Chị Phương “tiết kiệm”
Được thành lập vào cuối năm 2003, sau 10 năm hoạt động, Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Lê Lợi do chị Phạm Thị Phương làm Tổ trưởng luôn được đánh giá là một trong những tổ hoạt động có hiệu quả và chị Phương cũng được NHCSXH huyện Tam Dương đánh giá là một Tổ trưởng luôn gần dân, sát dân, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của bà con để có những đề xuất kiến nghị hợp lý.
Đồng Tĩnh là xã thuần nông nghèo của huyện Tam Dương, những năm trước đây, Đồng Tĩnh được xếp vào những xã nghèo nhất của tỉnh, được Nhà nước hỗ trợ theo Chương trình 135 của Chính phủ. Thu nhập của người dân trong xã chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, tuy vậy đồng đất của Đồng Tĩnh lại không thuận lợi do đó năng suất cây trồng thấp và không ổn định, đời sống của bà con vì thế cũng gặp rất nhiều khó khăn; để mở rộng sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế, giảm nghèo thì nhu cầu về vốn của chị em phụ nữ nói riêng và người dân trong xã nói chung rất lớn. Thấu hiểu điều này, chị Phương đã cùng chị em trong Hội Phụ nữ xã thường xuyên đến các gia đình để tìm hiểu nhu cầu, xác định chính xác đối tượng cần vay vốn; hướng dẫn họ lập hồ sơ để được vay vốn từ NHCSXH; khi có vốn rồi chị lại tư vấn họ sử dụng đồng vốn sao cho hiệu quả. Hiện Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Lê Lợi do chị quản lý có 46 thành viên, dư nợ cho vay của các chương trình: hộ nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, học sinh, sinh viên, hộ nghèo làm nhà ở và cho vay thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn đạt 1.496 triệu đồng. Dư tiết kiệm đạt 12 triệu đồng với 46/46 thành viên trong tổ tham gia gửi tiết kiệm. Chị Phương tâm sự: “Có gần gũi, tìm hiểu mới thấy mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, từ đó mình phải tư vấn cho họ, với hộ này nên nuôi bò, nuôi lợn, hộ kia thì nuôi gà, vịt… nhưng làm gì thì làm, hiệu quả kinh tế là trên hết; dù có khó khăn, vất vả đến mấy mình chẳng ngại chỉ cần giúp được chị em có khó khăn trong thôn tiếp cận với vốn vay của NHCSXH, từ đó chị em có cơ hội thoát nghèo là mình thấy vui lắm rồi”.
Mỗi người dân, mỗi gia đình đều có hoàn cảnh khác nhau, nhưng điều chị Phương trăn trở nhất là làm thế nào để khi được nhận vốn, người dân biết cách làm cho đồng vốn sinh lời để vừa trả được gốc và lãi cho ngân hàng, vừa cải thiện cuộc sống gia đình. Vừa là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn vừa là cán bộ Hội Phụ nữ thôn, gần 10 năm gắn bó với công việc cũng là những năm tháng chị gặp gỡ, chia sẻ, gần gũi với chị em phụ nữ nghèo, giúp đỡ, tạo điều kiện để chị em nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn, sử dụng nguồn vốn có hiệu quả và vươn lên thoát nghèo. Mỗi khi có chị em phụ nữ nghèo trong xã thoát được nghèo, phát triển kinh tế gia đình nhờ đồng vốn của NHCSXH chị lại cảm thấy vui và tự hào về công việc mình đã và đang làm.
Chị Trần Thị Huấn, thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn do chị Phương quản lý vốn là hộ gia đình nghèo, nguồn sống chủ yếu chỉ dựa vào mấy sào ruộng, nhưng dù có vất vả trồng cấy quanh năm thì thu nhập cũng chẳng đáng là bao, bởi thế hoàn cảnh gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Được chị Phương hướng dẫn, chị đã được tiếp cận nguồn vốn vay của NHCSXH huyện Tam Dương; có vốn gia đình chị đã mạnh dạn “chuyển hướng” làm ăn: Đầu tư xây chuồng trại nuôi lợn nái và nuôi bò sinh sản. Đến nay gia đình chị Huấn đã có của ăn của để và vươn lên thoát nghèo. Chị Huấn phấn khởi nói: “Được chị Phương giúp làm thủ tục vay vốn, rồi bày cho cách làm ăn, giờ thì gia đình tôi đã thoát nghèo rồi. Không chỉ riêng gia đình tôi mà nhiều hộ trong thôn cũng đã thoát nghèo. Nếu không được vay vốn ưu đãi, không biết đến bao giờ gia đình tôi mới có nhà để ở, có cơm để ăn, con cái được học hành”.
Ông Trịnh Viết Thanh Tùng - Giám đốc NHCSXH huyện Tam Dương cho biết: Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Lê Lợi do chị Phương làm Tổ trưởng là một trong những tổ luôn thực hiện tốt công tác quản lý, theo dõi tình hình sử dụng vốn, đôn đốc thu nợ, thu lãi đúng quy định. Những năm qua, tổ chưa có trường hợp nào nợ quá hạn khó đòi. Đa số các hộ vay vốn có ý thức trả lãi, gốc rất tốt. Có được kết quả tích cực đó, một phần không nhỏ chính là nhờ vai trò của người Tổ trưởng tâm huyết, nhiệt tình như chị Phương. Chị và những Tổ trưởng các Tổ tiết kiệm và vay vốn khác trên địa bàn huyện chính là những người cán bộ ngân hàng ở cơ sở gần dân, sát dân, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của dân, khảo sát, rà soát các hộ đủ điều kiện trực tiếp đưa nguồn vốn đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách một cách nhanh, hiệu quả. Nếu không có sự nhiệt tình, tinh thần làm việc có trách nhiệm của những Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, chúng tôi khó có thể hoàn thành nhiệm vụ. Họ chính là cánh tay nối dài của ngân hàng vươn tới các làng xã.
Tận mắt chứng kiến và gặp gỡ những người làm công tác tín dụng ở cơ sở như chị Phương, được nghe chị tâm sự một cách chân thành mới thấy được ý nghĩa to lớn mà nguồn vốn chính sách của Nhà nước đem lại. Cuộc sống được nâng lên một bước; an sinh xã hội được bảo đảm và đặc biệt hơn, mô hình Tổ tiết kiệm và vay vốn thực sự giúp bà con gần gũi nhau, tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt. Những người quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn của NHCSXH ở cơ sở như chị Phương đã thực sự trở thành cầu nối dẫn vốn hiệu quả, giúp đồng vốn ưu đãi của Nhà nước đến đúng đối tượng, phát huy được hiệu quả và tính nhân văn của nguồn vốn NHCSXH. Nhờ quản lý tốt nguồn vốn vay, Tổ tiết kiệm và vay vốn do chị Phạm Thị Phương quản lý không chỉ tạo được uy tín với NHCSXH mà còn là chỗ dựa cho chị em phụ nữ nghèo trong thôn phát triển kinh tế, qua đó, góp phần đáng kể vào công cuộc xây dựng Nông thôn mới trên quê hương Đồng Tĩnh.
Ngô Tuấn Anh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Khi Chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng ban giảm nghèo
- » Người cán bộ tâm huyết
- » Hết lòng vì dân
- » Vinh dự khi được Thủ tướng Chính phủ khen thưởng
- » Nặng lòng với nghề
- » Niềm vui khi được phục vụ người nghèo
- » Để nông dân nghèo không mặc cảm là dân ven đô
- » Luôn đam mê công việc
- » Chuyện của người làm tín dụng
- » Nữ cán bộ tận tụy với công việc