Đắk Nông hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19
Gia hạn, giãn nợ
Huyện Đắk R’lấp là địa phương ghi nhận nhiều hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Để giúp người dân vượt qua khó khăn, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã chủ động phương án hỗ trợ về nguồn vốn. Theo ông Mai Văn Nam - Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đắk R’lấp, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, đơn vị nhanh chóng nắm bắt tình hình, tổng hợp dánh sách, mức độ ảnh hưởng của khách hành vay vốn.
Đối với những khách hàng gặp khó khăn, chưa trả được nợ gốc khi đến hạn, đơn vị xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ. Một số trường hợp khác, Phòng giao dịch thực hiện gia hạn nợ, cho vay bổ sung, nhằm giúp bà con khôi phục sản xuất. Các hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là những trường hợp được tích cực rà soát, tổng hợp mức độ ảnh hưởng. Trong bối cảnh dịch bệnh, người dân được hỗ trợ vốn kịp thời để tái sản xuất là nhiệm vụ hàng đầu.
Từ đầu tháng 5.2021 đến nay, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đắk R’lấp đã hỗ trợ cho hơn 900 hộ gia đình gặp khó khăn do dịch bệnh, với tổng số tiền 33,5 tỉ đồng. Trong đó, đơn vị thực hiện gia hạn, giãn nợ cho 46 hộ vay vốn, số tiền hơn 1,4 tỉ đồng; thực hiện cho vay mới 860 hộ, với tổng số tiền hơn 32 tỉ đồng.
Tại huyện Đắk Song, nhiều giải pháp hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng dịch bệnh được Phòng giao dịch NHCSXH huyện triển khai. Đến nay, đơn vị đã thực hiện gia hạn, giãn nợ cho 110 hộ vay vốn, với số tiền 3,2 tỉ đồng; cho vay mới 730 hộ, số tiền hơn 32 tỉ đồng.
Bà Lê Thị Hân ở thôn 5, xã Thuận Hà, huyện Đắk Song được NHCSXH huyện gia hạn nợ vì gặp khó khăn do dịch COVID-19. Theo bà Hân, năm 2017, gia đình bà được ngân hàng cho vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ cận nghèo. Đến tháng 5.2021, số tiền vay đến kỳ hạn trả. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh, gia đình gặp khó khăn trong tiêu thụ nông sản, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã xem xét gia hạn cho bà đến hết tháng 7.2021. “Trong thời gian gặp khó khăn, NHCSXH gia hạn nợ, giúp gia đình có thêm thời gian xoay trở. Tôi mong muốn, NHCSXH hỗ trợ thêm về nguồn vốn sản xuất để người dân được “tiếp sức” trong tái sản xuất, đầu tư”, bà Hân tâm sự.
Dịch bệnh bùng phát, mọi hoạt động SXKD bị ngưng trệ. Việc tạo điều kiện cho hộ vay có thời gian quay vòng vốn sẽ góp phần giảm thiểu khó khăn cho bà con. Từ đầu năm đến nay, chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông đã thực hiện gia hạn nợ, giãn nợ cho gần 540 hộ vay vốn, với số tiền 18,8 tỉ đồng. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho hàng nghìn hộ gia đình bị ảnh hưởng dịch bệnh được vay mới, với số tiền hàng trăm tỉ đồng. Doanh số cho vay trong 7 tháng đầu năm 2021 của NHCSXH tỉnh đạt gần 720 tỉ đồng, với hơn 19.200 lượt hộ vay vốn.
Chia sẻ khó khăn với người dân
Dịch bệnh COVID-19 bùng phát, ảnh hưởng rất lớn đến người dân. Hàng hóa nông sản khó tiêu thụ. Hoạt động kinh doanh, buôn bán ế ẩm. Trong số này, khách hàng vay vốn của NHCSXH rất lớn. Trước thực trạng này, chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nhiều giải pháp kịp thời.
Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Nguyễn Tiến Hà cho biết: Với tinh thần hỗ trợ vốn kịp thời cho người dân, đơn vị phổ biến chính sách, bảo đảm quyền lợi cho khách hàng. Kịp thời làm việc với các Phòng giao dịch trực thuộc, nắm bắt tình hình dịch bệnh từng địa bàn. Đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại của hộ vay. Trên cơ sở rà soát, xem xét và triển khai gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, cho vay bổ sung. Tuỳ điều kiện từng hộ gia đình, ngân hàng sẽ áp dụng linh động, phù hợp nhất.
Cũng theo ông Hà, trong giai đoạn dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, những món vay đến hạn vào ngày giao dịch cố định được NHCSXH tự động điều chỉnh sang kỳ hạn giao dịch của tháng liền kề. Đối với những hộ gia đình đến kỳ hạn trả nợ ở các địa bàn do phong tỏa bởi dịch bệnh, ngân hàng phối hợp chính quyền sở tại linh động giải quyết cho hộ vay. Cùng với gia hạn nợ, giãn nợ, quá trình giải ngân nguồn vốn được chi nhánh NHCSXH tỉnh thực hiện kịp thời, đáp ứng nguồn vốn vay một cách nhanh nhất xuống tận tay người dân, giúp bà con chủ động nguồn vốn đầu tư sản xuất.
Bài và ảnh Nguyễn Lương
Các tin bài khác
- » Đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn chính sách của người dân
- » Nậm Lạnh giảm nghèo bền vững từ nguồn vốn chính sách
- » Người sử dụng lao động ở Hội An vay vốn trả lương phục hồi sản xuất
- » Nông dân Vân Kiều thoát nghèo nhờ vay vốn ưu đãi
- » Hiệu quả tín dụng chính sách ở vùng đất hiếu học Quỳnh Lưu
- » Hà Nội giải ngân hơn 5 tỷ đồng hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết 68
- » Thanh Hoá giải ngân vay vốn theo Nghị quyết 68
- » Hỗ trợ người lao động doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh
- » Hiệu quả nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm
- » “Bà đỡ” cho nông dân vùng khó khăn