Điểm dừng đầu tiên trong chuyến hành trình là khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), nơi bắt đầu con đường Trường Sơn lịch sử.
Ngã ba Đồng Lộc giờ đây bình yên, tĩnh lặng với màu xanh bạt ngàn của núi rừng, nhưng trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước, nơi này được mệnh danh là “tọa độ chết”, là “túi bom” mà đế quốc Mỹ thả xuống, nhằm ngăn chặn sự chi viện cho chiến trường miền Nam.
Nhắc đến Ngã ba Đồng Lộc là nhắc tới tấm gương anh dũng hy sinh của 10 cô gái thanh niên xung phong khi họ mới mười tám, đôi mươi. Các chị đã gửi lại tuổi thanh xuân của mình để góp phần giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. 10 cô gái thanh niên xung phong anh hùng, 10 đóa hoa bất tử. Thắp nén tâm nhang trước đài tưởng niệm và trên mộ phần các nữ anh hùng, các thành viên trong đoàn đã tưởng nhớ về công lao, sự hy sinh mất mát to lớn của lực lượng thanh niên xung phong nói chung, các nữ Anh hùng thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ nói riêng. Trong nỗi đau của chiến tranh một thuở, đã vang lên bản anh hùng ca bất diệt của lòng yêu nước và ý chí kiên cường chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Rời Ngã ba Đồng Lộc, đoàn công tác đã về thắp hương tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị đại tướng vĩ đại của dân tộc mà tên tuổi của Người gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Đến mảnh đất Quảng Bình khúc ruột miền Trung, mang vị mặn chát của biển, là nơi Đại tướng đã sinh ra, lớn lên và về an nghỉ khi qua đời.
Dâng hương trước mộ Đại tướng, cán bộ, viên chức và người lao động NHCSXH đều trong tâm trạng bồi hồi xúc động và như được tiếp thêm sức mạnh từ chí khí của vị Tướng vĩ đại của lòng dân. “Các thành viên trong Đoàn đến đây với tấm lòng ngưỡng mộ, ghi nhớ công ơn người Anh hùng dân tộc đã yên giấc ngàn thu giữa lòng đất mẹ, giữa mảnh đất miền Trung nắng gió, sự hy sinh của Người cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam sẽ luôn được các thế hệ cháu con ghi nhớ, những cán bộ NHCSXH nguyện sẽ đem hết tâm huyết và tài năng của mình phục vụ cho sự nghiệp giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới, để đất nước Việt Nam ta ngày càng giàu đẹp hơn”. Chủ tịch Công đoàn cơ sở Hội sở chính NHCSXH Phan Cử Nhân tâm sự.
Tiếp theo hành trình, Đoàn đã dâng hương, tưởng nhớ các liệt sỹ tại Đền thờ các Anh hùng liệt sỹ đường 20 - Quyết thắng và Hang Tám Cô, một địa danh được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, địa chỉ đỏ thu hút bao thế hệ tìm về lịch sử của dân tộc, sống lại chiến trường xưa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sở dĩ, đường được đặt tên là đường 20 - Quyết thắng, bởi lẽ bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân và dân công ba sẵn sàng đã tham gia mở, xây dựng và bảo vệ con đường này hầu hết đều ở lứa tuổi 20, và không ít người đã nằm xuống trên con đường này khi còn “mãi mãi tuổi hai mươi”. Trong đó câu chuyện về sự hy sinh đau thương mà bất khuất của 8 chiến sỹ thanh niên xung phong tại chính di tích này giờ đây đã đi vào huyền thoại.
Đoàn dâng hương nghiêng mình tưởng niệm 8 liệt sỹ còn rất trẻ và nhớ lại sự kiện đau thương và bi tráng, thấm đẫm chất anh hùng ca một thời. Chính nơi đây nhà bia tưởng niệm “Hang Tám cô” cùng những anh hùng, liệt sỹ Đường 20 - Quyết Thắng được xây dựng khang trang. Bài phú khắc bia đá với những dòng chữ vàng ghi công anh hùng - liệt sỹ Đường 20 - Quyết Thắng của Giáo sư Vũ Khiêu đặt trang trọng trong nhà bia có những câu: “Vươn cao muôn trượng bóng anh hùng/Toả sáng mười phương gương dũng kiệt… Tuổi hai mươi nguyện hiến non sông/Đường trăm trận sá gì sống chết… Tuổi chẳng thọ nhưng huân công mãi mãi trường tồn/Thân dù tan mà khí phách đời đời bất diệt…”. Đến đây chúng tôi được nghe những câu chuyện về sự linh thiêng như một huyền thoại và tự nhủ lòng mình hãy sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của biết bao thế hệ cha anh vì một hoài vọng thiêng liêng: Thống nhất Tổ quốc.
PV