TS. Vũ Văn Thuân - Giảng viên Trường Đại học Đồng Nai
Lê Bá Chuyên - Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đồng Nai
1. Đặt vấn đề
Quan tâm đến người nghèo và đối tượng chính sách là một trong những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, giúp người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và các gia đình chính sách có cơ hội vươn lên trong cuộc sống. Tại tỉnh Đồng Nai, thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cũng đã quan tâm cân đối, bố trí ngân sách để ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh nhằm tăng cường nguồn vốn thực hiện cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Tuy nhiên, nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển sang chủ yếu thông qua đề xuất, chấp thuận từng lần, thiếu tính bền vững lâu dài. Các văn bản, giải pháp đề xuất chuyển vốn trước đây chưa được khoa học, chưa thể hiện rõ vai trò, tầm quan trọng, hiệu quả và sự cần thiết của nguồn vốn ưu đãi trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, cũng như để tạo thêm việc làm, thu nhập, cải thiện điều kiện sống của người nghèo và các đối tượng chính sách khác… Trong bối cảnh như vậy, việc nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường nguồn vốn chính sách cho vay giúp thực hiện tốt hơn nữa chính sách giảm nghèo bền vững, nâng cao mức sống người dân là cần thiết.
2. Thực trạng nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
a) Quy mô, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương
Quy mô nguồn vốn ủy thác địa phương từ năm 2019 đến năm 2024 ghi nhận sự tăng trưởng cao nhưng không ổn định và đồng đều qua các năm. Mức tăng trung bình là 28,5%. Các năm có tốc độ tăng trưởng cao là năm 2020 với 33,5% (tương ứng 591.201 triệu đồng) so với năm 2019, mức tăng này đã giảm dần trong năm 2021 và năm 2023, năm 2021 là 32,6%, thấp nhất là năm 2023 với mức tăng 23,4%. Năm 2024 đã tăng trưởng trở lại, đạt mức 25%.
Quy mô nguồn vốn ủy thác từ ngân sách tỉnh cũng còn nhỏ so với tiềm năng thu và chi ngân sách của tỉnh. Ví dụ như, năm 2019, tổng thu ngân sách là 86.426,3 tỷ đồng, chi ngân sách là 61.014,1 tỷ đồng nhưng nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH chỉ có 131 tỷ đồng, chiếm khoảng 0,15% thu ngân sách và chiếm khoảng 0,21% tổng chi ngân sách cùng năm.
b) Tỷ trọng nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương trên tổng nguồn vốn của NHCSXH
Tỷ trọng nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương trên tổng nguồn vốn của chi nhánh liên tục tăng dần trong những năm qua, từ 17,5% năm 2019 lên 26,7% năm 2024. Qua 6 năm (2019-2024) nguồn vốn này chiếm tỷ trọng bình quân 22,6% trong cơ cấu nguồn vốn tại Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đồng Nai. Hàng năm, nguồn vốn này đều tăng theo hướng năm sau cao hơn năm trước. Năm 2019 số vốn này là 442.784 triệu đồng, chiếm 17,5% trong cơ cấu nguồn vốn. Năm 2024 số vốn ủy thác từ ngân sách tỉnh tăng lên 1.549.230 triệu đồng, đạt 26,7%. Từ năm 2019 đến 2024, số vốn ủy thác từ ngân sách địa phương đã tăng lên gấp 3,5 lần.
Tỷ trọng nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương trong tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) tại tỉnh Đồng Nai dù gia tăng nhưng vẫn còn hạn chế so với nhu cầu thực tế. Số vốn ủy thác từ ngân sách địa phương ngày càng tăng nhưng vẫn còn khá thấp trong cơ cấu vốn giữa trung ương và địa phương. Tỷ trọng nguồn vốn chưa tương xứng đã làm chậm quá trình mở rộng tín dụng chính sách, ảnh hưởng đến hiệu quả phát triển kinh tế xã hội địa phương.
c) Tỷ trọng dư nợ cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác từ ngân sách địa phương ủy thác
Bảng: Tỷ trọng dư nợ cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác từ ngân sách địa phương ủy thác từ năm 2019 đến năm 2024
Đơn vị tính: Triệu đồng
Nguồn: Số liệu của Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đồng Nai
Từ bảng trên cho thấy, tổng dư nợ cho vay tăng đều qua từng năm, từ 2.524.497 triệu đồng (năm 2019) lên 5.792.195 triệu đồng (năm 2024). Trong đó dư nợ và tỷ trọng dư nợ cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác bằng nguồn ủy thác địa phương cũng tăng dần hàng năm. Năm 2019 với dư nợ 400.648 triệu đồng chiếm tỷ trọng 15,9% đến năm 2024 có dư nợ 1.545.903 triệu đồng, tỷ trọng đạt 26,7% trên tổng dư nợ toàn chi nhánh.
d) Doanh số cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác từ ngân sách địa phương ủy thác
Doanh số cho vay từ nguồn vốn ủy thác địa phương tăng dần hàng năm, năm sau cao hơn năm trước, thấp nhất năm 2019 với 201.727 triệu đồng, cao nhất năm 2024 với 673.900 triệu đồng. Doanh số cho vay hàng năm tăng cao giúp tăng trưởng cao dư nợ, mở rộng hoạt động cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách từ nguồn vốn ủy thác địa phương.
Mặc dù Tổng doanh số cho vay từ nguồn trung ương và địa phương của chi nhánh nhìn chung tăng trưởng, nhưng có năm giảm mạnh, đặc biệt năm 2023 với mức giảm 605.193 triệu đồng (-29,9%) so với năm 2022. Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương có tốc độ tăng trưởng cao hơn (+54,4% năm 2022), nhưng vẫn chưa thể cân bằng với mức suy giảm của nguồn vốn Trung ương trong những năm có biến động.
đ) Tỷ lệ nợ quá hạn chương trình cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác từ ngân sách địa phương ủy thác
Tỷ lệ nợ quá hạn từ 2019 đến 2024 có xu hướng giảm dần, mặc dù số tiền nợ quá hạn có sự biến động nhẹ giữa các năm. Năm 2019, tỷ lệ nợ quá hạn ở mức 0,20%, mức cao nhất trong giai đoạn 6 năm. Năm 2020 giảm xuống 0,17% (giảm 0,03%), cho thấy tín dụng được kiểm soát tốt hơn. Năm 2021, tiếp tục giảm còn 0,15%, mức giảm 0,02% so với 2020. Năm 2022 giảm mạnh xuống 0,11% (giảm 0,04%), đây là mức giảm đáng kể, phản ánh khả năng thu hồi nợ tốt. Năm 2023 giảm xuống 0,1%, gần như ổn định. Năm 2024, giảm đạt mức 0,08%. Tỷ lệ nợ quá hạn đã giảm liên tục qua các năm, chứng tỏ chất lượng tín dụng được cải thiện, khách hàng có khả năng thanh toán tốt hơn và các biện pháp thu hồi nợ có hiệu quả. Tuy nhiên, số dư nợ quá hạn chưa có xu hướng giảm rõ rệt. Mặc dù tỷ lệ nợ quá hạn giảm, nhưng số dư nợ quá hạn lại tăng qua các năm (từ 789 triệu đồng năm 2019 lên 1.209 triệu đồng năm 2024).
e) Số lượt và tỷ lệ khách hàng được vay vốn từ ngân sách địa phương ủy thác
Số lượt khách hàng vay vốn từ nguồn vốn địa phương ủy thác có sự biến động không đều qua các năm. Giai đoạn 2019 đến 2024, từ 5.525 khách hàng (tỷ lệ 11,6%) năm 2019 lên 9.863 khách hàng (tỷ lệ 16,1%) năm 2024. Trong đó, số lượng khách hàng lớn nhất được vay vốn từ nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương là 9.726 năm 2022 với tỷ lệ đạt 18,1%, lượng khách hàng thấp nhất được vay vốn từ nguồn vốn này là 5.525 năm 2019 với tỷ lệ 11,6%. Dù xu hướng chung là tăng, nhưng một số năm có sự giảm nhẹ, chẳng hạn năm 2021 số khách hàng giảm (124) người so với năm 2020. Tỷ lệ khách hàng vay vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang vẫn thấp hơn nhiều so với nguồn vốn Trung ương (chỉ từ 11,6% - 18,1%, trong khi nguồn vốn Trung ương chiếm trên 50% tổng số khách hàng). Điều này cho thấy nguồn vốn Trung ương chuyển về vẫn là nguồn tài chính chủ đạo, trong khi nguồn từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH đóng vai trò bổ trợ.
g) Tỷ lệ thu lãi cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác từ ngân sách địa phương ủy thác
Tổng số tiền lãi phải thu đã tăng gần gấp 4 lần, từ năm 2019 (25.116 triệu đồng) đến 2024 (105.401 triệu đồng). Lãi thực thu cũng tăng trưởng tương ứng, nhưng luôn có một chênh lệch nhỏ (thường nhỏ hơn) so với số lãi phải thu. Giai đoạn 2019-2021, có tỷ lệ lãi thực thu ở mức thấp nhất, đặc biệt là năm 2021 có mức chênh lệch lớn nhất giữa số tiền lãi thực thu và lãi phải thu là (2.573 triệu đồng), tỉ lệ thu lãi chỉ đạt 94,8%. Đáng chú ý năm 2023, số lãi thực thu vượt lãi phải thu (315 triệu đồng), cho thấy hiệu quả thu lãi vượt kỳ vọng. Các năm còn lại duy trì tỷ lệ thu lãi trên 99%, phản ánh chất lượng tín dụng và ý thức trả lãi thực tế tốt của khách hàng vay TDCSXH từ nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương.
Đạt được nhiều kết quả nhưng tỷ lệ thu lãi vẫn có biến động nhẹ qua các năm. Năm 2020, tỷ lệ thu lãi giảm xuống 97,5% (-0,7%), và năm 2021 tiếp tục giảm xuống 94,8% (-2,7%). Mặc dù sau đó có sự phục hồi, nhưng những biến động này cũng phản ánh một số khó khăn trong việc thu hồi lãi trong từng giai đoạn nhất định.
h) Hệ số sử dụng vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác từ nguồn ngân sách địa phương ủy thác
Hiệu quả sử dụng vốn có xu hướng tăng đều, đạt mức rất cao vào năm 2024 với 99,8%. Tuy có một số biến động nhỏ từ năm 2021 với 99,2% đến năm 2022 xuống 95,6% nhưng nhìn chung vẫn duy trì trên 95%, cho thấy khả năng quản lý và phân bổ vốn khá hiệu quả.
Hệ số sử dụng vốn từ nguồn vốn địa phương ủy thác hàng năm cao, tuy nhiên một số năm tỷ lệ dưới 96% do thu nợ phân kỳ của các món vay mua nhà ở xã hội được vay từ quỹ phát triển nhà ở xã hội của địa phương nhưng trong những năm 2019, 2020, 2022 tỉnh không có sản phẩm nhà ở xã hội bán ra thị trường. Tốc độ tăng vốn chưa đồng đều giữa các năm. Năm 2022 có mức tăng vốn mạnh nhất (+247.032 triệu đồng) so với năm trước, nhưng những năm sau lại tăng chậm hơn. Điều này gây khó khăn trong việc dự báo và lập kế hoạch tín dụng dài hạn.
i) Mức cho vay bình quân trên một khách hàng vay vốn từ ngân sách địa phương ủy thác
Mức cho vay bình quân tăng hàng năm từ 36,5 triệu đồng năm 2019 lên 68,5 triệu đồng năm 2024, phản ánh mức độ đáp ứng nhu cầu vốn vay của khách hàng từ nguồn vốn NSĐP tăng, chất lượng cho vay ngày càng cải thiện, nguồn vốn được đầu tư tập trung, ít dàn trải, hiệu quả được tăng cao.
Tổng doanh số cho vay từ nguồn vốn ủy thác ngân sách địa phương đều tăng qua các năm, từ 201.727 triệu đồng năm 2019 lên 673.900 triệu đồng năm 2024. Năm 2022 có mức tăng lớn nhất (tăng 172.819 triệu đồng so với năm trước), cho thấy sự mở rộng đáng kể của các chương trình hỗ trợ vốn.
Bên cạnh những thành tựu đạt được thì mức cho vay bình quân vẫn có sự gia tăng không đồng đều giữa các năm, chẳng hạn năm 2021 tăng 3,4 triệu đồng, thấp hơn so với mức tăng của năm 2024 (10,6 triệu đồng).
3. Đánh giá nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
a) Những kết quả đạt được
Sự tăng trưởng về quy mô và tỷ trọng của vốn ngân sách địa phương ủy thác những năm qua đã giúp cho NHCSXH tỉnh có đủ nguồn lực để triển khai nhiều chương trình tín dụng dành cho người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội. NHCSXH đã từng bước triển khai nhiều chương trình TDCSXH khác nhau. Tỷ trọng nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương ngày càng lớn cho thấy, tỉnh Đồng Nai ngày càng quan tâm nhiều hơn đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Doanh số cho vay từ nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương đều có sự gia tăng đáng kể từ 2019 đến 2024. Số lượng khách hàng được vay vốn tăng từ 33.236 người năm 2019 lên 45.280 người năm 2024, giúp mở rộng phạm vi hỗ trợ đến nhiều hộ gia đình hơn.
Tỷ lệ nợ quá hạn giảm dần qua các năm từ 0,2% năm 2019 xuống 0,08% năm 2024. Việc duy trì mức nợ quá hạn thấp cho thấy khả năng quản lý tín dụng hiệu quả và năng lực trả nợ tốt của khách hàng.
Sự gia tăng ổn định về số lượng khách hàng, thể hiện ở tổng số lượt khách hàng vay vốn từ ngân sách địa phương tăng từ 5.525 người năm 2019 lên 9.836 người năm 2024. Điều này cho thấy nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tài chính cho người dân.
Tỷ lệ thu lãi duy trì ở mức cao. Có sự phục hồi sau giai đoạn giảm sút. Số lãi thực thu gần sát với số lãi phải thu. Dù có một số năm tỷ lệ thu lãi giảm nhẹ, nhưng tổng số lãi thực thu luôn gần tương đương với số lãi phải thu.
Hiệu quả sử dụng vốn cao. Hiệu quả sử dụng vốn luôn duy trì trên 95%, đặc biệt năm 2024 đạt 99,8%, cho thấy khả năng tối ưu hóa nguồn vốn.
Mức vay bình quân tăng trưởng liên tục từ 36,5 triệu đồng năm 2019 lên 68,5 triệu đồng năm 2024. Tốc độ tăng trưởng ổn định. Qua từng năm, mức vay bình quân đều tăng, với mức tăng cao nhất vào năm 2024 ( tăng 10,6 triệu đồng so với năm trước). Mức vay tăng phù hợp với xu hướng mở rộng tín dụng. Mức vay cao hơn có thể giúp người vay đầu tư hiệu quả hơn, đặc biệt trong các dự án dài hạn hoặc các mô hình kinh doanh cần nguồn vốn lớn.
b) Những tồn tại, hạn chế
Nguồn vốn ủy thác của ngân sách địa phương được quan tâm chuyển sang NHCSXH thường xuyên hàng năm nhưng đôi khi chưa đáp ứng nhu cầu vay vốn hoặc chưa được ủy thác kịp thời để cho vay tới các đối tượng có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn.
Công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn ở một số thời điểm hiệu quả còn chưa cao. Nguồn vốn ủy thác tại địa phương có nguy cơ bị rủi ro, thâm hụt nguồn vốn hoặc thu hồi vốn chậm, do một số người nghèo, đối tượng chính sách còn tư tưởng trông chờ ỷ lại, lợi dụng chính sách ưu đãi của nhà nước, chưa trả nợ đúng hạn. Một số hộ vay vốn đi khỏi địa phương không có thông tin, địa chỉ nên công tác xử lý nợ còn khó khăn.
Sự phối hợp giữa chính quyền cơ sở với NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội ở một số xã/phường, ấp/khu phố có lúc, có nơi còn chưa nhịp nhàng, chưa kịp thời.
Một số cán bộ có năng lực còn hạn chế. Cán bộ của các tổ chức chính trị xã hội làm công tác ủy thác thường kiêm nhiệm, hay có sự thay đổi nên chưa dành thời gian đúng mức cho hoạt động ủy thác.
Công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về TDCSXH đã được các cơ quan, đơn vị phối hợp với NHCSXH triển khai nhiều nhưng hiệu quả còn hạn chế.
4. Một số giải pháp tăng cường nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
a) Xây dựng các đề án cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh
NHCSXH tỉnh cần rà soát, đánh giá hiệu quả các chương trình TDCSXH đang thực hiện và nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai mở rộng phạm vi, quy mô, đối tượng, nâng mức cho vay, thời gian vay phù hợp; xây dựng cơ chế lồng ghép TDCSXH với các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, đề án phát triển KTXH, các chính sách an sinh xã hội của tỉnh Đồng Nai trên cơ sở xây dựng các đề án để thực hiện; tăng cường chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi đối với hoạt động sản xuất theo chuỗi, liên kết hợp tác thuộc các lĩnh vực phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch nông thôn, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhằm nâng cao hiệu quả các đề án, dự án, các chương trình an sinh xã hội, qua đó tạo thêm việc làm, thu nhập, chỗ ở cho người nghèo, hộ có mức sống trung bình và các đối tượng chính sách khác, nhất là các đối tượng có tính đặc thù của tỉnh.
Đề án sẽ cụ thể hóa đường lối của Đảng, nghị quyết của Tỉnh ủy Đồng Nai về các chương trình an sinh xã hội. Các chương trình, mục tiêu mà Tỉnh đã đề ra, cho thấy sự quan tâm rất lớn của Tỉnh trong công tác hỗ trợ các nhóm đối tượng người nghèo, có thu nhập thấp, thu nhập bấp bênh hướng đến triển ổn định kinh tế - xã hội. Đề án góp phần xác định rõ đối tượng, mục tiêu, lộ trình, mức độ hỗ trợ… theo từng nhóm đối tượng, từng chương trình cho vay nói chung và theo đặc thù của tỉnh nói riêng để đảm bảo cân đối ngân sách của Nhà nước hàng năm ủy thác sang NHCSXH là ổn định.
b) Nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn
Thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng Chính phủ và địa phương giao; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, các đối tượng chính sách và người dân trong quá trình tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng.
Nghiên cứu mở rộng phạm vi, quy mô, đối tượng, nâng mức cho vay, thời hạn vay phù hợp với mục tiêu các chương trình mục tiêu quốc gia, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách của tỉnh.
Tập trung thu hồi, xử lý dứt điểm nợ quá hạn nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương để nâng cao chất lượng tín dụng và tạo lòng tin cho UBND cấp tỉnh, cấp huyện tiếp tục chuyển vốn ủy thác cho NHCSXH.
Củng cố, kiện toàn chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV trên địa bàn.
c) Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các Sở, Ban, Ngành liên quan đến nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương
NHCSXH cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của tỉnh để đón đầu chủ trương, kế hoạch của tỉnh về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện này và những năm tiếp theo, tham gia ý kiến trong các dự thảo xây dựng kế hoạch của tỉnh để đưa nội dung bố trí vốn tín dụng ưu đãi vào giải pháp, kế hoạch thực hiện của tỉnh.
Bên cạnh đó, NHCSXH tỉnh Đồng Nai cần căn cứ tình hình triển khai thực tế để phối hợp với các Sở, ngành, cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí ngân sách để chuyển vốn sang NHCSXH, bổ sung nguồn ủy thác cho vay thêm một số chương trình tín dụng mà tỉnh đang triển khai thực hiện, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trên địa bàn trong bối cảnh nguồn vốn cân đối từ Trung ương để thực hiện cho vay chương trình này còn rất hạn chế.
d) Nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực cho NHCSXH tỉnh Đồng Nai
Cần đào tạo cán bộ NHCSXH có đủ năng lực, trình độ chuyên môn, có bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp, sức khỏe, đầy đủ kĩ năng, đáp ứng yêu cầu phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Có ý thức tổ chức kỉ luật, kĩ năng làm việc, giao tiếp, ứng xử, phục vụ tốt cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
đ) Tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng vai trò, ý nghĩa và nhân rộng các tấm gương điển hình trong sử dụng vốn
Tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng để giúp cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân hiểu rõ vai trò và ý nghĩa của vốn ủy thác. Tạo sự đồng thuận và nâng cao nhận thức về chính sách hỗ trợ tài chính, giúp người dân sử dụng vốn hiệu quả. Đảm bảo thông tin được truyền tải đầy đủ, chính xác, tránh hiểu sai hoặc áp dụng không đúng.
Nhân rộng các tấm gương điển hình là những cá nhân, tổ chức sử dụng vốn ủy thác thành công sẽ trở thành hình mẫu để người khác học hỏi. Tạo động lực cho các đối tượng khác mạnh dạn tiếp cận vốn, áp dụng mô hình hiệu quả vào thực tiễn. Giúp nâng cao chất lượng quản lý và sử dụng vốn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
e) Một số giải pháp khác
Cần thực hiện đầu tư có hiệu quả, đồng bộ về phát triển cơ sở hạ tầng.
Tăng cường và nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn đối với hoạt động TDCSXH.
Tập trung huy động và quản lý thống nhất các nguồn vốn tín dụng có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.
Nhìn chung, việc tăng cường nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương đóng vai trò then chốt trong việc mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng chính sách cho người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Qua nghiên cứu thực tiễn, có thể thấy rằng mặc dù nguồn vốn ủy thác đã có những đóng góp tích cực, song vẫn còn hạn chế về quy mô, thiếu tính ổn định và chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu vay vốn ngày càng tăng. Để góp phần khắc phục những tồn tại đó, cần thiết triển khai đồng bộ các giải pháp như nhóm nghiên cứu đã nêu, nhằm góp phần mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng ưu đãi và hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo bền vững, phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống, từ đó thúc đẩy tiến trình an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại tỉnh Đồng Nai.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Đồng Nai. Báo cáo tổng kết 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đã đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78-NĐ/2002/NĐ-CP, ngày 10/4/2002 của Chính phủ.
2. Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Đồng Nai. Báo cáo hoạt động năm 2024, kế hoạch nhiệm vụ năm 2025. Đồng Nai.
3. Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai. Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Số 428-BC/TU. Đồng Nai : Ủy Ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, 6/2024.
4. Cục thống kê tỉnh Đồng Nai. Niên giám thống kê tỉnh Đồng Nai 2023. Hà Nội : Thống kê, 2024.
5. Tỉnh ủy Đồng Nai. Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày của Tỉnh ủy Đồng Nai. Số 482-BC/TU, ngày 18/12/2024.
6. Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai. Báo cáo kết quả hoạt động năm 2023, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2024.
7. Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Đồng Nai. Nghị quyết phiên họp Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Đồng Nai quý IV năm 2024.