Đồng vốn chính sách tiếp sức cho người nghèo

07/12/2021
(VBSP News) Những năm qua, từ nguồn vốn của NHCSXH đã có gần một triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở các tỉnh Bắc Trung Bộ (Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế) được “tiếp sức” để tạo ra sinh kế bền vững. Không chỉ giúp người nghèo vươn lên ổn định cuộc sống, nguồn vốn ưu đãi này còn tạo ra nguồn lực giúp nhiều miền quê nghèo xây dựng nông thôn mới. Vừa làm tốt công tác cho vay hộ nghèo để tạo “đòn bẩy” vươn lên thoát nghèo bền vững, chi nhánh NHCSXH các tỉnh Bắc Trung Bộ vừa triển khai cho người lao động trở về từ phía nam vay vốn phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống trên quê hương.
1_7-1638829147243

Cán bộ NHCSXH tỉnh Quảng Bình tuyên truyền hướng dẫn tận tình cho hộ dân về các chính sách cho vay ưu đãi

Vươn lên nhờ nguồn vốn ưu đãi
Anh Cao Tiến Viễn ở thôn Tân Lợi, xã Yên Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) lập gia đình rồi vào Nam tìm việc làm. Nhiều năm làm công nhân, xoay xở đủ đường nhưng gia đình vẫn nhiều khó khăn. Trở về quê lập nghiệp, anh tìm tới Hội Nông dân xã xin vay vốn phát triển sản xuất. Cuối năm 2019, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Minh Hóa cho gia đình anh Cao Tiến Viễn vay 50 triệu đồng để chăn nuôi gia súc. Ðến nay, anh Viễn đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi bò lai và lợn rừng F1. Hôm chúng tôi đến thăm, trong chuồng anh có năm con bò lai và 15 con lợn rừng. Anh vui mừng cho biết, năm qua, gia đình có thu nhập gần 60 triệu đồng.
Cùng cán bộ xã Hướng Hiệp, huyện ÐaKrông (Quảng Trị), chúng tôi đến thăm gia đình ông Hồ Văn Vưng, tấm gương điển hình vượt khó vươn lên nhờ vốn vay ưu đãi. Trong ngôi nhà khang trang bên mé đồi lộng gió, ông Vưng cho biết, gia đình hiện có 10 ha rừng trồng, 8 con bò, 15 con dê, gần 2ha lúa nước và sắn. Ðây là thành quả của gia đình ông sau gần 7 năm phát triển kinh tế hộ gia đình từ nguồn vốn tín dụng dành cho hộ nghèo. Nhờ đó, gia đình ông có điều kiện chăm lo cho các con ăn học, xây dựng nhà cửa khang trang.
A Lưới là huyện miền núi, tỷ lệ hộ nghèo rất cao của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nhờ thực hiện các chương trình, giải pháp cụ thể và hiệu quả, trong những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo ở A Lưới đã giảm đáng kể. Nếu năm 2016, A Lưới có 4.337 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 35,04%, thì đầu năm 2021, toàn huyện còn 2.585 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 18%. Có được kết quả này là nhờ địa phương đã biết phát huy hiệu quả chương trình tín dụng chính sách xã hội gắn với giảm nghèo bền vững. Ông Nguyễn Văn Trọng ở xã Hương Phong, huyện A Lưới cho biết, từ một gia đình có hoàn cảnh khó khăn do thiếu vốn sản xuất, được Phòng giao dịch NHCSXH huyện cho vay 50 triệu đồng, ông mua bò giống về nuôi và thoát nghèo.
Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Huyện A Lưới chủ động tiết kiệm từ nguồn kinh phí địa phương để chuyển thêm vốn cho Phòng giao dịch NHCSXH huyện góp phần đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Bởi nguồn vốn vay ưu đãi này là “điểm tựa” cho người nghèo vươn lên, góp phần nâng cao chất lượng tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.
Gia đình ông Nguyễn Quang Trung ở xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch có 3 người vào Nam lập nghiệp mấy năm nay nhưng đầu tháng 8 vừa qua, họ bị mất việc do dịch COVID-19, phải về quê. Ðể các con có kế mưu sinh, ông Nguyễn Quang Trung thông qua Hội Nông dân xã tìm đến nguồn vốn ưu đãi. Ông cho biết, gia đình định hướng thực hiện mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt để khai thác tiềm năng vùng đất đang sinh sống. Sau khi nắm bắt tình hình và kiểm tra thực tế, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Bố Trạch đồng ý cho gia đình ông vay 100 triệu đồng với lãi suất ưu đãi để đầu tư chăn nuôi. Hiện, tỉnh Quảng Bình có hơn 14.000 người trở về từ vùng dịch bị mất việc làm cần vay vốn để sản xuất và ổn định cuộc sống. Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Bình và các địa phương đang rà soát, ưu tiên nguồn vốn vay ưu đãi để giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho người lao động.
Ở tỉnh Quảng Trị, anh Hồ Văn Sơn ở xã A Ngo, huyện ÐaKrông, lao động từ vùng dịch miền nam trở về được chi nhánh NHCSXH tỉnh cho vay lãi suất ưu đãi 80 triệu đồng để trồng rừng và nuôi bò. Anh Sơn cho biết, vào tỉnh Bình Dương làm ăn hai năm nay, do dịch bệnh, anh về quê hồi tháng 7.2021. Trong lúc đang gặp khó khăn thì anh được NHCSXH làm thủ tục cho vay nhanh.
Cho vay hỗ trợ tạo sinh kế
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Bình Trần Văn Tài cho biết: Thời gian qua, chi nhánh thực hiện nhiều biện pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Với ưu điểm là nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp, thời gian vay kéo dài, đây là cơ hội giúp người nghèo tiếp cận với vốn vay nhanh chóng, thuận tiện để phát triển kinh tế gia đình. Ðơn vị thực hiện phương thức ủy thác cho vay thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, các Tổ tiết kiệm và vay vốn và tổ chức giao dịch trực tiếp tại UBND cấp xã.

trang_trong_2-1638829173112

Mô hình vay vốn ưu đãi trồng tiêu của nông dân xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế)

Hiện, chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Bình xây dựng được mạng lưới 151 Điểm giao dịch xã hoạt động rộng khắp trong tỉnh. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đã cố gắng nâng cao chất lượng tín dụng tạo nên sự chuyển biến, thay đổi cách quản lý vốn tín dụng chính sách của cán bộ hội trong thực hiện nhiệm vụ ủy thác. Hiện, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tại Quảng Bình nhận ủy thác đang tham gia quản lý 3.624 tỉ đồng, chiếm 99,7% tổng dư nợ. Từ nguồn vốn bàn giao ban đầu 200 tỉ đồng, đến cuối tháng 9.2021, tổng nguồn vốn của chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Bình đạt 3.672 tỉ đồng. Nguồn vốn này đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống cho hơn 20.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Cùng với những đóng góp tương tự, 5 năm qua có hơn 125 nghìn lượt khách hàng tại tỉnh Quảng Trị được vay vốn ưu đãi. Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Trị Nguyễn Ðức Ðồng cho biết: Nguồn vốn ưu đãi là công cụ hữu hiệu trong giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên vùng đất Quảng Trị.
Là tổ chức chính trị - xã hội được ủy thác cho hội viên vay vốn ưu đãi với số lượng lớn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên - Huế Phạm Thị Minh Huệ cho biết: Để làm tốt hoạt động ủy thác cho vay vốn tín dụng chính sách xã hội đúng mục đích và phát huy hiệu quả, Hội đã làm tốt công tác tuyên truyền, từ đó giúp các hộ nắm bắt đầy đủ chính sách và thuận lợi khi tiếp cận nguồn vốn vay, xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại, nỗ lực xóa đói nghèo và vươn lên làm giàu. Quá trình giải ngân vốn vay, Hội Nông dân các cấp còn kết hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, giới thiệu, kết nối tạo chuỗi sản xuất, thị trường tiêu thụ giúp các hộ vay sử dụng vốn thật sự hiệu quả.
Ðể tiếp tục nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi và mở rộng đối tượng cho vay nhằm giải quyết khó khăn do dịch bệnh và thiên tai, mới đây, UBND các tỉnh Bắc Trung Bộ đã yêu cầu NHCSXH các địa phương chủ động phối hợp cơ quan liên quan rà soát, xác định nhu cầu vốn của đối tượng thụ hưởng, tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của Trung ương để bổ sung nguồn vốn cho vay; tích cực phối hợp với ngành, đơn vị bổ sung kịp thời nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chuyển sang để cho vay đối tượng chính sách nhằm khôi phục, phát triển SXKD. Mặt khác, các địa phương cũng yêu cầu các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện có hiệu quả hơn nội dung được ủy thác cho vay, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách; xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Phan Mạnh Hùng nhấn mạnh: Vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH thật sự đã trở thành một “điểm tựa” cho người nghèo, giúp bà con phát triển kinh tế. Tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo tuyên truyền sâu rộng đến người dân về nội dung và thủ tục vay vốn của các chương trình tín dụng, làm tốt công tác kiểm tra sử dụng vốn để bảo đảm vốn vay sử dụng đúng mục đích và hiệu quả, tăng cường thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn để tạo lập nguồn vốn vay quay vòng; rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng để giải ngân kịp thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong vay vốn, đặc biệt là cho vay hỗ trợ tạo sinh kế ổn định cho đối tượng lao động trở về địa phương do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Nhóm PV thường trú Báo Nhân dân

Các tin bài khác