Sinh thời Bác Hồ, lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta đã thực hiện rất đều đặn việc đọc báo. Sáng nào cũng vậy, sau khi thức dậy tập thể dục, làm vệ sinh cá nhân và ăn sáng xong, mặc dù chỉ còn vài chục phút trước giờ làm việc hay dự họp, Bác đều xem nhanh một lượt các số báo mới đến.
Vừa xem, Bác vừa lấy bút đánh dấu vào bên lề, hoặc dưới tít, hoặc góc trái của những tin, bài để buổi tối có nhiều thời gian Bác sẽ xem lại. Sở dĩ có sự đánh dấu khác nhau như vậy là vì tuỳ thuộc vào nội dung bài báo theo từng chủ đề mà Bác sắp sẵn trong đầu đề sau này tiện cho tra cứu, đọc lại… Đọc xong Bác thường liên hệ vào địa phương, ngành, cơ sở nào đó để có thể vận dụng, học tập, nếu là tốt; gợi ý rút kinh nghiệm, nếu là xấu. Cũng có khi Bác liên hệ vào bản thân để có thể học tập. Bác còn chú ý cả câu chữ nào, chi tiết nào không phù hợp để góp ý với toà soạn, hoặc báo cho tòa soạn chuyển lại cho người viết để rút kinh nghiệm. Cũng nhờ thường xuyên đọc báo mà Bác viết và đã thưởng Huy hiệu của Người cho hàng trăm cá nhân nêu gương tốt trong các lĩnh vực chiến đấu, sản xuất, văn hoá, khoa học… Nhưng Bác không căn cứ hoàn toàn vào báo đăng. Sau khi đọc xong một gương tốt nào đó, trước khi quyết định khen thưởng, bao giờ Bác cũng cho kiểm tra, xác minh lại.
Bác Hồ kính yêu của chúng ta không chỉ là người thường xuyên đọc báo mà Bác còn là người thầy của Báo chí Cách mạng Việt Nam. Kể từ khi làm Chủ tịch nước Việt Nam độc lập cho đến khi đi xa, Bác Hồ thường xuyên viết báo và đã viết cho báo Cứu Quốc và Nhân dân nhiều nhất. Riêng báo Nhân dân, trong khoảng thời gian từ năm 1951 đến 2-9-1969, Bác Hồ đã viết tới 1.025 bài với 23 bút danh khác nhau để góp phần chỉ đạo công tác cách mạng kháng chiến đấu tranh với địch, biểu dương gương người tốt, việc tốt, phê bình cái xấu, cái tiêu cực.
Với những người làm báo, Bác nói chuyện thân mật như giữa những người đồng nghiệp. Tại Đại hội lần thứ hai Hội Nhà báo Việt
Bác dặn các nhà báo: “Phải viết gọn gàng, rõ ràng, vắn tắt. Nhưng vắn tắt không phải là cụt đầu, cụt đuôi… Viết phải thiết thực, nói có sách, mách có chứng. Tức là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả thế nào?” Tại Đại hội lần thứ ba của Hội Nhà báo Bác nói: “Sẵn đây, nếu các cô, các chú đồng ý, Bác xung phong phê bình các báo:
- Bài báo thường quá dài, “dây cà ra dây muống”, không phù hợp với trình độ và thời gian của quần chúng.
- Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta.
- Đưa tin tức hấp dẫn, nhiều khi thiếu thận trọng.
- Thiếu cân đối, tin viết dài thì viết ngắn, tin ngắn lại viết dài, nên để sau lại để trước, nên trước lại để sau.
- Lộ bí mật.
- Có khi quá lố bịch.
- Khuyết điểm nặng nhất là dùng chữ nước ngoài quá nhiều và nhiều khi dùng không đúng.
Bác khẳng định và nhắc nhở: “Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường của giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình… Phải tu dưỡng đạo đức cách mạng…”
Thiết nghĩ, trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, hơn lúc nào hết những lời dạy của Bác về cách viết báo vẫn luôn là định hướng đúng đắn cho mỗi người làm báo chúng ta hôm nay.
VBSP sưu tầm