Giải pháp nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên

          Ths Đào Thái Hòa - Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk

Ths Nguyễn Triều Quang - Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Gia Lai

Tóm tắt: Bài viết tập trung nghiên cứu hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) trong việc góp phần giảm nghèo bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn Tây Nguyên. Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng triển khai TDCSXH trên địa bàn, bài viết làm rõ những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện. Từ đó, đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả TDCSXH, giúp đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững đối với DTTS trên địa bàn Tây Nguyên trong giai đoạn tới.

Từ khóa: TDCSXH, Dân tộc thiểu số, Tây Nguyên

I. Đặt vấn đề

TDCSXH là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là công cụ quan trọng trong chiến lược giảm nghèo quốc gia, đặc biệt là đối với đồng bào DTTS và các hộ gia đình nghèo sinh sống ở những khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế tại một số địa bàn, khu vực, nhất là vùng Tây Nguyên, vẫn còn nhiều vấn đề cần được giải quyết. Tây Nguyên, nơi có hơn 30% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số như Ê Đê, Gia Rai, Ba Na, M’nông, chịu nhiều khó khăn về điều kiện tự nhiên, văn hóa và kinh tế - xã hội. Những đặc điểm này tạo ra thách thức lớn trong triển khai TDCSXH. Nhiều hộ DTTS chưa khai thác hiệu quả vốn vay, vẫn khó khăn trong thoát nghèo bền vững.

Nguyên nhân chính bao gồm khả năng tiếp cận nguồn vốn còn hạn chế do thiếu thông tin và trình độ nhận thức của người dân còn thấp; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ; thiếu các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ phù hợp với đặc thù từng địa phương. Bên cạnh đó, sự chênh lệch về mức độ phát triển giữa các đồng bào DTTS cũng là một rào cản lớn. Những yếu tố này đã ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiếp cận, hấp thụ và phát huy hiệu quả nguồn lực hỗ trợ, đòi hỏi cần có các giải pháp can thiệp kịp thời, toàn diện và phù hợp hơn để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cũng như thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng DTTS.

II. Nội dung nghiên cứu

1. Kết quả triển khai các chương trình TDCSXH đối với đồng bào DTTS tại Tây Nguyên

Đến 31/12/2024, hộ đồng bào DTTS đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại NHCSXH với tổng dư nợ đạt 14.114.644 triệu đồng, với 273.409 khách hàng đang còn dư nợ, chiếm 45,5% tổng dư nợ của NHCSXH; doanh số cho vay giai đoạn 2021-2024 là 14.201.317 triệu đồng, doanh số thu nợ là 8.806.874 triệu đồng. Dư nợ bình quân một hộ đồng bào DTTS đạt 51,7 triệu đồng.

Quy mô tín dụng tăng nhưng chất lượng tín dụng vẫn được đảm bảo, tỷ lệ nợ quá hạn thấp dưới 0,04 %. Tỷ lệ nợ quá hạn các chương trình tín dụng đối với đồng bào DTTS tương đối thấp, dưới 0,04% so với tổng dư nợ. Tỷ lệ nợ quá hạn tương đối ổn định ở mức thấp cho thấy khả năng sử dụng vốn của đồng bào DTTS hiệu quả, đảm bảo hoàn trả nợ vay đúng hạn.

Bảng 1. Tổng hợp hoạt động tín dụng đối với hộ dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2024

Đơn vị tính: triệu đồng

TT

Năm

Giải ngân

Thu nợ

Dư nợ

Trong hạn

Quá hạn

Khoanh nợ

Xóa nợ

Gia hạn nợ

Số hộ dư nợ

Số hộ giải ngân trong năm

1

2021

3.041.001

2.210.435

9.419.948

9.406.885

4.481

8.581

1.842

6.995

28.455

80.019

2

2022

3.596.680

2.103.470

10.908.787

10.894.021

3.529

11.237

2.695

68.436

305.481

87.216

3

2023

3.656.167

1.893.624

12.669.383

12.650.277

4.311

14.795

1.849

206.549

327.188

80.568

4

2024

3.907.469

2.599.345

14.114.644

14.099.386

4.051

11.206

1.471

95.224

273.409

75.515

Cộng

14.201.317

8.806.874

 

 

 

 

7.857

377.204

 

323.318

(Nguồn: Báo cáo Ngân hàng Chính sách xã hội)

Bảng 2: Hiệu quả cho vay các chương trình tín dụng chính sách đối với hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn Tây Nguyên

Đơn vị tính: triệu đồng

TT

Tín dụng chính sách cho vay hộ dân tộc thiểu số góp phần giúp

Đơn vị tính

Năm

Cộng

2021

2022

2023

2024

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

1

Số lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách người dân tộc thiểu số vay vốn NHCSXH

Hộ

80.019

87.216

80.568

75.515

247.803

Tr. đó

Số hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo DTTS vay vốn

Hộ

43.113

43.512

36.198

35.972

122.823

2

Số hộ dân tộc thiểu số vượt qua ngưỡng nghèo

Hộ

1.393

19.115

1.741

28.206

50.455

3

Số lao động dân tộc thiểu số được tạo việc làm

Lao động

3.181

8.856

10.856

7.578

22.893

4

Số HSSV dân tộc thiểu số được vay vốn đi học

HSSV

575

1.952

754

958

3.281

5

Số công trình NS&VSMTNT được xây dựng

Công trình

16.252

20.440

17.717

23.107

54.409

(Nguồn: Báo cáo Ngân hàng Chính sách xã hội)

 Giai đoạn 2021-2024 đã chứng kiến sự gia tăng đều đặn về mức vay của hộ gia đình, cá nhân đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Nếu như năm 2021, mức vay 38 triệu đồng/hộ dân tộc thiểu số thì đến năm 2022 tăng lên là 41,2 triệu đồng/hộ, năm 2023 là 45,4 triệu đồng/hộ, và năm 2024 là 51,7 triệu đồng/hộ. Như vậy, tốc độ tăng trung bình gần 11%/năm hộ DTTS, chính sách giải ngân đang chuyển từ “dàn trải” sang “tập trung”, mỗi hộ nhận được mức vay cao hơn để thực hiện các mô hình sản xuất hiệu quả hơn, nâng cao hiệu quả kinh tế của các khoản vay.

2. Đánh giá thực trạng hiệu quả TDCSXH hỗ trợ đồng bào DTTS tại Tây Nguyên

  2.1. Những kết quả đạt được

        Thứ nhất, vốn TDCSXH đã được triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn tại Tây Nguyên, trong đó tập trung ưu tiên cho vay đối với đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Trong giai đoạn 2021-2024, đã có trên 323 ngàn lượt đồng bào DTTS được vay vốn với doanh số cho vay trên 14.201.317 triệu đồng. Nguồn vốn này đã giúp nhiều hộ đồng bào DTTS có điều kiện phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo và đáp ứng các nhu cầu thiết yếu về nhà ở, công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, chi phí học tập cho con em…

Theo khảo sát, có 62% ý kiến cho rằng nhóm chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các chương trình dành riêng cho DTTS có tác động rõ rệt nhất, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế hộ, từng bước thoát nghèo. Bên cạnh đó, có 28% ý kiến của hội đoàn thể đánh giá cao các chương trình cho vay giải quyết việc làm, cho vay hỗ trợ học sinh sinh viên, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn mang lại hiệu quả tích cực về tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện điều kiện sống...

Thứ hai, TDCSXH không chỉ giải quyết được những vấn đề căn bản thiết yếu của cuộc sống mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho hộ đồng bào DTTS tại Tây Nguyên. Nhờ nguồn vốn, nhiều hộdân đãgiảm bớt khó khăn, cải thiện tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, từ đó nâng cao mức sống và đảm bảo an sinh xã hội. Quan trọng hơn, TDCSXH còn góp phần thay đổi nhận thức, nâng cao tinh thần tự lực, tự tin và vị thế trong xã hội của đồng bào DTTS. Thông qua quá trình sử dụng vốn, hộ vay dần nâng cao kỹ năng quản lý sản xuất kinh doanh, quản lý tài chính, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Giai đoạn 2021-2024, đã có hơn 50 ngàn hộ DTTS tại Tây Nguyên thoát nghèo nhờ nguồn vốn TDCSXH.

Thứ ba, các chương trình TDCSXH được xây dựng dựa trên hệ thống chính sách đồng bộ, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, mang tính hỗ trợ toàn diện nhất là đối với đồng bào DTTS. Các chương trình này giúp tăng thu nhập, nâng cao khả năng tiết kiệm, cải thiện điều kiện sống và năng lực quản lý hộ vay. Đồng thời, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen, bảo đảmtrật tự xã hội và an ninh quốc phòng tại khu vực Tây Nguyên. Qua đó, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố.

Thứ tư, với phương thức cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội (chiếm 99,9% tổng dư nợ) đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Việc ủy thác qua Hội đoàn thể ở cơ sở không chỉ giúp triển khai vốn thuận lợi mà còn tạo điều kiện tập hợp, phát triển đoàn viên, hội viên, tăng cường sự gắn kết trong cộng đồng dân cư thông qua hoạt động của các Tổ TK&VV. Các tổ chức Hội đoàn thể còn phối hợp thực hiện nhiều hoạt động lồng ghép như khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe, nâng cao dân trí… Kết quả khảo sát cho thấy 99% ý kiến đánh giá cao vai trò của chính quyền địa phương trong việc phối hợp rà soát đối tượng và quản lý nguồn vốn TDCSXH một cách hiệu quả.

  2.2. Những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân

Thứ nhất,  công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về các chương trình tín dụng chính sách dành cho đồng bào DTTS còn nhiều hạn chế. Nội dung tuyên truyền chưa sát với thực tế, phương thức triển khai chưa linh hoạt, hình thức truyền tải chưa phù hợp với phong tục, tập quán và ngôn ngữ của từng dân tộc, dẫn đến hiệu quả tiếp cận thông tin còn thấp.

Thứ hai, một số chính sách tín dụng áp dụng chung trên toàn quốc, chưa được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện đặc thù của từng vùng miền, Điều này khiến một số chính sách khi triển khai tại vùng đồng bào DTTS hiệu quả không cao. Ngoài ra, sự chồng chéo về địa bàn, đối tượng thụ hưởng giữa các chương trình cũng chưa được khắc phục triệt để.

Thứ ba, người nghèo vùng DTTS còn thụ động trong việc vươn lên thoát nghèo; năng lực tiếp cận thị trường, tiếp nhận các kiến thức, kỹ năng làm kinh tế của người nghèo còn hạn chế; cơ sở hạ tầng KT-XH ở một số vùng DTTS, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới chưa đồng bộ, khó khăn trong việc giao thương ảnh hưởng đến tiêu thụ, phân phối sản phẩm…

Thứ tư, một số hộ nghèo đồng bào DTTS có trình độ và năng lực sản xuất, kinh doanh hạn chế, thường xuyên chịu tác động của thời tiết, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh; … dẫn đến sản xuất, kinh doanh chưa hiệu quả, khó có khả năng trả nợ ngân hàng, nguy cơ tái nghèo.

Thứ năm, thiếu sự phối hợp chỉ đạo của các ngành, các cấp trong việc chuyển giao công nghệ, tập huấn, đào tạo nghề đúng trọng tâm và nhu cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm song hành với hoạt động tín dụng chính sách xã hội để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.

           3. Giải pháp nâng cao hiệu quả TDCSXH hỗ trợ đồng bào DTTS tại Tây Nguyên

  Để nâng cao hiệu quả TDCSXH hỗ trợ đồng bào DTTS tại Tây Nguyên, ngoài những kết quả đạt được tích cực trong thời gian qua cần phát huy, nhóm tác giả đưa ra một số giải pháp như sau:

         Thứ nhất, nhóm giải pháp về cải thiện hiệu quả phổ cập thông tin tuyên truyền phù hợp với đồng bào DTTS về chương trình TDCSXH tại Tây Nguyên

           Thông tin về các chương trình TDCSXH cần được tuyên truyền sâu rộng, có trọng tâm và phù hợp với phong tục, tập quán của từng dân tộc. Nội dung tuyên truyền nên được biên soạn dễ hiểu, gần gũi, sử dụng ngôn ngữ địa phương khi cần thiết, đồng thời đa dạng hóa hình thức truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh, mạng xã hội, sinh hoạt cộng đồng… Bên cạnh đó, cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ địa phương nhằm nâng cao hiệu quả truyền tải và tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.

          Thứ hai, nhóm giải pháp cải thiện bản tính thụ động của người nghèo vùng DTTS trong việc vươn lên thoát nghèo; cải thiện năng lực tiếp cận thị trường, tiếp nhận các kiến thức, kỹ năng làm kinh tế.

