Giải pháp nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội góp phần thực hiện chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Ths. Nguyễn Phan Vỹ
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Tuyên Quang

Tóm tắt
Chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (XKLĐ) là một trong những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm và phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt ở khu vực nông thôn - nơi còn thiếu hụt cơ hội việc làm ổn định. Bài viết này tập trung phân tích thực trạng triển khai chương trình xuất khẩu lao động tại tỉnh Tuyên Quang, đánh giá những kết quả đạt được, đồng thời chỉ ra tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Từ đó, đề xuất một số giải phát nhằm nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH), góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và tăng cường hội nhập mạnh mẽ trong môi trường quốc tế đối với tỉnh Tuyên Quang.
Từ khóa: Xuất khẩu lao động, NHCSXH, Tín dụng chính sách xã hội

tuyenquang1

Đại diện các tổ chức, cơ quan, các công ty đã ký Biên bản ghi nhớ, hợp tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn huyện Na Hang giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030

1. Đặt vấn đề
Trên cơ sở triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đặc biệt là Kế hoạch số 195/KHUBND ngày 09/11/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình hành động số 01/CTr-BCĐ ngày 26/12/2022 của Ban Chỉ đạo thực hiện công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2022 - 2025, chương trình cho vay người lao động trên địa bàn tỉnh đã đạt được hiệu quả, chuyển biến tích cực trong giai đoạn 2022 - 2024. Trong giai đoạn này, toàn tỉnh đã đưa được 2.511 lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng, trong đó: năm 2022 là 677 người (đạt 144% kế hoạch); năm 2023 là 1.061 người (đạt 208% theo kế hoạch số 195/KH-UBND) và năm 2024 là 1.136 người (đạt142% kế hoạch). Những con số này cho thấy hiệu quả rõ rệt và chuyển biến tích cực trong việc triển khai chính sách tín dụng hỗ trợ XKLĐ, góp phần mở rộng cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân địa phương.
2. Thực trạng hiệu quả TDCSXH đối với chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại tỉnh Tuyên Quang
a. Về nguồn vốn cho vay

Bảng 1. Kết quả huy động nguồn vốn cho vay chương trình XKLĐ

tuyenquang2

Bảng 1 cho thấy nguồn vốn trung ương chiếm (trên 97%) tổng nguồn vốn cho vay của chi nhánh, nguồn vốn cho vay chương trình XKLĐ của chi nhánh tăng qua các năm. Trong giai đoạn 2022-2025 tỉnh đã tập trung hoạt động đưa người lao động đi nước ngoài với số tiền 41,7 tỷ đồng, tuy nhiên nguồn vốn ủy thác địa phương sang NHCSXH để cho vay xuất khẩu lao động còn hạn chế.

b. Về hoạt động cho vay chương trình xuất khẩu lao động

Bảng 2. Tổng hợp kết quả Doanh số cho vay, dư nợ chương trình cho vay XKLĐ giai đoạn 2022-2024

                                                                                                                                                      Đơn vị: triệu VND/KH

tuyenquang3

Qua bảng 2 cho thấy, giai đoạn 2022 - 2024 chương trình cho vay XKLĐ đã được NHCSXH tỉnh Tuyên Quang triển khai đồng bộ, bám sát chỉ tiêu kế hoạch, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn tỉnh. Doanh số cho vay không ngừng tăng cao, năm 2024 chi nhánh NHCSXH tỉnh Tuyên Quang cho vay với số tiền 16.418 triệu đồng, tăng 8.284 triệu đồng (+101,8%), cho 216 lượt khách hàng vay vốn, tăng 118 khách hàng (tăng 120%) so với năm 2022. Số khách hàng còn dư nợ chương trình XKLĐ liên tục tăng. Điều đó chứng tỏ chương trình XKLĐ tại tỉnh Tuyên Quang đang phát huy hiệu quả, nhiều hộ gia đình, lao động tích cực vay vốn để đi XKLĐ để góp phần đóng góp vào sự phát triển hộ gia đình nói riêng và phát triển kinh tế tỉnh Tuyên Quang nói chung.

c. Khảo sát ý kiến
Quá trình nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát ý kiến đối với 420 đối tượng là lãnh đạo UBND, Hội đoàn thể cấp xã, thành viên Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), Hộ vay nhằm đánh giá vai trò quan trọng của chương trình XKLĐ đối với sự phát triển kinh tế của địa phương, cụ thể:

Bảng 3. Tổng hợp ý kiến khảo sát đánh giá hiệu quả nguồn vốn đối với chương trình cho vay vốn hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài

tuyenquang4Nguồn: Tổng hợp của nhóm nghiên cứu

Kết quả khảo sát cho thấy chương trình cho vay vốn XKLĐ đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm và góp phần giảm tín dụng đen. Đa số các đối tượng được khảo sát đều đánh giá tích cực về hiệu quả của chương trình, với tỷ lệ ủng hộ cao đối với tác động kinh tế và xã hội của nguồn vốn.

Điển hình như gia đình chị Bùi Thị Viền, thôn Bản Bó, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình. Khi được vay vốn từ NHCSXH, chồng chị là Quan Văn Hỷ đã xuất cảnh sang Đài Loan làm việc với nguồn thu nhập ổn định hơn 30 triệu đồng/tháng. Sau hơn một năm, không những gia đình đã trả gần hết khoản vay, mà còn có tích lũy để đầu tư phát triển kinh tế hộ. Đây là minh chứng cụ thể cho hiệu quả của chính sách tín dụng ưu đãi trong việc hỗ trợ sinh kế và nâng cao đời sống nhân dân.

tuyenquang5

              Hộ gia đình bà Bùi Thị Viền - Quan Văn Hỷ, thôn Bản Bó, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình có nguồn thu nhập ổn định từ Lao động xuất khẩu

3. Đánh giá thực trạng hiệu quả sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
a. Những kết quả đạt được
Thứ nhất, nguồn vốn TDCSXH dành cho chương trình XKLĐ tại chi nhánh NHCSXH tỉnh Tuyên Quang đã có sự tăng trưởng ổn định qua các năm, với định hướng phân bổ vốn rõ ràng, không để xẩy ra tình trạng vốn tồn đọng.
Thứ hai, quy mô và số lượng khách hàng vay vốn theo chương trình XKLĐ tăng hàng năm.
Thứ ba, chất lượng tín dụng được đảm bảo và duy trì ở mức cao. Điều này được thể hiện qua tỷ lệ thu nợ đạt 99% trong cả ba năm liên tiếp từ 2022-2024.
Thứ tư, mức độ hài lòng của khách hàng đối với hoạt động TDCSXH hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài do chi nhánh NHCSXH tỉnh Tuyên Quang là rất cao. Khách hàng đánh giá tích cực về thủ tục vay vốn, mức độ tiếp cận, sự hỗ trợ từ cán bộ tín dụng cũng như hiệu quả thiết thực mà nguồn vốn mang lại.
Thứ năm, việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã mang lại những hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt. Không chỉ góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân, chương trình còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực, giảm nghèo bền vững và thúc đẩy hội nhập quốc tế tại địa phương.
b. Những tồn tại, hạn chế
Chương trình cho vay XKLĐ tại tỉnh Tuyên Quang vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được quan tâm khắc phục.
Thứ nhất, nguồn vốn cho chương trình chủ yếu từ Trung ương, chưa có sự tham gia của ngân sách địa phương, dẫn đến hạn chế trong việc mở rộng quy mô và đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn trên địa bàn.
Thứ hai, quy mô vốn cho vay còn thấp so với nhu cầu thực tế; mức cho vay bình quân cho từng khách hàng có xu hướng giảm theo các năm: năm 2022 đạt 83 triệu/khách hàng, năm 2023 là 75,2 triệu/khách hàng và năm 2024 đạt 76 triệu/khách hàng.
Thứ ba, Nợ quá hạn vẫn có nguy cơ tiềm ẩn tăng, gây ảnh hưởng đến hiệu quả tín dụng và khả năng quay vòng vốn.
Thứ tư, qua khảo sát, một số hộ vay cho rằng tác động của chương trình chưa thực sự rõ ràng. Mặc dù phần lớn hộ vay đánh giá cao chương trình, vẫn có một bộ phận (từ 1-5%) cho rằng chương trình chỉ có tác động nhỏ hoặc chưa giúp họ cải thiện đáng kể thu nhập và đời sống.
Thứ năm, qua khảo sát vẫn còn 91/420 ý kiến (chiếm 21,67%) hộ vay nhận định rằng chương trình chỉ có tác động một phần đến giảm tín dụng đen trên địa bàn.
c. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế
Các tồn tại, hạn chế trên xuất phát từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, cụ thể như sau:
- Nguyên nhân chủ quan
Thứ nhất, sự thiếu chủ động và chưa thật sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành tại một số huyện, xã. Một bộ phận cán bộ còn xem nhẹ trách nhiệm tuyên truyền và tổ chức thực hiện, chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của chương trình.
Thứ hai, việc xây dựng kế hoạch tín dụng tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh chưa dựa trên cơ sở khảo sát nhu cầu thực tế, thiếu các phương án liên kết theo ngành nghề, vùng kinh tế, chuỗi giá trị sản xuất - dịch vụ liên quan đến nguồn lao động, dẫn đến khó phát huy hiệu quả sử dụng vốn.
Thứ ba, công tác tư vấn định hướng học nghề và giới thiệu cơ hội đi làm việc ở nước ngoài còn yếu. Tại Tuyên Quang, nhiều cơ sở dạy nghề và trung tâm giới thiệu việc làm chưa tích cực lồng ghép nội dung hỗ trợ người lao động đi làm việc nước ngoài vào hoạt động thường xuyên.
Thứ tư, Tuyên Quang là tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực tài chính. Trong khi đó, ngân sách địa phương phải phân bổ cho nhiều mục tiêu phát triển khác, nên việc bố trí nguồn ủy thác từ ngân sách tỉnh, huyện sang NHCSXH để cho vay hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn hạn chế, chưa tương xứng với nhu cầu thực tế.
Thứ năm, thành viên Ban đại diện HĐQT, Chủ tịch UBND cấp xã một số nơi chưa chủ động lồng ghép tín dụng chính sách xã hội vào chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; công tác kiểm tra - giám sát chưa đạt chất lượng cao.
Thứ sáu, một số Hội đoàn thể nhận ủy thác cấp xã, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn chưa thực hiện tốt các nội dung ủy thác vàủy nhiệm, chưa tích cực, sâu sát cơ sở, đặc biệt là khâu giám sát việc bình xét cho vay đúng đối tượng, mức cho vay hợp lý…
- Nguyên nhân khách quan
Một là, khung pháp lý chưa đồng bộ; một số chính sách áp dụng chung trên toàn quốc chưa phù hợp với từng vùng, miền, đối tượng.Chưa có quy định cụ thể về tỷ lệ và nguyên tắc xác định nguồn vốn chủ đạo, phù hợp với đặc thù tín dụng chính sách xã hội.
Hai là, thiếu sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội. Công tác phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong việc sử dụng vốn của các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội còn hạn chế, dẫn đến một bộ phận người vay vốn sử dụng vốn vay chưa hiệu quả, chưa thoát nghèo bền vững.
Ba là, Một số doanh nghiệp không hợp tác với NHCSXH trong giải ngân vốn vay do lo ngại về trách nhiệm thuế khi nhận tiền từ tài khoản khách hàng, ảnh hưởng đến quá trình giải ngân và sử dụng vốn.
Bốn là, nhận thức của người dân về chương trình còn hạn chế. Một bộ phận chưa hiểu rõ lợi ích của chương trình, còn e ngại đi xa làm việc, sợ rủi ro, ngại xa gia đình, dẫn đến việc tiếp cận và sử dụng vốn chưa hiệu quả.
Năm là, một số người gặp khó khăn trong việc tham gia chương trình do định kiến xã hội hoặc thiếu sự hỗ trợ từ gia đình và cộng đồng, đặc biệt là với lao động nữ.
4. Giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần thực hiện chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
a. Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách
Thứ nhất, cần hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành nhằm triển khai hiệu quả TDCSXH cho người lao động đi làm việc nước ngoài. Thực tế cho thấy, quá trình thực hiện chính sách vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính, giấy tờ không đồng bộ và thiếu thống nhất về thông tin giữa các bên liên quan. Do vậy, chi nhánh NHCSXH tỉnh Tuyên Quang cần chủ động xây dựng và thiết lập Quy chế phối hợp ba bên giữa: Chi nhánh NHCSXH - các cơ quan,ban ngành chức năng liên quan - doanh nghiệp tuyển dụng lao động. Cơ chế phối hợp này nhằm tăng cường liên thông thông tin, hỗ trợ người lao động tiếp cận chính sách nhanh chóng, thuận lợi và đúng quy định.
Thứ hai, chi nhánh cần xây dựng cơ chế giải ngân vốn vay linh hoạt theo từng giai đoạn phù hợp với tiến độ thực hiện hợp đồng xuất khẩu lao động. Từ thực tiễn triển khai, việc giải ngân một lần toàn bộ khoản vay cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Chi nhánh cần kiến nghị lên Hội sở chính và phối hợp với UBND tỉnh để ban hành cơ chế giải ngân theo từng giai đoạn, phù hợp với tiến độ thực hiện hợp đồng (giai đoạn nộp hồ sơ - đào tạo - khám sức khỏe - xuất cảnh). Việc này giúp giảm áp lực tài chính cho cả ngân hàng và doanh nghiệp, đồng thời tăng cường giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích, tránh trường hợp vay xong nhưng không đi làm việc, gây rủi ro tín dụng.
Thứ ba, trong dài hạn, chi nhánh cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động cho vay TDCSXH, tích hợp với cơ quan chức năng và các huyện, nơi người lao động có thể theo dõi thông tin thị trường, tải mẫu hồ sơ, tra cứu chính sách hỗ trợ và theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ vay vốn của mình. Hệ thống này giúp tăng tính minh bạch, giảm thiểu thời gian đi lại và chi phí đi lại cho người dân, và tạo niềm tin của người dân với TDCSXH. Từ đó, tạo động lực để người lao động mạnh dạn vay vốn và tham gia thị trường lao động quốc tế.
b. Nhóm giải pháp về công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành
Một là, xuất phát từ thực tế là nguồn vốn cho chương trình chủ yếu từ Trung ương, chưa có sự tham gia của ngân sách địa phương, vì thế chi nhánh NHCSXH tỉnh Tuyên Quang cần tích cực chủ động tham mưu cho UBND tỉnh và Ngân hàng Nhà nước địa phương về cơ chế điều phối vốn. Chi nhánh NHCSXH tỉnh cần đóng vai trò tích cực trong việc tham mưu cho UBND tỉnh và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh về điều tiết, phân bổ, và điều phối nguồn vốn cho vay hỗ trợ ngươi lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn.
Hai là, tiếp tục tăng cường vai trò của chi nhánh trong Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Với tư cách là thành viên Ban Chỉ đạo công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, chi nhánh NHCSXH cần chủ động đề xuất nội dung họp định kỳ và kiến nghị các nội dung cụ thể như: cập nhật danh sách lao động cần vay vốn, vướng mắc trong xác nhận đối tượng ưu tiên, thống nhất về hồ sơ chi phí chứng minh cho vay…
Ba là, chi nhánh có thể tổ chức giao ban chuyên đề tín dụng xuất khẩu lao động theo quý tại chi nhánh. Để điều hành hiệu quả trong nội bộ, chi nhánh NHCSXH tỉnh cần tổ chức các cuộc họp giao ban chuyên đề hàng quý với các phòng giao dịch huyện, cán bộ phụ trách chương trình vay vốn xuất khẩu lao động. Nội dung giao ban cần tập trung vào các chỉ tiêu như: tỷ lệ tiếp cận vốn, dư nợ theo địa bàn, nợ quá hạn, phản hồi của người dân, phối hợp với doanh nghiệp….
Bốn là, Ban lãnh đạo chi nhánh cũng có thể tổ chức định kỳ tham mưu đánh giá chính sách và đề xuất sửa đổi quy trình nội bộ trong hoạt động TDCSXH hỗ trợ người lao động đi làm việc nước ngoài. Theo đó, chi nhánh cần tổ chức các đợt rà soát, đánh giá hiệu quả thực tế của quy trình cho vay xuất khẩu lao động định kỳ 6 tháng/lần. Trên cơ sở đó, tổ chức tổng hợp các bất cập trong hồ sơ, điều kiện vay, biểu mẫu, thời gian giải ngân, tỷ lệ từ chối vay, và lập báo cáo kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy trình nghiệp vụ nội bộ. Đây là hoạt động tham mưu theo chiều sâu, vừa đảm bảo hiệu lực điều hành, vừa cải tiến chất lượng phục vụ. Đặc biệt, cần chú trọng tới các đề xuất về số hóa hồ sơ, quy trình ký kết điện tử, và cập nhật trạng thái xử lý hồ sơ trên hệ thống trực tuyến - những yếu tố phù hợp với xu thế chuyển đổi số của ngành ngân hàng hiện nay.
Thứ năm, chi nhánh cần tiến hành tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế khuyến khích địa phương tham gia hỗ trợ TDCSXH. Chi nhánh có thể chủ động đề xuất với UBND tỉnh và các huyện ban hành cơ chế đồng hành khuyến khích địa phương hỗ trợ lãi suất hoặc ủy thác vốn cho vay xuất khẩu lao động. Đề xuất này nên được thực hiện thông qua các hội nghị sơ kết, tổng kết hoặc trong các văn bản tham mưu chiến lược dài hạn. Việc huy động nguồn vốn ủy thác từ địa phương không chỉ tăng khả năng điều hành linh hoạt của chi nhánh mà còn tạo ra tính gắn kết và đồng sở hữu giữa NHCSXH và chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện chính sách.
Thứ sáu, chi nhánh có thể Ban hành kế hoạch công tác riêng cho tín dụng xuất khẩu lao động trong từng năm. Ngoài kế hoạch công tác chung, chi nhánh cần xây dựng kế hoạch công tác chuyên đề về tín dụng chính sách hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, với các chỉ tiêu rõ ràng như: dư nợ tăng trưởng, tỷ lệ giải ngân đúng hạn, số người được hỗ trợ vay vốn mới, tỷ lệ nợ quá hạn, số đợt truyền thông phối hợp tổ chức. Kế hoạch này giúp điều hành có trọng tâm và dễ dàng đánh giá kết quả, đồng thời là công cụ cụ thể hóa chỉ đạo từ Ban Giám đốc chi nhánh đến các phòng giao dịch cấp huyện.
c. Nhóm giải pháp về phối kết hợp với các đơn vị có liên quan
Thứ nhất, tăng cường phối hợp giữa chi nhánh NHCSHXH tỉnh với các cơ quan liên quan. Chi nhánh cần chỉ đạo các Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện thiết lập và duy trì mối quan hệ phối hợp thường xuyên và chặt chẽ với các phòng ban liên quan. Theo đó, hai bên có thể cùng tổ chức rà soát, cập nhật danh sách người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, nhất là những người thuộc nhóm ưu tiên như hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, hộ bị thu hồi đất… Việc cập nhật thông tin kịp thời sẽ giúp ngân hàng chủ động trong việc lập kế hoạch vốn và hỗ trợ người dân làm hồ sơ vay đúng đối tượng, đúng thời điểm. Ngoài ra, hai bên cần phối hợp trong việc xác minh thông tin, hỗ trợ hồ sơ chứng minh chi phí cần vay và theo dõi tình trạng lao động sau khi xuất cảnh, để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh.Thứ hai, chi nhánh NHCSXH tỉnh Tuyên Quang cần chủ động kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động uy tín, nhất là các doanh nghiệp đã ký kết với tỉnh. Trên cơ sở đó, các bên có thể cùng xây dựng lịch trình tuyển dụng - hỗ trợ vay vốn - hoàn thiện hồ sơ để người lao động thực hiện đầy đủ thủ tục một cách liên thông, nhanh gọn. Đặc biệt, doanh nghiệp cần cung cấp bảng chi phí minh bạch kèm hóa đơn, chứng từ hợp lệ để người lao động có cơ sở vay vốn chính sách. Sự phối hợp hiệu quả sẽ giúp NHCSXH không chỉ đơn thuần là bên cho vay, mà còn tham gia tích cực trong việc bảo vệ quyền lợi và giảm rủi ro cho người lao động ngay từ đầu.
Thứ ba, tăng cường phối hợp với UBND cấp xã trong công tác tuyên truyền, quản lý và giám sát người vay.UBND xã là cấp gần dân nhất và có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát hiện nhu cầu vay vốn, xác nhận đối tượng chính sách, và giám sát sử dụng vốn sau khi vay.
Thứ tư, phối hợp với Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân để truyền thông sâu rộng về hoạt động TDCSXH hỗ trợ người lao động đi làm việc nước ngoài. Đây là những lực lượng nòng cốt, có khả năng tiếp cận sâu rộng với các nhóm đối tượng tiềm năng như thanh niên, phụ nữ, hộ nông dân - vốn chiếm tỷ lệ lớn trong số lao động có nhu cầu ra nước ngoài làm việc.
Thứ năm, phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí để tăng tính lan tỏa của chính sách. Dựa trên chỉ đạo của Ban Chỉ đạo tỉnh và kế hoạch truyền thông của UBND tỉnh, chi nhánh NHCSXH tỉnh cần xây dựng các chuyên mục hoặc phóng sự phối hợp với Đài PT-TH tỉnh, Báo Tuyên Quang, Cổng thông tin điện tử tỉnh, trong đó nhấn mạnh vào hiệu quả thực tế của vay vốn đi làm việc ở nước ngoài. Các nội dung cần tập trung vào: gương người lao động trả nợ thành công, số tiền gửi về gia đình, cải thiện sinh kế, con cái được học hành… Việc này giúp lan tỏa thông điệp chính sách, tăng mức độ tin tưởng vào NHCSXH, đồng thời giảm sự can thiệp của tín dụng đen hoặc các doanh nghiệp mờ ám vào quá trình xuất khẩu lao động.Thứ sáu, chi nhánh có thể hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm trong tỉnh để để tuyên truyền chính sách tín dụng ngay từ trong quá trình đào tạo. Chi nhánh NHCSXH có thể phối hợp với các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên huyện, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các trường nghề để tổ chức tuyên truyên ngay từ khi học sinh chuẩn bị tốt nghiệp. Những học viên có ý định đi làm việc ở nước ngoài sẽ được tiếp cận sớm thông tin về vay vốn, hồ sơ chuẩn bị, cách chứng minh chi phí, lãi suất và nghĩa vụ trả nợ. Đồng thời, NHCSXH có thể cử cán bộ trực tiếp tham gia các ngày hội việc làm, phiên giao dịch xuất khẩu lao động, giới thiệu chính sách tín dụng và tư vấn miễn phí cho người dân. Đây là hình thức truyền thông hiệu quả, vừa tiết kiệm chi phí, vừa kết nối chặt chẽ các mắt xích trong chuỗi “đào tạo - việc làm - tín dụng”.
d. Nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện
Thứ nhất, tăng cường bố trí cán bộ chuyên trách theo dõi chương trình vay vốn đi làm việc ở nước ngoài. Một trong những giải pháp tổ chức thực hiện quan trọng là bố trí cán bộ phụ trách chuyên biệt hoặc kiêm nhiệm rõ ràng cho chương trình tín dụng xuất khẩu lao động tại cấp chi nhánh và cấp huyện. Việc phân công cụ thể giúp tăng cường tính trách nhiệm, theo dõi sát tiến độ, kịp thời hỗ trợ người dân tháo gỡ vướng mắc. Cán bộ chuyên trách cũng là đầu mối để tham gia các hoạt động liên ngành như họp với doanh nghiệp, phối hợp đào tạo, truyền thông và giám sát sau vay. Thứ hai, chi nhánh cần tổ chức rà soát bộ hồ sơ tín dụng riêng dành cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, phù hợp với đặc thù chương trình, tránh tình trạng người vay và cán bộ giao dịch phải sử dụng biểu mẫu chung, thiếu hướng dẫn rõ ràng. Bộ hồ sơ nên đơn giản hóa các giấy tờ không cần thiết, hướng dẫn cụ thể cách chứng minh chi phí cần vay, lịch trình xuất cảnh, chứng từ xác nhận từ doanh nghiệp tuyển dụng… Việc chuẩn hóa này giúp giảm thời gian xử lý hồ sơ, hạn chế sai sót và nâng cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức thực hiện.Thứ ba, tăng cường cơ chế theo dõi và báo cáo cho chương trình. Chi nhánh NHCSXH tỉnh Tuyên Quang cần xây dựng hệ thống theo dõi cho chương trình tín dụng hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài, với các chỉ số như: số hồ sơ tiếp nhận - số giải ngân - dư nợ - tỷ lệ nợ quá hạn - số hồ sơ bị từ chối kèm lý do - số lao động đã xuất cảnh thành công - số lao động quay về đúng hạn. Từ hệ thống này, có thể xây dựng báo cáo định kỳ chuyên đề (quý, 6 tháng, năm) để trình Ban Giám đốc NHCSXH tỉnh, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, từ đó nâng cao vai trò điều hành và tạo căn cứ minh chứng cho hiệu quả chương trình. Hệ thống theo dõi này nên được số hóa và kết nối với hệ thống nội bộ nghiệp vụ.
Thứ tư, triển khai tập huấn chuyên đề cho cán bộ tuyến xã và tổ TK&VV. Chi nhánh cần tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề riêng về tín dụng xuất khẩu lao động dành cho tổ trưởng tổ Tiết kiệm và vay vốn, cán bộ xã và đoàn thể cấp xã. Nội dung tập huấn cần tập trung vào việc: xác định đúng đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ người dân lập hồ sơ vay, tuyên truyền chính sách vay đúng quy định và cách nhận diện rủi ro trong sử dụng vốn sai mục đích. Tập huấn có thể lồng ghép mô hình “hỏi - đáp tình huống thực tế” để tăng tính tương tác và ứng dụng. Sau mỗi lớp, nên có đánh giá hiệu quả tiếp thu và chọn lọc những nhân tố nòng cốt để đào tạo nâng cao.
Thứ năm, nâng cao công tác cán bộ thông qua khen thưởng, biểu dương cá nhân, tập thể triển khai hiệu quả. Một trong những động lực thúc đẩy tổ chức thực hiện hiệu quả là việc công nhận và biểu dương những cán bộ, đơn vị triển khai tốt chương trình. Chi nhánh nên chủ động xây dựng bảng đánh giá nội bộ hàng năm cho chương trình tín dụng xuất khẩu lao động, làm cơ sở bình xét thi đua. Ngoài ra, nên đề xuất với Ban Chỉ đạo tỉnh khen thưởng thêm các tổ TK&VV, UBND xã, cán bộ xã có nhiều đóng góp trong hỗ trợ vay vốn, truyền thông chính sách và quản lý người lao động. Việc này vừa tạo động lực tinh thần, vừa góp phần nâng cao vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong thực thi chính sách tín dụng.
Kết luận
Chương trình tín dụng chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là một trong những chính sách thiết thực và mang tính nhân văn, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Với quyết tâm của hệ thống chính trị và sự đồng hành của NHCSXH, tỉnh Tuyên Quang cần tiếp tục hoàn thiện và mở rộng chính sách này, để ngày càng có nhiều người dân vùng sâu, vùng xa có cơ hội vươn lên làm giàu một cách chính đáng từ những chuyến đi mang theo khát vọng đổi đời.