Hội Phụ nữ tiêu biểu về công tác nhận uỷ thác tín dụng chính sách

26/05/2015
(VBSP News) Ở thành phố Kon Tum (Kon Tum) có phường Lê Lợi từ lâu đã hình thành 2 khu vực nông thôn và thành thị rõ rệt, với 2/3 là làng xóm có núi đồi bao quanh và hơn 80% đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên sinh sống, nghèo khó, thiếu thốn cả kiến thức lẫn vốn sản xuất; còn lại là người kinh xen lẫn người Ba Na, Xê Đăng, người từ các nơi khác về ngụ cư tại các hẻm phố thuộc địa bàn thành thị song đời sống vẫn gặp không ít khó khăn. Từ thực tế đó, chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể phường Lê Lợi, trong đó có Hội Phụ nữ đã chú trọng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, giúp hội viên tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, lồng ghép với việc ứng dụng tiến bộ KHKT đầu tư vào sản xuất, kinh doanh để vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống.
Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Lê Lợi Võ Thị Châu Uyên (ngoài cùng bên phải) xuống cơ sở thăm hộ gia đình hội viên phụ nữ nghèo vay vốn

Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Lê Lợi Võ Thị Châu Uyên (ngoài cùng bên phải) xuống cơ sở thăm hộ gia đình hội viên phụ nữ nghèo vay vốn

Theo chị Võ Thị Châu Uyên, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Lê Lợi, từ nhiều năm nay mỗi khi nhận được nguồn vốn uỷ thác từ NHCSXH phân bổ về, hội đã phối hợp với chính quyền xác định đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có đủ điều kiện vay vốn theo từng chương trình tín dụng ưu đãi, tiến hành bình xét công khai, dân chủ giúp chị em vay vốn nhanh chóng, thuận lợi nhất. Sau khi nhận tiền vay, hội cũng lồng ghép tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới về tín dụng ưu đãi, trao đổi cách thức sử dụng vốn và kinh nghiệm sản xuất với các đối tượng vay vốn chính sách. Hiện tại 6 Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc Hội Phụ nữ phường quản lý đang có dư nợ 6,5 tỷ đồng với 292 hộ vay, bình quân mỗi hội viên vay 30 triệu đồng.

Chị Uyên cũng cho biết thêm, mặc dù số tiền vay lớn như vậy nhưng nợ quá hạn chỉ có 0,36% tổng dư nợ. Có được kết quả trên là do cán bộ hội luôn kiên trì vận động chị em trả nợ, nộp lãi đúng kỳ hạn. Một số trường hợp chị em vay vốn gặp rủi ro, hội đã vận động các thành viên trong tổ cùng “tương thân tương ái” bằng cách cùng giúp đỡ nhau trong phát triển sản xuất, chăn nuôi, cũng như cho vay để kịp hoàn trả vốn, lãi.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi thông qua Hội Phụ nữ, đã có không ít phụ nữ trở thành điển hình vượt khó, thoát nghèo. Chị Y Di ở làng Plei Rơ Hai là một trong những phụ nữ như vậy. Năm 2012, chị vay 20 triệu đồng để chăn nuôi bò. Đến nay đàn bò đã phát triển thành 4 con, gia đình chị Y Di không chỉ hết nghèo khó mà còn mua được cả máy cày đất, máy cắt cỏ phục vụ gieo trồng lúa nước, ngô lai, cao su, hồ tiêu. Chị Y Di bày tỏ: “Từ ngày vay vốn chính sách cùng với việc tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, ứng dụng tiến bộ KHKT vào nuôi bò, nhà khá hẳn lên”. Không chỉ làm giàu cho riêng mình, chị còn giúp đỡ những chị em nghèo trong làng tiền vốn, giống cây trồng, cùng thi đua xóa nghèo, phát triển sản xuất.

Nếu như nhiều phụ nữ ở khu vực thành thị chọn các loại hình buôn bán để kinh doanh, thì ở khu vực nông thôn phường Lê lợi, nhiều hội viên phụ nữ lại chọn hình thức chăn nuôi phát triển đàn bò để cải thiện đời sống kinh tế gia đình. Với tinh thần chịu thương, chịu khó, nhiều chị đã nỗ lực vượt khó vươn lên thoát nghèo, khẳng định được vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Không ít hội viên phụ nữ người đồng bào dân tộc thiểu số trở thành điển hình vượt khó, thoát nghèo như chị Y Vi, LiZa…

Bên cạnh việc tích cực khai thác các nguồn vốn tín dụng chính sách, Hội phụ nữ phường Lê Lợi còn phối hợp chặt chẽ với NHCSXH và các ngành chức năng tập huấn, hướng dẫn để chị em nắm được kiến thức quản lý, cách sử dụng vốn vay ưu đãi một cách có hiệu quả. Mỗi hội viên khi vay vốn đều có phương án sản xuất cụ thể, cam kết thực hiện trả lãi hàng tháng và tham gia gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn mỗi tháng 100 nghìn đồng. Đến nay, số dư tiết kiệm của Hội Phụ nữ phường Lê Lợi đạt 68 triệu đồng. Những chuyển biến trong hoạt động của hội đã giúp nhiều hội viên phụ nữ nghèo có điểm tựa vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, đồng thời được các cấp chính quyền và NHCSXH trên địa bàn tỉnh Kon Tum biểu dương là một điển hình tiêu biểu về công tác uỷ thác vay vốn ưu đãi của Nhà nước.

Bài và ảnh Nguyễn Ngọc

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác