Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đi vào cuộc sống

08/11/2014
(VBSP News) Những năm qua, NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi, đảm bảo đưa nguồn vốn đến tay các đối tượng chính xác, kịp thời. Từ đó góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.
Vốn vay ưu đãi được người dân trong tỉnh Vĩnh Phúc sử dụng hiệu quả

Vốn vay ưu đãi được người dân trong tỉnh Vĩnh Phúc sử dụng hiệu quả

Nhằm duy trì và phát huy tốt nhất hiệu quả các nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vốn vay dành cho các đối tượng chính sách, ngay từ đầu năm, NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc đã chú trọng triển khai huy động nguồn vốn tiền gửi từ cộng đồng dân cư, tiền gửi tiết kiệm, nguồn vốn nhận tài trợ, ủy thác tại địa phương với số tiền hơn 79 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn huy động của ngân hàng lên gần 1.700 tỷ. Đồng thời, thực hiện nhiều giải pháp tích cực để đảm bảo giải ngân kịp thời, cho vay đúng đối tượng thụ hưởng và hỗ trợ các đối tượng tháo gỡ khó khăn trong quá trình vay, trả nợ như: Triển khai công tác tuyên truyền theo chủ điểm và theo từng chương trình; phối hợp với UBND các cấp rà soát, bổ sung danh sách các đối tượng thuộc diện vay vốn; nâng mức cho vay chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo từ 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng/hộ; điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với hộ nghèo, HSSV, các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài… Đến nay, có 89.026 khách hàng đang có dư nợ với NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc với số tiền lên tới trên 1.800 tỷ đồng.

Bình Xuyên là một trong những huyện có số diện tích đất nông nghiệp dành cho phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị khoảng 400ha. Người dân mất đất, không có việc làm, song nhờ nguồn vốn từ Quỹ giải quyết việc làm cùng với chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài của tỉnh đã mở ra hướng đi mới trong công tác giải quyết việc làm ở địa phương. NHCSXH huyện đã chủ động tham mưu cho UBND giao chỉ tiêu kế hoạch cho vay tới các xã, thị trấn, đảm bảo phân khai chỉ tiêu phù hợp với từng đối tượng. Sau 10 tháng thực hiện, NHCSXH huyện Bình Xuyên đã cho vay giải quyết việc làm hơn 6 tỷ đồng, giúp cho gần 300 lao động có việc làm ổn định. Chị Nguyễn Thị Quỳnh trú tại thôn An Lão, xã Sơn Lôi, Bình Xuyên, phấn khởi kể: “Gia đình tôi thuộc diện bị mất đất nông nghiệp do Nhà nước thu hồi. Năm 2013, sau khi bàn bạc và được sự giúp đỡ, hướng dẫn tận tình của NHCSXH huyện, gia đình quyết định vay 70 triệu đồng để chồng tôi xuất khẩu lao động sang Đài Loan làm công nhân. Hiện tại công việc của chồng tôi ổn định, trừ chi phí đi hàng tháng gửi về 13 - 15 triệu đồng giúp gia đình trả lãi đều đặn và trả được một phần tiền gốc cho ngân hàng”.

Một trong khó khăn lớn nhất của người nông dân trong quá trình giảm nghèo, vươn lên làm kinh tế hiện nay là thiếu vốn để đầu tư sản xuất, nuôi trồng, kinh doanh. Xác định được điều đó, những năm qua, NHCSXH huyện Tam Đảo đã tạo mọi điều kiện để những hộ nông dân nghèo trên địa bàn được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi dành cho hộ nghèo thông qua các tổ chức nhận ủy thác như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. Từ đó nhiều hộ dân đã có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tiêu biểu trong số những hộ nghèo được nhận vốn vay và phát huy hiệu quả nguồn vốn là gia đình chị Nguyễn Thị Hiền ở thôn Yên Trung, xã Hợp Châu. Năm 2008, với số vốn vay từ NHCSXH huyện, ban đầu gia đình chị chăn nuôi nhỏ lẻ, dần dần từ số tiền tiết kiệm được, chị Hiền bàn với chồng mở rộng chuồng trại chăn nuôi. Đến nay, gia đình chị không những đã trả xong nợ, thoát nghèo mà còn trở thành điển hình nông dân phát triển kinh tế với một trang trạng rộng 2000m2, nuôi 130 con lợn nái sinh sản, 700 con lợn bột, 300 con lợn con, mỗi tháng cho xuất chuồng khoảng 150 - 200 con lợn thịt, ước tính mỗi năm cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng.

Hay như gia đình ông Lương Văn Tiếp ở thôn Đồng Thành, xã Yên Dương cũng là hộ sử dụng vốn vay hiệu quả để vươn lên thoát nghèo. Sau khi có được vốn vay chính sách từ Hội Nông dân, cộng với sự giúp đỡ từ anh em, bạn bè, ông cùng gia đình quyết định đầu tư làm kinh tế tổng hợp với việc nuôi tằm, nuôi trên 100 con lợn thịt, 10 con lợn nái và 100 con lợn con, trồng 5 sào rau, ớt và bí xanh cộng với dịch vụ thu gom, vận chuyển rau xanh của nhân dân trong vùng đi các tỉnh, thành khác. Trừ chi phí mỗi năm, ông thu lãi trên 100 triệu đồng. Nhờ sự cần cù lao động, năm 2013 gia đình ông đã được xóa khỏi danh sách các hộ nghèo và xây dựng được cơ ngơi khang trang, bề thế.

Ông Triệu Quang Chí - Giám đốc NHCSXH huyện Tam Đảo, cho biết: “10 tháng qua, tổng doanh số cho vay của ngân hàng đạt trên 35 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 200 tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay hộ nghèo xấp xỉ 60 tỷ đồng. Thời gian tới, NHCSXH huyện Tam Đảo nỗ lực “tăng tốc”, thực hiện nhiều giải pháp phù hợp để củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng. Tập trung cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Phấn đấu đến cuối năm, tổng nguồn vốn đạt từ 214 đến 215 tỷ đồng”.

Một trong những nguồn vốn chính sách khác đang được NHCSXH tỉnh triển khai có hiệu quả qua kênh Liên minh Hợp tác xã (HTX) là nguồn vốn từ Quỹ cho vay Quốc gia giải quyết việc làm. Từ nguồn vốn quay vòng và bổ sung vốn mới, Liên minh HTX đã giải quyết cho vay nhiều dự án, hết tháng 9/2014 có 33 HTX được vay vốn với tổng dư nợ hơn 1,5 tỷ đồng. Đồng vốn vay được các đơn vị sử dụng đúng mục đích, đảm bảo việc làm ổn định cho trên 100 lao động, lợi nhuận của HTX và mức thu nhập của người lao động cũng tăng lên đáng kể.

Từ những kết quả kể trên, có thể khẳng định nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi cùng với những cơ chế, chính sách hợp lý được UBND tỉnh Vĩnh Phúc triển khai trong thời gian qua đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng trong quá trình thực hiện chương trình giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Bài và ảnh Đức Hiền - Hoàng Thủy

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác