Thiết thực với tháng Thanh niên

19/12/2012
(VBSP) 'Săn' vốn cùng thanh niên Đồng hành cùng thanh niên (TN) khó khăn đi tìm vốn, nhiều bí thư Đoàn phường, ấp đã chạy đôn chạy đáo gõ cửa những nguồn vốn không cần thế chấp, tìm mối cho TN vay với lãi suất chỉ từ 0,5-2%.

Những thủ lĩnh “săn”… tiền

“TN nghèo nếu vay vốn ngân hàng không có gì thế chấp. Vì vậy, tìm được nguồn nào vay mà không cần thế chấp là tụi này nhào vô giới thiệu TN vay liền” - bạn Huỳnh Thị Thanh Vân, bí thư Đoàn phường 1 (Q.10), cho biết.

Hơn bốn năm nay, hễ có đơn đặt hàng của TN về vốn là Vân “gắn” ngay với nguồn vốn CEP (Liên đoàn Lao động TP.HCM) lãi suất khoảng 1-2%/tháng hoặc quĩ xóa đói giảm nghèo.

Vương Quốc Thắng, một TN người Hoa, từng là “thợ đụng” nhưng sau khi học được nghề làm răng giả đã được Đoàn phường tín chấp vay 1 triệu đồng mua vật liệu để hành nghề. Cứ góp mỗi ngày vài ngàn đồng trong 40 tuần trả hết vốn lẫn lãi, Thắng được phát vay tiếp tục. Qua chín lần được trợ vốn, Thắng cười tươi: “Giờ nhà mình bớt khó khăn rồi, không phải vay nữa”.

Từ ngày “săn” được nguồn vốn CEP, mỗi năm Đoàn phường 1 (Q.10) khai thác trên dưới 300 triệu đồng trợ vốn cho TN làm ăn. “Chuyện rủi ro nếu có mình phải lãnh hay TN chưa kịp đóng tiền mình phải bỏ tiền túi đóng trước” - Vân tâm sự.

Cách khai thác vốn nhàn rỗi trong TN được chi đoàn ấp Trung Mỹ Tây, xã Trung Chánh (Hóc Môn) cũng là biện pháp giải quyết nhanh gọn với các bạn có nhu cầu vay đột xuất. Hình thức huy động theo kiểu “góp gió thành bão”, mỗi cổ phần 1.000 đồng. “Như tiết kiệm, cuối năm thu về với lãi là phần quà tết” - anh Nguyễn Phú Cường, bí thư chi đoàn ấp, nói. Nhưng với hình thức này trong năm 2004, chi đoàn đã huy động được 114 triệu đồng và phát vay hơn 80 triệu đồng.

Với Ánh Minh, bí thư Đoàn phường 2 (Q.4), số vốn có được từ dự án hỗ trợ cho phường có mức sống thấp của TP.HCM do một tổ chức phi chính phủ tài trợ năm 2001, sau khi bạo gan nhận với phường “sẽ phát huy hiệu quả nếu được giao cho Đoàn”. Hiện có 19 TN vay, ngoài số ít làm giày dép, chạy xe ôm, gia công quà lưu niệm… phần lớn vẫn là học nghề.

Anh Nguyễn Thanh Tùng (khu phố 2) - một trong những TN vay đầu tiên - nay đã có một cơ sở làm quà lưu niệm từ vỏ lon bia, nước ngọt, giải quyết việc làm cho cả chục bạn trẻ khác trong phường. Từ hiệu quả này, đầu năm 2004 Đoàn phường đã “săn” thêm 58 triệu đồng từ dự án nâng cao chất lượng đời sống cộng đồng cũng của tổ chức trên.

Tháng TN, “nhà tư vấn” dự án ở đâu?

Theo ghi nhận của chúng tôi, không ít bạn có ý tưởng làm ăn nhưng “không biết tỏ cùng ai” hay TN nông thôn khi muốn vay vốn nuôi heo, nuôi bò phải cần số vốn lớn hơn lại không biết lập dự án (theo qui chế) để vay từ các nguồn quĩ… Thực tế đó đòi hỏi phải có người cán bộ Đoàn - Hội ngoài tâm huyết còn phải có kiến thức và phối hợp các ban ngành để tư vấn cho TN sử dụng đồng vốn.

Một cán bộ quận đoàn thú thật: “Nhiều lúc muốn tập trung hỗ trợ TN làm kinh tế nhưng lại sợ các bạn vay vốn không trả được thì chết mình (!)”. Đó không là trường hợp ngán ngại cá biệt, vì vậy hiện tượng “đóng băng” nguồn vốn của một số quận, huyện đoàn là có thật.

Thực tế, một số Đoàn phường cũng từng lập ra các tổ tư vấn kinh tế TN nhưng hầu như đều “chết yểu” vì cán bộ không rành chuyện tư vấn cũng như kiến thức về kinh tế còn giới hạn. Có lẽ vì vậy Trung tâm Thông tin tư vấn kinh tế TN (thuộc Hội LHTN TP.HCM) chưa là điểm hẹn của những bạn chuẩn bị khởi nghiệp.

Trong khi đó, ngay ở tháng TN này, một số bạn trẻ quận 8 nhận những đồng vốn đầu tiên do Đoàn tín chấp với chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội. Dự án do bí thư quận đoàn “chìa vai gánh vác” sau ngày nguồn vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm bị… nghẽn từ năm 1997. Từ đó, 157 triệu đồng đã được giải ngân cho 15 TN với mức vay thấp nhất 5 triệu đồng, cao nhất 15 triệu đồng.

Theo Báo Tuổi trẻ

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác