Hưng Yên tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị của Đảng về tín dụng chính sách

03/08/2021
(VBSP News) Sau 6 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đảng, sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị và việc triển khai tích cực của NHCSXH, công tác tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã trực tiếp giúp đỡ, khuyến khích các đối tượng chính sách vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu chính đáng.
image0016

NHCSXH tỉnh Hưng Yên đáp ứng đủ vốn vay cho người dân trong mùa dịch COVID-19

Từ khi Chỉ thị 40 được đưa vào cuộc sống, các Sở, ban ngành ở tỉnh Hưng Yên đã phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác tín dụng chính sách và quản lý đạt hiệu quả hơn nguồn vốn chính sách. Hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo tập trung nguồn lực quy về một đầu mối quản lý là NHCSXH thực hiện cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. 6 tháng đầu năm 2021 tuy tình hình kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân khó khăn do đại dịch COVID-19 bùng phát, lan rộng nhưng UBND tỉnh Hưng Yên vẫn chuyển 10 tỷ đồng uỷ thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đầu tư SXKD kịp thời vụ. Đến ngày 30/6/2021, tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương đạt 110 tỷ đồng, tăng 16 tỷ đồng so với cuối năm 2020, góp phần nâng tổng nguồn vốn hoạt động của NHCSXH tỉnh Hưng Yên lên 3.056 tỷ đồng.

Song song đó là công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách, trong đó có Chỉ thị số 40 đã được MTTQ cùng các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện với phương châm đa dạng về nội dung, sinh động về hình thức. Đơn cử như Hội Phụ nữ tỉnh đã phối hợp với NHCSXH tổ chức trên 2.000 lớp tập huấn nghiệp vụ tín dụng chính sách, chuyển giao công nghệ KHKT cho gần 14 nghìn hội viên phụ nữ tham gia xây dựng các mô hình trồng lúa chất lượng cao, mô hình trồng khoai tây, thâm canh rau an toàn theo hướng sinh học.

Sau 6 năm thực hiện Chỉ thị 40, chi nhánh NHCSXH tỉnh Hưng Yên có thêm lực, thêm đà thực hiện tốt công tác huy động nguồn vốn và đổi mới quy trình, thủ tục phương thức đầu tư cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Liên tục những năm qua, với phương thức cho vay trực tiếp, cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội có trọng tâm, trọng điểm; Hiện, các tổ chức chính trị - xã hộinhận ủy của NHCSXH đã tham gia quản lý 99,8% tổng dư nợ tín dụng chính sách. Hệ thống 161 Điểm giao dịch xã phủ rộng rãi khắp các thôn, xã, phường, thị trấn được duy trì hoạt động định kỳ, an toàn. Mạng lưới 2.782 Tổ tiết kiệm và vay vốn luôn được củng cố, kiện toàn giúp cho NHCSXH thực hiện hiệu quả phương châm “giao dịch tại nhà, giải ngân tại xã”.

Người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã được hưởng lợi về chính sách tín dụng của Đảng, Nhà nước nên xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Tiêu biểu có bà Trần Thị Hòa ở thị trấn Trần Cao, huyện Phù Cừ đã sử dụng 50 triệu đồng vốn hộ nghèo thâm canh vườn cây ăn quả đặc sản nhãn lồng, bưởi da xanh và chăn nuôi bò sinh sản, thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm.

Lãnh đạo huyện ủy Phù Cừ chia sẻ: Nhận thức về ý nghĩa to lớn của Chỉ thị số 40, huyện ủy đã quán triệt và triển khai nhiều biện pháp thiết thực, tạo điều kiện đẩy mạnh hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, trong đó, hàng năm UBND huyện đã chỉ đạo triển khai nghiêm túc công tác điều tra, rà soát, phê duyệt đầy đủ, chính xác danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Đồng thời, chuyển vốn ngân sách của huyện sang NHCSXH 1,4 tỷ đồng để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Chỉ thị số 40 của Đảng đã tạo đà chuyển động công tác tín dụng chính sách ở tỉnh Hưng Yên. Thời gian qua, NHCSXH tỉnh có điều kiện chủ động xây dựng và thực hiện phương án ứng phó phòng, chống đại dịch COVID-19, đảm bảo mọi hoạt động thông suốt, an toàn; tích cực hỗ trợ khách hàng khôi phục sản xuất như: tạm dừng thu nợ gốc, thu lãi ở những nơi bị khoanh vùng, cách ly cho đến khi khâu giao dịch với ngân hàng trở lại bình thường. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2021, NHCSXH tỉnh Hưng Yên còn gia hạn nợ cho 1.350 khách hàng với số tiền trên 52,4 tỷ đồng và đang khẩn trương triển khai thực hiện Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ về cho vay ưu đãi đối với người sử dụng lao động trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất do đại dịch COVID-19.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Hưng Yên Nguyễn Thị Xuân cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục thực hiện sâu rộng Chỉ thị 40 và Kết luận số 06 của Ban Bí thư, triển khai có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngân hàng, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách, hoạt động ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội và tình hình sử dụng vốn của người vay, góp phần thiết thực, đắc lực thực hiện công cuộc giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững xây dựng nông thôn mới, kiểu mẫu.

Nguyễn Dư

Các tin bài khác