Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng nông thôn

13/04/2020
(VBSP News) Thực hiện chương trình tín dụng về NS&VSMTNT theo Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg ngày 16/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2006 - 2020, NHCSXH tỉnh Ninh Thuận đã cho 58.341 lượt hộ vay với số tiền 317,24 tỷ đồng để thực hiện 67.749 công trình nước sạch và công trình vệ sinh.
6

Nhờ chương trình tín dụng cho vay NS&VSMTNT, nhiều hộ dân tỉnh Ninh Thuận đã có nước sạch để sinh hoạt

Hiệu quả của chương trình ngoài việc giúp cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống sinh hoạt cho người dân còn góp phần bảo vệ môi trường, đưa nhiều xã, huyện sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM.
Chị Chamaléa Thị Hân ở xã Phước Trung, huyện Bác Ái cho biết: Trước đây, gia đình chị phải dùng nước giếng để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, cứ vào mùa khô là giếng bị cạn, phải dùng “dè xẻn” từng giọt nước và hầu hết các thiết bị đun nấu, đồ dùng đựng nước bị ố vàng, hoen gỉ, nước uống có mùi tanh. Đến năm 2016, chị vay vốn NHCSXH, đường ống nước được kéo vào tại thôn, đảm bảo nước sạch sinh hoạt cho cả gia đình.
Chị Huỳnh Thị Thu Thủy ở thôn Lạc Tân 3, xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam rất phấn khởi vì sau nhiều năm chờ đợi, gia đình chị đã được sử dụng nước sạch từ chương trình cho vay NS&VSMTNT. Được biết, trước năm 2017, nguồn nước tại thôn Lạc Tân 3 bị nhiễm mặn, ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ gia đình sinh sống trong thôn, nước sạch được sử dụng chủ yếu mua từ bên ngoài rất tốn kém. Giữa năm 2017, với số tiền vay 6 triệu đồng từ chương trình NS&VSMTNT cộng với kinh phí của gia đình, chị đầu tư xây dựng công trình nước sạch khép kín, hợp vệ sinh, đảm bảo nước sạch sinh hoạt cho cả gia đình. Không chỉ riêng gia đình chị Thủy, mà hiện nay ở xã Phước Diêm, đã có hàng trăm hộ được hưởng lợi nguồn vốn cho vay từ chương trình NS&VSMTNT.
Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam Lê Huyền cho biết: Thực tế nhu cầu vay vốn của người dân để đầu tư xây dựng công trình nước sạch hợp vệ sinh môi trường ở huyện rất lớn do nguồn nước ngầm không đảm bảo, nước thải sinh hoạt, nước thải từ cơ sở chế biến hải sản thải ra môi trường ngày càng nhiều. Để nâng cao đời sống và giúp người dân được sử dụng nguồn nước sạch, những năm qua, huyện đã chủ động phối hợp với NHCSXH để hỗ trợ nguồn vốn vay cho các hộ dân.
Tính đến nay, dư nợ chương trình cho vay NS&VSMTNT trên địa bàn huyện Thuận Nam đạt 20 tỷ đồng, với 5.397 công trình được sửa chữa và xây mới. Đối tượng được vay vốn là các hộ gia đình định cư hợp pháp tại địa phương thuộc khu vực nông thôn chưa có nước sạch hoặc đã có nhưng chưa đạt tiêu chuẩn và chưa bảo đảm vệ sinh; có nhu cầu vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp công trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường, cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ đúng hạn. Phương thức cho vay cơ bản giống như cho vay hộ nghèo, vì thế quá trình thiết lập hồ sơ thủ tục vay vốn, tổ chức giải ngân, thu nợ, thu lãi cũng như kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay rất thuận lợi.
Thông qua chương trình này, đã có nhiều công trình cấp nước tập trung được đưa vào sử dụng, mang lại hiệu quả thiết thực. Chất lượng cuộc sống của người dân vùng nông thôn được nâng lên rõ rệt. Mặt khác, người dân được sử dụng nước sạch và công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn đã góp phần giảm thiểu bệnh tật, nhất là bệnh đường ruột, đau mắt, tạo điều kiện để người dân yên tâm sản xuất…
Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Ninh Thuận Lê Minh Lộc cho biết: Để chương trình tín dụng NS&VSMTNT đạt hiệu quả cao, NHCSXH tỉnh tham mưu cho Ban đại diện HĐQT các cấp, các cơ quan, ban, ngành, hội, đoàn thể nhận ủy thác tăng cường kiểm tra, giám sát hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, đúng đối tượng, đôn đốc hộ vay chấp hành trả nợ gốc, lãi đúng hạn, tham gia gửi tiền tiết kiệm của tổ để tạo nguồn vốn cho vay. Phối hợp với Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn xây dựng một số mẫu thiết kế cho công trình nước sạch, vệ sinh môi trường phù hợp theo từng địa bàn đảm bảo đạt tiêu chuẩn với chi phí hợp lý nhất.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả chiến lược quốc gia về cấp NS&VSMTNT, góp phần hoàn thành đúng lộ trình các mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, NHCSXH tỉnh tiếp tục triển khai sâu rộng chương trình này, trong đó tập trung ưu tiên cho vay số hộ gia đình có nhu cầu về nước sạch vệ sinh môi trường tại các xã, huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao và những nơi khan hiếm về nguồn nước sinh hoạt, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra là đến hết năm 2020, toàn tỉnh có trên 95% hộ dân nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, số hộ có nhà vệ sinh đạt 85%.

Bài và ảnh Xuân Nguyên

Các tin bài khác