Người con của bản làng Tây Bắc

11/06/2015
(VBSP News) Hơn 10 năm trước, NHCSXH huyện Trạm Tấu (Yên Bái) mới được thành lập. Bấy giờ ở vùng quê giữa miền núi cao Tây Bắc này, cuộc sống của đồng bào DTTS còn nhiều nghèo khó, thiếu thốn và cũng chỉ có 4 người trẻ tuổi, trong đó có chàng trai người dân tộc Mông - Giàng A Chống đã trở thành một trường hợp hy hữu khi tình nguyện rời các nơi và các ngành khác để lên đây làm cán bộ tín dụng chính sách.

 

Anh Giàng A Chống đang tuyên truyền cho bà con các dân tộc về chính sách tín dụng tại buổi sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Xóong Pao

Anh Giàng A Chống đang tuyên truyền cho bà con các dân tộc về chính sách tín dụng tại buổi sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Xóong Pao

Nhớ lại những ngày đầu, anh Giàng A Chống tâm sự: Việc trở thành cán bộ ngân hàng của anh cũng rất tình cờ, cứ như có bàn tay sắp đặt của số phận. Vốn sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo ở thôn Tà Xùa, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu (Yên Bái); ước mơ được học tập, tích luỹ kiến thức để phục vụ quê hương đã thôi thúc anh đêm ngày. Thế rồi, cuối cùng anh được toại nguyện. Trong suốt 4 năm học tập tại Khoa Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuộc trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, chàng trai trẻ Giàng A Chống không chỉ được các thầy, cô giáo, bạn bè thương yêu giúp đỡ, mà còn được đồng vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua chương trình tín dụng HSSV tiếp sức yên tâm học tập, rèn luyện. Ra trường, anh Giàng A Chống đã gặp một cơ may hiếm hoi, được tuyển dụng thẳng vào NHCSXH, trực tiếp làm cán bộ tín dụng ngay tại quê nhà - vùng cao Trạm Tấu từ tháng 10/2004. Ở lĩnh vực mới, khác xa với nghiệp vụ được đào tạo, anh Giàng A Chống đã tích cực học hỏi đồng nghiệp đi trước để tích luỹ kinh nghiệm, nên chỉ một thời gian ngắn anh trưởng thành hơn và trở thành cánh tay đắc lực trong Tổ tín dụng NHCSXH huyện. Phát huy lợi thế là người dân tộc bản địa, hiểu biết cặn kẽ phong tục tập quán và tiếng nói của đồng bào Mông, Thái, Dao… đồng thời nhận thức trách nhiệm được giao và bằng cái “tâm” của một cán bộ ngân hàng, anh Giàng A Chống bắt tay làm công việc với quyết tâm và nghị lực cao. Hàng ngày, anh cùng đồng nghiệp bám sát bản làng, cùng bàn bạc với chính quyền, hội, đoàn thể tổ chức giải ngân, tận tình hướng dẫn bà con dân tộc vay vốn chính sách, sử dụng vốn vào trồng lúa nước, nuôi trâu sinh sản. Cùng với đó, anh không chỉ tích cực đôn đốc các hộ vay vốn trả nợ, nộp lãi cho ngân hàng đầy đủ, đúng kỳ hạn mà đã chủ động tham gia điều chỉnh, phân bổ nguồn vốn chính sách hợp lý, khách quan, kịp thời đến từng đối tượng, từng buôn làng được thụ hưởng cũng như phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể nhận uỷ thác, hàng tháng xây dựng kế hoạch giảm nợ quá hạn, kiên quyết thực hiện đầy đủ các biện pháp xử lý nợ quá hạn và số tiền lãi tồn đọng do một số hộ vay chây ỳ.

Một trong những kết quả nổi bật của anh Giàng A Chống là đã mạnh dạn đề xuất, tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương triển khai Đề án đổi mới công tác tín dụng chính sách, trong đó coi trọng hàng đầu cách thức giao dịch lưu động của NHCSXH tại xã. Theo đó, NHCSXH huyện Trạm Tấu đã tổ chức được mạng lưới giao dịch ở tất cả địa bàn dân cư, thực hiện bố trí lịch giao dịch hàng tháng khá phù hợp, đảm bảo thực hiện đúng, đủ quy trình giao dịch, tạo thuận lợi tối đa cho đồng bào dân tộc.

Anh Giàng A Chống (ngoài cùng bên phải) thăm hộ gia đình vay vốn ưu đãi

Anh Giàng A Chống (ngoài cùng bên phải) thăm hộ gia đình vay vốn ưu đãi

Hơn 10 năm qua, Giàng A Chống luôn tâm niệm phải kiên trì bám thôn, bản, cùng ăn, cùng ở với bà con thì mới giúp được họ cách thức thoát nghèo nhanh hơn và phù hợp nhất. Với bà Thào A Sinh ở thôn Xóong Pao, xã Xà Hồ thì cán bộ NHCSXH Giàng A Chống như một ân nhân. Trước năm 2010, gia đình bà rất khó khăn, muốn làm ăn nhưng không có vốn. Thấu hiểu cho hoàn cảnh của bà, cán bộ Chống đã cùng các đồng nghiệp thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn bà Sinh tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn, mạnh dạn vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi từ chương trình cho vay hộ nghèo để đầu tư trồng rừng và chăn nuôi. Nhờ chăm chỉ sử dụng đồng vốn có kế hoạch nên kinh tế gia đình bà đã khá dần lên, nay trả được hết vốn vay cho NHCSXH, lại còn làm được nhà mới vững chắc nữa.

Còn với nhiều người dân vùng cao Trạm Tấu thì cán bộ Giàng A Chống như một người con bản làng. Các cấp chính quyền, hội, đoàn thể, đến cả các Già làng, Trưởng bản trên địa bàn cũng luôn sát cánh cùng anh vận động bà con dân tộc sử dụng nguồn vốn chính sách vào phát triển sản xuất, giảm nghèo, cải thiện cuộc sống. Đó là thành công hạnh phúc lớn mà bất kỳ một cán bộ tín dụng ngân hàng nào cũng mong muốn đạt được, bởi đó là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất khi đưa những đồng vốn ưu đãi của Chính phủ về tận vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, giúp đỡ nhân dân xóa nghèo, dựng xây cuộc sống mới.

Nhờ tình cảm chân thành, cởi mở, tận tình hướng dẫn, giúp đỡ người nghèo và đồng bào dân tộc, cán bộ ngân hàng Giàng A Chống nhận được nhiều tình cảm yêu mến của đồng bào, đồng nghiệp.

Chưa hết, Giàng A Chống luôn thể hiện sự năng động, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc công tác tín dụng chính sách ở vùng cao. Cụ thể ở 3 xã do anh phụ trách đến nay có dư nợ với NHCSXH là 49 tỷ đồng và đặc biệt không có nợ quá hạn, tỷ lệ thu lãi đạt 100%.

Với những thành tích nổi bật trong công tác, cán bộ tín dụng người Mông Giàng A Chống được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng đúng sau 1 năm công tác tại NHCSXH (tháng 10/2005), được lãnh đạo tin tưởng giao nhiều phần việc quan trọng. Anh cũng được bổ nhiệm Phó Giám đốc NHCSXH huyện, được nhận nhiều phần thưởng của Tổng Giám đốc NHCSXH, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái và được bầu chọn làm đại biểu dự Hội nghị Thi đua yêu nước NHCSXH lần thứ II. Đó là những ghi nhận cho nỗ lực cống hiến không ngừng của anh, là động lực tiếp tục phấn đấu nguyện gắn kết cả cuộc đời với cuộc hành trình của nguồn vốn tín dụng chính sách vì mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Bài và ảnh Hà Việt Dư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác