Tọa đàm trực tuyến về tín dụng chính sách tại vùng khó khăn
Để đánh giá và làm rõ vai trò, ý nghĩa của tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo và an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân; cũng như giải đáp các vướng mắc, băn khoăn của khách hàng tại khu vực trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế gia đình, giúp họ vượt qua khó khăn và hướng đến giảm nghèo bền vững. NHCSXH phối hợp với Báo Thanh niên tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: “Tín dụng chính sách tại vùng khó khăn”.
Các khách mời tham gia buổi tọa đàm trực tuyến gồm có ông Nguyễn Mạnh Thiện - Phó Giám đốc Ban Tín dụng người nghèo NHCSXH; Bà Hoàng Thị Chương - Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV và các đối tượng chính sách khác NHCSXH; ông Đinh Xuân Hùng - Phó Giám đốc Ban Kế hoạch Nguồn vốn NHCSXH và ông Nguyễn Việt Hải - Phó Giám đốc Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông NHCSXH.
Sau đây là nội dung buổi tọa đàm trực tuyến đã được phóng viên VBSP News lược ghi lại.
Bạn đọc Thanh Hùng (Gia Lai) hỏi: Tôi ở khu vực vùng khó khăn, được biết có không ít hộ nghèo sau khi vay vốn của NHCSXH đã thoát nghèo nhưng chưa bền vững bởi hộ chỉ cần gặp một rủi ro về kinh tế hay gia đình có người đau ốm, tai nạn là hộ lại có thể tái nghèo. Để tiếp sức cho các hộ gia đình này có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ổn định và thoát hẳn nguy cơ tái nghèo, hiện Nhà nước có cơ chế chính sách ưu đãi gì không?
Phó Giám đốc Ban Tín dụng người nghèo: Như các bạn đã biết, trong thời gian qua, công tác giảm nghèo bền vững đã đạt được nhiều kết quả cao, góp phần giúp tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn quốc hằng năm giảm trên 2%.
Tuy nhiên, người nghèo và các đối tượng chính sách khác thường có tập quán SXKD cũng như trình độ quản lý tài chính còn hạn chế; rất dễ bị tổn thương do chịu sự tác động của các yếu tố như: thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh… dẫn đến thực tế có một bộ phận nhỏ hộ gia đình thoát nghèo không bền vững như độc giả đã nêu.
Vấn đề này, trong hoạch định, thiết kế chính sách của Chính phủ đã tính tới. Và trong thực tế hoạt động của NHCSXH, ngoài việc chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến đúng đối tượng thụ hưởng, giúp cho số đông đồng bào có vốn để SXKD, vươn lên thoát nghèo, bên cạnh đó cũng luôn cố gắng hoàn thiện hơn về mặt cơ chế chính sách, giúp cho đồng bào giảm đến mức thấp nhất nguy cơ tái nghèo.
Trường hợp của bạn nêu khi hộ vay đang còn dư nợ, nếu bị rủi ro do nguyên nhân khách quan thì được xem xét, xử lý nợ bị rủi ro theo quy định.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho hộ nghèo sau khi vay vốn của NHCSXH gặp rủi ro do các nguyên nhân khách quan như: thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn… dẫn đến khó khăn trong khôi phục SXKD, NHCSXH đã thực hiện chương trình cho vay bổ sung vốn để khôi phục SXKD đối với khách hàng vay vốn bị rủi ro do nguyên nhân khách quan. Theo đó khách hàng có thể vay bổ sung vốn một hoặc nhiều lần nhưng mức dư nợ sau khi thực hiện cho vay bổ sung không vượt quá mức cho vay tối đa theo quy định của từng chương trình cho vay, không bao gồm dư nợ khoanh và dư nợ mới bị thiệt hại.
Hoặc trường hợp, hộ vay đã vay vốn chương trình hộ nghèo và đã thoát nghèo sang hộ cận nghèo, trả nợ vốn vay rồi; nếu đủ điều kiện, thì có thể tiếp tục vay vốn chương trình hộ cận nghèo; rồi chương trình hộ mới thoát nghèo… và có đủ điều kiện thì có thể tiếp cận với một số chương trình tín dụng khác nữa tại NHCSXH.
Bạn đọc Linh Lan (Cao Bằng) hỏi: Chương trình tín dụng khu vực vùng sâu, vùng xa (vùng dân tộc thiểu số và miền núi) những đối tượng nào sẽ được ưu tiên vay vốn?
Phó Giám đốc Ban Tín dụng người nghèo: Trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ rất quan tâm chăm lo tới vùng DTTS và miền núi. Theo đó, NHCSXH chính là công cụ của Chính phủ đã và đang tích cực triển khai hầu hết các chương trình chính sách tín dụng ưu đãi đến với hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS, giúp người dân có được một nguồn lực ổn định để làm ăn, trồng trọt, chăn nuôi, SXKD trên chính quê hương của mình, trên mảnh đất của mình, bám đất bám rừng, tạo sự đoàn kết, kề vai sát cánh để cùng nhau vượt khó, phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu.
Có thể kể đến các đối tượng được ưu tiên vay vốn ở vùng DTTS và miền núi, là: hộ đồng bào DTTS nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác theo quy định.
Về mục tiêu của các chương trình tín dụng ưu đãi thì rất đa dạng, đa chiều, như: hỗ trợ vốn để phát triển SXKD; giải quyết việc làm; hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở; xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; cho vay chi phí học tập; cho vay xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài; phát triển trồng rừng…
Cụ thể như:
Chương trình cho vay hộ nghèo theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP; Chương trình cho vay hộ nghèo về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo;
Các chương trình cho vay đối với hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015; Chương trình cho vay hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn vùng ĐBSCL giai đoạn 2013 - 2015; Chương trình cho vay hỗ trợ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Sắp tới cả 3 chương trình này sẽ được thay thế bởi chương trình cho vay hỗ trợ tạo quỹ đất sản xuất hoặc chuyển đổi nghề theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Và các chương trình tín dụng khác như: HSSV có hoàn cảnh khó khăn; Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Xuất khẩu lao động; Giải quyết việc làm. Ngoài ra đồng bào còn được tham gia vay vốn một số chương trình tín dụng chính sách và một số dự án khác nữa.
Bạn đọc Nguyễn Văn An (Hòa Bình) hỏi: Có nhiều ý kiến phản ánh việc xác nhận cho các đối tượng vay vốn, nhiều địa phương triển khai khác nhau, có nơi thì chặt chẽ, ngược lại có nơi thì lỏng lẻo; cá biệt có một số địa phương khi hộ có nhu cầu vay vốn không thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thì đểu xác nhận là hộ khó khăn về tài chính để được vay vốn… Vậy, NHCSXH có biết và chấn chỉnh việc này hay không?
Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV và các đối tượng chính sách khác: Đối tượng vay vốn của NHCSXH đã được quy định cụ thể theo từng quyết định cho vay của đối với chương trình tín dụng, việc bình xét cho vay cũng tuân thủ các quy định đó.
Cụ thể như chương trình tín dụng theo Quyết định 157 ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV thì đối tượng được vay chương trình này gồm có: HSSV là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng là hộ nghèo, hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo theo quy định của pháp luật, hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính (do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh).
Để hướng dẫn các địa phương xác nhận đối tượng này, Bộ LĐTB&XH đã có 2 thông tư hương dẫn quy trình xác nhận đối tượng được vay vốn là Thông tư số 27/2007/TT-BLĐTB&XH và Thông tư số 34/2011/TT-BLĐTB&XH. Đối với 2 thông tư này, hướng dẫn xác nhận cho các địa phương rất chặt chẽ. Để được vay vốn, người vay phải được Tổ tiết kiệm và vay vốn họp bình xét cho vay, kiểm tra các thông tin trên giấy đề nghị vay vốn, đối chiếu xác định đúng đối tượng vay vốn và được UBND xã xác nhận.
Hằng năm từ Trung ương tới cấp tỉnh, cấp huyện đều thực hiện các cuộc kiểm tra liên Bộ, ngành về quá trình thực hiện chương trình tín dụng HSSV. Qua kiểm tra để năm bắt được những khó khăn, vướng mắc, kịp thời chấn chỉnh nếu phát hiện có những sai phạm như UBND xác nhận sai đối tượng, cho vay không đúng đối tượng.
Bạn đọc Thanh Hải (Lâm Đồng) hỏi: Tôi mới lập doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp sạch ở Lâm Đồng, vì vậy chúng tôi có thuộc diện được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH hay không?
Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV và các đối tượng chính sách khác: Theo Nghị định 61 của Chính phủ ban hành ngày ngày 9/7/2015 quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, đối tượng được vay vốn đối với với cơ sở sản xuất, kinh doanh gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa; Hợp tác xã; Tổ hợp tác; Hộ kinh doanh. Vì vậy, doanh nghiệp của bạn mới thành lập nếu đủ điều kiện theo quy định của Nghị định nêu trên, thì được vay vốn từ NHCSXH. Hiện nay, đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vay 1 dự án tối đa là 1 tỷ đồng và không quá 50 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm, lãi suất vay là 0,55%/tháng, tương đương 6,6%năm.
Bạn đọc Xuân Minh (Lâm Đồng) hỏi: Xin ông cho biết kết quả của tín dụng chính sách tại vùng Tây Nguyên như thế nào?
Phó Giám đốc Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông (HTQT&TT): Từ khi NHCSXH đi vào hoạt động đến hết năm 2016, tổng doanh số cho vay vốn tín dụng chính sách tại vùng Tây Nguyên là 42.353 tỷ đồng, với gần 2,9 lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến hết năm 2016 đạt 18.769 tỷ đồng. Đây là 1 trong 3 khu vực NHCSXH tập trung ưu tiên nguồn vốn để cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách, tỷ lệ tăng trưởng dư nợ tín dụng hằng năm tại Tây Nguyên là 12,7%. Nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm tỷ lệ 0,39% tổng dư nợ.
Cùng với chất lượng tín dụng chính sách ngày càng được nâng cao, hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại vùng Tây Nguyên đã và đang góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Vốn tín dụng chính sách đầu tư tại khu vực Tây Nguyên trong thời gian qua đã góp phần giúp 407.157 hộ thoát nghèo; tạo điều kiện cho hơn 276.509 HSSV nghèo được vay vốn đến trường; tạo việc làm cho 189.976 lao động; xây dựng, cải tạo 66.704 nhà ở cho hộ nghèo; xây dựng 636.903 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường cho các hộ gia đình tại khu vực nông thôn; giúp cho 5.074 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Những kết quả này góp phần đáng kể đưa tỷ lệ hộ nghèo vùng Tây Nguyên theo chuẩn giai đoạn 2011 - 2015 giảm từ 18,92% (năm 2011) xuống còn 8,5%, trong đó hộ nghèo đồng bào DTTS còn 18%.
Thông qua mô hình tổ chức và phương thức chuyển tải vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH, đã góp phần là “cầu nối” giữa cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp với quần chúng nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, an ninh - quốc phòng trong khu vực.
Bạn đọc Lưu Mai (Hòa Bình) hỏi: Vợ tôi được vay vốn đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Thời gian gần đây, Công ty ít việc nên không có tiền gửi về quê trả nợ. Hiện tôi rất lo lắng, nếu không trả nợ đúng hạn, gia đình tôi có bị ngân hàng siết nợ không?
Phó Giám đốc Ban HTQT&TT: Theo quy định hiện hành của NHCSXH, từ khi hộ vay làm giấy đề nghị vay vốn đã phải cam kết “sử dụng vốn vay đúng mục đích; trả nợ gốc và lãi đúng kỳ hạn quy định”.
Theo đó, ngoài việc gia đình anh phải có trách nhiệm sử dụng vốn vay đúng mục đích, thì gia đình anh còn phải có trách nhiệm trả lãi theo tháng, trả nợ gốc đến hạn cho NHCSXH.
Trước kỳ hạn trả nợ cuối cùng (5 ngày), nếu do các nguyên nhân khách quan dẫn đến chưa trả được nợ đến hạn và có nhu cầu gia hạn nợ thì hộ vay viết giấy đề nghị gia hạn nợ, gửi Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn để làm thủ tục gia hạn nợ theo quy định.
Tuy nhiên, do anh chưa nêu rõ gia đình hiện đang khó khăn về việc trả nợ gốc hay trả lãi cho ngân hàng nên chúng tôi chưa hỗ trợ, tư vấn cụ thể cho anh được. Đề nghị anh liên hệ trực tiếp Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn hoặc đại diện các hội, đoàn thể nhận ủy thác ở cơ sở, hay cán bộ NHCSXH tại địa phương để nắm thông tin cụ thể hơn.
Bạn đọc Minh Hương (Hà Nội) hỏi: Những năm gần đây, cuộc sống của bà con ở vùng khó khăn trong cả nước đã được cải thiện rõ rệt nhờ vay được vốn tín dụng chính sách của Chính phủ do NHCSXH thực hiện. Ông có thể cho biết số liệu cụ thể đến nay NHCSXH đã cho vay được bao nhiêu tiền, hiệu quả đầu tư là như thế nào?
Phó Giám đốc Ban Kế hoạch nguồn vốn (KHNV): Đến hết năm 2016, tổng dư nợ tại NHCSXH đạt 157.372 tỷ đồng, với trên 6.784 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang vay vốn. Trong gần 15 năm qua, đã có hơn 30,2 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH, với tổng doanh số cho vay đạt gần 390 nghìn tỷ đồng.
Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm mới cho trên 3,3 triệu lao động, trong đó trên 109 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 3,5 triệu HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 8,9 triệu công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn, gần 11,5 nghìn căn nhà tránh lũ cho hộ nghèo tại các tỉnh miền Trung, gần 105 nghìn căn nhà vượt lũ cho hộ gia đình vùng ĐBSCL và gần 500 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách chưa có nhà ở trên toàn quốc,…
Bên cạnh đó, hoạt động tín dụng chính sách góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra, tập trung phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế,…
Bạn đọc Trung Kiên (Đắk Lắk) hỏi: Năm 2016, do thời tiết hạn hán kéo dài khiến cho vườn cà phê của gia đình tôi và nhiều hộ trong huyện Krong Buk (Đắk Lắk) gần như mất trắng. Sắp tới kỳ trả nợ ngân hàng, chúng tôi chưa biết lấy đâu ra tiền để trả. Vụ cà phê tới, chưa biết lấy tiền đâu để đầu tư tiếp. Tôi muốn biết NHCSXH có nguồn vốn tín dụng hỗ trợ cho những người dân bị thiệt hại do thiên tai, hạn hán hay không?
Phó Giám đốc Ban KHNV: Với những diễn biến phức tạp của thời tiết trong những năm vừa qua, chúng ta liên tục phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực trên phạm vi cả nước, như: bão, lũ với cường độ ngày càng mạnh, rét đậm, hại diễn ra trong thời gian dài, mưa tuyết diễn ra thường xuyên hơn và trên phạm vi rộng, rồi tình hình xâm nhập mặn tại vùng Tây Nam bộ, hạn hán tại các tỉnh tại Tây Nguyên…
Trước những biến đổi khí hậu trên, NHCSXH đã thường xuyên, chủ động chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo dõi, bám sát diễn biến của thiên tai để có hướng xử lý kịp thời, phối hợp với các bên liên quan hướng dẫn người vay lập hồ sơ và thực hiện đề nghị xử lý nợ bị rủi ro theo quy định, đặc biệt phải cập nhật, nắm bắt kịp thời những thiệt hại của người vay trình Trung ương bổ sung nguồn vốn, khi thiên tai đã qua, để người vay bị thiệt hại có nguồn vốn khôi phục sản xuất.
Bạn đọc Bùi Thị Thủy (Đắc Nông) hỏi: Tín dụng ưu đãi cho khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam bộ có chương trình dành riêng cho hộ DTTS? Nếu có, chương trình tập trung vào hỗ trợ người dân những gì?
Phó Giám đốc Ban Tín dụng người nghèo: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Theo đó, hộ đồng bào DTTS được thụ hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Chính phủ nhằm giúp cho hộ DTTS trên toàn quốc đó ổn định đời sống, tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển sản xuất, giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống mà hộ DTTS chưa được thụ hưởng, giúp cho đời sống giảm bớt khó khăn, giảm bệnh tật, thất học, các tệ nạn xã hội…, từng bước vươn lên phát triển kinh tế gia đình.
Đồng bào DTTS sinh sống tại khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam bộ ngoài việc thụ hưởng hầu hết các chính sách tín dụng ưu đãi tại NHCSXH, còn có các chương trình dành riêng cho hộ đồng bào DTTS như:
- Quyết định số 54 ngày 04/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ DTTS đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015;
- Quyết định số 29 ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn vùng ĐBSCL giai đoạn 2013 - 2015;
- Quyết định số 755 ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn;
- Nghị định số 75 ngày 09/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào DTTS giai đoạn 2015 - 2020.
Đến nay, có 3 chương trình tín dụng (Quyết định 54, 29 và 755) nêu trên đã kết thúc giai đoạn thực hiện (2012 - 2015) - mức vay, thời gian vay hiện nay đã không còn phù hợp nữa. Trong giai đoạn 2017 - 2020, hộ đồng bào DTTS và hộ nghèo tại vùng DTTS và miền núi sẽ được tiếp cận vay vốn theo Quyết định số 2085 ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ - đây là một chính sách ưu việt hơn, toàn diện hơn so với các chính sách trước đây, đáp ứng được nhu cầu thực tế tại vùng DTTS và miền núi nói chung cũng như tại vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ nói riêng, riêng đối với chính sách tín dụng, cho thấy: Mục đích đầu tư vốn tín dụng ưu đãi tập trung vào 1 trong 2 mục đích rất thiết thực mà thực tế đang diễn ra: tạo đất sản xuất hoặc chuyển đổi ngành nghề; Về nguồn vốn ổn định hơn (NHCSXH tự cân đối trong chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng được Chính phủ giao hàng năm); Định mức cho vay phù hợp (bằng cho vay hộ nghèo từng thời kỳ - 50 triệu đồng/hộ); - Thời gian cho vay (tối đa 10 năm); - Lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo theo từng thời kỳ (0,275%/tháng = 3,3%/năm).
Tôi tâm đắc và tin tưởng rằng, với chính sách này sẽ đi vào cuộc sống và đem lại hiệu quả tốt trong sử dụng đồng vốn tín dụng chính sách cho hộ đồng bào DTTS, góp phần giúp đồng bào có thêm vốn đầu tư sản xuất, làm giàu trên chính quê hương mình.
Bạn đọc Thủy Tiên (Gia Lai) hỏi: Trọng tâm cho vay của NHCSXH trong thời gian tới tại khu vực Tây Nguyên là gì, thưa ông?
Phó Giám đốc Ban Tín dụng người nghèo: Trong nhiều năm qua, NHCSXH đã phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo Tây Nguyên cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp để tổ chức thực triển khai thực hiện có hiệu quả tín dụng ưu đãi trên địa bàn. Kết quả đạt được rất đáng được ghi nhận, được Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ngành, đặc biệt các tầng lớp nhân dân đánh giá cao. Để cụ thể hóa sự phối hợp này, trong thời gian tới NHCSXH sẽ phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nguyên sơ kết, tổng kết và tiếp tục ký “Bản ghi nhớ” để định hướng công tác tín dụng chính sách trên địa bàn Tây Nguyên với một số nội dung trọng tâm sau:
Một là, đối với Ban chỉ đạo Tây Nguyên: Chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo các cấp, các ngành, hỗ trợ NHCSXH (Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định 401 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; Phối hợp với NHCSXH tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách từ NHCSXH, đảm bảo nguồn vốn phát huy hiệu quả gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững của địa phương; Phối hợp cùng NHCSXH thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, hiệu quả hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, hoạt động giao dịch tại xã, công khai các chủ trương chính sách liên quan đến hoạt động tín dụng (nhất là đối với các địa phương có chất lượng tín dụng thấp); Bố trí ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia gửi tiền gửi tại NHCSXH; Chính quyền địa phương các cấp chủ động phối hợp với NHCSXH trong việc lồng ghép có hiệu quả các chương trình khuyến nông, khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đào tạo nghề,… với hoạt động tín dụng chính sách, bồi dưỡng kiến thức sản xuất cho người vay vốn; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các ngành, đoàn thể của các địa phương tại vùng Tây Nguyên phát huy vai trò tập hợp lực lượng, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách đến các tầng lớp nhân dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chính sách tín dụng để giúp người nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng vốn vay có hiệu quả, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững và thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ trả nợ, tham gia gửi tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn theo quy ước của Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về các chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước do NHCSXH thực hiện.
Tăng cường phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc kiểm tra, giám sát và triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Nhà nước liên quan đến chính sách tín dụng do NHCSXH thực hiện tại vùng Tây nguyên.
Hai là, đối với NHCSXH: Tăng cường nguồn vốn để thực hiện cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách; phấn đấu dư nợ tăng trưởng bình quân 10%/năm. Và, đến cuối năm 2020 tổng dư nợ đạt khoảng 27.000 tỷ đồng. 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn chính sách,…
Bạn đọc Văn Đạt (Quảng Trị) hỏi: Hiện nay những chính sách ưu đãi tín dụng có được áp dụng đối với các tổ chức, HTX, doanh nghiệp hay không? NHCSXH có thể chia sẻ một số thông tin, cũng như kết quả triển khai cho vay ưu đãi đối với nhóm đối tượng này?
Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV và các đối tượng chính sách khác: Hiện nay, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa nếu đáp ứng được các điều kiện vay vốn, được thành lập và hoạt động hợp pháp; có dự án vay vốn khả thi tại địa phương, phù hợp với ngành, nghề SXKD, thu hút thêm lao động vào làm việc ổn định; dự án vay vốn có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án; có bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật, thì có thể được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm theo quy định tại Nghị định số 61 ngày 09/7/2015 của Chính phủ.
Đối với mức vay 1 dự án tối đa là 1 tỷ đồng và không quá 50 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm, lãi suất vay là 0,55%/tháng (6,6%/năm). Theo thống kê của NHCSXH đến hết tháng 1/2017 dư nợ cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã đạt 47 tỷ đồng.
Bạn đọc Lê Thị Hà (Kiên Giang) hỏi: Người dân cho rằng, thủ tục vay vốn ngân hàng phải ký nhiều giấy tờ. Vì sao NHCSXH không có một cơ chế tín dụng linh hoạt, xem xét các tài sản thế chấp khác như là tài sản hình thành trên đất để vay vốn dài hạn, lãi suất thấp.
Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV và các đối tượng chính sách khác: NHCSXH đã tham gia và tiếp tục thực hiện Đề án đơn giản hoá thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước giai đoạn 2007 - 2010 theo Quyết định số 30 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo tiếp theo của Chính phủ nhằm đảm bảo sự đồng bộ, đơn giản, công khai, minh bạch của thủ tục hành chính tạo sự thuận lợi đối với người vay.
Hiện nay, đối tượng hộ gia đình, cá nhân vay vốn tín dụng ưu đãi tại NHCSXH đang thực hiện cho vay trực tiếp, có ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay cho các tổ chức chính trị - xã hội và thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn tại thôn, bản nơi người vay tham gia vay vốn.
Đối với người vay là hộ gia đình, cá nhân chỉ cần viết Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn vay mẫu số 01/TD gửi Tổ tiết kiệm và vay vốn tại thôn, bản nơi người vay sinh sống. Theo đó, Tổ tiết kiệm và vay vốn sẽ bình xét và chuyển UBND cấp xã phê duyệt danh sách xin vay, gửi lên NHCSXH để xem xét cho vay Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện các nội dung công việc được ủy nhiệm, đảm bảo việc xác định người vay đang cư trú và thực hiện phương án SXKD trên địa bàn, đúng đối tượng thụ hưởng chính sách ưu đãi.
Đối với khách hàng vay vốn trực tiếp không qua Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng chỉ phải viết Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn vay và trực tiếp gửi cho NHCSXH nơi cho vay. Do đó, thủ tục cho vay rất đơn giản và thuận tiện, khách hàng không phải ký nhiều giấy tờ khi vay vốn.
Hiện nay, tài sản để bảo đảm tiền vay được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự và Nghị định của Chính phủ về giao dịch bảo đảm. NHCSXH và người vay căn cứ vào quy định của pháp luật mà lựa chọn tài sản bảo đảm tiền vay cho phù hợp. Việc thực hiện thế chấp bằng tài sản hình thành trên đất luôn gắn với các thủ tục liên quan đến tài sản là quyền sử dụng đất đó. Do đó chỉ quy định một hình thức tài sản hình thành trên đất để thực hiện bảo đảm tiền vay khi vay vốn, thì vẫn chưa đúng với quy định về giao dịch bảo đảm.
Về lãi suất cho vay, NHCSXH không phân biệt lãi suất khác nhau theo thời hạn ngắn, trung hay dài hạn. Nếu khách hàng vay vốn từ một chương trình tín dụng với thời hạn dài hơn, thì lãi suất cũng bằng lãi suất cho vay ngắn hạn, trung hạn.
Một bạn đọc ở Lai Châu hỏi: Hiện nay nguồn vốn tín dụng ưu đãi đang ngày càng thể hiện vai trò chính trong việc giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống của người nghèo. Đề nghị NHCSXH cho biết việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn Tây Bắc còn gặp những khó khăn, vướng mắc và hạn chế gì? Đặc biệt là công tác quản lý của chính quyền cấp cơ sở đối với các chương trình tín dụng chính sách. Giải pháp của NHCSXH để khắc phục hạn chế này?
Phó Giám đốc Ban KHNV: Tháng 9/2016 NHCSXH phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Bắc tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện tín dụng chính sách vùng Tây Bắc giai đoạn 2011 - 2015. Hội nghị đã nêu và đánh giá còn một số tồn tại, hạn chế như như nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách còn thấp so với nhu cầu thực tế của các đối tượng chính sách. Nguồn vốn địa phương của các tỉnh trong vùng ưu tiên để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn còn hạn chế.
Bên cạnh đó, hằng năm vùng Tây Bắc thường xuyên chịu sự biến đổi của khí hậu, dẫn đến xảy ra các đợt rét đậm, rét hại, mưa tuyết, lũ, lụt, sạt lở đất… Ngoài ra, còn xảy ra liên tiếp các đợt dịch bệnh làm ảnh hưởng trực tiếp đến vật nuôi, gia súc, gia cầm… Do đó, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và hiệu quả sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội của hộ vay. Đặc biệt là hộ nghèo, hộ DTTS; đời sống của người dân, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, số hộ cận nghèo còn cao, tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo lớn, trong khi nguồn vốn cho vay của tín dụng chính sách hạn chế.
Một số nơi việc phối hợp về khuyến nông, khuyến lâm, xây dựng mô hình điểm của các cấp, các ngành với tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác còn chưa tốt. Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay, công tác tuyên truyền thiếu thường xuyên, chưa đi vào chiều sâu, chủ yếu mới chỉ tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi. Do đó, một số hộ vay sử dụng vốn vay chưa đúng mục đích, hiệu quả chưa cao.
Từ những tồn tại, hạn chế này, NHCSXH đã đưa ra một số giải pháp:
Tích cực bám sát và tranh thủ sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ban chỉ đạo Tây Bắc, Bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong vùng về mọi mặt hoạt động của NHCSXH; tiếp tục chủ động tham mưu cho Chính phủ, các Bộ, ngành thực hiện tốt Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Tích cực Huy động nguồn lực để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng, tập trung nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo tạo việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất, cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao.
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền về tín dụng chính sách, đặc biệt những chính sách tín dụng mới đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân biết để thực hiện và giám sát thực hiện trên địa bàn; tham mưu triển khai kịp thời, đúng quy định các chương trình tín dụng mới được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, để hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Bạn đọc Văn Luận (Bình Định) hỏi: Người nghèo khi vay vốn làm ăn có lãi và tham gia gửi tiết kiệm qua Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Nay thoát nghèo, giàu có rồi, NHCSXH lại tuyên truyền gửi tiền tiết kiệm để hưởng lãi suất như các Ngân hàng thương mại mà không phải đi lại xa. Xin ông cho biết rõ dịch vụ nhận tiền gửi được không?
Phó Giám đốc Ban KHNV: Nhằm đa dạng hóa sản phẩm và cách thức huy động nguồn vốn trên thị trường, từ đầu tháng 10/2016, NHCSXH triển khai huy động tiền gửi tiết kiệm tại Điểm giao dịch xã. Việc huy động này quy định một số nội dung như sau:
Địa điểm nhận và chi trả được thực hiện tại trụ sở UBND cấp xã nơi NHCSXH mở Điểm giao dịch xã. Trường hợp khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại Điểm giao dịch xã nhưng có nhu cầu rút, không vào ngày giao dịch xã thì thực hiện tại trụ sở NHCSXH nơi mở Sổ tiết kiệm.
Khách hàng là các cá nhân Việt Nam gửi tiền tiết kiệm bằng đồng Việt Nam tại Điểm giao dịch xã.
Hình thức tiền gửi tiết kiệm bao gồm: Tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn và tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm áp dụng theo lãi suất của các sản phẩm cùng loại, cùng kỳ hạn của NHCSXH nơi giao dịch tiền gửi tiết kiệm.
Phương thức trả lãi: Đối với tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn lãi được chi trả (hoặc nhập gốc) hàng tháng và ngày tất toán tài khoản. Đối với tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn, NHCSXH áp dụng phương thức trả lãi đầu kỳ/trả lãi cuối kỳ/trả lãi định kỳ theo quy định hiện hành của Tổng Giám đốc. Trường hợp khách hàng rút tiền gửi tiết kiệm trước hạn, khách hàng được hưởng lãi tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn tại thời điểm rút tiết kiệm.
Mức tối thiểu cho mỗi lần gửi vào một sổ tiết kiệm, tùy thuộc vào sản phẩm tiền gửi tiết kiệm mà khách lựa chọn nhưng không thấp hơn 500.000 đồng (năm trăm nghìn đồng).
Bạn đọc Thanh Thúy (Gia Lai) hỏi: Gia đình tôi thuộc vùng khó khăn của tỉnh Gia Lai. Theo quy định của Nhà nước, chúng tôi thuộc diện được vay ưu đãi dành cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, mức vay hiện nay là 8 triệu đồng/hộ, thời gian vay tối đa trong 5 năm là quá thấp. Số tiền quá ít như vậy không đủ để đầu tư phát triển triển mở rộng sản xuất. Nếu tôi muốn vay thêm từ nguồn vốn khác có được hưởng ưu đãi về lãi suất hay không?
Phó Giám đốc Ban Tín dụng người nghèo: Trường hợp gia đình anh vay vốn 8 triệu đồng, thời gian 5 năm - anh đã vay vốn chương trình tín dụng dành cho hộ đồng bào DTTS theo Quyết định 54 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Trước hết, đây là chương trình tín dụng thuộc giai đoạn 2012 - 2015, do vậy trong thiết kế chính sách thời điểm đó mức vay 8 triệu đồng/hộ là phù hợp để hỗ trợ đồng bào DTTS có nguồn vốn SXKD. Hơn nữa, mức vay đó có ý nghĩa hỗ trợ thêm cho đồng bào DTTS, để đồng bào còn phát huy tinh thần tự lực tự cường. Mặt khác, ngân sách Nhà nước còn eo hẹp nên nguồn lực để thực hiện chính sách cũng gặp khó khăn.
Rất mong anh chia sẻ với những khó khăn của Chính phủ.
Ngoài chương trình tín dụng mà độc giả nêu, các đối tượng chính sách còn có thể được thụ hưởng nhiều chương trình tín dụng khác nữa. Do anh chưa nêu cụ thể về hoàn cảnh, điều kiện của mình nên NHCSXH chưa tư vấn cho anh rõ hơn. Tuy nhiên, anh có thể đến Điểm giao dịch xã của NHCSXH tại trụ sở UBND xã mình để tìm hiểu thêm hoặc gặp đại diện các tổ chức hội, đoàn thể, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tại địa phương để họ tư vấn cho anh cụ thể hơn.
Trong thời gian tới, hộ DTTS sẽ được tiếp cận vay vốn chương trình DTTS theo Quyết định số 2085 ngày 31/10/2016 về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020 với mức vay cao (bằng cho vay hộ nghèo từng thời kỳ - 50 triệu đồng), thời gian vay dài hơn (tối đa là 10 năm) và lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo (0,275%/tháng = 3,3%/năm).
