Vươn lên từ gian khó

26/05/2015
(VBSP News) Vượt qua đoạn đường dài giữa trưa hè với cái nắng chói chang cùng gió lào rát bỏng cả da thịt, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Phú, chị Ngô Thị Thủy ở thôn kinh tế mới Trảng Rộng, xã Hải Thái, huyện Gio Linh (Quảng Trị) là điển hình sản xuất giỏi của địa phương.
Vườn cao su của gia đình chị Ngô Thị Thủy đã hồi sinh nhờ vốn vay ưu đãi

Vườn cao su của gia đình chị Ngô Thị Thủy đã hồi sinh nhờ vốn vay ưu đãi

Rót chén nước lá rừng mời khách để giải nhiệt, vợ chồng anh Phú, chị Thủy đưa chúng tôi về những ngày tháng làm ăn gian khó đầu những năm 90 khi anh chị rời quê hương ở xã Gio Mỹ để lên lập nghiệp ở vùng kinh tế mới Trảng Rộng để có ngày hôm nay. Những ngày mới lên đây vợ chồng chị dựng tạm một mái nhà tranh, đối diện với đất đai khô cằn, núi đồi hoang vu, điện chưa có, đường sá đi lại khó khăn… mọi thứ dường muốn như thử thách sự kiên trì của con người. Vợ chồng chị Thủy luôn trăn trở không biết rồi đây sẽ làm gì để có thể bám trụ lâu dài trên quê hương mới. Rất may, nhờ 2,5 triệu đồng từ Ngân hàng Phục vụ người nghèo rồi nâng dần lên 5 triệu, 7 triệu, 10 triệu đồng… khi chuyển sang NHCSXH, những đồng vốn nhỏ khởi nghiệp đã giúp vợ chồng chị Thủy chinh phục được vùng đất hoang vu bạt ngàn lau lách để xây dựng nên một trang trại gồm 10ha cao su trong đó đã khai thác 5ha; 5ha rừng tràm; 5 sào ruộng nước kết hợp chăn nuôi bò, gà, cá… trung bình mỗi năm trang trại của gia đình anh chị mang lại nguồn thu khoảng 200 triệu đồng. Nhờ vậy cuộc sống của gia đình anh Phú, chị Thủy ngày càng khấm khá, trả hết các khoản nợ cho ngân hàng và các con chị cũng được ăn học đến nơi đến chốn.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vốn phụ thuộc nhiều vào tự nhiên trong khi điều kiện khí hậu Quảng Trị quá khắc nghiệt. Năm 2013, đang lúc cao su bước vào mùa thu hoạch thì 2 cơn bão số 10 và 11 liên tiếp đổ bộ vào miền Trung trong đó có tỉnh Quảng Trị đã gây nhiều thiệt hại cho 10ha cao su của gia đình anh chị. Đang lúc khó khăn, túng thiếu vì hàng trăm gốc cao su bị gió bão làm gãy đổ cần được đầu tư khắc phục vợ chồng chị Thủy lại được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Sau 2 năm khắc phục hậu quả thiên tai, vườn cao su gia đình chị Thủy đã bắt đầu hồi sinh, mang lại dòng nhựa trắng ấm no, hạnh phúc cho gia đình. Hiện nay giá mủ cao su đang ở mức thấp kỷ lục nhưng mỗi ngày vợ chồng chị Thủy vẫn có nguồn thu ổn định từ khai thác mủ cao su để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Chị Thủy tâm sự: “Giá mủ cao su xuống quá thấp nên vợ chồng tôi chỉ khai thác một phần diện tích, còn lại thì tập trung đầu tư chờ giá lên lại rồi mới đưa vào khai thác vì vậy cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy vậy, mỗi lần khó khăn chúng tôi lại được NHCSXH bên cạnh, tiếp sức để vươn lên. Nhờ nguồn vốn ưu đãi này mà vợ chồng tôi mới có được cơ ngơi như ngày hôm nay”.

Bài và ảnh Lâm Thanh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác