Tổng quan 10 năm nhìn lại một chặng đường

20/04/2013
(VBSP News) Được thành lập trên cơ sở tổ chức lại hoạt động của Ngân hàng Phục vụ người nghèo, tách ra từ Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (NHNo&PTNT) từ tháng 10/2002 theo Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) bắt đầu tạo dựng “sự nghiệp riêng” với hành trang vẻn vẹn 498 cán bộ, và tổng giá trị tài sản Nợ - Có được NHNo&PTNT Việt Nam bàn giao trên sổ sách kế toán là 7.265 tỷ đồng, trong đó: Vốn khả dụng 239 tỷ đồng, dư nợ 7.022 tỷ đồng, vốn huy động 5.331 tỷ đồng, vốn tự có 1.226 tỷ đồng, nguyên giá tài sản cố định 2 tỷ đồng. NHCSXH bắt đầu đi lên với số lượng cán bộ và tài sản vô cùng ít ỏi, không trụ sở, không ô tô giao dịch, máy móc, trang thiết bị làm việc vô cùng thiếu thốn, lạc hậu.

11646

Hoạt động trong bối cảnh lần đầu tiên trong lịch sử phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam có mô hình Ngân hàng Chính sách thuộc sở hữu Nhà nước thực hiện nhiệm vụ đầu tư cho chính sách phát triển, chính sách xóa đói, giảm nghèo, chính sách giáo dục - đào tạo, tạo việc làm, ổn định xã hội; các cơ chế, quy chế về hoạt động của Ngân hàng Chính sách chưa được xây dựng và chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam, NHCSXH chưa thực sự được tự chủ về nhiều mặt nên đứng trước vô vàn khó khăn, thách thức tưởng chừng khó có thể vượt qua. Thêm vào đó, là rất nhiều khó khăn từ trong nội tại: Nguồn vốn nhỏ, công nghệ lạc hậu, mọi tác nghiệp chủ yếu bằng phương pháp thủ công, cán bộ thiếu và yếu, ngoài một phần nhỏ được bàn giao từ NHNo&PTNT Việt Nam có kiến thức tài chính ngân hàng và có kinh nghiệm trong cho vay hộ nghèo, còn lại là tiếp nhận cán bộ ngoài ngành và tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp ra trường; các sản phẩm dịch vụ đơn điệu; trụ sở giao dịch không có, trang thiết bị làm việc thiếu, số có được thì cũ kỹ, lạc hậu; trong thời gian đầu quan điểm về mô hình Ngân hàng Chính sách và cơ chế vận hành của nó còn nhiều ý kiến trái chiều… là những khó khăn lớn, gây tâm lý “bất ổn” cho toàn hệ thống trong thời gian đầu triển khai nhiệm vụ.

Khó khăn là vậy, nhưng tinh thần và ý chí từ tập thể Ban lãnh đạo đến cán bộ, viên chức và người lao động toàn hệ thống đều quyết tâm cao, vừa phải kiểm kê, đối chiếu nhận bàn giao, tiếp nhận, triển khai ngay các chương trình tín dụng để không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến các đối tượng thụ hưởng chính sách, vừa nghiên cứu, “mày mò” thiết lập cơ chế chính sách về tài chính, tín dụng, tổ chức cán bộ, kiểm tra giám sát…, vừa phải tranh thủ xin hỗ trợ nguồn lực xây dựng trụ sở giao dịch, mua sắm trang thiết bị làm việc, phương tiện vận tải… với mong muốn mỗi người đóng góp một phần, đặt những viên gạch nền móng cho sự đi lên trong tương lai.

Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành ở Trung ương, cấp ủy, chính quyền các địa phương; sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị nhận dịch vụ ủy thác, NHCSXH đã nỗ lực vượt khó, khẩn trương triển khai đồng bộ nhiều nội dung công việc, đem lại những kết quả khả quan trong hoàn cảnh “vừa chạy, vừa xếp hàng”, “vừa thiết kế vừa thi công”.

Thứ nhất, ngay từ những ngày đầu mới được thành lập, trong khoảng thời gian ngắn, từ tháng 10/2002 đến tháng 3/2003, NHCSXH đã thiết lập hệ thống trên 20 quy chế điều hành, quy trình nghiệp vụ, tạo hành lang pháp lý khá đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm cho việc triển khai các hoạt động đúng yêu cầu, nội dung chính sách tín dụng của Nhà nước đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hoạt động này gặp rất nhiều khó khăn do NHCSXH là tổ chức tài chính tín dụng đặc thù chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam. Tại thời điểm đó, Luật Tổ chức tín dụng năm 1997 quy định phát triển các Ngân hàng Chính sách hoạt động không vì mục đích lợi nhuận phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác nhằm thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước. Đồng thời, quy định có chính sách tín dụng đối với miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tuy nhiên, trong các loại hình tổ chức tín dụng lại chưa quy định chính thức có Ngân hàng Chính sách.

Cho đến năm 2004, trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức tín dụng đã quy định về loại hình Ngân hàng Chính sách như một sự thừa nhận về mặt pháp lý. Tuy nhiên, toàn bộ các quy trình quản lý tín dụng, tài chính, tổ chức cán bộ, kiểm tra kiểm toán nội bộ… hoàn toàn được biên soạn mới trong điều kiện không có “tư liệu tham khảo”. Do số lượng văn bản cần ban hành rất nhiều, nội dung phức tạp nhưng phải hoàn thành trong thời gian ngắn để đảm bảo từ lúc có Quyết định thành lập (04/10/2002) đến khi chính thức đi vào hoạt động (ngày 11/3/2003) phải cơ bản có được các văn bản phục vụ cho quản lý và điều hành tác nghiệp nên thực tế chất lượng văn bản còn nhiều hạn chế.

Trong suốt 10 năm qua, căn cứ thực tiễn hoạt động, NHCSXH đã thường xuyên phân tích, đánh giá những mặt tích cực, mặt hạn chế từ các văn bản cơ chế nghiệp vụ để sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo hiệu lực thực sự, phù hợp với đặc thù hoạt động và đáp ứng mục tiêu “cải cách thủ tục hành chính” theo chỉ đạo của Chính phủ. Cho đến nay, hệ thống văn bản cơ chế nghiệp vụ đã cơ bản đầy đủ, đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu quản lý điều hành. Toàn bộ 128 bộ thủ tục giải quyết công việc thuộc thẩm quyền của NHCSXH đã được công bố và áp dụng vào thực tiễn, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất cho quá trình triển khai nhiệm vụ, tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định Nhà nước; đồng thời, phù hợp với đặc thù tín dụng chính sách và điều kiện hoạt động thực tiễn của mô hình tổ chức cũng như phương thức quản lý tín dụng mà NHCSXH đang triển khai thực hiện.

Thứ hai, với chủ trương tập trung các chương trình tín dụng chính sách có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước vào một đầu mối, trực thuộc sự quản lý thống nhất của Chính phủ nhằm tập trung nguồn lực, thực hiện có hiệu quả hơn chính sách tín dụng ưu đãi, trong vòng 6 tháng kể từ ngày chính thức khai trương đi vào hoạt động, đến 30/9/2003, NHCSXH đã hoàn thành việc nhận bàn giao tài sản, nguồn vốn các chương trình cho vay hộ nghèo từ NHNo&PTNT Việt Nam với dư nợ 6.700 tỷ đồng, cho vay giải quyết việc làm từ Kho bạc Nhà nước với dư nợ 1.533 tỷ đồng, cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn từ Ngân hàng Công thương Việt Nam với dư nợ 76 tỷ đồng và dư nợ tín dụng thuộc nguồn vốn ngân sách địa phương với gần 400 tỷ đồng.

Không những tiếp nhận và duy trì tốt các chương trình tín dụng nhận bàn giao, NHCSXH còn triển khai bài bản, thành công các chương trình tín dụng chính sách khác. Trong 10 năm qua, với uy tín và những thành công trong quản lý nguồn lực được Nhà nước giao để thực hiện giải pháp tín dụng cho mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, NHCSXH liên tục được Chính phủ và các chủ đầu tư là tổ chức quốc tế, chính quyền các địa phương giao thêm nhiều chương trình tín dụng và ủy thác nhiều nguồn vốn để cho vay các đối tượng chỉ định, từ chương trình có quy mô nhỏ (cho vay đối với người tàn tật, cho vay lao động sau cai nghiện, cho vay thí điểm làm chòi tránh lũ…) đến những chương trình có quy mô và tầm ảnh hưởng rộng lớn trong xã hội như: Cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay học sinh, sinh viên, cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn…).

Nhớ lại năm đầu tiên hoạt động, NHCSXH thực hiện 5 chương trình (cho vay hộ nghèo, cho vay giải quyết việc làm, cho vay học sinh, sinh viên, cho vay trả chậm nhà ở đồng bằng sông Cửu Long, cho vay xuất khẩu lao động) với tổng dư nợ đến cuối năm 2003 là 10.349 tỷ đồng, trong đó cho vay hộ nghèo chiếm đến 77%, nợ quá hạn 522 tỷ đồng, chiếm 5%.

Đến năm thứ hai (năm 2004), chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được triển khai thực hiện thí điểm tại 10 tỉnh góp phần nâng tổng số chương trình tín dụng được triển khai lên con số 6 với tổng dư nợ đạt 14.302 tỷ đồng, nợ quá hạn 614 tỷ đồng, chiếm 4,43%.

Năm 2005, ngoài tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng như đã nêu trên, NHCSXH chính thức tiếp nhận thêm 2 chương trình tín dụng vay vốn nước ngoài: Cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ (vay vốn Ngân hàng tái thiết Đức), chương trình cho vay dự án phát triển ngành lâm nghiệp (vay vốn Ngân hàng Thế giới), đưa tổng số chương trình tín dụng NHCSXH thực hiện lên 8 chương trình với tổng dư nợ đến cuối năm đạt 18.426 tỷ đồng, nợ quá hạn chiếm 3,4%. Sau 3 năm hoạt động, quy mô tín dụng tăng nhanh, gấp 2,62 lần.

Năm 2007, được đánh dấu với nhiều chương trình tín dụng dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và khu vực miền núi được ban hành và tiếp tục giao cho NHCSXH thực hiện. Đó là chương trình tín dụng cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn và cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Tổng số các chương trình tín dụng do NHCSXH thực hiện sau 5 năm hoạt động là 10 chương trình.

Kết thúc giai đoạn 5 năm trong kế hoạch 10 năm lần thứ Nhất, tổng dư nợ đạt 23.271 tỷ đồng, tăng 16.359 tỷ đồng (+236%) so với lúc mới thành lập đi vào hoạt động, nợ quá hạn chiếm 1,7%.

Liên tục trong các năm tiếp theo, với chất lượng, hiệu quả hoạt động của mình, NHCSXH tiếp tục được tin tưởng giao thêm nhiều chương trình khác cũng như tiếp nhận thêm nhiều nguồn vốn của các tổ chức quốc tế, chính quyền địa phương ủy thác cho vay theo các đối tượng và mục tiêu dự án riêng biệt như: Cho vay lao động sau cai nghiện (năm 2008), cho vay thương nhân vùng khó khăn (năm 2009), cho vay hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở (năm 2009), cho vay đối với người tàn tật (năm 2011), cho vay làm chòi tránh lũ khu vực miền Trung (năm 2012)… Đến cuối năm 2012, NHCSXH đang thực hiện là 14 chương trình sử dụng vốn trong nước, 4 chương trình sử dụng vốn ủy thác nước ngoài và nhiều chương trình dự án nhận vốn ủy thác đầu tư khác với tổng dư nợ đạt 113.921 tỷ đồng, tăng 106.899 tỷ đồng (gấp 16 lần) so với thời điểm nhận bàn giao, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 32,8%/năm.

Dư nợ tập trung vào 6 chương trình lớn đó là: Cho vay hộ nghèo (chiếm 36,5%), cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn (chiếm 31,4%), cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn (chiếm 11,3%), cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (chiếm 9,3%), cho vay giải quyết việc làm (5,0%), cho vay hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở (chiếm 3,4%).

Với sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành ở Trung ương, chính quyền các địa phương, NHCSXH đã nỗ lực tập trung được nguồn lực khá lớn để cho vay ưu đãi hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách theo quy định của Chính phủ. Đến 31/12/2012, tổng nguồn vốn đạt 120.483 tỷ đồng, tăng 113.378 tỷ đồng (gấp 17 lần) so với thời điểm mới bắt đầu hoạt động, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 33,3%, trong đó nguồn vốn thực hiện tín dụng chính sách đạt 115.890 tỷ đồng. Dư nợ không ngừng tăng trưởng về quy mô và cải thiện về chất lượng. Nợ quá hạn giảm từ 13,75% khi nhận bàn giao xuống còn 1,23%.

Nhờ nguồn vốn được tập trung khai thác với tốc độ tăng trưởng khá cao, trong 10 năm qua đã có trên 21 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH; dư nợ bình quân một hộ tăng 6,4 lần (từ 2,5 triệu đồng năm 2003 lên 16 triệu đồng năm 2012); góp phần giúp trên 2,9 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 2,6 triệu lao động; giúp hơn 3 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 4,2 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, trên 88 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng đồng bằng sông Cửu Long, gần 500 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách; hơn 98 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động. Hiện có trên 7 triệu khách hàng có còn dư nợ tại NHCSXH.

16.4.2013

Thứ ba, xây dựng thành công mạng lưới và mô hình tổ chức bộ máy quản trị, điều hành thống nhất từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo gọn nhẹ, từng bước hoạt động kỷ cương, nề nếp, được các cấp chính quyền và nhân dân tin tưởng. Mô hình quản lý, qua thực tiễn, được khẳng định là đặc thù, sáng tạo và có hiệu lực thực sự, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị - xã hội và toàn dân, chung sức chung lòng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo.

Với đặc thù hộ nghèo và đối tượng chính sách phân bố rộng khắp trong cả nước, càng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo đói và những đối tượng chính sách cần hỗ trợ càng cao. Do vậy, ngay từ ngày đầu hoạt động, NHCSXH đã triển khai xây dựng mạng lưới từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện. Ngày 14/01/2003, Chủ tịch HĐQT đã ký quyết định thành lập 64 chi nhánh cấp tỉnh và sau đó, ngay trong năm đầu tiên hoạt động cũng đã có 575 Phòng giao dịch cấp huyện ra đời. Trải qua 10 năm hoạt động, cùng với những thay đổi về địa bàn các đơn vị hành chính theo Nghị quyết Quốc hội và Nghị định của Chính phủ, NHCSXH không ngừng củng cố, kiện toàn tổ chức mạng lưới đảm bảo không có địa bàn nào có hộ nghèo, có đối tượng chính sách mà không có NHCSXH phục vụ. Đến 31/12/2012, toàn hệ thống bao gồm: Sở giao dịch, 63 chi nhánh cấp tỉnh, 618 Phòng giao dịch cấp huyện. Nhờ có mạng lưới rộng lớn, cho nên trong thời gian chưa dài nhưng NHCSXH đã tập trung được nguồn lực và chuyển tải nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách một cách an toàn và tiết kiệm.

Ngoài các đơn vị thực hiện chức năng huy động vốn, cho vay và thực hiện các dịch vụ tài chính ngân hàng như chi nhánh cấp tỉnh, Phòng giao dịch cấp huyện, NHCSXH còn chú trọng hình thành các tổ chức “sự nghiệp” là Trung tâm Đào tạo và Trung tâm Công nghệ thông tin nhằm thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nguồn nhân lực; triển khai nghiên cứu chuyên sâu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tin học vào quản lý, điều hành và triển khai công tác tín dụng cũng như phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, phục vụ tốt hơn nhu cầu của hộ nghèo và đối tượng chính sách. Đồng thời, trợ giúp đắc lực cho công tác quản lý điều hành, kiểm tra, giám sát, thông tin báo cáo… Ngày 26/3/2007, Chủ tịch HĐQT đã chính thức quyết định thành lập Trung tâm Đào tạo và Trung tâm Công nghệ thông tin. Qua 6 năm hoạt động, các Trung tâm đã nỗ lực học hỏi, đúc rút kinh nghiệm từ các đơn vị trong nước, nước ngoài; đồng thời tiếp thu nhiều khoa học tiến bộ để triển khai nhiệm vụ đạt hiệu quả thiết thực, đóng góp hết sức quan trọng vào thành quả chung của NHCSXH. Đặc biệt là Trung tâm Công nghệ thông tin với Dự án hiện đại hóa tin học đang được triển khai quyết liệt, hy vọng mở ra một thời kỳ công nghệ mới trong mọi hoạt động của NHCSXH, năng động và hiệu quả.

Mạng lưới có độ bao phủ rộng lớn của NHCSXH còn được thể hiện ở gần 11.000 Điểm giao dịch. Có thể nói rằng, tại thời điểm hiện tại, NHCSXH là đơn vị duy nhất có mạng lưới Điểm giao dịch đến tất cả các xã, phường, thị trấn trong cả nước. Tuy nhiên, điểm đặc biệt không phải ở chỗ số lượng Điểm giao dịch lớn mà quan trọng là Điểm giao dịch ấy không làm tăng chi phí về tài sản về con người, tạo gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Theo cách NHCSXH đang triển khai và được thực tế kiểm nghiệm hiệu quả, Điểm giao dịch được đặt tại chính Trụ sở UBND xã, phường, thị trấn; sử dụng tài sản của UBND đã được trang bị từ trước đó (có chăng chỉ thêm hệ thống bảng, biểu, biển hiệu), sử dụng chính những cán bộ hiện có của Phòng giao dịch với chế độ trực giao dịch cố định hàng tháng mà không làm phát sinh thêm biên chế mới.

Về tổ chức bộ máy, khác với các Ngân hàng Thương mại, NHCSXH có bộ máy quản trị từ Trung ương đến địa phương được tổ chức với những nét riêng đặc thù. Chủ tịch HĐQT là Thống đốc NHNN, các thành viên còn lại đều là Thứ trưởng hoặc cấp tương đương Thứ trưởng của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ và các tổ chức chính trị - xã hội. Tại địa phương, Ban đại diện HĐQT do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cùng cấp làm Trưởng ban. Tại các tỉnh, huyện, tùy tình hình thực tế ở từng địa phương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp quyết định cơ cấu thành phần, nhân sự và quyết định thành lập Ban đại diện HĐQT. Đến 31/12/2012, bộ máy quản trị NHCSXH gồm: HĐQT ở Trung ương, 63 Ban đại diện HĐQT cấp tỉnh, 698 Ban đại diện HĐQT cấp huyện với tổng số gần 8.000 thành viên.

