“Anh Hân Tổ trưởng” ở A Đớt
Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Ba Rít, xã A Đớt, huyện A Lưới do anh Hân làm Tổ trưởng gồm 23 thành viên, thuộc Hội Phụ nữ quản lý, hiện có dư nợ hơn 520 triệu đồng, thực hiện trên 9 chương trình tín dụng như: Cho hộ nghèo vay vốn làm nhà ở theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, hộ nghèo, HSSV, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…
Anh Hân làm Tổ trưởng từ năm 2003 và nhận được tín nhiệm của các tổ viên suốt ngần ấy năm trời. Anh đã nỗ lực làm “cánh tay nối dài” của NHCSXH, đưa vốn tín dụng chính sách về cho bà con quê anh trồng rừng, nuôi heo, nuôi bò, thả cá, cho con em được đi học, nhà cửa được xây dựng chắc chắn hơn, cuộc sống tiện nghi gọn gàng hơn.
Bản thân hộ gia đình anh Hân cũng là hộ nghèo, nỗ lực nhiều năm mới thoát nghèo được, giờ còn nằm trong danh sách hộ cận nghèo. Chính vì thế, anh càng hiểu rõ việc thoát khỏi đói nghèo quan trọng như thế nào. Một mặt anh giúp cán bộ ngân hàng đưa vốn chính sách đến cho bà con, một mặt cùng bà con học tập KHKT để áp dụng vào nuôi trồng, nâng cao hiệu quả đồng vốn.
“Hồi trước, trong tổ nhà ai cũng nghèo, giờ chỉ còn 2 hộ thôi - anh Hân nói - Tôi đã nỗ lực vận động các thành viên trong tổ tham gia đầy đủ các đợt tập huấn do các ban, ngành của huyện tổ chức để nắm bắt được kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt để ứng dụng vào dự án của gia đình mình có hiệu quả. Tổ chức hướng dẫn chị em có kế hoạch tiết kiệm tiền hằng tháng, trả lãi đều, từ đó các thành viên trong tổ đã hiểu và thực hiện vay vốn có hiệu quả”.
Rồi anh say sưa giới thiệu với chúng tôi: Trong tổ có 12 thành viên chăn nuôi bò, heo theo mô hình chuồng trại kiên cố từ 3 - 4 ngăn, một năm nuôi từ 40 - 50 con, năng suất từ 1,2 - 1,5 tấn/năm; một thành viên vay vốn đầu tư kinh doanh các mặt hàng tạp hóa phục vụ cho nhu cầu người dân trong thôn; 10 thành viên vay vốn trồng rừng kinh tế, mỗi hộ từ 4 - 5ha; các thành viên còn lại vay vốn làm ăn kết hợp nhiều hình thức như đầu tư mua thiết bị máy móc nuôi cá, nuôi gà, nuôi trâu bò cũng góp phần tăng thu nhập và ổn định đời sống…
Bản thân anh - một người dân tộc Tà Ôi, để thực hiện được vai trò Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của mình, anh đã nỗ lực thực hiện theo đúng sự hướng dẫn của cán bộ NHCSXH, từ việc cố gắng ghi chép vào sổ sách đầy đủ, theo dõi chính xác số tiền lãi và tiết kiệm hằng tháng, thông báo các thành viên đến hạn trong năm để sắp xếp trả nợ đúng hạn…
“Có đi thực tế kiểm tra thì mới thấy được sự khó khăn của bà con trong việc sử dụng vốn đúng mục đích và ứng dụng các kỹ thuật công nghệ trong kinh tế mang lại hiệu quả. Ngoài ra, có kiểm tra mới phát hiện những thành viên sử dụng vốn sai mục đích để có giải pháp xử lý kịp thời, tránh làm thất thoát vốn của Nhà nước” - anh Hân nói về kinh nghiệm của mình.
Anh Hân được Hội Phụ nữ xã và NHCSXH huyện A Lưới đánh giá cao về tinh thần trách nhiệm, có nhiệt tình và tâm huyết trong công tác, không ngại khó khăn vất vả, luôn gương mẫu tạo điều kiện giúp đỡ chị em tổ viên lúc khó khăn, hoạn nạn không trả được lãi, có tinh thần động viên thăm hỏi lúc chị em đau ốm hay xảy ra rủi ro ngoài mong muốn. Thế nhưng, anh Hân cho rằng những việc anh làm còn ít ỏi lắm, kết quả mà các thành viên trong Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt được chủ yếu là do các thành viên vay vốn xác định rõ vay là phải trả nợ, có sự tin tưởng vào cấp hội và Tổ trưởng quản lý tốt nguồn vốn của chị em, không để tình trạng thất thoát vốn, không xâm tiêu, đồng thời các thành viên biết áp dụng KHKT vào chăn nuôi, sản xuất.
Theo PLVN
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Chuyện những phụ nữ làm giàu từ nguồn vốn vay ưu đãi
- » “Cầu nối” vốn chính sách của phụ nữ Đạo Khê
- » Hiệu quả hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 3
- » Ông Hươl thoát nghèo bền vững
- » Hết mình với công tác xóa nghèo
- » Khi nhà khoa học tâm tư về nông dân nghèo
- » Chi hội trưởng hết lòng với người nghèo
- » Người giúp phụ nữ nghèo vươn lên làm giàu từ đồng vốn ưu đãi
- » Muốn đem sức mình để phục vụ người dân nghèo
- » CCB Kim Ry vượt khó, thoát nghèo từ vốn vay chính sách