Phạm Đức Cường,
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Bình
Tóm tắt: Khởi nghiệp là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đổi mới sáng tạo. Đối với thanh niên - lực lượng lao động trẻ, giàu nhiệt huyết và sáng tạo - việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) có ý nghĩa quan trọng, giúp họ hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh, tạo việc làm và đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
Bài viết này nhằm phân tích thực trạng hiệu quả sử dụng nguồn vốn TDCSXH trong hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, đánh giá những kết quả đã đạt được; chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân; từ đó, đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn TDCSXH hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Từ khóa: Thanh niên khởi nghiệp, NHCSXH, Tín dụng chính sách xã hội.
1. Đặt vấn đề
Thực hiện Quyết định số 897/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022 - 2030”, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 161/KH-UBND ngày 29/9/2022 về triển khai thực hiện Chương trình “Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp” trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022-2030, trong đó, mục tiêu giai đoạn 1 (2021-2025) của UBND tỉnh Ninh Bình là: Hỗ trợ ít nhất 100 thanh niên khởi nghiệp; Hỗ trợ thành lập 03 hợp tác xã do thanh niên làm chủ; Phấn đấu đến năm 2025 có 150 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Nguồn lực được xác định là quan trọng, đòn bẩy để thực hiện chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp chính là nguồn vốn TDCSXH.
Trong giai đoạn 2020-2024, có 22.032 lượt thanh niên được vay vốn TDCSXH, với tổng số tiền là 1.425 tỷ đồng, trung bình mỗi năm đã có trên 4.400 thanh niên được vay vốn để hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh. Tổng dư nợ các chương trình TDCSXH hỗ trợ vốn sản xuất, kinh doanh cho thanh niên tại chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Bình đến 31/12/2024 đạt 1.023 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 23,7%/tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh. Từ nguồn vốn TDCSXH đã có 3 Hợp tác xã, 26 Tổ hợp tác do thanh niên làm chủ được thành lập; hỗ trợ 642 thanh niên khởi nghiệp góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp trong giới trẻ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động TDCSXH hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh còn một số hạn chế, khó khăn như: nguồn vốn còn hạn chế, mức cho vay bình quân đạt thấp (53 triệu đồng/khách hàng), thiếu sự kết hợp giữa vốn vay và các chương trình hỗ trợ khác … Vì vậy, việc nghiên cứu để đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả nguồn vốn TDCSXH hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình là rất cần thiết.
2. Thực trạng hiệu quả sử dụng nguồn vốn TDCSXH hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
Trong những năm qua, nguồn vốn TDCSXH dành cho thanh niên trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã có bước phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, nhằm cụ thể hóa chủ trương hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Đề án số 29/ĐA-UBND ngày 23/11/2018, đồng thời HĐND tỉnh cũng thông qua Nghị quyết số 43/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 về việc hỗ trợ vốn vay cho thanh niên khởi nghiệp và phát triển sản xuất kinh doanh. Theo các chính sách này, trong hai năm đầu triển khai (2019-2020), mỗi năm ngân sách tỉnh bố trí 5 tỷ đồng ủy thác qua chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Bình để hỗ trợ thanh niên vay vốn. Từ năm 2021 trở đi, căn cứ vào tình hình thực tiễn, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, điều chỉnh mức hỗ trợ phù hợp. Sau 5 năm thực hiện, tổng nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt 52 tỷ đồng.
Cùng với nguồn vốn của địa phương, trong những năm qua, chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Bình đã tích cực báo cáo NHCSXH Việt Nam bố trí nguồn vốn Trung ương để triển khai các chương trình TDCSXH trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, trong đó có nguồn vốn cho vay đối với thanh niên khởi nghiệp và phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến 31/12/2024, tổng nguồn vốn TDCSXH cho vay đối với thanh niên trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đạt 1.285 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 29,8%/tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn. Trong đó: (i) nguồn vốn Trung ương là 1.104 tỷ đồng, chiếm 85,9%/tổng nguồn vốn dành cho thanh niên; (ii) nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách UBND các cấp là 181 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 14,1%/tổng nguồn vốn dành cho thanh niên. Trong đó, nguồn vốn theo Nghị quyết số 43/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của HĐND tỉnh là 52 tỷ đồng.
Bảng 1: Kết quả huy động nguồn vốn cho vay thanh niên khởi nghiệp và phát triển sản xuất, kinh doanh
Đơn vị: Tỷ đồng
Năm |
Tổng nguồn vốn |
Trong đó |
Tăng/ giảm (+/-) so với năm trước |
Tỷ trọng trong tổng nguồn vốn tại Chi nhánh |
||
Nguồn vốn Trung ương |
Nguồn vốn địa phương |
|||||
Tổng số |
Trong đó: nguồn vốn Đề án TNKN |
|||||
Năm 2020 |
614 |
562 |
52 |
10 |
37 |
23,5 |
Năm 2021 |
819 |
743 |
76 |
20 |
205 |
28,7 |
Năm 2022 |
927 |
821 |
106 |
30 |
108 |
27,8 |
Năm 2023 |
1.052 |
909 |
143 |
41 |
125 |
27,1 |
Năm 2024 |
1.285 |
1.104 |
181 |
52 |
233 |
29,8 |
(Nguồn: Báo cáo của Chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2020-2024)
Số liệu Bảng 1 trên cho thấy nguồn vốn TDCSXH dành cho thanh niên đã được quan tâm bố trí, tăng đều qua các năm. Đến 31/12/2024, nguồn vốn này đã tăng 708 tỷ đồng so với đầu năm 2020, tỷ lệ tăng 122,7%; tỷ trọng nguồn vốn dành cho thanh niên/tổng nguồn vốn triển khai các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tăng từ 23,5% lên 29,8%/tổng nguồn.
(Nguồn: chi nhánh NHCSXH Ninh Bình giai đoạn 2020-2024)
Số liệu Bảng 2 cho thấy quy mô TDCSXH dành cho thanh niên trên địa bàn tỉnh Ninh Bình ngày càng được mở rộng, tăng trưởng tín dụng cao, duy trì đều qua các năm; số lượng thanh niên vay vốn TDCSXH tăng, cho thấy phong trào khởi nghiệp đã được triển khai ngày càng mạnh mẽ, thanh niên đã tự tin tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách để thực hiện phương án sản xuất kinh doanh của mình. Đặc biệt, chất lượng tín dụng chính sách tốt, tỷ lệ thu lãi luôn đạt 100%; tỷ lệ thu nợ gốc đến hạn ngày một tăng, đạt trên 90% cho thấy vốn TDCSXH đã được đầu tư phát huy hiệu quả tốt; tỷ lệ nợ quá hạn giảm, còn 0,15%/tổng dư nợ cho vay đối với thanh niên trên địa bàn.
Qua kết quả khảo sát đối với 138 khách hàng vay vốn là thanh niên tại các huyện, thành phố trong tỉnh cho thấy việc sử dụng nguồn vốn TDCSXH đầu tư vào mô hình sản xuất kinh doanh khởi nghiệp có 65% khách hàng được khảo sát có thu nhập bình quân/năm từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng; 20% khách hàng có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; 10% khách hàng có thu nhập từ 50 triệu đồng đến 80 triệu đồng/năm; 5% khách hàng có thu nhập dưới 50 triệu đồng/năm; có 98,6% khách hàng cảm thấy hài lòng và rất hài lòng về sự thay đổi cuộc sống của bản thân có được từ hiệu quả sử dụng nguồn vốn TDCSXH, chỉ có 2% khách hàng cảm thấy chưa hài lòng do bị rủi ro trong quá trình sử dụng vốn dẫn đến không đạt kết quả kinh doanh như kế hoạch.
Bên cạnh đó, kiến của Lãnh đạo UBND cấp xã, cán bộ Hội đoàn thể nhận ủy thác và thanh niên được vay vốn TDCSXH đều đánh giá nguồn vốn tín dụng chính sách có ý nghĩa quan trọng và rất quan trọng trong hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và phát triển sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, 100% khách hàng là thanh niên, người trực tiếp thụ hưởng chính sách đã đánh giá nguồn vốn tín dụng chính sách là rất quan trọng để khởi nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh. Riêng chỉ tiêu mức cho vay có 204 phiếu khảo sát, chiếm 68%/tổng phiếu khảo sát đánh giá chưa hợp lý, đề nghị nâng mức cho vay tối đa để hỗ trợ thanh niên được tiếp cận với nguồn vốn TDCSXH nhiều hơn.
