Nữ Giám đốc “kéo” người dân khỏi cái nghèo
Đến với đồng bào nghèo
Giám đốc Trần Thị Hồng Oanh nhớ như in những ngày đầu lên nhận công tác cán bộ kế toán tại NHCSXH huyện Sơn Hà. Chị Oanh kể: Ngày đó, cuộc sống và điều kiện làm việc của chị cùng đồng nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn. Cứ mỗi lần nhận danh sách cho vay vốn hay nguồn vốn chính sách còn tồn đọng nhiều là chị và đồng nghiệp phải lặn lội về cơ sở để khảo sát, tư vấn cho các đối tượng cần vay vốn.
Chị nhận ra một điều thật xót xa là có nhiều người nghèo lại không biết chữ, không biết làm hồ sơ vay vốn. Nhiều người thì có sức lao động, đất rộng, nhưng không biết trồng cây gì để mang lại thu nhập cao, trong đó có nguyên nhân từ thiếu vốn.
Thời điểm đó, đường từ huyện Sơn Hà về các xã đâu có được như bây giờ. Mùa mưa xuống nhiều con đường lầy lội. Về đến xã chị lại cùng cán bộ tín dụng xuống đến tận thôn để gặp bà con. “Nhớ nhất là những buổi chiều mưa, núi rừng âm u, đường thì lầy lội. Cứ sau một chuyến đi trở về hai bàn chân lại tím bầm, chảy máu vì bị vắt cắn”. Chị Oanh nhớ lại.
Càng đi cơ sở nhiều chị Oanh nhận ra rằng, cuộc sống của bà con quá khổ. Những đứa trẻ áo quần rách tươm, người lớn thiếu việc làm, thiếu vốn sản xuất. Nhiều tốp người không công ăn việc làm, “giết” thời gian bằng rượu trong những ngôi nhà sàn, cứ ám ảnh trong lòng chị.
Chị Oanh biết, bà con có sức lao động, đất đai lại màu mỡ, nếu làm tốt công tác khuyến nông để bà con chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp và có vốn liếng thì bà con sẽ thoát nghèo.
Nắm bắt tình hình từ những chuyến đi cơ sở, chị Oanh chủ động đề xuất ý kiến với chính quyền, ban ngành của huyện để phối hợp công tác tuyên truyền vận động bà con sản xuất trên cơ sở ngân hàng phối hợp chặt chẽ với cán bộ khuyến nông của huyện, cùng các tổ chức hội, đoàn thể và chính quyền cơ sở.
Nói đi đôi với làm, vị nữ cán bộ NHCSXH luôn có mặt trong những chuyến đi cùng đoàn cán bộ khuyến nông, các hội, đoàn thể về cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con cách trồng cây gì, nuôi con gì sinh lợi và tư vấn cho bà con về nguồn vốn, về lãi suất và thời hạn cho vay. Để tiện cho công việc, chị Oanh còn tự học thêm tiếng H’rê và tìm hiểu nhiều hơn về phong tục, tập quán của người đồng bào.
Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên vùng cao Sơn Hà rất gần gũi với cô cán bộ ngân hàng Trần Thị Hồng Oanh. Ông Đinh Văn Ni ở xã Sơn Thành nhớ lại: Nhờ chị Oanh hướng dẫn cách thức vay vốn và sử dụng vốn vay sao cho hiệu quả nên gia đình tôi nay đã thoát nghèo. Còn bà Đinh Thị Ua ở xã Sơn Hạ thì công nhận: “Cô Oanh giỏi quá, biết cách giúp đồng bào”.
Đến nay, tổng dư nợ của NHCSXH huyện Sơn Hà đạt trên 200 tỷ đồng, đồng vốn vay đã phát huy hiệu quả, giúp cho hàng trăm hộ thoát nghèo, bà con luôn có ý thức trả nợ và trả lãi đúng quy định, đặc biệt nợ quá hạn chỉ chiếm 0,01%.
Vượt qua nỗi đau
Nhờ sự nhiệt tình với bà con, có năng lực và hăng say trong công việc, chị Oanh đã tạo được niềm tin với bà con và có uy tín với đồng nghiệp. Năm 2013, chị được đề bạt làm Giám đốc NHCSXH huyện Sơn Hà. Đảm nhiệm cương vị mới chị càng cố gắng hơn. Nhưng rồi, một chuyện buồn đến với chị là chồng lâm trọng bệnh.
Chị bộc bạch: “Chồng làm ở tỉnh đội Quảng Ngãi. Lúc nào, anh cũng động viên, chia sẻ những khó khăn trong công việc, trong đối nhân xử thế. Nhờ vậy mình yên tâm hoàn thành tốt công việc. Thế mà…”, chị Oanh bỏ lửng câu nói, lau nước mắt.
Kể từ ngày chồng chị ngã bệnh, cuộc sống của chị càng khó khăn hơn. Ngày nắng cũng như ngày mưa, chị đều đặn vượt gần 50km từ sáng sớm lên Sơn Hà công tác, rồi khi chiều xuống lại ngược đường trở về thành phố để chăm sóc chồng, con… “Đôi lúc tưởng chừng như kiệt sức, nhưng nghĩ đến công việc, đến bà con nên mình phải cố gắng”, chị Oanh giãi bày. Nhưng rồi, chồng chị cũng không còn đủ sức gắng gượng nên cũng đã từ biệt mẹ con chị ra đi.
Hôm chúng tôi gặp chị sau khi chồng chị mất chừng một tháng, gương mặt gầy, hốc hác, nhưng chị vẫn nở nụ cười hiền. Chị bảo: “Trước khi qua đời, anh nhiều lần dặn mình phải cố gắng vừa lo công việc, vừa lo cho các con chu toàn”.
Nhớ lời chồng tâm sự, từ sau khi anh mất, chị càng chú tâm vào công việc với mong muốn giản dị là: Góp công sức nhỏ bé của mình, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác giảm nghèo, cải thiện cuộc sống.
Bài và ảnh Mai Hạ
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Khi già làng Hùng Văn Xứng làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn
- » “Đại gia” buôn Phôc
- » Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn vùng cao
- » Lập nghiệp từ nguồn vốn ưu đãi
- » Người “thuyền trưởng” trên “con tàu” chở vốn ưu đãi ở Hà Tĩnh
- » Người chiến sỹ trên mặt trận xóa đói, giảm nghèo
- » Nữ Tổ trưởng gương mẫu ở vùng biển Nghĩa Hưng
- » Người Tổ trưởng giúp nhiều tổ viên thoát nghèo
- » “Ðại gia” buôn Phôc
- » Người nghèo vui một, bà Lan vui mười