“Không có việc gì khó…”
Là chị cả trong một gia đình ở vùng nông thôn nghèo, học giỏi nhưng chị Hường đã phải từ bỏ giấc mơ giảng đường để ở nhà giúp bố mẹ nuôi em ăn học. Năm 1989, chị kết hôn với anh Từ Văn Hồng, vốn là người chịu thương, chịu khó và có cùng hoàn cảnh. Gia đình chị bắt đầu từ đôi bàn tay trắng, lại đông con nên dẫu quần quật với 1ha đất ruộng nhận khoán, gia đình nghèo vẫn hoàn nghèo. Vốn là người có đầu óc tính toán nhanh nhạy, chị Hường luôn trăn trở nghĩ cách tăng thu nhập, nhưng muốn làm gì cũng bế tắc với bài toán tìm đâu ra nguồn vốn đầu tư. Năm 2003 lần đầu tiên gia đình được tiếp cận với nguồn tín dụng ưu đãi dành cho hộ nghèo. Được vay 8 triệu đồng, gia đình chị quyết định đầu tư mua máy cày để nâng cao năng suất 1ha ruộng lúa và làm dịch vụ cày thuê cho các hộ gia đình có nhu cầu. Nhờ áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, năng suất lúa của gia đình đã nâng lên rõ rệt và có thêm điều kiện để phát triển chăn nuôi lợn, gà, vịt và bò sinh sản. Năm 2010, sau khi trả hết nợ cũ, gia đình chị lại tiếp tục được vay 20 triệu đồng hộ nghèo. Cú hích này đã giúp chị Hường xây dựng được những bước phát triển mang tính chiến lược cho kinh tế gia đình. Chị bàn với chồng mở rộng khu chăn nuôi gia trại với quy mô hàng chục con lợn/lứa, mỗi năm 3 - 4 lứa; 4 con bò thường xuyên luân chuyển mua bán/năm cùng hàng trăm con gia cầm. Bên cạnh đó, chị đầu tư mua thêm máy xay xát và làm dịch vụ thu mua lúa của bà con trong vùng để chế biến, tiêu thụ ở thị trường thành phố Hà Tĩnh. Thu nhập gia đình ngày càng ổn định, 4 người con của anh chị có điều kiện học hành.
“Không chỉ tiếp sức với chúng tôi trên con đường phát triển kinh tế, trong chặng đường 13 năm đồng hành với gia đình, nguồn vốn từ NHCSXH còn hỗ trợ các con tôi xây dựng tương lai. Năm 2007 rồi 2010, hai đứa con gái đầu lần lượt theo học các trường trung học dạy nghề. Thời gian đó, chúng tôi đang góp vốn để phát triển kinh tế gia đình nên việc chi phí cho con học hành còn khó khăn. Vì vậy, chương trình cho vay tín dụng HSSV đã san sẻ gánh nặng, giúp gia đình vừa chăm lo cho con cái học hành, vừa phát triển kinh tế một cách bền vững”, chị Hường phấn khởi cho biết.
Năm 2010, gia đình chị Nguyễn Thị Hường đã chính thức ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã. Từ quãng đường gian khó của mình, chị Hường tâm niệm phải cố gắng giúp đỡ những người phụ nữ nông thôn nghèo khó thay đổi cuộc sống. Kiến thức, kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái được chị phổ biến, hướng dẫn đến nhiều chị em và chị đã được tín nhiệm giao nhiệm vụ chi hội trưởng phụ nữ thôn Trung Tiến. Năm 2014, xã xây dựng mô hình Tổ hợp tác chăn nuôi lợn, chị được tin tưởng chọn làm Tổ trưởng. Với sự vận động, hỗ trợ của chị, đến nay Tổ hợp tác đã phát triển được 10 thành viên với quy mô chăn nuôi 20 - 40 con lợn/lứa. Chị đã trở thành điểm tựa của chị em phụ nữ thôn Tiến Thọ trong kiến thức sản xuất, chăn nuôi, cách tính toán sử dụng vốn để phát triển kinh tế một cách bền vững. “Tôi thực sự hạnh phúc bởi những người phụ nữ lam lũ, nghèo đói quê mình đang có nhiều cơ hội để thay đổi vị thế, nâng cao chất lượng cuộc sống, và còn rất nhiều người dân nghèo quê tôi đang trên hành trình gian khó mong muốn sẽ được tiếp sức bền bỉ, mạnh mẽ hơn nữa từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH”.
Bài và ảnh Mai Thủy
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Nữ lãnh đạo ở mảnh đất “trèo đèo lội suối”
- » Người giữ vai trò cầu nối giữa nông dân nghèo và NHCSXH
- » Nơi gửi gắm những tin yêu...
- » Năng động, sáng tạo vì công tác giảm nghèo
- » K’Ngai - người lãnh đạo tâm huyết
- » Hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2010 - 2015 NHCSXH tỉnh Bình Thuận
- » Phát huy đồng vốn, giảm nghèo bền vững
- » Chị Tổ trưởng được nhiều người dân và đảng viên thôn xóm tin yêu
- » Càng đi cơ sở, càng có nhiều sáng kiến
- » 100% nữ CBVC NHCSXH tỉnh Cao Bằng đạt “Giỏi việc Ngân hàng, đảm việc nhà”