Giải pháp triển khai hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong nghiệp vụ thu nợ gốc, thu lãi, thu tiền gửi tổ viên tại ngân hàng Chính sách xã hội

ThS. Hoàng Thị Hạnh

Phó Giám đốc Ban Tín dụng Người nghèo

Tóm tắt: Bài viết này nghiên cứu về giải pháp triển khai hình thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong nghiệp vụ thu nợ gốc, thu lãi, thu tiền gửi tổ viên tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) dựa trên định hướng từ Chiến lược phát triển và Kế hoạch chuyển đổi số của NHCSXH và trên cơ sở phân tích, đánh giá những mặt được, những hạn chế, tồn tại trong thực tế triển khai nghiệp vụ thu nợ gốc, thu lãi, thu tiền gửi tổ viên hiện nay tại NHCSXH.

Từ khóa: TTKDTM, thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Chính sách xã hội, VBSP

1. Đặt vấn đề

Bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ về chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghệ lần thứ tư, Chương trình chuyển đổi số quốc gia và ngành Ngân hàng, Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và Chiến lược phát triển NHCSXH, chuyển đổi số của NHCSXH được xác định là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành và nâng cao chất lượng phục vụ, gia tăng khả năng tiếp cận của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Sự phổ biến của điện thoại di động cùng với sự việc phát triển của các ứng dụng TTKDTM dẫn đến một tỷ lệ lớn khách hàng có nhu cầu thanh toán các khoản nợ gốc, tiền lãi, tiền gửi tổ viên bằng chuyển khoản. Thực tế tại NHCSXH, nhiều Tổ TK&VV đã có trên 50% tổ viên thường xuyên nộp lãi, tiền gửi cho Tổ trưởng bằng hình thức chuyển khoản. Quy trình giao dịch thu nợ gốc, thu lãi, thu tiền gửi tổ viên bằng tiền mặt không còn phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

Vì vậy, với yêu cầu đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và hình thức TTKDTM, đặt ra nhiệm vụ cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hướng dẫn về thực hiện TTKDTM trong nghiệp vụ thu nợ gốc, thu lãi, thu tiền gửi tổ viên tại NHCSXH. Trên cơ sở đó, góp phần tiết giảm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo an toàn cho khách hàng trong giao dịch với NHCSXH; đồng thời, tăng năng suất lao động cho cán bộ ngân hàng và Tổ trưởng Tổ TK&VV, nhất là tại các điểm giao dịch xã; phù hợp với sự phát triển của công nghệ và các phương tiện TTKDTM hiện nay.

2. Thực trạng TTKDTM trong nghiệp vụ thu nợ gốc, thu lãi, thu tiền gửi tổ viên tại NHCSXH

Theo quy định hiện hành, NHCSXH thực hiện thu nợ gốc trực tiếp từ khách hàng vay vốn. Đối với thu lãi, thu tiền gửi tổ viên, NHCSXH thực hiện thu trực tiếp từ khách hàng (phương thức cho vay trực tiếp) hoặc ủy nhiệm thu thông qua Tổ trưởng Tổ TK&VV (phương thức cho vay ủy thác). NHCSXH thực hiện các giao dịch thu nợ gốc, thu lãi, thu tiền gửi tại điểm giao dịch xã hoặc tại trụ sở NHCSXH nơi cho vay; đồng thời có thể giao dịch bằng tiền mặt hoặc bằng hình thức TTKDTM.

Trong những năm qua, tỷ trọng các giao dịch bằng tiền mặt và bằng hình thức TTKDTM tại NHCSXH đã có sự dịch chuyển và có những thay đổi đáng kể.

tdnn1

Như vậy, có thể thấy giao dịch thu nợ gốc, thu lãi trong thời gian gần đâyvẫn chủ yếu bằng tiền mặt (chiếm trên 70% đối với thu gốc, trên 65% đối với thu lãi). Tuy nhiên, tỷ trọng giá trị giao dịch bằng hình thức TTKDTM đang ngày càng tăng lên, cụ thể: tăng từ 25% năm 2022 lên 30% năm 2024 đối với thu nợ gốc và tăng từ 28% năm 2022 lên 35% năm 2024 đối với thu lãi. Điều này cho thấy có sự tăng lên trong nhu cầu TTKDTM và sự dịch chuyển trong thói quen giao dịch của khách hàng với ngân hàng.

Việc thực hiện thu nợ gốc, thu lãi, thu tiền gửi tổ viên bằng TTKDTM tại NHCSXH đang được thực hiện trong các trường hợp sau: (1) Khách hàng đề nghị chuyển khoản để trả nợ; (2) Khách hàng chuyển tiền vào tài khoản 105 và đề nghị NHCSXH nơi cho vay trích tài khoản để thu nợ; (3) Tổ trưởng Tổ TK&VV thực hiện thanh toán ủy nhiệm tiền thu lãi, thu tiền gửi bằng TTKDTM; (4) Ngân hàng trích thu nợ tự động từ tài khoản thanh toán hoặc tài khoản ký quỹ của khách hàng (thanh toán SI).

 tdnn2n

Qua các năm, hình thức thu nợ có giá trị giao dịch lớn nhất trong TTKDTM là khách hàng đề nghị chuyển khoản từ tài khoản 105 để trả nợ gốc, lãi thông qua Tổ trưởng Tổ TK&VV hoặc trực tiếp đề nghị tại điểm giao dịch/trụ sở NHCSXH nơi cho vay, chiếm 97% giá trị giao dịch TTKDTM. Tiếp đến là hình thức thanh toán SI, chiếm trên 2% giá trị TTKDTM. Thấp nhất là hình thức Tổ trưởng Tổ TK&VV thực hiện thanh toán ủy nhiệm tiền thu lãi, thu tiền gửi tổ viên bằng TTKDTM, do hình thức này chỉ áp dụng trong trường hợp do nguyên nhân khách quan (thiên tai, dịch bệnh…), Ban quản lý Tổ TK&VV không thể đến giao dịch trực tiếp với NHCSXH để thanh toán ủy nhiệm.

Thông qua phân tích dữ liệu khảo sát thực tế từ 2.243 đối tượng khảo sát tại 20 chi nhánh NHCSXH cấp tỉnh với sự đa dạng về địa bàn và đối tượng khảo sát, ghi nhận thực trạng về TTKDTM của khách hàng vay vốn tại NHCSXH như sau:

Bảng 3. Khảo sát khách hàng về sử dụng TTKDTM

Nội dung khảo sát

Trả lời

Số lượng

Tỷ lệ

sử dụng TTKDTM

520

77%

Không sử dụng TTKDTM

156

23%

Tổng cộng

676

100%

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả khảo sát

Kết quả khảo sát cho thấy 77% khách hàng vay vốn được khảo sát đã thực hiện TTKDTM trong các giao dịch hằng ngày. Trong đó, ngoài sử dụng TTKDTM để chuyển tiền, nhận chuyển tiền là mục đích cơ bản nhất, có đến 50% khách hàng sử dụng TTKDTM cho mục đích vay vốn và trả nợ. Số liệu cho thấy khách hàng đã và đang có xu hướng sử dụng TTKDTM nhiều hơn trong thanh toán hằng ngày nói chung và trong trả nợ, trả lãi nói riêng.

Bảng 4. Khảo sát khách hàng về mục đích sử dụng TTKDTM

(Chọn nhiều phương án)

Nội dung khảo sát

Trả lời

Số lượng

Tỷ lệ

Gửi tiết kiệm

91

18%

Vay vốn, trả nợ

259

50%

Chuyển tiền, nhận chuyển tiền

520

100%

Thanh toán điện nước hằng tháng, cước điện thoại

146

28%

Tổng số đối tượng

520

 

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả khảo sát

Về hình thức nộp tiền lãi, tiền gửi tổ viên cho Tổ trưởng, dù hình thức tiền mặt vẫn chiếm tỷ trọng lớn (57%) nhưng có sự chênh lệch không nhiều so với hình thức không dùng tiền mặt (43%), bao gồm khách hàng tự chuyển khoản, nhờ người khác chuyển khoản và dùng song song 02 hình  thức. Bên cạnh đó, kết quả khảo sát cho thấy có đến 69% khách hàng được khảo sát trả lời là rất mong muốn hoặc mong muốn được trích thu nợ tự động từ tài khoản mở tại NHCSXH. Điều này cho thấy, nhu cầu TTKDTM trong nộp tiền gốc, tiền lãi, tiền gửi tổ viên của khách hàng ngày càng tăng lên.

Bảng 5. Khảo sát khách hàng về hình thức nộp tiền lãi, gửi tiết kiệm

cho Tổ trưởng Tổ TK&VV

Nội dung khảo sát

Trả lời

Số lượng

Tỷ lệ

Tiền mặt

294

57%

Chuyển khoản trực tiếp cho Tổ trưởng Tổ TK&VV

105

20%

Nhờ người quen chuyển khoản cho Tổ trưởng Tổ TK&VV

12

2%

Lúc nộp tiền mặt, lúc chuyển khoản cho Tổ trưởng Tổ TK&VV

108

21%

Tổng cộng

520

100%

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả khảo sát

Đối với quy trình thu nợ, thu tiền gửi tại NHCSXH, kết quả khảo sát cho thấy 70% các đối tượng được khảo sát (bao gồm cán bộ NHCSXH, cán bộ Hội đoàn thể, Chủ tịch UBND cấp xã, Tổ trưởng Tổ TK&VV) cho rằng quy trình được thiết kế theo hình thức thu tiền mặt hiện nay không còn phù hợp. Điều này cho thấy cần có sự thay đổi, cải tiến trong quy trình thu nợ, thu tiền gửi giữa Ngân hàng - Tổ trưởng Tổ TK&VV - Khách hàng để nâng cao hiệu quả giao dịch, tiết kiệm thời gian, chi phí.

Bảng 6. Khảo sát cán bộ NHCSXH, Hội đoàn thể, Chủ tịch UBND cấp xã,

Tổ trưởng Tổ TK&VV về quy trình thu nợ, thu tiền gửi hiện tại NHCSXH

Nội dung khảo sát

NHCSXH

cấp huyện

Hội đoàn thể, Chủ tịch xã

Tổ trưởng Tổ TK&VV

Số lượng

Tỷ lệ

Số lượng

Tỷ lệ

Số lượng

Tỷ lệ

Rất phù hợp

30

9%

104

16%

45

8%

Phù hợp

43

13%

97

15%

108

18%

Không còn phù hợp

258

78%

449

69%

433

74%

Tổng cộng

331

100%

650

100%

586

100%

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả khảo sát

3. Đánh giá thực trạng TTKDTM trong nghiệp vụ thu nợ gốc, thu lãi, thu tiền gửi tổ viên tại NHCSXH

a) Những mặt được

- Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, NHCSXH đã bổ sung các văn bản hướng dẫn cho phép thực hiện hình thức TTKDTM trong nghiệp vụ thu nợ gốc, thu lãi, thu tiền gửi tổ viên tại NHCSXH. Từ đó, giúp đa dạng hóa hình thức trả nợ, khách hàng có nhiều lựa chọn thanh toán linh hoạt.

- NHCSXH đã triển khai hình thức thanh toán tự động (SI) đối với các chương trình áp dụng phương thức cho vay trực tiếp và chương trình cho vay nhà ở xã hội, giúp khách hàng và ngân hàng tiết giảm chi phí giao dịch, phù hợp với yêu cầu TTKDTM và yêu cầu chuyển đổi số của Chính phủ và ngành ngân hàng.

- Từ năm 2024, NHCSXH đã triển khai ứng dụng VBSP Smartbanking nhằm mang đến giải pháp thanh toán và quản lý tài chính hiện đại cho khách hàng. Đến 31/12/2024, đã có 268.618 tài khoản được kích hoạt và hoạt động. Đây là một trong những bước đi quan trọng giúp thúc đẩy TTKDTM trong hệ thống NHCSXH, từng bước thay đổi hành vi đối với khách hàng tại NHCSXH, nhóm đối tượng vốn được coi là có nhiều khó khăn, rào cản trong thực hiện TTKDTM.

 - Tỷ trọng các giao dịch thu nợ gốc, thu lãi bằng hình thức TTKDTM đã tăng dần qua các năm, chiếm khoảng 33% tổng giao dịch thu nợ gốc, thu lãi tại NHCSXH.

b) Những tồn tại, hạn chế

- Giao dịch TTKDTM trong nghiệp vụ thu gốc, thu lãi, tiền gửi tổ viên còn chiếm tỷ trọng rất thấp so với tổng giá trị giao dịch của các nghiệp vụ này tại NHCSXH. Trong đó, phần lớn giá trị giao dịch tập trung tại phương thức thu nợ chuyển khoản từ tài khoản 105 theo đề nghị của khách hàng tại điểm giao dịch/trụ sở Ngân hàng hoặc thông qua Ban quản lý Tổ TK&VV. Phương thức này được thực hiện trên cơ sở số dư tiền gửi tổ viên được tích lũy trong quá trình khách hàng nộp tiền gửi tổ viên hằng tháng cho Tổ trưởng Tổ TK&VV. Trong khi, giao dịch nộp ủy nhiệm thu lãi, thu tiền gửi của Tổ trưởng Tổ TK&VV chủ yếu bằng tiền mặt. Ngoài ra, các giao dịch TTKDTM còn lại trong thu nợ gốc, thu lãi chiếm tỷ trọng rất thấp. Điều này chưa phù hợp với xu thế và yêu cầu hiện nay của Đảng, Nhà nước trong việc thúc đẩy chuyển đổi số và TTKDTM. Việc thực hiện các giao dịch bằng tiền mặt làm gia tăng các chi phí về nhân lực, vật lực và yêu cầu đảm bảo an toàn kho quỹ. Trong điều kiện doanh số cho vay, thu nợ tăng liên tục qua các năm, biên chế cán bộ không tăng đã làm gia tăng khối lượng công việc và áp lực cho cán bộ NHCSXH trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là tại các điểm giao dịch xã.

- Quy trình thực hiện đối với hình thức thu nợ chuyển khoản từ tài khoản 105 theo lệnh chuyển tiền của khách hàng chưa thực sự phù hợp, thuận lợi, do không thiết lập thanh toán tự động trên khoản vay mà phải thực hiện thủ công. Hằng ngày, cán bộ kế toán phải kiểm tra các lệnh chuyển đến và thực hiện hạch toán thu nợ thủ công, đồng thời nhập thông tin liên quan đến giao dịch thu nợ lên phần mềm Hỗ trợ quản lý vận hành ứng dụng CNTT để gửi tin nhắn thông báo đến khách hàng. Việc phải làm nhiều bước xử lý thủ công dễ dẫn đến chậm chễ, sai sót trong quá trình thực hiện. Đối với khách hàng, với yêu cầu cú pháp chuyển khoản còn phức tạp, khó nhớ, dẫn tới nhiều lệnh chuyển tiền không rõ nội dung, mất nhiều thời gian trao đổi, tra soát.

- Tỷ lệ khách hàng sử dụng ứng dụng VBSP Smartbanking còn rất thấp, chiếm tỷ lệ 3,84% trong tổng số hơn 6,9 triệu khách đang còn dư nợ tại NHCSXH. Ngoài ra, trên ứng dụng VBSP Smartbanking chưa có chức năng trả nợ cho khoản vay nên khách hàng không thể chủ động thực hiện trả nợ trên ứng dụng; hệ thống thông báo biến động số dư tài khoản cuối tháng bị quá tải nên chưa cung cấp kịp thời tin nhắn cho khách hàng vào thời điểm cuối tháng.

4. Một số giải pháp triển khai hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong thực hiện nghiệp vụ thu nợ gốc, thu lãi, thu tiền gửi tổ viên tại NHCSXH

Một là: Sửa đổi, bổ sung quy định về tài khoản tiền gửi tổ viên Tổ TK&VV

Hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán dành cho tổ viên Tổ TK&VV tại NHCSXH với các nội dung cơ bản sau:

- Hình thức tài khoản tổ viên: Là tài khoản thanh toán đặc thù, được mở cho khách hàng là tổ viên Tổ TK&VV khi vay vốn tại NHCSXH.

- Sử dụng tài khoản tổ viên: Mỗi tổ viên Tổ TK&VV khi vay vốn thực hiện mở 01 tài khoản và thống nhất thỏa thuận với NHCSXH về việc tài khoản được sử dụng để thực hiện: (i) trực tiếp nộp tiền mặt, chuyển tiền vào tài khoản; (ii) nộp tiền mặt vào tài khoản thông qua Ban quản lý Tổ TK&VV; (iii) đề nghị/cho phép NHCSXH trích Nợ từ tài khoản để thu nợ; (iv) rút tiền mặt/chuyển khoản khi đã trả hết nợ NHCSXH.

Hai là: Ban hành quy trình thu nợ gốc, thu lãi tự động từ tài khoản tiền gửi của tổ viên Tổ TK&VV

- Hình thức thực hiện: NHCSXH thu nợ đến hạn, quá hạn tự động từ tài khoản tổ viên (phương thức cho vay ủy thác) hoặc tài khoản thanh toán (phương thức cho vay trực tiếp). Khách hàng trực tiếp nộp tiền mặt hoặc chuyển khoản vào tài khoản của khách hàng mở tại NHCSXH nơi cho vay để ngân hàng trích thu nợ tự động.

- Thứ tự thu nợ gốc, lãi tiền vay: Thực hiện thu nợ theo thứ tự: (1) thu nợ gốc quá hạn (nếu có), (2) thu lãi tiền vay, (3) thu nợ gốc đến hạn. Trường hợp có nhiều khoản vay của khách hàng cùng phải thực hiện thu nợ gốc quá hạn (hoặc cùng thu lãi tiền vay hoặc cùng thu nợ gốc đến hạn) thì thực hiện thu của khoản vay giải ngân trước, sau đó đến khoản vay giải ngân sau.

Ba là: Ban hành quy trình trả nợ trên ứng dụng VBSP Smartbanking

Cho phép khách hàng chủ động đề xuất chuyển tiền từ tài khoản thanh toán để trả nợ trước hạn trên ứng dụng VBSP Smartbanking. Yêu cầu trả nợ gốc, lãi của khách hàng được chuyển từ ứng dụng đến hệ thống corebanking của NHCSXH để hệ thống tự động hạch toán thu nợ cho khách hàng trên cơ sở tuân thủ thứ tự thu nợ quy định. Sau khi giao dịch trả nợ được thực hiện, NHCSXH gửi thông báo kết quả giao dịch cho khách hàng trên ứng dụng VBSP Smartbanking.

Bốn là: Sửa đổi Hợp đồng ủy nhiệm với Ban quản lý Tổ TK&VV

Hợp đồng ủy nhiệm được sửa đổi với các nội dung: Không ủy nhiệm cho Ban quản lý Tổ TK&VV thực hiện thu lãi, thu tiền gửi của tổ viên, được thay thế bằng nội dung ủy nhiệm cho Ban quản lý Tổ TK&VV hướng dẫn, đôn đốc tổ viên nộp, chuyển tiền đầy đủ vào tài khoản để ngân hàng trích thu nợ tự động; Không chi hoa hồng ủy nhiệm thu tiền gửi; Điều chỉnh tỷ lệ chi hoa hồng theo mức phí không ủy nhiệm thu lãi, có phân biệt giữa vùng có điều kiện khó khănvà vùng còn lại; Thống nhất tài khoản chi hoa hồng cho Ban quản lý Tổ TK&VV là tài khoản thanh toán của Tổ trưởng Tổ TK&VV.

Năm là: Sửa đổi quy trình giao dịch tại điểm giao dịch xã

Khi thực hiện thu nợ tự động từ tài khoản của khách hàng, Ngân  hàng sẽ giảm được các giao dịch trực tiếp với khách hàng cũng như với Tổ trưởng Tổ TK&VV. Tại điểm giao dịch xã, Tổ giao dịch xã chỉ thực hiện các giao dịch: Thu tiền mặt trong trường hợp nhận tiền gửi tiết kiệm dân cư, thu vào tài khoản của khách hàng đến giao dịch trực tiếp; Chuyển khoản thu nợ trước hạn cho khách hàng đến giao dịch trực tiếp; Giải ngân cho khách hàng bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản; Chi tiền mặt trong trường hợp chi trả tiền gửi tiết kiệm, chi thù lao cán bộ xã, rút tiền từ tài khoản của khách hàng; các khoản thu, chi khác khi có quy định của Tổng Giám đốc.

Sáu là: Xây dựng, hoàn thiện các phần mềm, ứng dụng CNTT

- Nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi (Corebanking) đáp ứng khả năng giao dịch 24/7 và kết nối liền mạch với các hệ thống khác để làm tiền đề cho việc phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại; đảm bảo thực hiện giải pháp thu nợ tự động theo thứ tự thu nợ được cấu hình.

- Tăng cường phát triển hệ thống thanh toán trên nền tảng công nghệ tiên tiến, cung cấp phương tiện thanh toán hiện đại, đa dạng, tiện lợi như ngân hàng trực tuyến qua thiết bị di động, thanh toán không tiếp xúc, đảm bảo kết nối thông suốt và tự động hóa với hệ thống thanh toán của NHNN và các trung gian thanh toán.

- Nâng cấp các phần mềm, ứng dụng tại NHCSXH: Bổ sung thông tin về giao dịch chuyển tiền/nộp tiền vào tài khoản tổ viên, thông tin trả nợ gốc, trả lãi của khách hàng trên phần mềm giao dịch xã Intellect Offline; Mở rộng chức năng quản lý tiền vay, trả nợ gốc, trả lãi đối với khách hàng trên ng dụng VBSP Smartbanking; Nâng cấp chức năng cập nhật thông tin tiền vay và tiền gửi tức thì sau khi hệ thống Intellect hoàn thành các giao dịch thu nợ, thu tiền gửi trên ng dụng Quản lý tín dụng chính sách.

- Đầu tư hạ tầng CNTT để đáp ứng cung cấp sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại trên nền tảng ngân hàng số và dịch vụ tài chính toàn diện đến 100% khách hàng tại NHCSXH, đồng thời đảm bảo an toàn, bảo mật.

Bảy là: Giải pháp bổ trợ

- Lựa chọn, đào tạo nguồn nhân lực của NHCSXH đảm bảo đủ năng lực phát triển, tiếp nhận chuyển giao các ứng dụng, quy trình nghiệp vụ và tác nghiệp; Xây dựng cơ chế chính sách thu hút nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu nâng cấp, phát triển hệ thống CNTT trong giai đoạn mới; Xây dựng tài liệu, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về TTKDTM, chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, người lao động tại NHCSXH.

- Nâng cao nhận thức, tăng cường sự hiểu biết về TTKDTM của cán bộ đơn vị nhận ủy thác, Ban quản lý Tổ TK&VV, khách hàng bằng cách đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục tài chính về TTKDTM thông qua các chiến lược truyền thông đa dạng, phù hợp, từng bước thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt, đồng thời biết cách phòng tránh trước hình thức lừa đảo trực tuyến, qua mạng.

- Xây dựng tài liệu hướng dẫn sử dụng các ứng dụng, cách thức thực hiện giao dịch TTKDTM để trả nợ dưới nhiều hình thức như: tờ rơi, sổ tay, video, slide bài giảng,… để khách hàng, Ban quản lý Tổ TK&VV, cán bộ đơn vị nhận ủy thác dễ tiếp cận, sử dụng./