Xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh
Việc xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết, cần được quan tâm. Hàng năm, căn cứ nhiệm vụ của Đảng ủy, của đơn vị, chi bộ xây dựng chương trình công tác phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế đơn vị; trong đó, tập trung cho công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng đảng gắn với thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII và Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 06/7/2016 của BTV Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Chi ủy chi bộ lập kế hoạch học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phân công đảng viên chuẩn bị chu đáo nội dung trình bày, rút ra bài học cho bản thân, những bài học kinh nghiệm trong công tác đảng cũng như công tác chuyên môn từ đó nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên và chi ủy xem đây là một trong những nội dung đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên hàng năm; thực hiện tốt Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Bộ Chính trị về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; phát huy vai trò của người đứng đầu, của các đồng chí Chi ủy viên, Bí thư chi bộ.
Đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng, coi trọng rèn luyện đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tình yêu thương đồng chí, tôn trọng lẫn nhau cho cán bộ, đảng viên. Sự đoàn kết thống nhất trong Đảng trước hết bắt nguồn từ sự hiểu biết và giác ngộ chính trị của mỗi đảng viên. Vì vậy, công tác tuyên truyền trong Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để nâng cao trình độ nhận thức cho mỗi đảng viên, có như vậy mới tạo sự đoàn kết thống nhất cao. Mỗi cán bộ, đảng viên sẽ trở thành tấm gương sáng về phẩm chất, đạo đức, lối sống, hết lòng vì dân, vì sự nghiệp cách mạng.
Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc xây dựng Đảng. Thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về đổi mới nội dung hình thức và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, chi ủy phải nắm chắc tình hình tư tưởng và kết quả thực hiện nhiệm vụ của đảng viên được chi bộ phân công. Kịp thời biểu dương những đảng viên gương mẫu và giúp đỡ giáo dục, xử lý những đảng viên có thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm để chi bộ thực sự là nơi quản lý, giáo dục, đào tạo, rèn luyện và sàng lọc đội ngũ đảng viên.
Chi bộ phải tôn trọng quyền của đảng viên, nhất là quyền được thảo luận thẳng thắn các vấn đề về đường lối, chính sách của Đảng; quyền được phê bình, chất vấn trong phạm vi tổ chức của đảng viên ở mọi cấp; quyền được thông tin, được bảo lưu ý kiến của mình như Điều lệ Đảng đã quy định. Trong chi bộ phải chống mọi biểu hiện độc đoán, gia trưởng, truy chụp, áp đặt ý kiến cá nhân, thành kiến, trù dập, kiêu căng, thiếu khiêm tốn hoặc e dè, thiếu trung thực, không dám đấu tranh với những việc làm, quan điểm sai trái.
Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cần thường xuyên cải tiến và đổi mới nội dung sinh hoạt. Đảng ta thống nhất một quan điểm là lấy nhiệm vụ xây dựng Đảng làm then chốt, vì vậy, mỗi chi bộ, đảng bộ cơ sở cần phải ra sức tìm tòi, đổi mới nội dung sinh hoạt Đảng, cho phù hợp với thực tiễn của chi bộ mình, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho.
Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng chi bộ, kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực. Mọi đảng viên phải được đặt trong phạm vi kiểm tra, giám sát của chi bộ. Kiểm tra không phải là “vạch lá tìm sâu”, làm giảm thành tích. Kiểm tra phải có hệ thống, kịp thời, khách quan, công minh, chính xác, sâu sát. Chỉ có như vậy, công tác xây dựng chi bộ mới có hiệu quả, các cấp ủy, chi bộ mới bảo đảm được vai trò lãnh đạo của mình, hoàn thành sứ mệnh và trọng trách mà nhân dân giao phó. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, thực hiện nghiêm pháp luật Nhà nước là giải pháp quan trọng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đảng ta có nhiều nghị quyết, chỉ thị cùng các thiết chế để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, đấu tranh chống suy thoái, biến chất, tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, dân chủ trong Đảng vẫn còn biểu hiện hình thức; kỷ cương, kỷ luật trong Đảng còn lỏng lẻo, pháp luật của Nhà nước chưa được thực hiện nghiêm minh, gây bức xúc trong nhân dân.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, công tác thanh tra, kiểm tra của Đảng và Nhà nước có nhiều đổi mới, tăng cường thẩm quyền, trách nhiệm của ủy ban kiểm tra các cấp của Đảng, đặc biệt là Ủy ban Kiểm tra Trung ương; xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa Ban Nội chính, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các cơ quan điều tra, thanh tra của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát và xử lý các vụ, việc tham nhũng, tiêu cực. Đảng ban hành các quy định cụ thể hơn về công tác kiểm tra, thanh tra, triển khai những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, xử lý nghiêm theo pháp luật các tập thể và cá nhân vi phạm, “làm đến cùng, không dây dưa kéo dài”, “không có vùng cấm”.
Trong giai đoạn hiện nay, khi cả nước đứng trước những vận hội mới và thách thức mới, tiếp tục sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hơn bao giờ hết, chúng ta phải giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, xây dựng các tổ chức chi bộ vững mạnh, rèn luyện tư cách đảng viên với phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ. Việc nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng Đảng nói chung, trong xây dựng chi bộ nói riêng có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Đối với cá nhân đảng viên phải đoàn kết, thống nhất, gương mẫu, nói đi đôi với làm. Đoàn kết không phải ngoài miệng mà phải đoàn kết trong công tác, trong tự phê bình và phê bình giúp nhau tiến bộ. Đoàn kết là thuộc tính tất yếu, là sức mạnh của Đảng, vì vậy, Đảng phải luôn giữ gìn sự đoàn thống nhất, xem đó là một nhiệm vụ đặc biệt, một nguyên tắc trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Để giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng,. Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình đó là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết, thống nhất của Đảng; phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân.
Chi ủy giữ vai trò quy tụ trong đoàn kết chi bộ. Quan tâm xây dựng, củng cố chi ủy gắn với việc lựa chọn, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực. Chủ chốt của chi bộ phải là người mẫu mực về đoàn kết, biết kết hợp, xử lý hài hòa giữa các lợi ích, đặt lợi ích tập thể, lợi ích chi bộ lên trên hết, có khả năng quy tụ tinh thần đoàn kết trong chi bộ. Công tác lãnh đạo xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những nhiệm vụ quan trọng, giữ vai trò to lớn trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng.
Nguyễn Thị Khương
Các tin bài khác
- » Xây dựng Chi bộ Thi đua - Khen thưởng trong sạch, vững mạnh
- » Vai trò của Đảng trong công tác xử lý nợ bị rủi ro
- » Vai trò của Công đoàn trong công tác xây dựng Đảng
- » Tín dụng chính sách xã hội góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa
- » Những bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Chỉ thị 40
- » Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên trong Chi bộ
- » Hành trình mang vốn tín dụng chính sách của Chính phủ đến với người nghèo
- » Đảng ủy NHCSXHTW với công tác phòng, chống tham nhũng
- » Chi bộ Pháp chế học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
- » Các đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước tập trung triển khai kết quả Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII