GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG TRIỂN KHAI CHO VAY NHÀ Ở XÃ HỘI TẠI NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI

Tóm tắt: Bài viết này nghiên cứu chính sách cho vay nhà ở xã hội (NƠXH) theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, Nghị định số 49/2019/NĐ-CP tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trong thời gian vừa qua. Trên cơ sở phân tích đánh giá thực trạng triển khai chương trình cho vay NƠXH tại NHCSXH giai đoạn từ năm 2019 đến 2023, chỉ ra những mặt được, những khó khăn hạn chế, tồn tại, từ đó tác giả đưa ra một số giải pháp nhằm tăng cường triển khai cho vay NƠXH tại NHCSXH trong thời gian tới.

          Từ khóa: NƠXH, NHCSXH, tín dụng ưu đãi.

1. Đặt vấn đề

Cho vay NƠXH tại Việt Nam là lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển lớn bởi nhu cầu có nhà để ở ngày càng lớn của người dân. Tính đến 31/12/2023, NHCSXH đang triển khai thực hiện cho vay NƠXH đối với các đối tượng theo quy định tại các Nghị định, Quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Đến ngày 31/12/2023, tổng dư nợ các chương trình cho vay NƠXH tại NHCSXH đạt 20.599 tỷ đồng, với 238.600 khách hàng còn dư nợ. Chương trình tín dụng đã phát huy hiệu quả, mang lại ý nghĩa kinh tế xã hội và tính nhân văn sâu sắc và dần trở thành một trong những chương trình tín dụng trụ cột, có quy mô lớn, có tiềm năng phát triển trên toàn quốc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai cũng còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc, nhất là cho vay NƠXH theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể như: Một số cơ chế, chính sách còn bất cập; nguồn vốn cho vay còn hạn chế; thiếu nguồn cung NƠXH nên chưa đáp ứng được nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng; vẫn còn khoảng trống về đối tượng vay vốn là hộ cận nghèo khu vực nông thôn, hộ có mức sống trung bình rất có nhu cầu vay vốn nhưng chưa được tiếp cận với với chương trình tín dụng… Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu giải pháp nhằm tăng cường triển khai cho vay NƠXH tại NHCSXH là rất quan trọng và cần thiết.

2. Thực trạng triển khai cho vay nhà ở xã hội tại NHCSXH

Hiện nay, nguồn vốn cho vay chương trình NƠXH tại NHCSXH được quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP bao gồm: Vốn Ngân sách Nhà nước cấp (NSNN); vốn NHCSXH huy động đối ứng với phần vốn NSNN cấp; Nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay. Theo đó, đến hết 31/12/2023, tổng nguồn vốn cho vay chương trình NƠXH đạt 17.121 tỷ đồng, trong đó: Vốn từ Ngân sách Nhà nước cấp giai đoạn 2018-2023 đạt 3.163 tỷ đồng; Nguồn vốn NHCSXH huy động đối ứng với nguồn vốn NSNN cấp là 3.163 tỷ đồng; Nguồn vốn NHCSXH huy động từ phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh theo Nghị quyết số 43/2022/NQ-QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ giai đoạn 2022-2023 đạt 10.281 tỷ đồng; Nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay đạt 514 tỷ đồng.

Ngay sau khi được NSNN cấp vốn chương trình tín dụng cho vay NƠXH (năm 2018) theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hạn mức phát hành trái phiếu NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh (năm 2022), NHCSXH đã chỉ đạo Chi nhánh các tỉnh, thành phố, Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện tích cực, khẩn trương báo cáo chính quyền địa phương, tham mưu phân giao kế hoạch vốn và phối hợp với các cơ quan liên quan tại địa phương triển khai thực hiện đến tất cả các địa bàn xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. Kết quả cho vay, thu nợ, dư nợ được thể hiện qua bảng số liệu sau đây:

                                                    Bảng 1. Doanh số cho vay - thu nợ - dư nợ giai đoạn 2018-2023

                                                            Đvt: tỷ đồng, khách hàng.

Năm

Doanh số cho vay

Doanh số thu nợ

TỔNG DƯ NỢ

Tổng dư nợ phân theo tính chất nợ

Số khách hàng còn dư nợ

Số lượt khách hàng vay vốn

Nợ trong hạn

Nợ quá hạn

Nợ khoanh

2018

907

3

905

905

0.000

0

2.832

2.856

2019

1.594

101

2.397

2.397

0.000

0

7.139

4.445

2020

2.361

258

4.500

4.500

0.009

0

13.023

6.164

2021

2.586

505

6.580

6.580

0.021

0

18.677

6.186

2022

4.736

758

10.558

10.558

0.205

0

29.003

11.211

2023

7.335

987

16.906

16.905,2

0,8

0

43.707

15.442

Tổng cộng

19.519

2.612

16.906

16.905,2

0,8

0

43.707

46.304

Nguồn: Ngân hàng Chính sách xã hội

Nhìn vào bảng số liệu 1 cho thấy, từ khi thực hiện chương trình đến hết 31/12/2023, tổng doanh số cho vay đạt 19.519 tỷ đồng với 46.304 khách hàng được vay vốn, doanh số thu nợ đạt 2.612 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 16.906 tỷ đồng với 43.707 khách hàng có dư nợ. Nợ quá hạn 0,8 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,005% trên tổng dư nợ.

Doanh số cho vay tăng dần qua các năm, trong đó đặc biệt năm 2022 và 2023 doanh số cho vay tăng cao so với những năm trước đó (năm 2022 tăng 1,8 lần so với  năm 2021, năm 2023 tăng 1,5 lần so với năm 2022). Doanh số cho vay tăng thể hiện số lượng khách hàng được thụ hưởng chính sách tín dụng NƠXH qua các năm cũng tăng lên.

Dư nợ cho vay có sự tăng trưởng qua từng năm, trong đó, năm 2019 tăng trưởng 165% so với năm 2018, năm 2020 tăng trưởng 88% so với năm 2019, năm 2021 tăng trưởng 46,2% so với năm 2020, năm 2022 tăng trưởng 60% so với  năm 2022 và năm 2023 tăng trưởng 46% so với năm 2022, điều này cho thấy tiềm năng tăng trưởng dư nợ tín dụng của chương trình cho vay này là rất lớn.

Nợ quá hạn và tỷ lệ nợ quá hạn của chương trình này hiện nay đang chiếm tỷ lệ rất thấp (năm 2023 nợ quá hạn là 781 triệu đồng, tỷ lệ 0,0046%/tổng dư nợ của chương trình). Chương trình cho vay NƠXH tại NHCSXH có tỷ lệ nợ quá hạn thấp vì đối tượng vay vốn đều là những người có thu nhập đều hàng tháng, do đó ý thức chấp hành trả nợ lãi và nợ gốc đến hạn theo phân kỳ tương đối tốt.

* Cơ cấu dư nợ của chương trình theo từng loại nguồn vốn như sau

- Dư nợ cho vay bằng nguồn vốn NSNN cấp đạt 3.163 tỷ đồng.

- Dư nợ cho vay bằng nguồn vốn NHCSXH huy động (50%) đạt 3.163 tỷ đồng.

- Dư nợ cho vay bằng nguồn vốn NHCSXH huy động từ phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh theo Nghị quyết số 43/2022/NQ-QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ giai đoạn 2022-2023 đạt 10.281 tỷ đồng.

- Dư nợ bằng nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để thực hiện chương trình cho vay NƠXH theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP đạt 514 tỷ đồng.

Capture

Biều đồ 1. Cơ cấu dư nợ theo từng loại nguồn vốn

                                Nguồn: Ngân hàng Chính sách xã hội

Kết cấu dư nợ phân theo từng loại nguồn vốn cho thấy thực trạng đến 31/12/2023, tỷ trọng dư nợ bằng nguồn vốn địa phương chiếm tỷ lệ rất thấp (3% trong tổng dư nợ của chương trình), tỷ trọng dư nợ bằng nguồn vốn NHCSXH huy động từ phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh theo Nghị quyết số 11 chiếm tỷ lệ lớn (60,06% trong tổng dư nợ của chương trình). Trong khi nguồn vốn cho vay theo Nghị quyết số 43 và Nghị quyết số 11 sẽ dừng tại thời điểm 31/12/2023. Như vậy, kết cấu dư nợ trên cho thấy sau khi các Nghị quyết dừng giải ngân, chương trình cho vay NƠXH sẽ thiếu hụt về nguồn vốn trung ương để cho vay đối với chương trình này.

Số lượng khách hàng được vay vốn tăng dần qua các năm, biểu đồ số 2 khẳng định thêm nhận định này như sau:

Capture2222

Biểu đồ 2. Số khách hàng vay vốn NƠXH giai đoạn 2018-2023

Nguồn: Ngân hàng Chính sách xã hội

Như vậy, số lượng khách hàng vay vốn năm 2022 gấp gần 4 lần so với năm 2018 và gấp 1,8 lần so với năm 2021, năm 2023 gấp 1,1 lần so với năm 2021. số lượng khách hàng được vay vốn tăng dần qua các năm, điều này chứng tỏ NHCSXH và tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan liên quan đã làm tốt công tác tuyên truyền cũng như tạo điều kiện cho các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận vốn, qua đó đạt được hiệu quả về kinh tế - xã hội.

Để đánh giá thực trạng kết quả triển khai cho vay NƠXH tại NHCSXH theo các chỉ tiêu định tính, nhóm nghiên cứu thực hiện việc khảo sát, thu thập, xử lý dữ liệu khảo sát, kết quả cho thấy có tới 98,6% các ý kiến đánh giá về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nhà ở trong thời gian qua đều thể hiện rõ quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách an sinh xã hội liên quan đến nhà ở. Với quan điểm giải quyết nhu cầu nhà ở cho nhân dân là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và từng người dân, trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, đặc biệt là hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách có khó khăn về nhà ở. Sự quan tâm đó được thể hiện trong Hiến pháp, các văn kiện, Nghị quyết của Đại hội Đảng. Vì vậy, trong những năm qua, việc phát triển nhà ở đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, đã có nhiều chính sách được ban hành, nhiều giải pháp được triển khai nhằm cải thiện điều kiện ở và nâng cao chất lượng nhà ở cho nhân dân, đặc biệt giúp cho hàng triệu hộ gia đình, cá nhân là đối tượng chính sách xã hội được hỗ trợ cải thiện nhà ở bằng nhiều hình thức, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, kết quả khảo sát cũng cho thấy chương trình cho vay NƠXH tại NHCSXH có nhiều ưu đãi đối với các đối tượng thụ hưởng, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và của mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời, cho vay nhà ở xã hội là chương trình rất thiết thực, ý nghĩa, nguồn vốn từ chương trình cho vay làm nhà ở xã hội đã giúp nhiều gia đình chính sách, công chức, viên chức, người lao động thu nhập thấp có điều kiện xây dựng nhà ở “an cư, lạc nghiệp” (97% ý kiến đánh giá).

 

nocxh

Ngôi nhà cấp 4 của Hộ vay Lâm Thanh Nhàn, thị trấn Cái Nước, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau được xây dựng khang trang sau khi tiếp cận vốn vay nhà ở xã hội

3. Đánh giá thực trạng triển khai thực hiện chương trình cho vay nhà ở xã hội của Ngân hàng Chính sách

3.1. Những kết quả đạt được:

Thứ nhất: Số liệu kết quả nguồn vốn cho vay, doanh số cho vay, dư nợ cho vay chương trình NƠXH tại NHCSXH tăng trưởng qua các năm phản ảnh khả năng tiếp cận vốn tín dụng chính sách của các đối tượng thụ hưởng cũng như quy mô của chương trình tín dụng này tại NHCSXH ngày càng được tăng lên. Qua đó, thể hiện được sự nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ, người lao động của NHCSXH cũng như sự phối hợp từ phía chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp trong việc đưa chính sách tín dụng vào cuộc sống, đưa vốn tín dụng ưu đãi đến gần hơn, nhiều hơn các đối tượng thụ hưởng, đáp ứng nhu cầu ngày càng tốt hơn của người dân.

Thứ hai: Kết quả thực hiện cho thấy, chương trình cho vay hiện nay có nợ quá hạn và tỷ lệ nợ quá hạn tương đối thấp, tỷ lệ thu nợ/nợ đến hạn tại cuối mỗi tháng, quý, năm đều đạt 100% phản ánh chất lượng tín dụng của chương trình cho vay, ý thức trả nợ của người vay tốt, khả năng thu hồi vốn của NHCSXH cao, nguy cơ rủi ro là rất thấp, công tác quản lý vốn tín dụng chính sách đảm bảo an toàn, hiệu quả. Điều này cũng phản ánh sự sát sao của cán bộ NHCSXH trong việc phối hợp, đôn đốc khách hàng kịp thời trả nợ khi đến hạn.

Thứ ba: Tỷ trọng dư nợ cho vay chương trình NƠXH trên tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đang triển khai tại NHCSXH có sự tăng trưởng mạnh mẽ qua từng năm, từ 0,48% thời điểm năm 2018 đến nay đã đạt 4,96%, trở thành một trong những chương trình trong tương lai sẽ chiếm tỷ trọng càng lớn trong tổng dư nợ tại NHCSXH. Điều này đã phản ánh đúng xu thế của việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đặc biệt là việc đẩy mạnh phát triển NƠXH để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp

3.2. Những tồn tại, hạn chế:

Thứ nhất: Nguồn vốn cho vay NƠXH chưa được bố trí kịp thời, đầy đủ để thực hiện chỉ tiêu kế hoạch cho vay theo quy định của Chính phủ.

Thứ hai: Cơ chế, chính sách cho vay NƠXH còn nhiều nội dung bất cập, cụ thể:

- Về đối tượng thụ hưởng chính sách NƠXH vẫn còn khoảng trống đối với một số đối tượng như hộ cận nghèo khu vực nông thôn, hộ có mức sống trung bình.

- Về việc xác nhận đối tượng thụ hưởng: Đối với các đối tượng mua, thuê mua NƠXH, việc quy định khách hàng có đủ giấy tờ chứng minh về đối tượng và các điều kiện về nhà ở, thu nhập… làm phát sinh thêm thủ tục cho người dân.

- Về mức vốn cho vay còn thấp, với mức cho vay tối đa để xây mới, cải tạo sửa chữa nhà để ở như hiện nay, bản thân người vay vốn sẽ phải đi huy động nhiều nguồn vốn khác ngoài thị trường, thậm chí vay vốn với lãi suất cao.

- Về lãi suất cho vay: Xét trên góc độ cùng thuộc đối tượng thụ hưởng, cùng hưởng chính sách tín dụng ưu đãi về nhà ở theo quy định của Chỉnh phủ, nhưng tại các tổ chức tín dụng khác đang áp dụng lãi suất cho vay là 5%/năm, nhưng tại NHCSXH lại được hưởng mức lãi suất là 4,8%/năm. Và đây chính là sự bất cập, không bình đẳng của các đối tượng thụ hưởng đồng thời sẽ có sự cạnh tranh giữa các đối tượng để được vay vốn NƠXH tại NHCSXH. 

- Về nội dung quy định về vốn tự có tham gia vào phương án vay vốn của khách hàng vẫn còn bất cập.

- Về nội dung quy định điều kiện thu nhập của khách hàng: Việc quy định đối tượng phải đáp ứng yêu cầu điều kiện về thu nhập này đã gây nhiều khó khăn cho ngân hàng trong việc phải thẩm định thu nhập của khách hàng, nhất là với nhóm đối tượng quân đội, công an do nguyên tắc bảo mật thông tin.

Thứ ba: Nguồn cung NƠXH còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế

Thứ tư:Công tác tổ chức thực hiện cho vay NƠXH của NHCSXH còn một số tồn tại, hạn chế liên quan đến công tác quản lý khoản vay, công tác thu nợ đến hạn và các nội dung liên quan đến tiền gửi tiết kiệm NƠXH.

4. Một số giải pháp tăng cường cho vay nhà ở xã hội của Ngân hàng Chính sách xã hội

            Thứ nhất: Nhóm giải pháp về phối hợp với các Bộ ngành có liên quan để tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cơ chế  chính sách về cho vay nhà ở xã hội, bao gồm:

- Mở rộng đối tượng thụ hưởng của chương trình: Tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mở rộng đối tượng thụ hưởng bao gồm hộ cận nghèo ở nông thôn và hộ có mức sống trung bình theo quy định của pháp luật. Đồng thời thực hiện mở rộng thêm đối tượng và trước khi triển khai trên diện rộng đối với trường hợp này, đề nghị tổ chức thí điểm cho vay theo một số nội dung sau:

(i) Về đối tượng cho vay: Mở rộng đối tượng cho vay bao gồm:  Doanh nghiệp, hợp tác xã là chủ đầu tư dự án NƠXH không phải bằng nguồn vốn hoặc hình thức quy định tại Khoản 1 Điều 53 của Luật Nhà ở để cho thuê, cho thuê mua, bán; Doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất công nghiệp, dịch vụ tự đầu tư xây dựng nhà ở để bố trí cho người lao động của chính doanh nghiệp, hợp tác xã đó mà không thu tiền thuê nhà hoặc có thu tiền thuê nhà với giá thuê không vượt quá khung giá cho thuê NƠXH do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành; Hộ gia đình, cá nhân bỏ vốn đầu tư xây dựng NƠXH để cho thuê, cho thuê mua, bán.

(ii) Về mức cho vay thực hiện theo nguyên tắc sau

+ Đối với xây dựng NƠXH chỉ để cho thuê: Mức cho vay tối đa bằng 80% tổng mức đầu tư dự án hoặc phương án vay và không vượt quá 80% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay;

+ Đối với xây dựng NƠXH để cho thuê mua, bán: Mức cho vay tối đa bằng 70% tổng mức đầu tư của dự án, phương án vay và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.

(iii) Về địa bàn và thời gian thực hiện: Thực hiện cho vay ở 05 thành phố trực thuộc trung ương và các tỉnh thành có nhiều khu công nghiệp hoặc nhiều dự án NƠXH (Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Bình Dương, Đồng Nai).

Sau 02 năm thí điểm, Bộ Xây dựng thực hiện việc khảo sát đánh giá về hiệu quả đối với việc cho vay mở rộng cho các đối tượng thụ hưởng như trên và tiến hành mở rộng phạm vi cho vay ra toàn quốc đối với các đối tượng trên.

- Tăng cường nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội để giao cho NHCSXH cho vay. Theo đó các giải pháp cụ thể như: Báo cáo Bộ kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 để bổ sung nguồn cho vay NƠXH theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP tại NHCSXH năm 2024, 2025; Bổ sung quy định về nhiệm vụ chi cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn trong nội dung chi đầu tư phát triển thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương được quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước; Bổ sung nội dung quy định NHCSXH vào đối tượng được vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài vào Luật quản lý nợ công. Việc bổ sung quy định này nhằm bổ sung cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH huy động được nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp, thời hạn dài để thực hiện tín dụng chính sách xã hội; cấp ủy, chính quyền địa phương cân đối, ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH nhằm bổ sung nguồn vốn cho vay đối với chương trình NƠXH; Hình thành Quỹ tiết kiệm nhà ở: Thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở, Bộ Xây dựng đóng vai trò quản lý về mặt chuyên môn phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để xây dựng quy chế quản lý quỹ và NHCSXH là đơn vị thực hiện việc tiếp nhận nguồn quỹ, thực hiện cho vay đến đối tượng thụ hưởng của chương trình.

          - Bổ sung, sửa đổi cơ chế chính sách hiện hành về một số nội dung: bỏ quy định đối với các đối tượng vay vốn NƠXH để mua, thuê mua NƠXH không cần phải cung cấp giấy tờ chứng minh về đối tượng và các điều kiện về nhà ở, thu nhập… cho NHCSXH; tăng mức vốn cho vay đối với mục đích xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở; tăng lãi suất cho vay NƠXH lên mức cao hơn mức lãi suất đang áp dụng để đảm bảo công bằng giữa các đối tượng vay vốn tại NHCSXH, lãi suất cho vay ít nhất phải bằng với lãi suất cho vay hộ nghèo; bỏ quy định về việc khách hàng có vốn tự có tối thiểu tham gia vào phương án vay vốn, theo đó chỉ cần quy định việc khách hàng phải có phương án vay vốn gửi NHCSXH nơi cho vay và trên Phương án vay vốn, khách hàng đã phải kê khai các nội dung liên quan đến vốn tự có và vốn xin vay tại NHCSXH; xem xét quy định về điều kiện thu nhập của đối tượng thụ hưởng như sau: “Có mức thu nhập bình quân hàng tháng của người đứng đơn và vợ hoặc chồng của người đó không quá 15,4 triệu đồng/người/tháng tính theo Bảng tiền công, tiền lương do cơ quan, đơn vị nơi đối tượng làm việc xác nhận”.

Thứ hai: Nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện cho vay nhà ở xã hội, bao gồm: Nâng cao chất lượng công tác quản lý nguồn vốn và điều hành chỉ tiêu kế hoạch; Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền; Tăng cường công tác kiểm tra giám sát; Phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để hỗ trợ khách hàng vay vốn; Giải pháp liên quan đến việc quản lý khoản vay nhà ở xã hội, tài khoản tiền gửi tiết kiệm nhà ở xã hội. Trong đó riêng đối với giải pháp liên quan đến đến việc quản lý khoản vay nhà ở xã hội, tài khoản tiền gửi tiết kiệm nhà ở xã hội, các nội dung cụ thể bao gồm: Nâng cấp phân hệ tiền vay trên hệ thống Intellect, cần phải nâng cấp về điều kiện đặt lịch thu nợ lãi, thu nợ gốc linh hoạt cho các món vay bao gồm món vay trực tiếp và món vay qua Tổ Tiết kiệm và vay vốn. Việc đặt lịch thu nợ trên hệ thống Core banking là hoàn toàn do người dùng định nghĩa và cấu hình linh hoạt; việc thông báo nợ gốc đến hạn theo phân kỳ cần phải được tích hợp lên ứng dụng App Mobile Banking của NHCSXH. Theo đó, trước 07 ngày đến hạn, sẽ có tin nhắn thông báo gửi đến khách hàng để nhắc nợ đến hạn cần phải trả, đồng thời đề nghị khách hàng duy trì số dư tối thiểu trên tài khoản tiền gửi thanh toán (bao gồm số dư tối thiểu duy trì tài khoản + số nợ lãi + số nợ gốc đến hạn theo phân kỳ), để đến đúng ngày đến hạn hệ thống sẽ tự động thu nợ từ tài khoản tiền gửi thanh toán để trả nợ cho khoản vay của khách hàng; xây dựng các sản phẩm tiền gửi tiết kiệm NƠXH theo hướng bao gồm sản phẩm tiết kiệm gửi góp thủ công và sản phẩm tiết kiệm gửi góp tự động.

Thứ ba: Nhóm giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia cho vay nhà ở xã hội, bao gồm: cán bộ NHCSXH; cán bộ làm công tác ủy thác cho vay của các tổ chức chính trị- xã hội và Ban quản lý Tổ TK&VV. Thực tế cho thấy, con người là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong hoạt động quản lý lẫn tác nghiệp tín dụng chính sách. Nguồn nhân lực có chất lượng thể hiện ở nhiều khía cạnh về kinh nghiệm, trình độ chuyên môn, sức khỏe, tính nhiệt huyết và  đạo đức của cán bộ. Riêng đối với tín dụng chính sách, cán bộ của NHCSXH còn phải là những người thấu hiểu được những vất vả, khó khăn của người nghèo và các đối tượng chính sách, từ đó họ sẽ có những động lực nhất định trong quá trình mang đồng vốn ưu đãi của Chính phủ tới các đối tượng chính sách.

Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, với sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, chính  quyền địa phương các cấp đối với chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhất là việc triển khai “Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, với sự triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nói trên, nhóm nghiên cứu tin tưởng và hi vọng rằng, chương trình cho vay NƠXH tại NHCSXH sẽ có sự tăng trưởng mạnh và ngày càng phát huy hiệu quả trong những năm tiếp theo, trở thành một trong những chương trình tín dụng chủ lực tại NHCSXH, đáp ứng được ngày càng tốt hơn nhu cầu vay của các đối tượng thụ hưởng cũng như góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ của Chính phủ về phát triển nhà ở, đảm bảo an sinh xã hội, đóng góp thành công vào việc thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia trong giai đoạn tới.