Người cán bộ tín dụng vùng cao hết lòng vì dân nghèo
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành tài chính kế toán, Nguyễn Văn Huyên được tiếp nhận vào công tác tại NHCSXH huyện Hoàng Su Phì. Sau đó, anh được Ban lãnh đạo chi nhánh điều động về công tác tại Phòng giao dịch NHCSXH huyện Quang Bình. Gắn bó với công tác tín dụng chính sách đến nay cũng được 12 năm, ở cương vị Tổ trưởng Tổ Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng, anh luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tích cực, chủ động tham mưu cho Ban Giám đốc NHCSXH huyện triển khai thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng cấp trên giao, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cán bộ hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn.
Đặc biệt, Nguyễn Văn Huyên cũng đã đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp cho cấp trên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo thực hiện kịp thời và hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Để bà con sử dụng vốn vay hiệu quả cao nhất, anh thường xuyên dành thời gian xuống cơ sở để tư vấn hộ vay cách lựa chọn cây, con giống hay như cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện địa lý trên địa bàn huyện…
Tính đến nay, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn huyện đạt 172,6 tỷ đồng với hơn 10.159 hộ còn dư nợ. Nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đã đến 100% số xã, thị trấn trong toàn huyện, được đầu tư chủ yếu vào chăn nuôi đàn gia súc như trâu, bò, dê, lợn và cây ăn quả, cây công nghiệp và cây lấy gỗ, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, cách làm ăn cho nghèo, góp phần vào công cuộc giảm nghèo bền vững, ổn định xã hội tại địa phương.
Nói đến cuộc sống của bà con nơi vùng cao nguyên đá này, Nguyễn Văn Huyên kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống đồng bào vùng cao còn nghèo khó trăm bề, đôi lúc cơm không đủ ăn, áo không có để mặc. Nhắc đến việc xem xét cho vay vốn, anh nhớ đến một hộ gia đình người Mông tại xã Chiến Phố, huyện Hoàng Su Phì. Hộ gia đình này xin vay vốn ngân hàng nuôi trâu sinh sản nhưng gia đình quá nghèo không có tài sản đáng giá trong nhà, căn nhà chỉ như một túp lều, lại đông con, ít lao động nên Tổ tiết kiệm và vay vốn e ngại chưa muốn bình xét cho vay. Thế nhưng trong suy nghĩ của người cán bộ tín dụng, nếu những người dân nghèo như thế này không được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách của Chính phủ thì họ sẽ khó có thể có cơ hội thay đổi cuộc sống. Chính vì suy nghĩ đó, Nguyễn Văn Huyên đã đề nghị Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn xem xét bình xét cho vay để họ có thể mạnh dạn mua trâu về nuôi. Và điều kỳ diệu chỉ sau 2 năm gia đình người dân tộc Mông này đã nuôi trâu thành công, đẻ ra nghé, sau đó bán sinh lời trả được vốn cho ngân hàng. Người nông dân nghèo này cũng đã tìm mọi cách gặp được Nguyễn Văn Huyên để cảm ơn, kể lại câu chuyện xoá nghèo mà anh từng tư vấn cho họ.
Ngoài những ngày làm việc theo quy định của Nhà nước, Nguyễn Văn Huyên còn chủ động tự túc đi học lớp nghiệp vụ về ngân hàng cao hơn tại Học viện Ngân hàng để góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho bản thân; tham gia nhiệt tình tại các lớp tập huấn khuyến nông, khuyến ngư của huyện để có những kiến thức về sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt hướng dẫn, hỗ trợ bà con làm kinh tế trong quá trình vay vốn ngân hàng, giúp bà con nghèo có thu nhập ổn định, bền vững.
“Nguyễn Văn Huyên là cán bộ trẻ chịu khó học hỏi, có trách nhiệm trong công việc. Bằng sự tận tâm với nghề, Huyên đã góp phần cùng tập thể trong việc triển khai đưa đồng vốn sát với người dân trên địa bàn, giúp người dân sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả nguồn vốn”, Giám đốc NHCSXH huyện Quang Bình Nguyễn Thị Hằng đánh giá.
Ghi nhận những nỗ lực đóng góp trong công tác giảm nghèo của địa phương, Nguyễn Văn Huyên đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý của NHCSXH, của tỉnh Hà Giang và huyện Quang Bình. Với những thành tích xuất sắc trong phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, năm 2014 Nguyễn Văn Huyên còn vinh dự được nhận Giấy khen của huyện ủy Quang Bình.
Bài và ảnh Phan Hà
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Đổi đời nhờ vốn chính sách
- » “Mát tay” dẫn vốn tới hộ nghèo
- » Hội Nông dân huyện Yên Thành điển hình tiên tiến thực hiện uỷ thác vay vốn
- » Niềm vui từ công tác tín dụng ưu đãi
- » Những người Tổ trưởng tâm huyết với công tác giảm nghèo
- » Nâng cao chất lượng tín dụng ưu đãi trên địa bàn thị xã Bình Minh
- » Tuổi trẻ NHCSXH làm theo lời Bác
- » Tạo động lực giúp người nghèo trên quê Bác vượt khó
- » “Việc nào có lợi cho hội viên thì Hội Nông dân “xắn tay” vào để làm”
- » Hội CCB Việt Nam tiếp tục nâng cao chất lượng ủy thác