Định Tân đổi mới từ nông nghiệp

09/08/2013
(VBSP News) Thực hiện chủ trương tái cơ cấu lại nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa, để phát triển sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, xã Định Tân, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư xây dựng 360ha/500ha đất sản xuất nông nghiệp hiện có của toàn xã thành vùng sản xuất chuyên canh theo Đề án mô hình cánh đồng mẫu lớn và chuyển đổi gần 100ha đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng màu; xây dựng mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung...
Hướng dẫn bà con hoàn tất thủ tục vay vốn

Hướng dẫn bà con hoàn tất thủ tục vay vốn

Ông Trần Văn Thông - Chủ tịch UBND xã Định Tân nói: “Vốn là một nơi thuần nông nên ngay từ những ngày đầu triển khai thực hiện đề án, chúng tôi đã được NHCSXH cho vay hơn 5 tỷ đồng từ chương trình giải quyết việc làm và hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, bởi vì chỉ có cách làm như vậy mới xóa nghèo bền vững được, cũng như nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con”.

Theo ông Thông, để làm được điều đó, cả hệ thống chính trị đã thành lập Ban chỉ đạo, củng cố chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn; đẩy mạnh tuyên truyền vận động giúp người dân mạnh dạn vay vốn, sử dụng vốn ưu đãi đúng mục đích, yêu cầu của đề án. Cùng với đó, sau khi hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, xã đã tuyên truyền các hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn của NHCSXH và ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào xây dựng vùng lúa năng suất cao, bao gồm 150ha lúa lai F1. Đồng thời, chuyển đổi gần 100ha đất lúa kém hiệu quả của 4 thôn sang trồng cây màu như: đậu tương, đậu cô ve, cà chua, dưa chuột…

Ông Phạm Quy Lục ở thôn Kênh Thân cho biết: “Được sự hướng dẫn của xã, thôn và Tổ tiết kiệm và vay vốn, gia đình tôi vay 20 triệu đồng của NHCSXH chuyển đổi hơn một mẫu ruộng sản xuất năng suất thấp sang trồng mướp đắng, dưa chuột và ớt cay. Thời gian đầu mới làm do đất còn ướt nên vất vả nhưng sau đó “trời đã không phụ công người”, mọi thứ dần đi vào ổn định, bình quân mỗi năm tôi thu về hơn 100 triệu đồng từ khi tham gia đề án này”.

Cũng giống hộ ông Lục, gia đình chị Liên thông qua sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Phụ nữ đã được vay 15 triệu đồng để tham gia Đề án. Chị đã sử dụng số tiền vay hợp lý trong việc mua giống cây trồng, phân bón hữu cơ, vật liệu tre nứa làm giàn và phân luống hơn 7 sào đất ruộng cao để trồng mướp đắng và dưa leo. Mặc dù, chuyển đổi sau gia đình ông Lục nhưng hiệu quả sau 3 mùa vụ sản xuất đã mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng cho nhà chị. “Diện tích này trước làm lúa khá vất vả vì không chủ động được nước tưới, thu hoạch cũng chỉ chắc ăn có 1 vụ tháng 5 thôi. Nhưng từ khi tham gia đề án, vay vốn ưu đãi chuyển sang trồng màu, tôi thấy hiệu quả kinh tế cao gấp 5, 6 lần so với trồng lúa. Như vậy, gia đình tôi thoát hết nghèo khó, mới có tiền cho con ăn học tử tế và sửa sang nhà ở chứ”, chị Liên nói.

Ngoài hộ ông Lục, chị Yên, còn có hơn 30 hộ dân ở các thôn Yên Thành, Tân Long… đã được nguồn vốn ưu đãi tiếp sức phát triển sản xuất nông nghiệp, có của ăn của để, vươn lên làm giàu với mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất cây màu.

Sau hơn 3 năm triển khai Đề án, vốn tín dụng ưu đãi phát triển sản xuất nông nghiệp, xã Định Tân hiện xây dựng được 54 trang trại trồng trọt, chăn nuôi tổng hợp; hình thành 15 mô hình cánh đồng màu lớn cho hiệu quả kinh tế cao, tổng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt khoảng 113 triệu đồng (2013) thu nhập bình quân đầu người là 22,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11,2% (2010) xuống còn 4,3% (2012).

Để xóa nghèo bền vững, hoàn thành việc xây dựng các tiêu chí Nông thôn mới vào năm 2015, xã Định Tân tiếp tục phối kết hợp chặt chẽ với các ngành, đặc biệt trú trọng tới nguồn vốn ưu đãi do NHCSXH thực hiện để đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó tập trung hình thành vùng sản xuất chuyên canh lúa, màu, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Lê Diệu Linh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác