyện vùng cao Tân Uyên đã cải thiện rất nhiều. Ông Lò Văn Phong - Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Khoa khẳng định: Hiện tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm nhanh nhờ Nhà nước có những chính sách đồng bộ, nhất là việc tăng cường vốn chính sách đầu tư cho vùng miền núi, dân tộc. Các tổ chức hội, đoàn thể của xã cũng thường xuyên bám sát phong trào, gắn bó với hội viên để động viên, hướng dẫn, giúp đỡ nên hiệu quả sử dụng vốn vay đạt cao, năng suất lao động được cải thiện xây dựng được nhiều mô hình sản xuất phù hợp, góp phần tạo việc làm nâng thu nhập ở nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Bài và ảnh Hữu Hạnh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác