Người vực dậy phong trào Đoàn ở Bông Krang

19/12/2012
(VBSP) Cởi mở nhưng khá nghiêm nghị đó là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi tiếp xúc với Y Khiên Dak Cak, Bí thư Đoàn TNCS xã Bông Krang, huyện Lăk (Đăk Lăk).

11111

Từ khi tham gia sinh hoạt đoàn, Y Khiên đã tỏ ra là người rất có năng khiếu và hưởng ứng tích cực các phong trào của Đoàn, hội. Nhận thấy thanh niên địa phương chưa nhiệt tình với hoạt động đoàn một phần là do đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, năm 1996, sau khi học được nghề sửa chữa xe máy, anh đã mở tiệm tại nhà và dạy nghề cho một số thanh niên địa phương. Đồng thời, anh còn đứng ra tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao… vừa để thu hút thanh niên tham gia vào các phong trào vừa tạo cơ hội giao lưu, học tập cho các bạn trẻ. Đến năm 2000, anh được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn xã Bông Krang. Buổi đầu làm quen với công việc anh cũng gặp ít nhiều lúng túng khi phải quản lý, tập hợp đến trên 1.200 đoàn viên thanh niên thuộc 13 chi đoàn, trong đó 85% thanh niên là người dân tộc thiểu số. Trước một lực lượng thanh niên còn hạn chế về trình độ và nhận thức, anh đã chú trọng đến công tác giáo dục tư tưởng cho đoàn thanh niên bằng các hình thức: thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, quán triệt các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; truyền đạt kiến thức cho thanh niên thông qua các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao… Ngoài ra, anh còn vận động đoàn viên thanh niên tham gia sản xuất, xoá đói giảm nghèo, xây dựng các mô hình kinh tế điểm và thành lập các nhóm thanh niên giúp nhau lập nghiệp ở các thôn, buôn. Để tạo nguồn vốn hỗ trợ thanh niên làm kinh tế, từ năm 2003 đến nay, Y Khiên Dak Cak đã phối hợp với NHCSXH giúp cho 275 đoàn viên thanh niên nghèo vay hơn 2 tỷ đồng để phát triển chăn nuôi và trồng trọt. Những hoạt động này đã đem lại hiệu quả thiết thực và có tác dụng rõ rệt trong việc thu hút tập hợp thanh niên tham gia sinh hoạt Đoàn. Anh tâm sự: “ Tôi nghĩ rằng, để thanh niên thấy được sức hấp dẫn của Đoàn, trước hết, phải cho họ thấy được cái lợi khi tham gia vào tổ chức đoàn thể. Vì vậy, bên cạnh việc giáo dục tư tưởng, nâng cao nhận thức, chúng ta còn phải giúp họ ổn định về kinh tế. Có như vậy đoàn viên thanh niên mới tin tưởng đứng vào tổ chức Đoàn. Dự kiến, trong thời gian tới, Đoàn xã sẽ tiếp tục phối hợp với NHCSXH để tạo điều kiện cho thanh niên có thêm vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa việc phổ biến kiến thức về khoa học kỹ thuật để thanh niên có thể sử dụng đồng vốn một cách có hiệu quả hơn…”.

Lê Văn Sử - Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Đăk Lăk

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác