“Trao cơ hội đi học, cho cơ hội đổi đời” cho các LCL tại Thái Nguyên
Những cánh én dệt mùa Xuân
Nhìn hình ảnh về tình cảm yêu thương, quý mến của em Trần Văn Hoàn dành cho bà nội khiến mỗi khán giả truyền hình khi xem phóng sự về hoàn cảnh của em đều cảm thấy ấm lòng. Tuy nhiên sự hồn nhiên của em, rồi ước muốn giản đơn của bà khiến cho mỗi người trong chúng ta lại cảm thấy thắt lại khi bà chỉ mong muốn Hoàn thật khỏe mạnh mà thôi.
“Chả mong muốn gì hơn, chỉ mong nó khỏe mạnh, nên người”, đó là ước mong duy nhất của bà nội LCL Trần Văn Hoàn ở xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ.
Cha mẹ mất sớm bởi căn bệnh HIV, Hoàn sống cùng bà nội 76 tuổi. Bà nói đùa rằng: Nhà người ta thì 3 không, nhà tôi thì tới 10 không: không máy bơm, không nhà tiêu, không nhà bếp… Ngôi nhà của 2 bà cháu nằm trong xóm nhỏ, heo hút không có gì đáng giá nhưng khi được hỏi về mong muốn thì cả bà và cháu đều có những ước mong thật giản dị. Bà chỉ mong Hoàn được khỏe mạnh, nên người. Nhưng liệu rằng ước muốn của bà nội có trở thành hiện thực không khi cậu bé còn non nớt mới 12 tuổi như Hoàn cũng đang bị nhiễm HIV từ chính người mẹ đẻ mất trước đó.
“Tôi thực sự rất cảm động khi biết được hoàn cảnh của em Trần Văn Hoàn. Thông qua đây tôi tặng em một chiếc xe đạp để làm phương tiện đi lại, giá trị tuy không lớn nhưng có ý nghĩa về mặt tinh thần”, đó là những lời chia sẻ đầy cảm động của Phó Tổng Giám đốc Hoàng Minh Tế dành cho LCL Trần Văn Hoàn.
Còn với cô bé Lưu Thị Minh Nguyệt ở xã Thành Công, huyện Phổ Yên lại là một hoàn cảnh LCL đáng thương, trân trọng khác. Tuy mới 14 tuổi nhưng đã phải gánh vác rất nhiều việc trong gia đình. Vượt qua mọi khó khăn, 8 năm qua Nguyệt luôn đứng đầu lớp về thành tích học tập; xếp loại giỏi trong 3 năm liền. “Em Nguyệt được thầy, cô giáo trường THCS Thành Công, xã Thành Công, huyện Phổ Yên đánh giá là chăm ngoan, học giỏi; các bạn cùng lớp 8A yêu thương, quý mến”, giáo chủ nhiệm Hà Thị Oanh nói với chúng tôi.
Với những bạn học khác, được tuyên dương là có thể khoe thành tích đối với gia đình hay được bố mẹ thưởng cho tập sách mới hay bộ quần áo mới. Nhưng với Nguyệt những điều ấy là không thể. Ở nhà, từng túi ngô vẫn đang chờ em thu dọn. Góc bếp nguội lạnh vẫn chờ người để nhóm lửa cho bữa tối. Ước mong về một gia đình đầy ắp tiếng cười sẽ chẳng thể nào thành hiện thực khi năm 2012 mấy chị em Nguyệt mất cha, năm 2013 người mẹ yêu thương nhất cũng mất.
Cuộc sống cả nhà giờ đây trông mong vào mấy con gà, con lợn và hơn 500 nghìn đồng trợ cấp hộ nghèo mỗi tháng. Ông bà nội già yếu chẳng ai biết ở tuổi này ngày mai sức khỏe sẽ ra sao. Dù mưa, dù nắng, dù có vui hay buồn vẫn chỉ có 2 chị em lặng lẽ với nhau trong căn nhà nhỏ. Với Nguyệt, tận sâu thẳm trong lòng em vẫn luôn cảm thấy đơn độc, một mình đi học trên con đường dài và hàng ngày xoay sở với những khó khăn bộn bề của cuộc sống.
Hay như hoàn cảnh của cậu bé Bế Ngọc Duy ở xã Động Đạt, huyện Phú Lương mồ côi cha, hiện đang ở với ông bà, mẹ và 2 bác. Duy có mẹ nhưng là một người mẹ “không được bình thường” như bao bà mẹ khác, mẹ đã nhiều lần đuổi Duy ra khỏi nhà nhưng cậu bé không giận mẹ mà ngược lại còn rất thương mẹ. Bởi mẹ và hai bác của Duy cũng “không được bình thường” do di chứng của chất độc da cam, di truyền từ ông, bà Duy trong thời gian tham gia kháng chiến. Nay ông đã mất, bà đi làm vất vả nuôi cả nhà vì thế Duy rất thương mẹ, thương bác, càng thương bà đã tần tảo sớm hôm để cho em có cơ hội cắp sách đến trường.
Nghỉ học từ năm lớp 6, để đi làm thuê, nhường cơ hội đến trường cho các em là một hoàn cảnh khác của LCL Hoàng Văn Anh 17 tuổi - người anh cả trong gia đình có 5 anh em ở xóm Tân Tiến, xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai, nay cũng đang trở thành trụ cột chính trong gia đình. Hoàn cảnh của gia đình Hoàng Văn Anh éo le, mồ côi cha từ nhỏ, mẹ ốm đau triền miên, kinh tế rất khó khăn, ăn bữa nay, lo bữa mai, nên Hoàng Văn Anh đành bỏ học giữa chừng,thay cha nuôi các em học tập thành người.
Tiếp tục đồng hành cùng chương trình
Theo Phó Tổng Giám đốc Hoàng Minh Tế, NHCSXH đang tham gia chương trình Cặp lá yêu thương với vai trò là đơn vị đồng hành, cầu nối giúp chuyển tiền ủng hộ của các LL cho các LCL thông qua gần 11.000 Điểm giao dịch tại xã trên toàn quốc. Đến nay, NHCSXH đã thực hiện chuyển tiền miễn phí, thành công cho 2.362 LCL với tổng số tiền hơn 9,8 tỷ đồng tại 53 tỉnh, thành phố.
Sự ấm áp từ những lời cảm ơn
Những tình cảm của hai bà cháu Trần Văn Hoàn, hay tình thương yêu mà Bế Văn Duy dành cho người bà tảo tần của mình, đến cả những ước mơ lớn lao sau này sẽ trở thành chú bộ đội để bảo vệ Tổ quốc, giúp người anh cả vơi bớt phần nào khó khăn, nhọc nhằn trong cuộc sống nuôi các em của Hoàng Văn Đạt, tin chắc rằng những người phụ nữ hi sinh, tảo tần như bà nội của Hoàn, Duy hay Văn Anh sẽ luôn nhận được những tình cảm quý báu và trong mỗi chúng ta sẽ cảm thấy ấm lòng.
Có thể nói, mỗi LCL là một hoàn cảnh khác nhau, thông qua chương trình rất cần sự sẻ chia nhiều hơn nữa của cả cộng đồng để các em có nghị lực vươn lên trong cuộc sống, học tập thành người.
Bài và ảnh Trúc Quỳnh Trần
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Tọa đàm trực tuyến về tín dụng chính sách tại vùng khó khăn
- » Thêm nghề để ngư dân vượt khó
- » Tiếp sức cho phụ nữ nghèo bằng nguồn vốn tín dụng chính sách
- » Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững ở Hưng Yên
- » “Cần câu cơm” hiệu quả của dân nghèo vùng cao
- » Tín dụng chính sách giúp làng nghề phát triển
- » Cần “cú hích” về vốn hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo
- » Đồng hành cùng phụ nữ vượt khó, làm giàu
- » Đồng vốn nghĩa tình cho đồng bào DTTS tại tỉnh An Giang
- » Đồng hành xây dựng nông thôn mới tại Thái Nguyên