Nguồn vốn ủy thác được hội viên CCB sử dụng hiệu quả

09/05/2015
(VBSP News) Được Hội CCB phường giao quản lý 4 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 180 hộ vay, dư nợ là 3,4 tỷ đồng nhưng không có nợ quá hạn là những kết quả nổi bật của ông Đặng Hoàng Lâm - Chủ tịch Hội CCB phường Rạch Sỏi, TP. Rạch Giá (Kiên Giang).
Chủ tịch Đặng Hoàng Lâm (phải) thăm hội viên CCB vay vốn ưu đãi nuôi chim bồ câu

Chủ tịch Đặng Hoàng Lâm (phải) thăm hội viên CCB vay vốn ưu đãi nuôi chim bồ câu

Phường Rạch Sỏi là phường trung tâm của TP. Rạch Giá, có diện tích tự nhiên 3,46km2 với 4.556 hộ gồm 17.448 nhân khẩu. Trong đó có 149 hội viên CCB với 05 khu phố đều có Chi hội CCB và 04 Ttiết kiệm và vay vốn. Nhận thấy một số hội viên CCB gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống do thiếu kinh nghiệm về lĩnh vực kinh tế, thiếu vốn sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, nhiều hội viên không có lương hưu, không có việc làm ổn định, phải vật lộn với cuộc sống hàng ngày để kiếm kế mưu sinh vượt qua khó khăn trước mắt, Chủ tịch Hội CCB Đặng Hoàng Lâm đã chủ động tham mưu đề xuất với UBND phường kiện toàn lại các Ttiết kiệm và vay vốn và nâng cao hoạt động nhận ủy thác NHCSXH tỉnh Kiên Giang. Bản thân ông được phân công trực tiếp theo dõi hoạt động của 04 Ttiết kiệm và vay vốn.

Bước đầu, ông đã cho kiện toàn lại nhân sự của các Ttiết kiệm và vay vốn bằng cách đổi những Tổ trưởng và Tổ phó không nhiệt tình với công việc, hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả. 

Với vai trò quản lý, ông đề ra chương trình giám sát cụ thể, minh bạch và sâu sát. “Vào ngày giao ban với NHCSXH tôi đều có mặt, không vắng buổi nào vì vậy tôi nắm rất chắc chủ trương, chính sách trong việc cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đồng thời thông tin tình hình vay vốn của bà con trong tổ cho ngân hàng để cùng nhau kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Tôi cũng thường xuyên đi kiểm tra hoạt động của Ttiết kiệm và vay vốn, kiểm tra việc sử dụng vốn của hộ vay xem khi họ nhận vốn về có sử dụng đúng mục đích hay không, làm ăn có hiệu quả không. Qua kiểm tra thực tế, khi phát hiện những hộ vay vốn gặp khó khăn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt… tôi phối hợp với các tổ chức đoàn thể khác hỗ trợ kỹ thuật cho bà con. Cẩn thận hơn, tôi còn in danh sách thu lãi, thu nợ, tiền gửi tiết kiệm hàng tháng của các Tổ trưởng. Sau đó tôi đi xuống địa bàn, đến tận các hộ vay vốn đối chiếu xem thực tế có đúng như vậy không. Nhờ vậy, các Ttiết kiệm và vay vốn do tôi quản lý đều không có tình trạng chiếm dụng vốn”, CCB Lâm cho biết.

Để khắc phục tình trạng nợ quá hạn, lãi tồn cao, tỷ lệ tiền gửi tiết kiệm thấp, CCB Lâmcòn lồng ghép phong trào “dân vận khéo” vào hoạt động vay vốn. Ông cho biết thêm: “Trong các buổi sinh hoạt của Tổ tiết kiệm và vay vốn, các cán bộ đều vận động những hộ vay nộp đủ lãi cho ngân hàng, không để lãi phát sinh. Nếu hộ nào không nộp ông sẽ xuống tận các hộ dân để xem xét tình hình. Nếu người nào làm tốt thì lần sau đến hạn trả xong, tổ sẽ hỗ trợ tiếp cận một phần vốn để tiếp tục sản xuất làm ăn”.

Nhờ sự tâm huyết, tận tình vì công việc nên cả 04 Tổ tiết kiệm và vay vốn do Chủ tịch Hội CCB phường Đặng Hoàng Lâm phụ trách đều không xảy ra tiêu cực, nguồn vốn ưu đãi lại được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả cao nhất.“Mỗi khi thấy gia đình nào thoát nghèo, làm ăn khấm khá nhờ những đồng vốn ưu đãi là ông cảm thấy rất vui. Đó là động lực to lớn để ông tiếp tục làm việc, tiếp tục cống hiến”, Chủ tịch Lâm chia sẻ.

Bài và ảnh Duy Thắng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác