“Cầu nối” vốn chính sách của phụ nữ Đạo Khê
Năm 2006, trong khi đang đảm nhiệm vai trò Chi hội trưởng phụ nữ thôn, chị Nguyễn Thị Hảo được các thành viên trong Tổ tiết kiệm và vay vốn và chi hội phụ nữ thôn Đạo Khê tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng. Để có thể đảm nhiệm được trọng trách “cầu nối” đem đồng vốn đến với chị em nghèo, ngay những ngày đầu, chị Hảo đều tham gia đầy đủ các buổi tập huấn để nắm bắt thông thạo các thủ tục vay vốn hướng dẫn cho hội viên của tổ. Sau mỗi giờ đồng áng, chị đều tranh thủ đi tới từng gia đình tổ viên, “vừa là để gắn bó tình làng nghĩa xóm, vừa là để nắm tình hình sử dụng vốn cũng như gia cảnh từng hộ”.
Điều khiến chị Hảo luôn trăn trở là làm thế nào để các hộ vay sử dụng hiệu quả đồng vốn, vừa phát triển kinh tế ổn định vừa trả được gốc và lãi cho ngân hàng. Vì thế, suốt 8 năm qua, vừa là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, vừa là Chi hội trưởng phụ nữ thôn, chị đã gần gũi, giúp đỡ, tạo điều kiện để chị em nghèo nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn, sử dụng nguồn vốn có hiệu quả và vươn lên thoát nghèo. Đến nay, Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Đạo Khê có số lượng hội viên tham gia đã lên đến 53, cũng là tổ có số lượng hội viên đứng đầu so với các Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Phụ nữ xã quản lý với tổng dư nợ cao nhất, trên 966 triệu đồng, trong đó cho vay chủ yếu ở 3 chương trình là hộ nghèo, HSSV, NS&VSMTNT. Nhờ có việc bình xét công khai và kiểm tra giám sát nên các hộ vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích. Đồng thời, Tổ tiết kiệm và vay vốn do chị Hảo quản lý hơn 8 năm nay không có nợ quá hạn.
Chị Nguyễn Thị Luyến - hội viên trong tổ chia sẻ, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, chị bị tai nạn, sức khỏe suy yếu chỉ làm việc vặt ở nhà. Năm 2009, gia đình chị chưa kịp vui vì cháu lớn đỗ đại học thì tai họa ập xuống khi chồng chị - trụ cột duy nhất trong nhà mất vì tai nạn lao động. “Lúc đó, những tưởng gia đình tôi không vượt qua được chứ chưa dám nghĩ đến việc cho con theo học đại học. May mắn vào thời điểm khó khăn nhất, tôi được chị Hảo cùng chị em trong Hội Phụ nữ tới động viên và hướng dẫn tôi làm hồ sơ xét duyệt vay vốn hộ nghèo và HSSV” - chị Luyến nhớ lại. Có vốn, chị Luyến đầu tư nuôi lợn và gà, vừa cải thiện kinh tế vừa nuôi con đi học. Năm 2013, cháu thứ hai nhà chị đỗ đại học và lại nhận được hỗ trợ từ nguồn vốn HSSV. Tháng 8 vừa qua, chị lại được xét vay tiếp chương trình hộ nghèo. “Hai cháu nhà tôi hiện theo học đại học tại địa phương, nên nguồn vốn vay Chương trình tín dụng HSSV đủ để trang trải cả chi phí sinh hoạt cũng như học phí của các cháu. Còn tôi đầu tư nuôi thêm lợn và mua dụng cụ tráng bánh cuốn bán hàng ăn sáng kiếm thêm thu nhập để tích góp trả lãi hàng tháng” - chị kể.
Đến nay, quá trình vận động của chị Hảo đã có kết quả khi các hội viên trong Tổ tiết kiệm và vay vốn đã nhiệt tình tham gia tiết kiệm “tích tiểu thành đại”, giảm gánh nặng khi cần tiền trả gốc. Mức tiết kiệm cũng tăng từ 20.000 đồng/người/tháng lên 100.000 đồng/người/tháng, với tổng số tiền tiết kiệm trên 23 triệu đồng. Thông qua nguồn vốn chính sách, nhiều hộ cải thiện kinh tế, có 6 hộ hội viên phụ nữ thoát nghèo bền vững.
Trong dịp kỷ niệm 10 năm thành lập NHCSXH, chị Hảo đã vinh dự nhận Giấy khen của NHCSXH huyện cũng như của tỉnh về những đóng góp tích cực trong công tác ủy thác với NHCSXH.
Bài và ảnh Trần Trang
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hiệu quả hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 3
- » Ông Hươl thoát nghèo bền vững
- » Hết mình với công tác xóa nghèo
- » Khi nhà khoa học tâm tư về nông dân nghèo
- » Chi hội trưởng hết lòng với người nghèo
- » Người giúp phụ nữ nghèo vươn lên làm giàu từ đồng vốn ưu đãi
- » Muốn đem sức mình để phục vụ người dân nghèo
- » CCB Kim Ry vượt khó, thoát nghèo từ vốn vay chính sách
- » Người Tổ trưởng hết mình với công tác giảm nghèo
- » Người cán bộ tín dụng tâm huyết