Vai trò của Đảng trong công tác xử lý nợ bị rủi ro

18/11/2021
(VBSP News) Thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Luật các tổ chức tín dụng và Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá X về chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, ngày 04/10/2002 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg thành lập NHCSXH để cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn ưu đãi phục vụ SXKD, tạo việc làm, cải thiện đời sống góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội. Đại hội đại biểu Đảng bộ NHCSXHTW lần thứ V, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã Nghị quyết “Tiếp tục phát triển NHCSXH ổn định, bền vững, duy trì vai trò định chế tài chính công thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS”.
1

Các cán bộ, đảng viên NHCSXH luôn tận tâm, vì hạnh phúc của người nghèo

Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của đại hội, cùng với việc tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách về tín dụng, ưu đãi trong tiếp cận nguồn vốn, Đảng bộ NHCSXHTW đã lãnh đạo, chỉ đạo xử lý những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình sử dụng vốn của các đối tượng thụ hưởng chính sách đặc biệt là việc xử lý nợ bị rủi ro đối với người vay bị thiệt hại về vốn và tài sản dẫn đến khó khăn trong quá trình trả nợ. Xuất phát từ mục tiêu trên và căn cứ vào những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Quy chế xử lý nợ bị rủi ro tại NHCSXH theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010, NHCSXH đã báo cáo và đề nghị Bộ Tài chính trình Thủ tướng sửa đổi một số nội dung Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg cho phù hợp thực tiễn hoạt động.
Ngày 11/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 08/2021/QĐ-TTg về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế xử lý nợ bị rủi ro tại NHCSXH (Quyết định 08) ban hành kèm theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Quyết định 08 đã bổ sung các nguyên nhân được xem xét xử lý rủi ro tại NHCSXH mà chưa có cơ chế xử lý. Đồng thời, rà soát lại các nguyên nhân xử lý cho phù hợp với tình hình thực tế và quy định của pháp luật; bổ sung điều kiện được xem xét gia hạn nợ, khoanh nợ, xóa nợ tương ứng với các nguyên nhân; điều chỉnh quy định về thời gian khoanh nợ tương ứng với từng nhóm nguyên nhân và tỷ lệ thiệt hại; bổ sung cụ thể hồ sơ pháp lý xử lý nợ bị rủi ro tương ứng với từng biện pháp xử lý nợ. Ngoài ra, Quyết định số 08 cũng sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Bộ Tài chính và HĐQT NHCSXH để đảm bảo căn cứ pháp lý khi triển khai thực hiện, phù hợp với tình hình thực tế và hoàn thiện lại một số câu chữ cho phù hợp với Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật.
Trải qua 19 năm hoạt động, các quy định về xử lý nợ bị rủi ro tại NHCSXH đã nhận được sự đồng thuận của toàn xã hội, được tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, đồng bộ, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, có sự giám sát của nhân dân, sự chứng kiến của Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và xác nhận của cơ quan chuyên ngành, UBND xã.
Xử lý nợ bị rủi ro cho khách hàng vay vốn gặp rủi ro bất khả kháng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác bị rủi ro khắc phục khó khăn, có thêm thời gian khôi phục SXKD ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời, phản ánh đúng thực trạng chất lượng tín dụng chính sách, góp phần thực hiện nhiệm vụ tín dụng chính sách xã hội của Đảng và Chính phủ giao. Thông qua việc xử lý nợ rủi ro tại NHCSXH đã góp phần nâng cao trách nhiệm trong quản lý vốn tín dụng chính sách và xử lý nợ xấu từ hệ thống NHCSXH đến chính quyền cấp cơ sở, các ngành có liên quan và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác.
Thời gian tới, cùng với việc quản lý, đưa ra các giải pháp về tăng trưởng tín dụng, Đảng bộ NHCSXHTW tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Quy chế xử lý nợ bị rủi ro giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thụ hưởng đầy đủ các chế độ ưu đãi của Chính phủ về tín dụng chính sách từ đó lãnh đạo đơn vị tiếp tục nghiên cứu tham mưu với cấp có thẩm quyền các giải pháp thiết thực về công tác quản lý và xử lý nợ bị rủi ro để chất lượng các chương trình tín dụng ngày càng được nâng cao và phát triển bền vững góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và thiểu số.

Lê Hậu

Các tin bài khác