Ths. Nguyễn Thị Thu Hiền
Phó Giám đốc Ban Tổ chức cán bộ
Tóm tắt: Bài viết này nghiên cứu thực trạng xếp hạng (xếp loại) các đơn vị trong hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) từ ngày thành lập đến nay gồm chi nhánh NHCSXH tỉnh, thành phố, Sở giao dịch, Trung tâm Đào tạo, Trung tâm Công nghệ thông tin; phân tích, đánh giá những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế của việc xếp loại hiện nay để thấy được sự cần thiết và đề xuất việc xếp loại các đơn vị NHCSXH cấp tỉnh, Phòng giao dịch NHCSXH trong hệ thống NHCSXH trong thời gian tới.
Từ khóa: Tiêu chí xếp loại các đơn vị NHCSXH cấp tỉnh, PGD NHCSXH.
1. Đặt vấn đề
Trong những năm qua, NHCSXH đã không ngừng khẳng định vai trò là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Với mạng lưới trải rộng khắp từ Trung ương đến địa phương gồm Hội sở chính; Sở giao dịch, Trung tâm Đào tạo, Trung tâm Công nghệ thông tin, 63 chi nhánh NHCSXH tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; 619 Phòng giao dịch NHCSXH quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc chi nhánh NHCSXH tỉnh/thành phố; 08 Cơ sở đào tạo, 10.446 điểm giao dịch xã, trải qua hơn 20 năm hoạt động, NHCSXH đã phát triển mạnh mẽ, ổn định trong xu thế hội nhập quốc tế đang diễn ra toàn cầu, cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số đang phát triển rộng khắp, từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính vi mô quốc gia, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Việc nghiên cứu, đề xuất các tiêu chí xếp loại đối với các đơn vị trong hệ thống NHCSXH đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới của hệ thống NHCSXH, là yêu cầu khách quan trong giai đoạn đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam nói chung và giai đoạn quyết định để thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030, đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW nói riêng, nhằm nâng cao hiệu quả điều hành, phân bổ nguồn lực và thúc đẩy thi đua trong toàn hệ thống, qua đó nâng cao năng suất lao động, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, tạo động lực giúp các đơn vị NHCSXH cấp tỉnh, cấp huyện phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
2. Thực trạng xếp loại đơn vị NHCSXH cấp tỉnh, cấp huyện trong hệ thống NHCSXH
Thực hiện các quy định của Nhà nước về việc xếp loại đối với các đơn vị, chi nhánh NHCSXH tỉnh/thành phố, từ khi được thành lập đến nay, NHCSXH đã được cấp thẩm quyền phê duyệt: xếp loại 1 đối với 27 chi nhánh NHCSXH tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Phú Thọ, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Kiên Giang, Nam Định, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn; xếp loại 2 đối với Sở giao dịch, Trung tâm Đào tạo, Trung tâm Công nghệ Thông tin và các chi nhánh NHCSXH tỉnh, thành phố còn lại. Chưa xây dựng tiêu chí xếp loại cho PGD cấp huyện. Việc xếp loại đơn vị NHCSXH cấp tỉnh trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả nổi bật như:
Thứ nhất, kết quả xếp loại đơn vị cơ bản đã căn cứ vào quy mô, chất lượng hoạt động của các chi nhánh trong hệ thống NHCSXH. Đa số những chi nhánh được xếp loại 1 có chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng tốt như dư nợ, tổng số khách hàng, nguồn vốn cao hơn bình quân chung toàn quốc; nợ quá hạn đạt tỷ lệ dưới mức bình quân chung toàn quốc.
Thứ hai, việc xếp loại đã góp phần tạo ra sự công bằng trong thực hiện chi trả tiền lương và một số chế độ chính sách khác đối với người lao động theo loại thực tế đạt được của đơn vị, đã khuyến khích tập thể đơn vị, người lao động nỗ lực, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Thứ ba, việc xếp loại đơn vị như hiện nay, là một trong những yếu tố được xem xét khi thực hiện các công tác cán bộ đặc biệt là công tác luân chuyển, điều động tăng cường cho các đơn vị đang thực hiện đề án củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng cũng như đảm bảo sự ổn định, kế thừa và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý kế cận cho các đơn vị cũng như cho hệ thống NHCSXH.
Qua quá trình hoạt động, một số chi nhánh NHCSXH tỉnh/thành phố được xem xét xếp loại 1 nhưng đến thời điểm hiện tại không còn phù hợp do quy mô hoạt động nhỏ hoặc chất lượng, hiệu quả hoạt động chưa cao so với một số chi nhánh NHCSXH tỉnh/thành phố đang được xếp loại 2. Thêm vào đó, các PGD cấp huyện dù có vai trò then chốt trong tổ chức triển khai tín dụng chính sách xã hội tại cơ sở nhưng lại chưa có tiêu chí, chưa được xếp loại, dẫn đến hạn chế trong công tác quản trị điều hành, chế độ chính sách, công tác cán bộ, thi đua-khen thưởng, phân bổ nguồn lực và quản lý mạng lưới. Đồng thời nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển của NHCSXH trong giai đoạn mới cần phải bổ sung các tiêu chí xếp loại phù hợp để đánh giá toàn diện khi xếp loại chi nhánh NHCSXH tỉnh, thành phố và PGD NHCSXH.
3. Đề xuất xây dựng tiêu chí xếp loại đơn vị NHCSXH cấp tỉnh, PGD NHCSXH trong hệ thống NHCSXH
Nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát thực tế, tổng hợp, phân tích dữ liệu từ 186 cá nhân tại Trung tâm Đào tạo, 11 chi nhánh NHCSXH tỉnh, thành phố, các PGD NHCSXH có quy mô hoạt động khác nhau, các vùng miền, địa bàn hoạt động thuận lợi, khó khăn, vùng sâu, vùng xa với đặc thù hoạt động khác nhau về thực trạng xếp loại đơn vị NHCSXH cấp tỉnh, PGD NHCSXH, kết quả cho thấy: có đến 100% ý kiến được khảo sát đồng ý và rất đồng ý phải xếp loại chính thức đối với đơn vị NHCSXH cấp tỉnh, PGD NHCSXH trong hệ thống NHCSXH; có đến 87% ý kiến được khảo sát đồng ý và rất đồng ý quan điểm cho rằng việc xếp loại đối với đơn vị NHCSXH cấp tỉnh, PGD NHCSXH đảm bảo sát thực trong đánh giá kết quả hoạt động của đơn vị gắn với việc chi trả tiền lương và các chế độ chính sách khác cho người lao động; có đến 93% ý kiến được khảo sát đồng ý và rất đồng ý quan điểm cho rằng việc xếp loại đơn vị NHCSXH cấp tỉnh, PGD NHCSXH tạo động lực làm việc tốt cho nhân viên, khuyến khích họ phấn đấu và cải thiện năng suất lao động, xây dựng một môi trường văn hóa làm việc tích cực và chuyên nghiệp; có đến 87% đồng ý và rất đồng ý quan điểm cho rằng việc xếp loại đối với đơn vị NHCSXH cấp tỉnh, PGD NHCSXH làm cơ sở để xác định nhu cầu lao động và phân bổ chỉ tiêu lao động,…
Thực hiện Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 04/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030 và Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới, trên cơ sở quy định của Nhà nước về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước thì tiền lương của người lao động phải gắn với năng suất lao động, hiệu quả hoạt động của NHCSXH và kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu đề xuất xây dựng tiêu chí xếp loại đơn vị NHCSXH cấp tỉnh, PGD NHCSXH cụ thể như sau:
Đối với chi nhánh NHCSXH tỉnh/thành phố, tiêu chí xếp loại được chia thành hai nhóm chính: (1) Nhóm phản ánh độ phức tạp trong quản lý gồm 04 chỉ tiêu: tổng dư nợ cho vay, số lượng PGD quản lý, dư nợ bình quân/1 cán bộ; số khách hàng bình quân/1 cán bộ; (2) Nhóm phản ánh hiệu quả hoạt động gồm 03 chỉ tiêu: tỷ lệ nợ quá hạn + nợ khoanh, chênh lệch thu - chi chưa có lương (không tính chi trả lãi huy động vốn, trích lập dự phòng rủi ro) và chỉ tiêu nguồn vốn ủy thác địa phương. Tương tự, tiêu chí xếp loại PGD NHCSXH cũng được chia thành hai nhóm chính gồm nhóm các tiêu chí đánh giá về độ phức tạp trong quản lý, 4 chỉ tiêu (tổng dư nợ cho vay, số lượng xã/phường/đặc khu quản lý, dư nợ bình quân/1 cán bộ; số khách hàng bình quân/1 cán bộ) và nhóm tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của đơn vị, 2 chỉ tiêu (tỷ lệ nợ quá hạn + nợ khoanh, chênh lệch thu-chi chưa có lương).
Trên cơ sở thang điểm tối đa là 100 điểm, căn cứ vào mục tiêu hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, thực tiễn, đặc thù hoạt động, nhóm nghiên cứu lựa chọn nhóm tiêu chí thứ nhất chiếm 60% số điểm tối đa, nhóm thứ hai chiếm 40% số điểm tối đa. Phương pháp tính điểm và lượng hóa điểm các chỉ tiêu được thực hiện dựa trên số liệu bình quân 2 năm liền kề với năm thực hiện xếp loại của các đơn vị trong hệ thống/các PGD NHCSXH thuộc chi nhánh, có tính thêm đến tốc độ tăng trưởng tín dụng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao của năm kế hoạch và yếu tố địa lý, vùng khó khăn quản lý thông qua hệ số quy đổi bảo đảm tính khách quan, công bằng trong đánh giá xếp loại đơn vị và sát thực tế.
Trong bối cảnh nền kinh tế và xã hội không ngừng phát triển, nhất là trong giai đoạn tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tập trung đẩy mạnh sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống Chính trị theo Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị về sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã; Nghị quyết 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, việc xếp loại các đơn vị NHCSXH cấp tỉnh, PGD NHCSXH theo các tiêu chí mới đảm bảo phù hợp với tình hình hoạt động thực tế của các đơn vị.
Những chi nhánh có quy mô hoạt động lớn hoặc chất lượng hoạt động tín dụng cao, kết quả hoạt động tốt xứng đáng được xếp loại 1. Đây không chỉ là sự ghi nhận xứng đáng đối với tập thể chi nhánh mà còn là căn cứ để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Việc đảm bảo quyền lợi thỏa đáng là yếu tố quan trọng góp phần động viên, khuyến khích người lao động gắn bó, tâm huyết với ngành và phát huy tốt hơn nữa năng lực, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Những chi nhánh có quy mô nhỏ hơn sẽ có động lực để phấn đấu tăng trưởng, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động góp phần nâng cao chất lượng toàn hệ thống, duy trì và tiếp tục phát huy hiệu lực, hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội đặc thù, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Việc xếp loại PGD NHCSXH được thực hiện theo những tiêu chí mới sẽ là một bước tiến quan trọng không chỉ để đảm bảo về tiền lương và chế độ chính sách, giữ chân nhân tài, thu hút lao động, tạo động lực giúp người lao động yên tâm công tác, gắn bó lâu dài, nâng cao năng suất lao động, tiến tới sẽ giúp NHCSXH thực hiện công tác định biên lao động, góp phần quản trị nguồn nhân lực của NHCSXH đạt được hiệu quả cao; nâng cao chất lượng lao động, hiệu quả công việc để đảm bảo thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội được Chính phủ giao và các chương trình tín dụng do các địa phương, các tổ chức, đơn vị giao vốn ủy thác; 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính toàn diện do NHCSXH cung cấp.
4. Kết luận
Việc xếp loại đơn vị NHCSXH cấp tỉnh, PGD NHCSXH là yêu cầu cần thiết trong tiến trình nâng cao hiệu quả quản trị, minh bạch hóa đánh giá, xếp loại đơn vị và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hoạt động trong giai đoạn mới. Ngoài ra, việc xếp loại các đơn vị NHCSXH cấp tỉnh, PGD NHCSXH rõ ràng theo tiêu chí định lượng còn là cơ sở quan trọng để thực hiện tốt chế độ tiền lương, chính sách cho người lao động gắn với hiệu quả công việc, thực hiện công tác cán bộ, thi đua-khen thưởng, phân bổ lao động và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Đây là một bước đi quan trọng, góp phần hoàn thiện tổ chức bộ máy, thúc đẩy tính chuyên nghiệp trong quản trị và vận hành NHCSXH đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển NHCSXH trong giai đoạn mới, đặc biệt trong bối cảnh NHCSXH đang thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030 và Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách trong giai đoạn mới. Việc xếp loại tạo động lực để các đơn vị nỗ lực phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của đơn vị, qua đó góp phần hiện thực hóa các mục tiêu lớn trong Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững, góp phần thực hiện thành công chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong quá trình xây dựng đất nước là phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội với tinh thần “tất cả cùng phát triển”, “không ai bị bỏ lại phía sau”, qua đó góp phần thực hiện thành công công tác giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và củng cố quốc phòng-an ninh, cũng như tăng cường, củng cố nhiềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước./.