Về bộ máy điều hành tác nghiệp, từ chỗ chỉ có 498 cán bộ được bàn giao từ NHNo&PTNT sang, NHCSXH đã tiếp nhận, tuyển dụng đến nay được trên 9.000 cán bộ, trong đó 1,5% có trình độ Tiến sỹ, Thạc sỹ; 69,3% có trình độ Đại học, Cao đẳng; còn lại có trình độ trung cấp. Lực lượng cán bộ này đã từng ngày xây dựng nên nền tảng quan trọng để tiếp tục cho những cuộc hành trình tiếp theo.

Trong cơ chế điều hành, tác nghiệp của cán bộ NHCSXH cũng khác xa so với cán bộ Ngân hàng Thương mại, đặc biệt là cán bộ cấp huyện. Để tiết kiệm chi tiêu ngân sách, NHCSXH đã hạn chế tăng biên chế cán bộ chuyên trách, thực hiện chế độ mỗi cán bộ chuyên sâu một công việc và biết nhiều việc để thay thế, kiêm nhiệm khi cần thiết, như: Cán bộ tín dụng kiêm lái xe, cán bộ tín dụng có thể làm được kế toán, thủ quỹ và ngược lại… Đây là đặc thù không ngân hàng nào có như NHCSXH. Trong giai đoạn đầu triển khai việc cán bộ tín dụng kiêm lái xe, đã có rất nhiều luồng ý kiến, không hẳn phản đối nhưng sự đồng thuận chưa cao. Tuy nhiên, chính nhờ sự quyết liệt của các cấp lãnh đạo mà việc làm này đã được triển khai suôn sẻ, để ngày nay toàn hệ thống có lực lượng cán bộ biết lái ô tô nhiều nhất Ngành ngân hàng. Cứ tính bình quân một huyện có khoảng 2 cán bộ biết lái xe thì toàn quốc sẽ là con số hàng nghìn. Lực lượng cán bộ NHCSXH, đặc biệt ở cấp huyện, không có được hình ảnh complet, áo dài, ngồi phòng máy lạnh mà thay vào đó là “lăn lộn” dưới cơ sở. Trời nắng cũng như mưa, ngày làm việc bình thường hay vào ngày nghỉ nhưng cứ đến ngày giao dịch cố định tại xã, cán bộ NHCSXH đều có mặt để phục vụ bà con. Hình ảnh quen thuộc đó giờ thành “thương hiệu” riêng của NHCSXH.

Thứ tư, kiên trì, kiên quyết đổi mới quy trình, thủ tục và phương thức cấp tín dụng, thực hiện ủy thác từng phần thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội, thành lập mạng lưới trên 200 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn cả nước.

Trong năm đầu hoạt động, NHCSXH ủy thác toàn phần việc cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách thông qua NHNo&PTNT Việt Nam. Ngân hàng này có nhiều năm thực hiện cho vay hộ nghèo nên việc ủy thác thông qua đó đã giúp tiếp tục duy trì được tín dụng chính sách đối với người nghèo, đảm bảo không bị gián đoạn khi NHCSXH được tổ chức sắp xếp lại. Tuy nhiên, trong điều kiện hội nhập, NHNo&PTNT Việt Nam thực sự chuyển sang kinh doanh theo cơ chế thị trường, dẫn đến việc ủy thác nảy sinh nhiều bất cập, việc ủy thác này không đạt hiệu quả mong muốn, vốn giải ngân chậm, tồn đọng lớn mà chưa kịp thời đến với các hộ dân, chi phí dịch vụ ủy thác cao, làm tăng gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, việc tổ chức giao dịch tại trụ sở ngân hàng huyện khiến cho người nghèo gặp khó khăn do phải đi xa, chi phí giao dịch lớn…

Những vướng mắc đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng tín dụng và không đáp ứng được mục tiêu hoạt động, nhất là việc mở rộng đối tượng phục vụ và khối lượng tín dụng không ngừng tăng lên. Trong khi đó, theo tính toán tại thời điểm đó, nếu NHCSXH cho vay trực tiếp và thực hiện tất cả các công đoạn trong quy trình tín dụng thì cần phải có ít nhất 3 vạn cán bộ. Đây là điều hoàn toàn không thể. Do đó, tháng 4/2004, NHCSXH đã chủ động đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ giao thí điểm ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội tại 9 tỉnh (Lào Cai, Yên Bái, Hải Dương, Gia Lai, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Tây Ninh và Long An). Đến ngày 05/11/2004, tại Công văn số 6049/VPCP-KTTH, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức cho phép NHCSXH chuyển toàn bộ hoạt động cho vay từ ủy thác toàn phần qua NHNo&PTNT Việt Nam sang ủy thác từng phần qua các tổ chức chính trị - xã hội từ 01/01/2005.