         - Thay đổi nhận thức và khơi dậy ý chí tự lực, chia sẻ các câu chuyện thành công của những người DTTS đã vượt khó thoát nghèo; Xây dựng các mô hình kinh tế thành công tại địa phương để người dân học hỏi và làm theo. Tạo điều kiện để người dân tham quan, học tập các mô hình kinh tế hiệu quả. Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy và hành động.

        - Tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng về sản xuất, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu và bán hàng. Hỗ trợ người dân tiếp cận các sàn thương mại điện tử và các kênh bán hàng trực tuyến.

        - Chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và các ngành nghề khác thông qua các phương tiện truyền thông hoặc các buổi hướng dẫn trực tiếp. Phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể: Hỗ trợ vốn và kỹ thuật, tư vấn và hỗ trợ pháp lý…

         Thứ ba, nhóm giải pháp giúp cho người nghèo thuộc hộ đồng bào DTTS vùng Tây Nguyên sử dụng đồng vốn vay hiệu quả từ chương trình TDCSXH và vươn lên thoát nghèo bền vững

          - Tổ chức các lớp tập huấn về hướng dẫn quản lý tài chính cá nhân, lập kế hoạch kinh doanh cơ bản và kỹ năng sử dụng vốn vay hiệu quả. Ưu tiên các hình thức đào tạo thực hành, dễ hiểu, phù hợp với trình độ dân trí của đồng bào DTTS. 

         - Hướng dẫn lựa chọn mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp, ưu tiên các mô hình dựa trên các sản phẩm nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp truyền thống của đồng bào DTTS.

         - Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của người dân, đảm bảo vốn vay được sử dụng đúng mục đích. Xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng vốn vay sai mục đích. Thường xuyên đánh giá hiệu quả của chương trình TDCSXH, từ đó có điều chỉnh phù hợp.

         - Tăng cường sự phối hợp giữa NHCSXH, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương trong công tác hỗ trợ và giám sát sử dụng vốn vay, phân định rõ vai trò, trách nhiệm từng bên.

        Thứ , nhóm giải pháp phối hợp chỉ đạo của các ngành, các cấp trong việc chuyển giao công nghệ, tập huấn, đào tạo nghề đúng trọng tâm và nhu cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm song hành với hoạt động tín dụng CSXH để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay của đồng bào DTTS vùng Tây Nguyên

          - Thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành với trách nhiệm cụ thể, xây dựng quy chế phối hợp rõ ràng, hiệu quả.

         - Chuyển giao công nghệ và đào tạo nghề đúng trọng tâm và nhu cầu dựa trên tiềm năng và lợi thế của từng địa phương, phù hợp với điều kiện sản xuất và kinh doanh của đồng bào DTTS.

          - Hỗ trợ người dân liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã để xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm. Tạo điều kiện để người dân tiếp cận các kênh tiêu thụ sản phẩm ổn định. Xây dựng các kênh bán hàng trực tuyến cho các sản phẩm đặc trưng của vùng Tây Nguyên.

          - Chính quyền địa phương cần tăng cường chỉ đạo và điều hành các hoạt động phối hợp. Tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động chuyển giao công nghệ, đào tạo nghề và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội.

III. Kết luận:

TDCSXH là công cụ quan trọng giúp đồng bào DTTS tại Tây Nguyên, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững. Nhờ nguồn vốn này, nhiều hộ gia đình đã có điều kiện đầu tư sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, hoạt động TDCSXH tại Tây Nguyên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định: mức am hiểu và khả năng tiếp cận thông tin của hộ nghèo DTTS còn hạn chế, sự phối hợp giữa các bên liên quan chưa thực sự chặt chẽ và đồng bộ, năng lực sử dụng vốn vay của một bộ phận người dân còn yếu kém,…

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả của TDCSXH góp phần hỗ trợ đồng bào DTTS tại Tây nguyên thoát nghèo bền vững, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức và năng lực sử dụng vốn cho đồng bào DTTS; nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Hội đoàn thể nhận ủy thác và Tổ TK&VV; phối hợp mô hình sản xuất phù hợp với đặc thù địa phương, gắn với đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.

Việc triển khai đồng bộ các giải pháp này không chỉ giúp đồng bào DTTS thoát nghèo bền vững mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện cho khu vực Tây Nguyên.