Vốn về, ước mơ hóa thực
Đưa vốn, bày cách làm ăn
Tính đến hết tháng 6/2014, tổng dư nợ của NHCSXH huyện Quan Hóa là 171,779 tỷ đồng, với 7.500 thành viên ở 197 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Trong đó, cho vay hộ nghèo trên 83,6 tỷ đồng; hộ cận nghèo 14 tỷ đồng; HSSV 4,7 tỷ đồng; hộ gia đình sản xuất, kinh doanh 50,6 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở trên 10 tỷ đồng… |
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh xã, ông Hà Văn Thuyệt - Chủ tịch UBND xã Nam Xuân, phấn khởi cho biết: “Bức tranh kinh tế - xã hội của Nam Xuân được như hôm nay là nhờ vốn vay ưu đãi đấy. Hiện nay, ở Nam Xuân có 11 Tổ tiết kiệm và vay vốn của các hội, đoàn thể với 369 thành viên, tổng dư nợ 8,5 tỷ đồng. Nguồn vốn đã đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất, kinh doanh cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã…”.
Ông Hà Văn Chuôn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Xuân, khẳng định: “Nếu không có vốn vay ưu đãi, không biết tới bao giờ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Nam Xuân mới có thể khấm khá được. Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Nông dân hiện có 105 thành viên, với tổng dư nợ đạt 3,2 tỷ đồng”.
Cũng theo ông Chuôn, những năm trước đây bà con trong bản vay vốn chính sách rất ít, vì vay được vốn rồi cũng không biết nuôi con gì, trồng cây gì để mang lại thu nhập. Cán bộ NHCSXH huyện đã cùng cán bộ xã, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn phải tới từng nhà động viên, hướng dẫn cách làm ăn, tuyên truyền ý nghĩa của việc vay vốn chính sách. Từ khi tăng cường công tác tuyên truyền, đồng bào vay vốn nhiều hơn và đã biết đầu tư đúng hướng, mang lại thu nhập.
Mang no ấm về với đồng bào
Dẫn chúng tôi đi thăm một số hộ vay vốn NHCSXH, anh Hà Văn Tốt 33 tuổi - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Bút, xã Nam Xuân, cho biết: “Căn cứ vào nhu cầu đầu tư của bà con, Tổ tiết kiệm và vay vốn tổ chức họp và bình xét công khai, dân chủ, sau đó trình lên UBND xã phê duyệt. Hiện tổ có 45 thành viên, tổng dư nợ NHCSXH hơn 900 triệu đồng”. Trước kia, gia đình anh Tốt nghèo lắm, bố anh là thương binh nặng (mất sức khỏe trên 81%), mẹ bị bệnh thấp khớp. Đang học lớp 11, anh Tốt phải bỏ học giữa chừng để phụ giúp gia đình kiếm thêm thu nhập. Năm 2009, gia đình anh được vay 40 triệu đồng NHCSXH. Vợ chồng anh làm chuồng trại chăn nuôi. Ban đầu, anh mua 15 con lợn nuôi lấy thịt, đào ao thả cá. Bán cá, lợn, anh mua thêm bò, gà, vịt… Đến nay, trang trại của anh có gần 70 con lợn cỏ, 6 con bò, 500 con gà, vịt, 10ha luồng… “Vợ chồng tôi vừa mới mua chiếc xe ô tô tải để gom luồng bán cho các đại lý ở các xã lân cận và sắm thêm dụng cụ, thiết bị để cho thuê phục vụ đám cưới nữa”, anh Tốt cho hay.
Đang chăm sóc đàn bò của mình, ông Ngân Văn Tặng ở bản Bút phấn khởi: “Đàn bò 8 con này là từ vốn vay ưu đãi đấy. Được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng, gia đình tôi mua 2 con bò cái về nuôi, đến nay đã có 8 con rồi. Với giá bán hiện nay, 8 con bò này gần 100 triệu đồng. Tôi cũng đã trả được ngân hàng 20 triệu đồng rồi. Tới đây, bán bò tôi sẽ trả hết nợ ngân hàng. Số tiền còn lại tiếp tục phát triển đàn bò”.
Giám đốc NHCSXH huyện Quan Hóa Nguyễn Đức Hạnh, cho biết: “Hầu hết các hộ dân ở Quan Hóa có diện tích đất vườn đồi khá lớn, nhưng chưa phát huy được hiệu quả. Để nguồn vốn chính sách mang lại hiệu quả hơn nữa, cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành khuyến nông, khuyến lâm…” .
Bài và ảnh Hoài Thu - Hồng Đức
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Xoá nghèo trên miền cát trắng
- » Bắc Ninh nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân
- » Giúp dân nghèo miền Trung ứng phó với bão, lũ
- » “Phao cứu sinh” của hàng vạn hộ cận nghèo Quảng Ngãi
- » Thoát nghèo bền vững của một huyện 30a
- » Hà Nội yêu cầu xây dựng kế hoạch tín dụng 5 năm giai đoạn 2016 - 2020
- » Bảo đảm chất lượng cuộc sống cho người dân Thái Bình
- » Người nghèo vùng bãi ngang ven biển Nghi Xuân với nguồn vốn vay
- » Hội nghị đối thoại định kỳ tại nơi làm việc - Điểm mới trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của NHCSXH
- » NHCSXH tham gia Hội thi “Chữa cháy và cứu tài sản năm 2014”