Sau 10 năm triển khai thực hiện, đến 31/12/2012, 4 tổ chức hội (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) đã tham gia quản lý 111.620 tỷ đồng, chiếm 98% dư nợ của NHCSXH và đồng thời, tổ chức thành lập, quản lý, chỉ đạo hoạt động đối với 200 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn. Trước năm 2003, một bộ phận lớn người nghèo và các đối tượng chính sách ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn chưa được tiếp cận với kênh tín dụng chính sách của Nhà nước, thì đến nay đã không còn “xã trắng” về tín dụng chính sách nhờ hệ thống “cánh tay nối dài” là các tổ chức hội và Tổ tiết kiệm và vay vốn nhận dịch vụ ủy thác cho NHCSXH.

Thông qua phương thức ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị hàng vạn con người từ Trung ương đến cơ sở lao động không mệt mỏi để chuyển tải vốn ưu đãi của Nhà nước đến hàng chục triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách, giúp họ biết sử dụng vốn vay, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội.

Trải qua hơn một thập kỷ hoạt động, phương thức ủy thác tín dụng cho các tổ chức chính trị - xã hội được đúc kết là một phương thức hoàn toàn phù hợp với đặc thù của tín dụng chính sách, phù hợp với năng lực quản lý và phương thức hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội, là đặc điểm riêng có khi tổ chức thực hiện tín dụng vi mô ở Việt Nam. Việc làm này đã tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội có thêm điều kiện củng cố tổ chức mình gần dân hơn, sát dân hơn, hoạt động hiệu quả hơn, năng lực cán bộ hội được nâng lên, hội viên gắn bó hơn với các tổ chức hội. Đồng thời, tổ chức hội có thêm nguồn kinh phí hoạt động và thực hiện tốt hơn việc lồng ghép các chương trình, kế hoạch của hội với chương trình vay vốn tín dụng chính sách. Có thể nói, phương thức ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội là sáng tạo, phù hợp với thực tiễn, phù hợp với tôn chỉ mục đích hoạt động của tổ chức hội, phù hợp với tính chất của tín dụng chính sách, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân đồng tình ủng hộ. Qua phương thức này cũng tạo điều kiện cho việc công khai hóa, dân chủ hóa kênh tín dụng chính sách, tận dụng được mạng lưới sẵn có của tổ chức hội để đưa vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng, đến những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa… nhưng tiết giảm đáng kể chi phí cho ngân sách Nhà nước.

Thứ năm, tranh thủ được sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành ở Trung ương và cấp ủy chính quyền các địa phương, từng bước tạo lập cơ sở vật chất ổn định từ con số 0.

Ông cha ta có câu “An cư lạc nghiệp”, nhưng cái ngày đầu tiên của NHCSXH bắt đầu từ không trụ sở, không nơi giao dịch, tiếp dân, tất cả nhờ vào sự “cưu mang” của NHNN, NHNo&PTNT, của chính quyền, các Sở, ban ngành tại địa bàn các tỉnh, các huyện hoặc thuê ngoài của người dân sở tại.

Để giải quyết những khó khăn, “bức xúc” về cơ sở vật chất và trang thiết bị làm việc cho NHCSXH trong điều kiện nguồn lực Nhà nước có hạn, nguồn vốn Điều lệ được cấp phải ưu tiên cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách, ngày 18/3/2003 và ngày 16/3/2004 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 Chỉ thị: Số 05/2003/CT-TTg và số 09/2004/CT-TTg tăng cường chỉ đạo hoạt động và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của NHCSXH, theo đó yêu cầu các cấp, các ngành phải bố trí trụ sở có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước dôi dư do tổ chức, sắp xếp lại để chuyển giao cho NHCSXH làm trụ sở. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương hỗ trợ kinh phí xây dựng trụ sở, mua sắm các phương tiện làm việc cho NHCSXH với phương châm: “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “Trung ương và địa phương cùng làm”. Nhờ đó, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, tạo “thế” và “lực” cho NHCSXH khắc phục những khó khăn ban đầu, từng bước phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu và sự mong đợi của hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Chỉ thị số 05/2003/CT-TTg và Chỉ thị số 09/2004/CT-TTg đã hoàn thành “sứ mệnh lịch sử cao cả” của mình khi tổng kết lại 10 năm hoạt động, đã có 362 trụ sở ngân hàng cấp tỉnh, cấp huyện được tiếp nhận bàn giao, đã có 120 tỷ đồng địa phương hỗ trợ để xây dựng và sửa chữa trụ sở, đã có 44 tỷ đồng được ngân sách địa phương hỗ trợ mua sắm phương tiện vận tải, trang thiết bị làm việc. Cho đến nay, toàn bộ 63 chi nhánh, 618 Phòng giao dịch đều có trụ sở giao dịch ổn định, khang trang; trang thiết bị được đầu tư mua sắm đảm bảo yêu cầu triển khai nhiệm vụ. Đơn vị “đầu não” là Hội sở chính sau hơn 10 năm qua 3 lần dịch chuyển trụ sở cũng cũng chuẩn bị ổn định với trụ sở tại quận Hoàng Mai - Hà Nội.

16.4.20131

Cùng với các hoạt động khác, quan hệ hợp tác quốc tế luôn được NHCSXH đặc biệt quan tâm

Thứ sáu, ngày càng chủ động hơn trong công tác đối ngoại, mở rộng quan hệ hợp tác, góp phần quảng bá hình ảnh, hoạt động của NHCSXH tới bạn bè quốc tế; đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật, thu hút các nguồn vốn đầu tư của các tổ chức nước ngoài để bổ sung nguồn vốn cho vay và nâng cao năng lực tài chính.

Sau 10 năm hoạt động, tầm vóc NHCSXH đã được biết đến trên thế giới thông qua các diễn đàn, hội nghị, mạng lưới và đã trở thành một điển hình về tín dụng cho mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và phát triển tại Việt Nam. Trong mạng lưới MIX (Microfinance Information Exchange), một trung tâm cung cấp thông tin hàng đầu về tài chính vi mô trên thế giới, NHCSXH đứng thứ ba trong số các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính vi mô trên thế giới về số khách hàng dư nợ. Vị thế đối ngoại của NHCSXH tiếp tục được nâng cao trong con mắt của các nhà tài trợ quốc tế và các cơ quan Chính phủ, thể hiện qua việc NHCSXH được mời tham gia Hội nghị các nhà tài trợ quốc tế trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tại Hà Nội; Báo cáo của Ngân hàng Thế giới trong Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ đã có một chương về NHCSXH với nhiều đánh giá tích cực.

Theo báo cáo đánh giá ngành Tài chính vi mô ADB - 2012, tính đến 31/12/2012, NHCSXH đã thu hút được số tiền tài trợ tương đương 87.137.300 USD và 8.173 tỷ đồng vốn cấp cho vốn điều lệ từ nguồn ODA, là đơn vị dẫn đầu trong thu hút vốn ODA cho tài chính nông thôn và tài chính vi mô giai đoạn từ 2003 - 2012.

Một số dự án nổi bật sử dụng nguồn vốn của các tổ chức quốc tế: Dự án phát triển ngành lâm nghiệp, Dự án đa dạng hóa thu nhập nông thôn tỉnh Tuyên Quang, Dự án cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, Dự án tài chính nông thôn cho người nghèo, Dự án toàn dân tham gia quản lý nguồn lực tỉnh Tuyên Quang, Dự án khôi phục và quản lý rừng bền vững.

Thứ bảy, với tầm nhìn chiến lược về công nghệ đối với hoạt động của NHCSXH trong 10 năm qua, việc phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) vào các hoạt động nghiệp vụ luôn được chú trọng, quan tâm đặc biệt và được sớm ưu tiên đầu tư bằng nhiều nguồn lực.

Những ngày đầu mới thành lập, hệ thống CNTT còn gặp nhiều khó khăn: Hạ tầng CNTT chưa có, phải xây dựng từ đầu với nguồn kinh phí hạn hẹp; cán bộ kỹ thuật thiếu, chỉ với vỏn vẹn 6 người trong cơ cấu Phòng Công nghệ thông tin trực thuộc Hội sở chính.

Để đáp ứng ngày một lớn hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Năm 2007, Phòng Công nghệ thông tin được nâng cấp trở thành Trung tâm Công nghệ thông tin và phát triển ổn định cho tới nay với 62 kỹ sư tin học, mạng truyền thông được đào tạo bài bản, sẵn sàng tiếp thu và triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của NHCSXH.

Vượt qua khó khăn, hệ thống CNTT của NHCSXH đã từng bước phát huy nội lực, tiếp thu và học hỏi kinh nghiệm từ các đơn vị bạn cũng như tiếp cận kịp thời với khoa học kỹ thuật hiện đại, xây dựng nhiều đề án, chuyên đề nhằm từng bước ổn định, nâng cao chất lượng hệ thống CNTT, trở thành công cụ đắc lực trong triển khai các hoạt động nghiệp vụ và phục vụ có hiệu quả cho công tác kiểm tra, giám sát, quản lý điều hành.

Dấu ấn thắng lợi đầu tiên trong hoạt động CNTT là việc xây dựng và triển khai thành công hệ thống phần mềm Chuyển tiền điện tử nội tỉnh, bước đầu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của NHCSXH, tạo bước đệm cho sự thành công trong những năm tiếp theo. Tiếp đến là tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án “Chuyển tiền điện tử nội bộ” nhằm hoàn thiện chức năng thanh toán vào năm 2004, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, nhằm từng bước nâng cao khả năng hoạt động của hệ thống. Song song với việc thực hiện đề án này, hệ thống mạng diện rộng (WAN) đáp ứng nhu cầu truyền thông ổn định, sẵn sàng và đảm bảo an ninh, bảo mật cũng đã chính thức được triển khai và liên tục được đầu tư nâng cấp, nhằm từng bước hiện đại hóa hạ tầng mạng truyền thông, tạo nền tảng phục vụ các hệ thống chủ đạo trong nghiệp vụ hướng tới khách hàng trong hiện tại và tương lai.

Kế tiếp phải kể đến phần mềm Giao dịch xã phục vụ cho các hoạt động của Tổ giao dịch lưu động. Phần mềm đã được giải thưởng Phần mềm sáng tạo do Đoàn Thanh niên Khối Doanh nghiệp Trung ương trao tặng năm 2009.

Hiện nay, Dự án hiện đại hóa tin học đang được triển khai với tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng, hứa hẹn mở ra một trang mới với phần mềm giao dịch được chuẩn hóa, thiết lập được hệ thống dữ liệu tập trung để phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý, điều hành; đồng thời, tạo tiền đề cho việc triển khai các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, phục vụ tốt hơn nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ tám, quan tâm tới công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ không ngừng lớn mạnh cả về quy mô, số lượng và chất lượng, có kiến thức, năng lực chuyên môn, kỹ năng làm việc và phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết với công việc, với ngành nghề.

Ngày 26/3/2007, Trung tâm Đào tạo NHCSXH đã được thành lập với chức năng, nhiệm vụ tổ chức quản lý các hoạt động đào tạo nhằm nâng cao tay nghề, kỹ năng làm việc và trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ viên chức nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của NHCSXH.

Trong những năm qua, Trung tâm Đào tạo đã phối hợp với các Ban chuyên môn nghiệp vụ tại Hội sở chính nghiên cứu, thiết kế, biên soạn giáo án, chương trình và nội dung đào tạo. Qua 6 năm hoạt động, Trung tâm Đào tạo đã tổ chức các khóa đào tạo nguồn nhân lực cho 10.936 lượt học viên, trong đó: Đào tạo nghiệp vụ cơ bản cho 3.117 cán bộ mới tuyển dụng; đào tạo nâng cao kỹ năng làm việc cho 2.091 cán bộ lãnh đạo quản lý tại Hội sở chính và chi nhánh cấp tỉnh, 1.372 cán bộ lãnh đạo Phòng giao dịch cấp huyện; đào tạo hình thành đội ngũ tiểu giáo viên cho 161 cán bộ tại các chi nhánh; đào tạo nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho 636 cán bộ nhằm triển khai Đề án củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của khu vực Tây Nam Bộ…

Thứ chín, bên cạnh tập trung hình thành, củng cố và nâng cao chất lượng mô hình tổ chức mạng lưới và các hoạt động nghiệp vụ, 10 năm qua, NHCSXH đã quan tâm, chú trọng đến xây dựng và phát triển tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên.

Với vai trò lãnh đạo toàn diện, Đảng bộ NHCSXH Trung ương đã chỉ đạo Công đoàn, Đoàn Thanh niên và chuyên môn tăng cường sự phối hợp, quy tụ khối đoàn kết nội bộ, thực hiện tốt chức năng là tổ chức chính trị - xã hội bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho cán bộ, viên chức và người lao động; cổ vũ, động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ, đoàn viên phát huy vai trò tuổi trẻ xung kích, tình nguyện, sáng tạo và trách nhiệm, nỗ lực vượt khó đi lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Toàn hệ thống hiện có trên 9.000 đoàn viên Công đoàn. Hàng năm, tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên đều được cấp trên công nhận Danh hiệu cơ sở trong sạch vững mạnh.

Nhìn lại chặng đường 10 năm xây dựng và phát triển, nhìn rộng hơn là quá trình đi từ Quỹ cho vay ưu đãi hộ nghèo (giai đoạn 1993 - 1994) đến Ngân hàng Phục vụ người nghèo (giai đoạn 1995 - 2002) và NHCSXH ngày nay là một quá trình liên tục tìm tòi, vận dụng sáng tạo kinh nghiệm của thế giới vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Trải qua 15 năm kinh nghiệm hoạt động trước đây và thực tiễn 10 năm qua đã khẳng định phương thức tín dụng xóa đói, giảm nghèo và mô hình tổ chức của NHCSXH theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định 131/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là hoàn toàn phù hợp, có hiệu lực và hiệu quả cao, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của cả xã hội tham gia vào thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo.

NHCSXH ra đời đã tạo cơ hội cho người nghèo và đối tượng chính sách được tiếp cận với dịch vụ tín dụng của Nhà nước; khẳng định chủ trương tập trung các nguồn vốn tín dụng có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước vào một đầu mối, tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại là phù hợp với tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế. NHCSXH ra đời, cũng góp phần hạn chế tệ cho vay nặng lãi ở nông thôn, là công cụ kinh tế thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, là một trong những công cụ đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội, góp phần xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

BBT

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác