Ths. Đoàn Ngọc Chung
Giám đốc Chi nhánh NHCSXH thành phố Đà Nẵng
Tóm tắt:
Trong những năm qua, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã tích cực triển khai Chương trình “3 Có”: “Có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa văn minh đô thị” thông qua nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tín dụng chính sách xã hội đóng vai trò nòng cốt, đặc biệt là cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Nguồn vốn này trở thành công cụ kinh tế quan trọng, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu “Có việc làm” trong Chương trình “3 Có” của Thành phố. Bài báo này tập trung phân tích những kết quả đã đạt, chỉ ra những điểm còn tồn tại, hạn chế và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng.
Từ khóa: Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, NHCSXH, tín dụng chính sách.
Người dân xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang tập trung xây dựng bưởi Hòa Ninh thành sản phẩm OCOP nhờ nguồn vốn từ NHCSXH
1. Đặt vấn đề
Thị trường lao động Đà Nẵng chịu tác động từ công nghệ, kinh tế toàn cầu và cơ cấu dân số, đòi hỏi kỹ năng mới và khả năng thích ứng cao. Mục tiêu của thành phố đến năm 2025 là giải quyết việc làm cho 170.000-175.000 lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 3% và tăng tỷ lệ tạo việc làm bình quân 4,5-5%/năm. Để thực hiện nhiệm vụ đó, Đà Nẵng cần phát huy và tăng cường thực hiện tốt các chính sách, vừa phải phối hợp và định hướng chỉ đạo cho các tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng cùng chung tay giải quyết vấn đề việc làm, cải thiện đời sống nhân dân trên địa bàn thành phố, trong đó có vai trò của chi nhánh NHCSXH thành phố Đà Nẵng.
2. Thực trạng chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của NHCSXH thành phố Đà Nẵng (giai đoạn từ 2021–2024)
2.1. Từ góc độ ngân hàng
Trong giai đoạn 2021-2024, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm của NHCSXH thành phố Đà Nẵng ghi nhận sự phát triển ổn định, phản ánh vai trò quan trọng trong phục hồi kinh tế và giải quyết việc làm sau đại dịch. Cụ thể:
- Về nguồn vốn cho vay, tổng nguồn vốn tăng mạnh từ 2.276 tỷ đồng năm 2021 lên 3.577 tỷ đồng năm 2024, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 16%/năm. Dù tốc độ tăng hàng năm có xu hướng giảm nhẹ, nhưng vẫn cho thấy nỗ lực lớn trong việc mở rộng quy mô tiếp cận vốn.
Bảng 1. Nguồn vốn của chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm tại NHCSXH - Chi nhánh thành phố Đà Nẵng
ĐVT: tỷ đồng
(Nguồn: Báo cáo hoạt động các năm 2021-2024 của CN NHCSXH TP Đà Nẵng)
- Về dư nợ, tổng dư nợ chương trình cũng tăng đều từ 2.200 tỷ đồng (2021) lên 3.575 tỷ đồng (2024). Mức tăng tuyệt đối qua các năm dao động từ 443–468 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng từ 14,89% đến hơn 21%/năm, cho thấy nhu cầu và hiệu quả sử dụng vốn ngày càng cao.
Bảng 2. Tình hình dư nợ cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm tại NHCSXH - Chi nhánh thành phố Đà Nẵng
ĐVT: tỷ đồng
(Nguồn: Báo cáo hoạt động các năm 2021-2024 của CN NHCSXH TP Đà Nẵng)
- Về doanh số cho vay và số lượng khách hàng, tổng doanh số cho vay đạt 5.116,574 tỷ đồng trong 4 năm, tăng 53% so với năm đầu. Số lượt khách hàng được vay vốn tăng từ 20.787 (2021) lên 22.440 (2024), nâng tổng số khách hàng tiếp cận vốn lên 84.364 lượt người. Điều này cho thấy chương trình không chỉ mở rộng quy mô mà còn nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho người lao động.
- Về chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ quá hạn luôn được duy trì ở mức thấp (0,01%–0,02%), phản ánh công tác quản lý tín dụng chặt chẽ và hiệu quả. Nợ quá hạn chủ yếu đến từ các trường hợp chây ỳ, bỏ trốn hoặc khách hàng mất năng lực hành vi dân sự, nhưng các khoản này đều được xử lý tích cực thông qua phối hợp địa phương và các biện pháp hỗ trợ tín dụng.
Bảng 3. Tình hình nợ quá hạn, nợ khoanh chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm giai đoạn 2021-2024
ĐVT: triệu đồng, %
(Nguồn: Báo cáo hoạt động các năm 2021-2024 của CN NHCSXH TP Đà Nẵng)
- Về hiệu quả tạo việc làm, chương trình đã hỗ trợ tạo, duy trì và mở rộng việc làm cho 96.778 lượt lao động, đóng góp khoảng 55,3%–56,9% so với tổng mục tiêu giải quyết việc làm của toàn thành phố. Đây là minh chứng rõ nét cho vai trò của nguồn vốn tín dụng chính sách trong thúc đẩy sinh kế và phát triển kinh tế hộ gia đình tại Đà Nẵng.
2.2. Từ góc độ khách hàng
Từ góc độ của khách hàng, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm do NHCSXH thành phố Đà Nẵng triển khai thực hiện được đánh giá tích cực. Kết quả khảo sát cho thấy phần lớn khách hàng hài lòng với chương trình, đặc biệt ở các tiêu chí như: thủ tục vay đơn giản (75,7%), thời gian giải quyết hồ sơ nhanh chóng (98,1%), lãi suất phù hợp, không mất phí hồ sơ (99,2%), đồng thời mức vay và thời hạn vay cơ bản đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhỏ mong muốn mức vay cao hơn và thời hạn vay linh hoạt hơn.
- Về khả năng tiếp cận thông tin cũng đạt kết quả tích cực, khi hầu hết người dân được khảo sát đều biết đến chương trình, trong đó các quận như Liên Chiểu, Thanh Khê có mức độ nhận thức cao nhất. Tuy nhiên, tại huyện Hòa Vang, việc nắm thông tin còn hạn chế, cho thấy cần cường công tác truyền thông để bảo đảm sự tiếp cận đồng đều giữa các địa phương.
- Về hiệu quả chương trình: 99,4% người được hỏi cho rằng chương trình mang lại hiệu quả thiết thực. Sự hỗ trợ và phối hợp của chính quyền, cán bộ NHCSXH và các Tổ TK&VV được đánh giá cao, đặc biệt là trong công tác hướng dẫn, bình xét và cung cấp thông tin. Tỷ lệ đồng ý với quy trình bình xét minh bạch và công bằng đạt 97,4%.
- Về tác động kinh tế - xã hội của chương trình cũng rất đáng ghi nhận. Có 84,6% người vay cho biết thu nhập tăng sau khi vay vốn, 68% có thêm thu nhập, và 49,7% có việc làm mới. Tuy nhiên, chỉ 31,4% nhận thấy mức sống cải thiện rõ rệt, cho thấy hiệu quả kinh tế còn bị hạn chế bởi chi phí sinh hoạt cao và thu nhập tăng chưa đủ tạo ra tiết kiệm dài hạn. Đặc biệt, chương trình đã giúp người dân cải thiện cuộc sống theo hướng bền vững: 94% người vay cho biết cuộc sống được cải thiện sau khi tham gia chương trình, đặc biệt là tránh được vay nặng lãi, thoát khỏi “bẫy tín dụng đen”, với hiệu quả rõ rệt ở nhóm tuổi 30–60 tại các địa phương như Liên Chiểu, Hòa Vang và Sơn Trà. Tuy nhiên, chương trình vẫn gặp một số khó khăn như công tác tuyên truyền chưa đồng đều, thủ tục vay vốn ở một số nơi còn phức tạp, nguồn vốn hạn chế và thời gian giải ngân đôi khi chưa kịp thời. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan còn thiếu đồng bộ, ảnh hưởng đến hiệu quả chung của chương trình.
Tóm lại, với quy mô ngày càng mở rộng, chất lượng tín dụng ổn định và hiệu quả tạo việc làm cao, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm của NHCSXH thành phố Đà Nẵng đã khẳng định vị thế là công cụ chính sách tài chính xã hội hiệu quả, góp phần tích cực vào phục hồi và phát triển kinh tế địa phương sau đại dịch. Chương trình đã góp phần đáng kể vào việc cải thiện đời sống, tạo việc làm và phát triển kinh tế hộ gia đình cho người dân Đà Nẵng. Tuy vậy, để nâng cao hiệu quả, cần tăng cường truyền thông, đơn giản hóa thủ tục, đẩy nhanh giải ngân và huy động thêm nguồn vốn hỗ trợ cho chương trình
Khách hàng Lê Ích Dũng, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng
vay vốn tín dụng chính sách để phát triển nghề cá
3. Đánh giá chung về thực trạng hoạt động cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm tại NHCSXH – Chi nhánh thành phố Đà Nẵng
Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm do NHCSXH triển khai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực, thể hiện vai trò quan trọng trong thực hiện mục tiêu an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Với cơ chế cho vay ưu đãi, thủ tục tương đối phù hợp và mạng lưới triển khai rộng khắp, chương trình đã hỗ trợ hiệu quả cho các hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nhỏ và người lao động tự do tiếp cận được nguồn lực tài chính để mở rộng sản xuất, tạo việc làm và nâng cao thu nhập.
Từ góc độ chính sách, việc thiết kế linh hoạt về mức vay, thời hạn vay và lãi suất đã phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ của người dân. Hệ thống tổ chức tín dụng chính sách thông qua các tổ chức nhận ủy thác, đặc biệt là các tổ Tiết kiệm và vay vốn, đã đóng vai trò cầu nối hiệu quả giữa ngân hàng và người dân, góp phần đưa tín dụng chính sách đi vào đời sống một cách thực chất.
Tuy nhiên, chương trình vẫn còn một số tồn tại nhất định cần được nhìn nhận và điều chỉnh. Trước hết, nguồn lực tín dụng chính sách chưa thực sự đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn trong bối cảnh nhu cầu đầu tư sản xuất phục hồi hậu đại dịch và chuyển dịch sang các ngành nghề ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, một số quy định hiện hành, đặc biệt là việc giới hạn mức vay theo số lượng lao động, đang dần trở nên lạc hậu so với xu thế phát triển mô hình sản xuất tinh gọn, ứng dụng máy móc thay lao động thủ công.
Yêu cầu có tài sản bảo đảm đối với khoản vay trên 100 triệu đồng là rào cản lớn đối với doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh chưa đủ điều kiện thế chấp. Trong khi đó, quy trình xét duyệt hồ sơ vẫn còn phức tạp, thiếu ứng dụng công nghệ số, làm giảm hiệu quả phục vụ và cản trở khả năng tiếp cận của người dân. Đáng chú ý, công tác truyền thông và tư vấn chính sách chưa được triển khai đồng bộ, dẫn đến tình trạng một bộ phận người dân chưa nắm bắt đầy đủ thông tin và điều kiện vay vốn.
4. Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm tại Chi nhánh NHCSXH thành phố Đà Nẵng
Nhóm tác giả đề tài đề xuất rằng, để chương trình phát huy hiệu quả tối đa, cần có những giải pháp tổng thể, đồng bộ trên cả năm trụ cột: chính sách tín dụng, nguồn vốn, tổ chức thực hiện, công nghệ số và truyền thông cộng đồng.
Thứ nhất, cần có chính sách huy động và phân bổ nguồn vốn linh hoạt hơn. Việc đa dạng hóa nguồn lực tài chính thông qua cơ chế huy động vốn từ ngân sách địa phương, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng sẽ tạo nền tảng vững chắc để mở rộng quy mô cho vay. Đồng thời, đề xuất hợp nhất các nguồn vốn cùng mục tiêu (như Quỹ hỗ trợ phụ nữ, Quỹ việc làm thanh niên, Quỹ hỗ trợ nông dân…) vào NHCSXH để tạo ra hiệu ứng cộng hưởng, tránh chồng chéo và phân tán nguồn lực.
Thứ hai, chính sách cho vay cần được điều chỉnh theo hướng nâng cao khả năng tiếp cận và phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế số. Cần xem xét bỏ quy định khống chế mức vay theo số lượng lao động, thay vào đó là cơ chế xét duyệt dựa trên nhu cầu thực tế và khả năng phát triển mô hình sản xuất. Đồng thời, kiến nghị nâng hạn mức vay không cần tài sản bảo đảm từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng, mở rộng danh mục tài sản thế chấp phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp nhỏ.
Thứ ba, cần đẩy mạnh kết nối chính sách tín dụng với các chương trình đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ. Việc lồng ghép các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, đào tạo kỹ năng quản trị tài chính và kỹ thuật sản xuất sẽ tạo điều kiện để người vay sử dụng vốn hiệu quả, từ đó nâng cao chất lượng và khả năng hoàn trả. Đồng thời, nên ưu tiên phân bổ vốn cho các ngành nghề có giá trị gia tăng cao như công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế xanh và mô hình du lịch cộng đồng.
Thứ tư, tổ chức thực hiện cần được cải tiến theo hướng tinh gọn và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số. Việc số hóa toàn bộ quy trình vay vốn, từ tiếp nhận hồ sơ, xét duyệt, giải ngân đến quản lý sau vay sẽ giúp rút ngắn thời gian xử lý, giảm thiểu sai sót và tăng cường tính minh bạch. NHCSXH cần phát triển nền tảng ứng dụng di động hoặc cổng thông tin trực tuyến để hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin, theo dõi tiến độ và nhận tư vấn trực tuyến.
Thứ năm, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở và hệ thống Tổ TK&VV là yêu cầu then chốt. Cần tăng cường các khóa đào tạo thực hành, chuyên sâu cho cán bộ hội đoàn thể, tổ trưởng tổ vay vốn, tập trung vào kỹ năng tư vấn, thẩm định và quản lý rủi ro. Việc thiết lập cơ chế đánh giá, khen thưởng định kỳ sẽ tạo động lực và chuẩn hóa hoạt động của mạng lưới này.
Thứ sáu, công tác truyền thông cần được làm mới cả về nội dung và hình thức. Thay vì chỉ dựa vào các kênh truyền thống, cần tích cực khai thác các nền tảng số như mạng xã hội, website, YouTube để truyền tải thông tin ngắn gọn, trực quan, dễ tiếp cận. Song song đó, tổ chức các buổi tư vấn trực tiếp, lưu động kết hợp với tuyên truyền cá nhân hóa tại địa bàn dân cư sẽ giúp người dân hiểu rõ hơn về chính sách và yên tâm vay vốn.
Thứ bảy, công tác kiểm tra, giám sát cần được chuyên nghiệp hóa và có tính hệ thống. Việc xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ, kết hợp kiểm tra đột xuất, giám sát cộng đồng và báo cáo kết quả công khai sẽ đảm bảo tính minh bạch trong sử dụng vốn. Đặc biệt, cần phát huy vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong giám sát việc xét duyệt, sử dụng và thu hồi vốn.
Cuối cùng, xây dựng và nhân rộng các mô hình tín dụng điểm là chiến lược cần được ưu tiên. Thông qua việc triển khai thí điểm có chọn lọc tại những địa bàn có điều kiện thuận lợi, chương trình có thể kiểm chứng hiệu quả, rút kinh nghiệm, từ đó mở rộng ra toàn thành phố. Mỗi mô hình thành công sẽ không chỉ tạo thêm việc làm bền vững mà còn lan tỏa tinh thần đổi mới, khởi nghiệp trong cộng đồng.
Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của NHCSXH thành phố Đà Nẵng đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu “Có việc làm” trong Chương trình “3 Có” của Thành phố Đà Nẵng. Mặc dù còn một số tồn tại, hạn chế, chương trình vẫn khẳng định vai trò then chốt trong giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn. Để nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả chương trình trong thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường nguồn vốn, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng truyền thông và năng lực cán bộ, đồng thời thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ giữa NHCSXH với chính quyền địa phương và các tổ chức hội đoàn thể nhận ủy thác. Đây là nền tảng quan trọng để đảm bảo chương trình phát huy tối đa vai trò hỗ trợ sinh kế, tạo động lực vững chắc cho phát triển kinh tế hộ gia đình và cộng đồng dân cư tại TP. Đà Nẵng.