3. Đánh giá thực trạng hiệu quả sử dụng nguồn vốn TDCSXH hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
3.1. Những kết quả đạt được
Nguồn vốn TDCSXH đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, tạo việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Một là, nguồn vốn TDCSXH đã giúp thanh niên có điều kiện tiếp cận nguồn tài chính ưu đãi để khởi nghiệp, triển khai ý tưởng kinh doanh, mở rộng sản xuất, giảm bớt gánh nặng về tài chính, tránh tình trạng vay nóng, vay lãi suất cao, đặc biệt có ý nghĩa với thanh niên thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thanh niên ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.
Hai là, thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, xuất hiện nhiều mô hình khởi nghiệp hiệu quả như nuôi tảo Spirulina, sản xuất tinh dầu, trồng nấm đông trùng hạ thảo, nông sản sạch, thủ công mỹ nghệ… Nhờ có nguồn vốn tín dụng ưu đãi thanh niên có cơ hội thử nghiệm ý tưởng kinh doanh mới, sáng tạo trong sản xuất và dịch vụ. Nhiều mô hình khởi nghiệp của thanh niên đã thành công, tạo ra sản phẩm và dịch vụ mới.
Ba là, góp phần tích cực tạo việc làm và tăng thu nhập cho thanh niên nhất là đối tượng hộ nghèo và cận nghèo, giải quyết tình trạng thất nghiệp, giảm tỷ lệ thanh niên mắc vào tệ nạn xã hội, tham gia phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong tỉnh. Trong giai đoạn từ năm 2020 - 2024, đã có 1.362 mô hình tiếp cận vốn, giải quyết việc làm cho gần 7.000 lao động, thu nhập ổn định từ 5 - 7 triệu đồng/tháng trên địa bàn tỉnh.
Bốn là, giúp thanh niên nâng cao kỹ năng quản lý, tư duy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Quá trình sử dụng nguốn vốn TDCSXH thực hiện ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp của mình thanh niên được tiếp cận các chương trình đào tạo, tư vấn về khởi nghiệp từ đó đã nâng cao kỹ năng quản lý tài chính, kinh doanh của thanh niên.
Năm là, nguồn vốn TDCSXH đã có những đóng góp thiết thực giúp tổ chức Đoàn trong xây dựng và củng cố tổ chức. Khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức Đoàn đồng hành cùng thanh niên trong phong trào lập thân, lập nghiệp, phong trào sản xuất kinh doanh; cán bộ Đoàn được trang bị thêm kiến thức quản lý và kỹ năng lập nghiệp, khởi nghiệp.
Sáu là, nguồn vốn TDCSXH hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đã góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đã đẩy lùi nạn tín dụng đen, tạo được lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Lực lượng thanh niên là lực lượng trẻ, xung kích, đi đầu được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư sản xuất, tạo việc làm bằng sức lực, tri thức, làm giàu trên chính quê hương của mình, góp phần giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội.
3.2. Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
Thứ nhất, nhu cầu vay vốn của thanh niên để sản xuất, kinh doanh lớn, nhưng nguồn vốn còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp thời. Mức vay bình quân thấp, chỉ đạt khoảng 53 triệu đồng/người, trong khi nhu cầu thực tế cao hơn nhiều. Nguyên nhân do chưa có chính sách tín dụng riêng cho thanh niên từ Trung ương, nguồn vốn địa phương còn hạn chế, cộng thêm ảnh hưởng của dịch bệnh làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.
Thứ hai, quy định của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về đối tượng và thẩm quyền phê duyệt hồ sơ vay vốn từ nguồn Quỹ quốc gia về việc làm chưa phù hợp. Nhiều cá nhân thanh niên không đủ điều kiện vay, thủ tục phê duyệt còn khiến nhiều người vay e ngại. Nguyên nhân do chính sách chưa linh hoạt, chưa sát với thực tế tại địa phương.
Thứ ba, mức cho vay tối đa hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư của các dự án khởi nghiệp. Thanh niên phải vay thêm từ các nguồn khác, thậm chí là tín dụng không chính thức. Nguyên nhân do một số quy định còn cứng nhắc, trong khi chi phí sản xuất ngày càng cao.
Thứ tư, một số mô hình sản xuất kinh doanh của thanh niên thiếu tính bền vững, hiệu quả chưa cao do thiếu kế hoạch dài hạn, kỹ năng quản lý và kiến thức thị trường. Nguyên nhân chủ yếu từ phía người vay - thiếu kinh nghiệm, tâm lý chưa sẵn sàng khởi nghiệp thực sự.
