Nâng cao năng lực quản trị trong tái cơ cấu NHCSXH
Sau 11 năm hoạt động, được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội, cùng với sự phấn đấu nỗ lực của tập thể cán bộ, viên chức ngân hàng, NHCSXH đã đạt được những kết quả quan trọng, thực hiện tốt chức năng công cụ tài chính của Nhà nước trong việc cung cấp tín dụng chính sách, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện tốt 5 mục tiêu đề ra là: tập trung nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước vào một đầu mối thống nhất, tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo, nâng cao nguồn nhân lực và đảm bảo an sinh xã hội; tăng cường hiệu quả đầu tư vốn tín dụng chính sách của Nhà nước thông qua việc nâng cao chất lượng tín dụng, rèn luyện ý thức tiết kiệm, tổ chức sản xuất kinh doanh để trả nợ đến hạn của người nghèo; tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng thương mại hoạt động theo đúng cơ chế thị trường; huy động được lực lượng toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo; góp phần hạn chế tệ cho vay nặng lãi ở nông thôn.
Để phù hợp với giai đoạn phát triển mới và tiến hành công cuộc tái cơ cấu, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020. Chiến lược phát triển của NHCSXH là chiến lược nâng cao năng lực và hiệu quả của một định chế tài chính Nhà nước nhằm thực hiện các chính sách xóa đói, giảm nghèo và an sinh xã hội. Chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 852/QĐ-TTg ngày 10/7/2012 với mục tiêu tổng quát là “Phát triển NHCSXH theo hướng ổn định, bền vững, bảo đảm thực hiện tốt tín dụng chính sách của Nhà nước; đồng thời, phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trơ có hiệu quả hơn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác” và với các mục tiêu cụ thể chính như sau: 100% hộ nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp; dư nợ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt khoảng 10%; tỷ lệ nợ quá hạn dưới 3%/tổng dư nợ; đơn giản hóa thủ tục và tiêu chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ; đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ; Hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ, hội nhập với hệ thống ngân hàng trong khu vực và trên thế giới; cán bộ, viên chức toàn hệ thống có việc làm ổn định, có chế độ lương, thưởng, phúc lợi phù hợp; hoàn thiện hệ thống kiểm tra, kiểm soát và phân tích, cảnh báo rủi ro hoàn chỉnh, phát huy hiệu lực và hiệu quả hoạt động.
Căn cứ Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, NHCSXH đã xây dựng Kế hoạch số 1357/KH-NHCS ngày 03/5/2013 để triển khai thực hiện cũng như chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống thực hiện.
Quản trị ngân hàng mang tính đặc thù
Để giúp Chính phủ quản trị ngân hàng và phối hợp triển khai các Chương trình xóa đói, giảm nghèo trên cả nước, NHCSXH đã tổ chức bộ máy quản trị gồm HĐQT ở cấp Trung ương và các Ban đại diện HĐQT ở cấp tỉnh và cấp huyện, với thành viên là đại diện lãnh đạo của các ngành tài chính, kế hoạch, ngân hàng, lao động, nông nghiệp và 4 tổ chức chính trị - xã hội. Chủ tịch HĐQT là Thống đốc NHNN, Trưởng Ban đại diện HĐQT ở các địa phương do một đồng chí Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cùng cấp kiêm nhiệm.
Nhằm tăng cường năng lực quản trị hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở, ngày 31/1/2013, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thực hiện thí điểm việc bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện tại 3 tỉnh đại diện cho 3 miền là Bắc Giang, Thanh Hóa và Long An. Qua theo dõi, giám sát cho thấy: Sau khi tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH, Chủ tịch UBND các xã đã nhanh chóng khẳng định được vai trò của mình trong việc quản lý, giám sát hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, góp phần tích cực vào việc củng cố chất lượng và nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách trong công tác giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Hiện có gần 8.000 cán bộ lãnh đạo của các cơ quan quản lý Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội tham gia kiêm nhiệm công tác quản trị NHCSXH. Trong 11 năm qua, HĐQT và Ban đại diện HĐQT các cấp đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc tham mưu giải quyết, bảo đảm kịp thời các nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách và tạo điều kiện cho hoạt động của NHCSXH. Các thành viên HĐQT là đại diện của các cơ quan chủ quản các chương trình quốc gia, đã tích cực gắn kết giữa việc thực hiện các mục tiêu của chương trình quốc gia với hoạt động tín dụng của NHCSXH, góp phần nâng cao hiệu quả của chương trình. Những năm gần đây, các thành viên HĐQT và Ban đại diện HĐQT đã dành nhiều thời gian hơn cho công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và quan tâm giải quyết các khó khăn vướng mắc của cơ sở.
Bài học kinh nghiệm
Việc thành lập NHCSXH là nhằm thực hiện chủ trương tái cơ cấu hoạt động của ngành ngân hàng, tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại. Trải qua quá trình đi từ Quỹ cho vay ưu đãi hộ nghèo (1993 - 1994) đến Ngân hàng Phục vụ người nghèo (1995 - 2002) và NHCSXH ngày nay là quá trình liên tục tìm tòi, vận dụng sáng tạo kinh nghiệm của thế giới vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta, đã khẳng định mô hình tổ chức theo Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg ngày 04/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ là phù hợp, có hiệu lực và hiệu quả.
Việc tái cơ cấu hoạt động của NHCSXH theo Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 là bước đi quan trọng tiếp theo nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược đến năm 2020, trong đó 3 nhóm vấn đề cơ bản cần được giải quyết là: đảm bảo cơ cấu nguồn vốn, tài chính theo hướng ổn định, bền vững; củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; củng cố, sắp xếp lại mô hình tổ chức, mạng lưới phù hợp để triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước.
Từ những thành tựu đạt được trong chặng đường hơn 11 năm qua, để thực hiện có hiệu quả công cuộc tái cấu trúc NHCSXH, trong quá trình thực hiện ngoài việc cần bám sát mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã được nêu trong Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 và tổ chức triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch để xây dựng; có thể rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu, làm cơ sở cho giai đoạn phát triển tiếp theo của NHCSXH với những yêu cầu cao hơn, đó là:
Một là, được sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và nhân dân đồng tình ủng hộ thì mọi việc khó đều thành công. Khai thác, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội đóng góp xây dựng NHCSXH càng phát triển lớn mạnh và bền vững. Tổ chức thực hiện hiệu quả phương châm “Trung ương và địa phương cùng làm”, “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đây là giải pháp quyết định sự thắng lợi toàn diện, góp phần thực hiện có kết quả các Chương trình Quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội.
Hai là, sự kết hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước, ngân hàng, các tổ chức chính trị - xã hội và Tổ tiết kiệm và vay vốn do cộng đồng dân cư thành lập, kết thành mô hình quản lý kênh tín dụng chính sách, vừa tận dụng được tiềm lực to lớn về nhân tài, vật lực, vừa là một giải pháp thực tế tiết kiệm chi phí quản lý xã hội, vừa là một giải pháp chiến lược lâu dài, quyết định sự phát triển bền vững, có hiệu lực và hiệu quả cao đối với hoạt động của loại hình Ngân hàng Chính sách nói chung và đối với NHCSXH nói riêng.
Bản chất vốn tín dụng chính sách là nguồn lực của Nhà nước, đòi hỏi phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc quản lý dân chủ, công khai từ cơ sở, tạo cơ hội cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có cơ hội tiếp cận với dịch vụ tài chính, tín dụng và ngân hàng; tạo điều kiện cho sự lồng ghép chương trình tín dụng với các chương trình khuyến khích sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, xây dựng cơ sở hạ tầng, các chương trình văn hoá - xã hội. Mối quan hệ liên kết thông qua hoạt động tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý Nhà nước, ngân hàng và các tổ chức chính trị - xã hội gắn bó với dân, gần dân, hiểu dân, nắm bắt thực tế để xử lý công việc, nâng cao chất lượng hoạt động của chính mình và tạo điều kiện cho nhân dân giám sát việc thực thi chính sách tín dụng của Nhà nước, góp phần xây dựng NHCSXH ngày một lớn mạnh.
Ba là, phương thức tín dụng giao dịch trực tiếp đối với người vay tại Điểm giao dịch xã, ủy thác một số nội dung công việc qua tổ chức chính trị - xã hội, thực hiện công khai, minh bạch có sự giám sát của chính quyền, của cộng đồng xã hội đã tạo được lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và NHCSXH các cấp.
Bốn là, tuyển chọn, đào tạo, xây dựng một đội ngũ cán bộ trong ngành tâm huyết, tinh thông nghề nghiệp, có ý thức tổ chức kỷ luật và phong cách giao tiếp văn minh, lịch sự, tận tụy phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác là nhân tố đưa đến mọi thành công.
Năm là, từng bước công nghiệp hóa hiện đại hóa trong toàn hệ thống NHCSXH sao cho phù hợp với nguồn lực tài chính của mình để phục vụ tốt cho hoạt động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Xuân Nhi thực hiện
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Ngân hàng của người nghèo
- » Niềm vui ngày giao dịch đầu năm
- » “Em mang tiền Chính phủ cho bản làng vay đủ...”
- » Câu chuyện “cần câu, con cá” của người nghèo vùng cao
- » Ngày ấy chưa xa
- » Đổi thay Côn Đảo
- » "Bắc cầu" đồng vốn
- » Điểm đến của những tấm lòng
- » Đồng bào Trạm Tấu tính chuyện thoát nghèo
- » Thoát nghèo nhờ vay vốn ưu đãi