Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình: ĐẢM BẢO NGUỒN VỐN CHO VAY GIẢM NGHÈO

07/02/2016
(VBSP News) Tại Hội nghị “Bàn biện pháp giảm nghèo nhanh, bền vững 6 tỉnh có tỷ lệ nghèo cao vùng Tây Bắc” do Ban Chỉ đạo Tây Bắc - Bộ LĐTB&XH, NHNN Việt Nam phối hợp tổ chức vào cuối năm 2015, tại Hà Nội, Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Nguyễn Văn Bình đã phát biểu đánh giá về hoạt động của NHCSXH và nhiệm vụ trong thời gian tới.
Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Nguyễn Văn Bình

Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Nguyễn Văn Bình

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, trong hệ thống ngân hàng thì có NHCSXH và đóng góp của ngân hàng này thời gian qua đối với MTQG về giảm nghèo của đất nước là hết sức to lớn và quan trọng. Điều này cũng thể hiện không những chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước mà còn cho thấy trên cơ sở đúc kết các kinh nghiệm của các nước trên thế giới về giảm nghèo đã mang lại thành công. Đến nay có thể khẳng định hoạt động NHCSXH đã thực hiện được những yêu cầu, mục tiêu của Đảng và Nhà nước, cũng như nguyện vọng của người dân đối với công tác giảm nghèo.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, phục vụ cho chương trình giảm nghèo của Đảng và Nhà nước ta có nhiều nội dung như: xây dựng hạ tầng, chính sách tín dụng ưu đãi, chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế, giáo dục và đào tạo, tiếp cận thông tin…, trong đó hoạt động của NHCSXH chỉ là một trong những nội dung đó. Và chúng ta hoàn toàn tự hào rằng, không có nước nào trên thế giới đã dành gần 150 nghìn tỷ đồng, tương ứng khoảng 7 tỷ USD để phục vụ thường xuyên cho vay xóa nghèo. Qua NHCSXH, chúng ta đã chuyển từ chỗ cấp phát cho không cho người nghèo trước đây, sang cho vay mượn, giúp họ vươn lên bằng đồng vốn vay ngân hàng để họ thoát nghèo.

Kết quả đó không những đồng bào, người nghèo, chính quyền địa phương các cấp, mà các tổ chức quốc tế cũng đánh giá cao cách làm của Việt Nam.

Thông tin tại Hội nghị về vấn đề nguồn vốn của NHCSXH, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, trung bình mỗi năm tăng trưởng tín dụng của NHCSXH khoảng 10%, vậy làm sao lo đủ được nguồn vốn cho ngân hàng? Để làm được việc này, chúng tôi phải huy động nhiều nguồn, trong đó cơ cấu nguồn vốn hiện nay gần 40% tiền của NHNN. Số còn lại thì tuyệt đại đa số cũng là của hệ thống ngân hàng. Chúng tôi yêu cầu bắt buộc 4 NHTM Nhà nước mỗi ngân hàng phải gửi vào 2% tổng số tiền gửi của ngân hàng, để tạo ra nguồn vốn lớn cho NHCSXH. Thứ nữa là huy động vốn thông qua kênh phát hành trái phiếu Chính phủ, thì NHTM cũng mua một lượng lớn trái phiếu. Do đó, có thể nói nguồn vốn của NHCSXH là tiền của NHNN và tiền của các TCTD. “Điều này cũng khó nếu chúng ta cân đối không tốt thì gây khó khăn cho điều hành chính sách tiền tệ” - Thống đốc Nguyễn Văn Bình bày tỏ.

Để mang lại hiệu quả cho vay, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, năm 2014 HĐQT NHCSXH đã có báo cáo Ban Bí thư TW Đảng và Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, khẳng định hoạt động của NHCSXH phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Vì quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống thì từ TW tới địa phương, đặc biệt là ở địa phương, chính quyền địa phương các cấp làm sao có sự phối hợp để hoạt động của NHCSXH đúng mục đích, đúng đối tượng và hiệu quả.

Tín dụng chính sách của Chính phủ được NHCSXH thực hiện hiệu quả trong suốt 13 năm qua

Tín dụng chính sách của Chính phủ được NHCSXH thực hiện hiệu quả trong suốt 13 năm qua

Toàn bộ hệ thống chính trị chúng ta cũng đã tập trung nguồn lực vào đây. Nhiều tỉnh nghèo của chúng ta có ủy thác vốn sang NHCSXH rất lớn, có tỉnh thu ngân sách thấp nhưng sẵn sàng gửi sang NHCSXH từ 100 - 200 tỷ đồng. Nhưng cũng có tỉnh thu ngân sách cao nhưng ủy thác vốn sang rất thấp.

Nếu chính quyền địa phương ủy thác vốn sang NHCSXH thì mục tiêu thứ nhất là bảo toàn nguồn vốn. Chẳng hạn, ngân sách chuyển sang NHCSXH 100 tỷ đồng thì ngân hàng có trách nhiệm trả lại số tiền đó, nhưng quan trọng hơn là với 100 tỷ đồng đó lại phục vụ được cho rất nhiều hộ nghèo vay vốn. “Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng nên tôi mong lãnh đạo địa phương quan tâm, mỗi năm dành tiền ngân sách gửi sang NHCSXH một ít để địa phương phục vụ cho người nghèo vay vốn mà nguồn vốn an toàn, không bị thất thoát”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình kêu gọi.

Với hình thức này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nêu ví dụ ở TP Hồ Chí Minh, trước đây thành phố có Quỹ người nghèo, nhưng qua 10 năm hoạt động thì Quỹ này ngày càng mai một. “Vừa rồi chúng tôi thấy thành phố từng bước chuyển vốn sang để NHCSXH quản lý, cho vay và chắc chắn mang lại hiệu quả”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh và cho biết, việc Chính phủ ban hành các chương trình cho vay mới như cho vay hộ cận nghèo, rồi cho vay hộ mới thoát nghèo để đảm bảo người người nghèo tiếp tục được tiếp cận vốn vay, đảm bảo thoát nghèo bền vững.

Người đứng đầu ngành Ngân hàng cũng khẳng định, nguồn vốn dành cho NHCSXH sẽ tiếp tục được đảm bảo để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trong thời gian tới.

PV

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác