Năng động, sáng tạo vì công tác giảm nghèo
Lê Văn Nhị, sinh năm 1979, xuất thân trong một gia đình hiếu học tại thị trấn Đức Tài, huyện Đức Linh. Nhà có 8 anh, chị em. Tất cả đều là công chức nhà nước nên đã tạo cho Nhị một nền móng vững chắc về đạo đức cách mạng cũng như về tình yêu quê hương, nhất là ở vùng miền núi còn nhiều hộ dân nghèo khó như Đức Linh. Bởi thế, năm 2002, sau khi tốt nghiệp Đại học khoa học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh với chuyên ngành công nghệ thông tin - một chuyên ngành “hot” lúc bấy giờ với mức lương cao và dễ xin việc, dù được một số công ty nước ngoài mời chào tuyển dụng nhưng Nhị đã quyết định về quê phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách.
“Bạn bè tôi lúc ấy nói với tôi là không bình thường, bởi không ai lại từ chối lương tính bằng “tiền đô” để mà “rúc đầu” về chốn miền núi, lại đi làm phục vụ người nghèo…”, Lê Văn Nhị nhớ lại.
Vào công tác ở NHCSXH huyện Đức Linh từ những ngày mới thành lập, Lê Văn Nhị được cấp trên giao nhiệm vụ phụ trách Tổ Kế toán - Ngân quỹ, sau đó được bổ nhiệm làm Tổ trưởng Tổ Kế toán NHCSXH huyện Đức Linh. Trong quá trình làm việc, anh Nhị đã phát huy và ứng dụng tốt kiến thức về tin học để hỗ trợ trong công việc.
Để củng cố kiến thức nghiệp vụ mình đang thực hiện, Lê Văn Nhị đã hoàn thành văn bằng 2 Đại học ngân hàng TP. Hồ Chí Minh chuyên ngành tài chính - tín dụng. Năm 2013 anh được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó giám đốc, năm 2014 anh được bổ nhiệm Giám đốc NHCSXH huyện Đức Linh. Giám đốc NHCSXH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Thanh Xuân, cho biết: “Lê Văn Nhị là đảng viên trẻ năng động, sáng tạo, là gương sáng cho bao cán bộ trong chi nhánh học tập”.
Làm công việc hàng ngày tiếp xúc với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Lê Văn Nhị hiểu rõ hơn ai hết về nỗi cơ cực và vòng luẩn quẩn của người dân trong vòng xoáy thoát nghèo. Nung nấu và thực hiện, được sự nhất trí cao của lãnh đạo NHCSXH tỉnh, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, đặc biệt là ý thức thoát nghèo của hộ vay, cuối năm 2013 anh quyết tâm thực hiện ý tưởng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn chăn nuôi bò sinh sản tự chọn để thoát nghèo chính đáng, bền vững có sự giám sát, vào cuộc của chính quyền địa phương, các cấp hội nhận ủy thác vốn vay NHCSXH.
Khi Lê Văn Nhị làm việc với Đảng ủy, UBND các xã về ý tưởng cho vay nuôi bò sinh sản với phương châm phải giám sát, hỗ trợ người vay về kỹ thuật chăn nuôi, anh nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền và sự đón nhận của bà con. Bước đầu có 16 hộ vay đăng ký và được bình xét cho vay 808 triệu đồng, danh sách được UBND xã xác nhận, kiểm tra trực tiếp hoàn cảnh từng hộ vay. Đảng ủy các xã giao UBMTTQ giám sát công tác bình xét đúng đối tượng thụ hưởng chính sách theo quy định, UBND xã giao cán bộ thú y xã hàng tháng vừa thực hiện chức năng tiêm ngừa, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi vừa thực hiện chức năng kiểm soát số lượng bò. Các cấp hội, đoàn thể, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện tốt các chức năng trong 6 công đoạn nhận ủy thác đối với người vay. Những con bò giống đầu tiên đã được bà con chọn lựa ưng ý nhất.
Ông Nguyễn Đông Hải ở xã Sùng Nhơn, người được vay tiền mua bò tự chọn, bộc bạch: “Tiền thì ngân hàng cho vay, kỹ thuật có địa phương chịu, chúng tôi chỉ việc chăn nuôi để kiếm lời và thoát nghèo. Tôi cảm ơn ý tưởng sáng tạo của NHCSXH…”.
Như được tiếp thêm sức mạnh, việc NHCSXH nâng mức vay tối đa của hộ nghèo có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh từ 30 triệu đồng/hộ lên 50 triệu đồng/hộ càng làm cho những hộ dân nơi đây phấn khởi. Trở lại Sùng Nhơn, nơi khởi đầu của ý tưởng cho vay mua bò sinh sản tự chọn của Giám đốc Lê Văn Nhị, chứng kiến đàn bò béo tốt, bụng mang bầu nặng nề hứa hẹn những chú bê con ra đời sẽ khỏe mạnh, sẽ là “trợ lực” thoát nghèo của bà con nghèo, cận nghèo ở miền núi Đức Linh trong nay mai, chúng tôi như vui lây với bà con ở miền núi xa xôi này. Chủ tịch UBND huyện Đức Linh Nguyễn Văn Húy, cho biết: Hiện chương trình cho vay nuôi bò sinh sản có sự giám sát chặt chẽ của địa phương đã được nhân rộng trong toàn huyện, nguồn vốn ưu đãi đã phát huy hết sức mạnh. Hộ nghèo, hộ cận nghèo đã yên tâm sản xuất, cố gắng thoát nghèo bền vững, cải thiện cuộc sống.
Bài và ảnh Trần Thi
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Người giữ vai trò cầu nối giữa nông dân nghèo và NHCSXH
- » K’Ngai - người lãnh đạo tâm huyết
- » Hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2010 - 2015 NHCSXH tỉnh Bình Thuận
- » Phát huy đồng vốn, giảm nghèo bền vững
- » Chị Tổ trưởng được nhiều người dân và đảng viên thôn xóm tin yêu
- » Càng đi cơ sở, càng có nhiều sáng kiến
- » 100% nữ CBVC NHCSXH tỉnh Cao Bằng đạt “Giỏi việc Ngân hàng, đảm việc nhà”
- » “Tất cả những gì mình làm chỉ với mong muốn đóng góp cho quê hương”
- » “Phần thưởng lớn nhất với anh là có nhiều khách hàng được vay vốn thoát nghèo”
- » “Mang tiền Chính phủ cho bản làng vay đủ”