Thoát nghèo nhờ tác động kép từ nội và ngoại lực
Được sự giới thiệu của NHCSXH, chúng tôi đến thăm gia đình bà Trần Thị Gái ở thôn Đông Mai, xã Trung Nghĩa, huyện Yên Phong. Cách đây không lâu, gia đình bà là hộ nghèo nhất, nhì làng khi mình bà phải bươn chải nuôi chồng và mẹ già ốm đau bệnh tật cùng 5 đứa con (trong đó có 2 đứa con bị bệnh bại não không biết chạy, không biết nói). Thời điểm đó, kinh tế gia đình gặp muôn vàn khó khăn, thu nhập chính gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng khoán. Những khi nông nhàn, bà phải làm đủ nghề như nhặt phế liệu, đánh giấy ráp, phu hồ để có thêm thu nhập, phần nào trang trải cuộc sống.
Năm 2009, bà được vay 10 triệu đồng của NHCSXH để làm ăn. Bà Gái bàn với chồng dành số vốn đó và vay mượn thêm để mua một cặp bò sinh sản về chăn nuôi. Nuôi bò có thể tranh thủ được lao động, ít tốn kém, nếu thuận mỗi năm cũng có 1 bê con, bán được 5 - 7 triệu đồng. Từ đó, bằng sự cần cù, chịu thương, chịu khó, bà Gái làm nên điều kỳ diệu khi dần thoát khỏi cái nghèo, từng bước xây dựng được cơ nghiệp từ nguồn vốn vay của NHCSXH. 5 năm trôi qua, cuộc sống gia đình bà phần nào giảm bớt khó khăn và đến nay bà tiếp tục vay NHCSXH 18 triệu đồng mở thêm xưởng tiện gỗ nhỏ, giúp giải quyết việc làm cho 4 lao động trong gia đình. Bà Gái tâm sự: “Cuộc sống gia đình tôi ổn định như ngày hôm nay là nhờ vào nguồn vốn vay ban đầu của chương trình tín dụng hộ nghèo. Tuy chưa nhiều, nhưng nguồn vốn vô cùng ý nghĩa tạo động lực, động viên gia đình vươn lên xua đi cái khó và thoát được nghèo”.
Gia đình chị Đỗ Thị The ở thôn Kim Thao, xã Lâm Thao, huyện Lương Tài cũng vậy, nguồn vốn NHCSXH mang đến như một luồng gió mới. Năm 2009, gia đình chị được vay 30 triệu đồng vốn vay hộ nghèo của NHCSXH huyện. Vốn là người cần cù chịu khó nên khi có vốn, chị vừa cấy lúa vừa đầu tư phát triển chăn nuôi, thả cá và trồng nấm. Hiện nay, với 8 sào ao, hơn 1 mẫu ruộng, mỗi năm gia đình chị có thu nhập hơn 100 triệu đồng tiền cá và 40 triệu đồng tiền nấm, thu hoạch từ 2 - 3 tấn thóc mỗi năm. Hiện nay, không chỉ được vay vốn chương trình hộ nghèo để phát triển kinh tế gia đình, chị The còn được vay 70 triệu đồng vốn chương trình HSSV cho 3 con theo học đại học, cao đẳng. Chị The phấn khởi nói: “Nhờ nguồn vốn vay, gia đình đã có nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất và cho con đi học đến nơi đến chốn, thoát được cảnh nghèo, nhưng để thoát nghèo bền vững chúng tôi mong muốn Nhà nước tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn vay giải quyết việc làm giúp gia đình ổn định cuộc sống lâu dài…”.
Đây chỉ là 2 trong số hàng nghìn hộ nghèo của tỉnh Bắc Ninh sử dụng hiệu quả đồng vốn ưu đãi của Nhà nước để phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập và cải thiện đời sống. Chỉ trong năm 2014, toàn tỉnh có 2.680 hộ thoát nghèo nhờ đồng vốn chính sách. Con số tưởng khô khan nhưng lại mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc, bởi nó là minh chứng rõ nét cho chủ trương hết sức đúng đắn của Đảng và Nhà nước đang được các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể và NHCSXH các cấp trong tỉnh Bắc Ninh tích cực triển khai, cùng với sự nỗ lực vươn lên không ngừng của hàng nghìn gia đình.
Chỉ tính riêng chính sách tín dụng cho hộ nghèo, năm vừa qua NHCSXH tỉnh Bắc Ninh giải ngân cho vay mới với doanh số 56,7 tỷ đồng và hơn 138 tỷ đồng cho vay hộ cận nghèo, đưa tổng dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo thời điểm hiện tại là gần 400 tỷ đồng; hộ cận nghèo 244 tỷ đồng với hơn 8.774 hộ còn dư nợ.
Cuộc sống dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng sự vươn lên của những hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trong tỉnh Bắc Ninh thời gian qua đã khẳng định tính hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. Thời gian tới, NHCSXH tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, triển khai thực hiện tốt các chương trình nhằm đưa nguồn vốn đến với các đối tượng thụ hưởng, từ đó giúp họ có thêm sức mạnh và khơi dậy phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống tốt đẹp, góp phần thực hiện mục tiêu thoát nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương.
Bài và ảnh Hà Linh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hiệu quả vốn vay ưu đãi ở vùng Đồng Tháp Mười
- » Hội nghị giao ban công tác ủy thác năm 2014
- » Góp sức tạo bước đột phá về an sinh xã hội
- » Thung lũng Lạc Xuân trên cao nguyên vào xuân sớm
- » Niềm vui trước Tết ở một làng nghề
- » Sóc Trăng với nguồn vốn ưu đãi
- » Đồng vốn sinh sôi
- » Yên Thái với mô hình “xã điểm về tín dụng chính sách”
- » Giảm nghèo ở dải đất hẹp Quảng Bình
- » Hùng vĩ Bát Đại Sơn