Thứ năm, thiếu sự gắn kết giữa vốn vay và các chương trình hỗ trợ khác như đào tạo, tư vấn, kết nối thị trường. Nhiều địa phương chưa chủ động hướng dẫn thanh niên sử dụng vốn hiệu quả. Nguyên nhân do thiếu sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong hỗ trợ thanh niên sau khi vay vốn.
Cuối cùng, quy định về tài sản đảm bảo đối với khoản vay trên 100 triệu đồng gây khó khăn cho thanh niên khởi nghiệp, do họ thường chưa có tài sản riêng. Đây là rào cản lớn trong tiếp cận vốn TDCSXH.
4. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả nguồn vốn TDCSXH hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
Thứ nhất, nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách, nghiệp vụ: Chi nhánh NHCSXH tỉnh và Phòng giao dịch NHCSXH các huyện, thành phố tiếp tục tích cực, chủ động báo cáo, tham mưu UBND các cấp bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn hỗ trợ vốn vay thanh niên khởi nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Đồng thời, đề nghị NHCSXH Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa là 5 năm; Nâng thời hạn cho vay tối đa chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo từ 60 tháng lên 120 tháng (tương đương thời hạn cho vay tối đa của chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo) để tạo điều kiện, hỗ trợ cho thanh niên là hộ mới thoát nghèo có cơ hội được tiếp cận với nguồn vốn TDCSXH khởi nghiệp, thoát nghèo bền vững
Thứ hai, nhóm giải pháp đối với Tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh: Tổ chức Đoàn Thanh niên với vai trò trung gian hỗ trợ, định hướng và đồng hành với thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, tiếp tục tăng cường tuyên truyền phổ biến và hướng dẫn thanh niên tiếp cận vốn TDCSXH thông qua các buổi tổ chức hội thảo, tọa đàm, đối thoại để giới thiệu các chương trình vay vốn ưu đãi dành cho thanh niên khởi nghiệp. Chủ động phối hợp với các đơn vị tổ chức các khóa học về khởi nghiệp và quản lý tài chính cho thanh niên để nâng cao kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, quản lý kinh doanh cho thanh niên trong việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn TDCSXH. Kết nối với doanh nghiệp, chuyên gia cố vấn để hỗ trợ thanh niên trong quá trình triển khai dự án.
Thứ ba, nhóm giải pháp về nâng cao năng lực, kỹ năng của cán bộ triển khai hoạt động TDCSXH. NHCSXH nơi cho vay tiếp tục quan tâm bố trí cán bộ tham gia các khóa đào tạo nâng cao kỹ năng làm việc, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, tổ chức tập huấn chuyên sâu mỗi khi có chủ trương, chính sách, văn bản nghiệp vụ mới và đào tạo kỹ năng giao tiếp để phục vụ người dân ngày một tốt hơn trong giai đoạn mới.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách tín dụng ưu đãi đến người dân, đoàn viên, thanh niên. Chú trọng tuyên truyền rõ ràng, đầy đủ, minh bạch, chính xác về các chính sách tín dụng, đối tượng thụ hưởng, mức cho vay, lãi suất cho vay, quy trình, thủ tục vay vốn.
Thứ năm, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là công tác kiểm tra tại cơ sở để phòng ngừa rủi ro phát sinh, giúp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn TDCSXH.
Nguồn vốn TDCSXH đã và đang trở thành đòn bẩy quan trọng giúp thanh niên tỉnh Ninh Bình mạnh dạn khởi nghiệp, phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo bền vững. Thông qua việc triển khai hiệu quả các chương trình TDCSXH, đặc biệt là chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, nguồn vốn tín dụng đã góp phần hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên, thúc đẩy phong trào lập thân, lập nghiệp trong lực lượng lao động trẻ.
Tuy nhiên, để phát huy tối đa vai trò của nguồn vốn TDCSXH, trong thời gian tới cần có sự phối hợp đồng bộ giữa chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Bình, Tỉnh Đoàn và các ban, ngành liên quan trong việc tư vấn, hướng dẫn lập dự án, đào tạo kỹ năng khởi nghiệp cho thanh niên. Đồng thời, cần tiếp tục bổ sung nguồn vốn, đa dạng hóa các mô hình vay vốn phù hợp với nhu cầu thực tiễn, từ đó góp phần xây dựng đội ngũ thanh niên năng động, sáng tạo, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình./.