Bên cạnh đó hộ vay còn được vay vốn theo các chương trình tín dụng ưu đãi khác cụ thể: Chương trình cho vay hộ nghèo theo Nghị định số 78 ngày 4/10/2002 của Chính phủ; Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo Quyết định số 33 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình cho vay đối với học sinh, sinh viên theo Quyết định số 157 ngày 27/9/2007; Chương trình cho vay về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo Quyết định số 366 ngày 31/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 - 2015; Chương trình cho vay xuất khẩu lao động theo Quyết định số 365 ngày 13/4/2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Quyết định số 71 ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình cho vay giải quyết việc làm theo Quyết định số 63 ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình tín dụng chính sách khác và một số dự án có nguồn vốn nước ngoài: dự án trồng rừng ngập mặn vùng ĐBSCL, dự án trồng rừng của Ngân hàng Thế giới tại các tỉnh miền Trung, dự án đa dạng hóa thu nhập nông thôn tại Tuyên Quang,…
Các chương trình tín dụng trên đều được ưu đãi về mức vay, lãi suất vay để tạo điều kiện cho hộ vay có được nguồn vốn ổn định với lãi suất thấp để SXKD thoát nghèo bền vững, tăng thu nhập, giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống mà hộ dân tộc thiểu số chưa được thụ hưởng, giúp cho đời sống giảm bớt khó khăn, giảm bệnh tật, thất học, các tệ nạn xã hội… bảo đảm an sinh xã hội.
Bạn đọc ở Thừa Thiên - Huế hỏi: Con trai tôi khi đi học đại học được vay vốn từ chương trình tín dụng HSSV có hoàn cảnh khó khăn, nhưng ngay sau khi tốt nghiệp chưa xin được việc làm thì có lệnh gọi nhập ngũ. Vì vậy, trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự con trai tôi có được gia hạn khoản vay hay không, nếu được gia hạn thì lãi suất như thế nào?
Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV và các đối tượng chính sách khác: Đối với HSSV đã vay vốn sau khi tốt nghiệp đi nghĩa vụ quân sự, nếu còn dư nợ chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn tại NHCSXH thì số dư nợ đó được kéo dài thời gian trả nợ và được miễn lãi tiền vay tương ứng với thời gian phục vụ tại ngũ của HSSV đó, nhưng tối đa không quá 24 tháng kể từ ngày HSSV nhập ngũ.
Lãi suất cho vay của đối với chương trình tín dụng HSSV được áp dụng mức lãi suất khi của từng khoản giải ngân và vào thời điểm khi giải ngân cho vay, sau khi gia hạn thì lãi suất vẫn bằng với lãi suất của khoản vay trước khi gia hạn.
Bạn đọc Tấn Tài (Đồng Nai) hỏi: Vừa rồi, chúng tôi thấy tin nhắn trên điện thoại có thông báo nợ vay tại NHCSXH. Đề nghị NHCSXH giải thích rõ hơn dịch vụ này nhằm mục đích gì?
Phó Giám đốc Ban HTQT&TT: Xin cảm ơn độc giả đã gửi câu hỏi này cho chúng tôi. Với mong muốn giúp khách hàng thuận tiện hơn trong đối chiếu nợ tại ngân hàng, cuối tháng 12/2016, NHCSXH triển khai dịch vụ tin nhắn đối chiếu thông tin dư nợ tiền vay, số dư tiền gửi mà không phải mất thời gian đến ngân hàng. Dịch vụ này cũng đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nợ, hạn chế phát sinh những sai phạm trong hoạt động tín dụng chính sách. NHCSXH gửi tin nhắn đối chiếu nợ đến khách hàng được triển khai theo đợt và khách hàng không phải mất bất kỳ một khoản chi phí nào khi nhận được tin nhắn.
Để giúp khách hàng, người dân hiểu hơn về dịch vụ này, NHCSXH xin cung cấp thêm một số thông tin như sau:
Đối tượng gửi tin nhắn, gồm:
- Khách hàng còn dư nợ tiền vay, có số dư tài khoản tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn. Trường hợp khách hàng có số dư tài khoản tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn dưới 100.000 đồng và không có số dư tiền vay thì không thực hiện đối chiếu qua tin nhắn.
- Khách hàng có số dư tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn và không kỳ hạn tại điểm giao dịch xã và đã cung cấp số điện thoại.
Về hình thức gửi tin nhắn: NHCSXH sẽ gửi tin nhắn đối chiếu số dư tiền gửi, số dư tiền vay đến số điện thoại của khách hàng đã đăng ký với thông tin “Nơi gửi” (from) trên tin nhắn là “NHCSXH”.
Nhóm PV lược ghi
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Thêm nghề để ngư dân vượt khó
- » Tiếp sức cho phụ nữ nghèo bằng nguồn vốn tín dụng chính sách
- » Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững ở Hưng Yên
- » “Cần câu cơm” hiệu quả của dân nghèo vùng cao
- » Tín dụng chính sách giúp làng nghề phát triển
- » Cần “cú hích” về vốn hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo
- » Đồng hành cùng phụ nữ vượt khó, làm giàu
- » Đồng vốn nghĩa tình cho đồng bào DTTS tại tỉnh An Giang
- » Đồng hành xây dựng nông thôn mới tại Thái Nguyên
- » Thêm đồng vốn, thêm nghề