Hành trình tự hào của ngân hàng đặc thù

03/10/2014
(VBSP News) Kể từ khi nhận bàn giao từ Ngân hàng Phục vụ người nghèo thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến nay, dư nợ tín dụng của NHCSXH đã tăng 18 lần, đạt 126.523 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 29,4%; với gần 7 triệu hộ còn dư nợ, tăng hơn 5 triệu khách hàng so với thời điểm thành lập.
12 năm - một chặng đường vì an sinh xã hội

12 năm - một chặng đường vì an sinh xã hội

Vai trò quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo

So về mặt tuổi đời trong hệ thống ngân hàng Việt Nam thì NHCSXH thuộc hàng ngũ non trẻ khi mới tròn 12 năm (4/10/2002 - 4/10/2014) đi vào hoạt động. Nhưng vai trò, trọng trách, nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao, với những việc đã làm được trong hơn thập kỷ qua, thì đó là một hành trình đầy tự hào của một ngân hàng đặc thù.

Kể từ khi nhận bàn giao đến nay, dư nợ tín dụng của NHCSXH đã tăng 18 lần, đạt 126.523 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 29,4%; với gần 7 triệu hộ còn dư nợ, tăng hơn 5 triệu khách hàng so với thời điểm thành lập. Dư nợ bình quân một khách hàng tăng từ 2,5 triệu đồng lên hơn 18 triệu đồng.

Con số thì ngắn gọn, nhưng đó là cả một cuộc cách mạng về mặt an sinh xã hội, giúp các hộ nghèo và đối tượng chính sách vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Thống kê cho thấy, chỉ sau 11 năm, đã có trên 24,8 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng chính sách. Góp phần giúp trên 3,2 triệu hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo (tính đến hết năm 2013).

Cán bộ NHCSXH tỉnh Long An đi giải ngân ở vùng sông nước

Cán bộ NHCSXH tỉnh Long An đi giải ngân ở vùng sông nước

Một thành công nữa của NHCSXH là tín dụng ưu đãi đã phát huy được sự đóng góp của các tổ chức chính trị - xã hội và thắt chặt thêm quan hệ tình làng, nghĩa xóm. Hiện nay có gần 8 nghìn cán bộ lãnh đạo của các cơ quan quản lý Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội tham gia kiêm nhiệm công tác quản trị NHCSXH. Trong mô hình này, các cán bộ lãnh đạo của cơ quan quản lý từ cấp Trung ương cho tới địa phương, phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội tham gia vào công tác quản lý, điều hành tại NHCSXH.

Theo NGND. PGS; TS Tô Ngọc Hưng - Giám đốc Học viện Ngân hàng, NHCSXH là một mô hình tổ chức mang tính đặc thù, phù hợp với đặc điểm địa lý, kinh tế, văn hóa của Việt Nam. Công tác cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã khai thác và sử dụng hiệu quả được sức mạnh tổng hợp từ các cơ quan quản lý cũng như cá nhân có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực, đồng thời duy trì được bộ máy quản lý, điều hành gọn nhẹ, tiết kiệm chi phí.

NHCSXH cũng đã xây dựng và thực hiện thành công phương pháp tác nghiệp đặc thù là tổ chức giao dịch (cho vay, thu nợ, thu lãi, họp giao ban, phổ biến các chính sách tín dụng mới…) tại hơn 10 nghìn Điểm giao dịch đặt tại các trụ sở UBND cấp xã, phường, thị trấn. Với gần 200 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) được xây dựng, đây vừa là nơi giúp hộ vay thực hiện các thủ tục vay vốn, tổ chức sinh hoạt tương trợ giúp đỡ nhau, đảm bảo thực hiện cơ chế dân chủ, vừa là nơi để NHCSXH đưa các nghiệp vụ tín dụng về cơ sở phục vụ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác hiệu quả hơn.

Hướng tới sự ổn định, bền vững

Ở góc độ thực tiễn tại địa phương, ông Bùi Văn Hạnh - Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Bắc Giang cho biết, hơn thập kỷ qua, hoạt động tín dụng ưu đãi do NHCSXH đảm nhiệm đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa công tác xóa đói, giảm nghèo.

Thành quả đó được thể hiện rõ nét từ thực tế tại tỉnh Bắc Giang, một tỉnh miền núi với diện tích tự nhiên 3.827km2, dân số gần 1,6 triệu người, gồm 8 dân tộc anh em sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 12% dân số của tỉnh, có điểm xuất phát thấp về kinh tế - xã hội.

“Tín dụng chính sách nhận được sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành, sự liên kết chặt chẽ, hiệu quả; sự vào cuộc tích cực của đơn vị nhận ủy thác, Tổ TK&VV, sự tham gia giám sát của nhân dân đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, tăng thêm tính xã hội hóa, có tác động tích cực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn; nâng cao chất lượng công tác giảm nghèo, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững”, ông Bùi Văn Hạnh khẳng định.

Cụ thể, từ năm 2010 đến nay đã giảm được: 34.322 hộ nghèo, tương ứng với 8,87%; 3.839 hộ cận nghèo, tương ứng với 1,46%; tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm 4,25%, cao hơn mức giảm nghèo chung của cả nước.

Từ những đóng góp trên, hoạt động của NHCSXH đã nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của các đại biểu Quốc hội. Trong lần đến thăm và làm việc tại NHCSXH tháng 7/2014, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị - Thường trực Ban Bí thư cho biết: NHCSXH đã luôn bám sát mục tiêu tập trung huy động các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước, góp phần thiết thực cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.

“Nếu không có hệ thống NHCSXH thì người nghèo chỉ biết vay nóng bên ngoài với lãi suất cao. Vì vậy, NHCSXH phải phấn đấu 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo khi có nhu cầu vay vốn đều được tiếp cận” - Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh khẳng định. Lần đầu tiên thực hiện giám sát chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu được 6 thành tựu nổi bật, trong đó tín dụng ưu đãi của NHCSXH được xem là “điểm sáng”.

Những cơ hội cũng như thách thức trong hành trình tiếp vốn xóa nghèo của NHCSXH vẫn còn nhiều. Bước vào giai đoạn phát triển mới, trong Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt tại Quyết định số 852/QĐ-TTg ngày 10/7/2012, với mục tiêu đưa tín dụng chính sách xã hội là giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nghèo một cách bền vững, theo các chuyên gia, lãnh đạo các địa phương, tổ chức đoàn thể, NHCSXH cần tiếp tục tổ chức, triển khai thực hiện tích cực và có hiệu quả chính sách này.

Trong đó, phải nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH để thực sự là công cụ thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách của Nhà nước về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, Chương trình giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020.

Mục tiêu phát triển của NHCSXH là ổn định, bền vững, đủ năng lực để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước; gắn liền với việc phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ có hiệu quả hơn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Bài và ảnh Chí Kiên

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác