“Mang xuân” đến với người nghèo và các gia đình chính sách

30/01/2023
(VBSP News) Hòa cùng không khí vui tươi, ấm áp của những ngày xuân là niềm vui của những hộ nghèo, hộ cận nghèo “ăn nên làm ra” nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ chi nhánh NHCSXH tỉnh Sóc Trăng. Sau một năm chịu thương chịu khó, chí thú làm ăn, nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh đã vươn lên thoát nghèo, mở rộng SXKD để đón một cái Tết no ấm, trọn vẹn.
BAO XUAN (3)

Từ nguồn vốn chính sách, chị Trần Thị Út (bên phải) phát triển nghề làm xá pấu ngọt, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Tết ấm no - xuân trọn vẹn
Tết năm nay được xem là cái Tết sung túc nhất đối với gia đình chị Trần Thị Út ở phường 3, thành phố Sóc Trăng. Niềm vui của chị không chỉ là buôn bán đắt hàng mà sản phẩm xá pấu ngọt ngày càng có nhiều người biết đến.
Nghề làm xá pấu ngọt của chị Út có hơn 10 năm nay, nhưng khoảng 5 năm trở lại đây mới được nhiều người biết đến. Khách tìm mua hàng ngày càng nhiều, nhưng do thiếu vốn nên hầu như chị Út chỉ làm giao cho khách quen bán sỉ. Tháng 4/2022, chị Út được Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 3 hướng dẫn vay 50 triệu đồng từ NHCSXH. Có vốn, chị Út sắm máy cắt củ cải, mua thêm nguyên liệu, làm ra nhiều sản phẩm hơn. “Bình thường, giá sỉ xá pấu ngọt dao động từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, nhưng mùa Tết mặt hàng này tăng từ 10.000 - 15.000 đồng/kg”, chị Út vui mừng cho biết.
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Sơn Văn Thăng, ở xã An Thạnh 2, huyện Cù Lao Dung. Trong khu chuồng bò rộng lớn, vợ chồng anh Thăng tất bật dọn dẹp chuồng trại, chuẩn bị cho con bò cái sắp sinh. Anh Thăng cho biết, từ khi số lượng đàn bò nhân lên, hàng ngày, vợ chồng anh phải thay nhau cắt cỏ, vệ sinh chuồng trại, chăm sóc sức khỏe cho những con bò sắp sinh.
Thông tin với chúng tôi về cơ duyên đến với nghề nuôi bò, anh Thăng trải lòng: “Tôi bắt đầu nuôi bò vào năm 2006. Do diện tích hạn chế nên chỉ nuôi 2 con bò sinh sản, rồi đợi bán bê con. Đến năm 2020, vợ chồng tôi được NHCSXH huyện Cù Lao Dung hỗ trợ cho vay 90 triệu đồng để xây chuồng bò mới. Chuồng rộng rãi, cao ráo, sạch sẽ, số lượng bò được nuôi nhiều hơn nên đàn bò cái thay phiên sinh sản, nhờ mở rộng chuồng trại mà tôi giữ lại được nhiều con bê, nuôi sinh sản. Hiện tôi có 9 bò cái sinh sản và 5 con bê nhỏ, con nào cũng mập mạp, ăn khỏe. Khu vực chuồng nuôi này có thể chứa được hơn 20 con bò sinh sản và khoảng chục con bê con, tùy thời điểm giá bê con bán được từ 15 - 20 triệu đồng. Nhẩm tính từ năm 2020 đến nay, tôi đã xuất chuồng 8 con bê”.
Luôn “đồng hành” cùng người nghèo
Tại Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 4/10/2002 của Chính phủ, Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Sóc Trăng Trần Duy Đông chia sẻ: Với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, chi nhánh luôn là “cầu nối” để người dân tiếp cận nguồn vốn, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay để cải thiện kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình. Nhiều hộ gia đình đều sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, mạnh dạn phát triển, mở rộng sản xuất, kết hợp chăn nuôi, thực hiện các mô hình “vườn - ao - chuồng” như: nuôi bò thịt, trồng lúa, rau màu… đạt hiệu quả, thu lợi nhuận cao, làm ăn khấm khá, vươn lên thoát nghèo.
Sau hơn 20 năm thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, chi nhánh NHCSXH tỉnh Sóc Trăng đã triển khai 17 chương trình tín dụng chính sách với tổng doanh số cho vay 10.674 tỷ đồng/hơn 662.000 lượt hộ vay vốn. Nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp cho 264.591 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vượt khó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 16,93% năm 2002 xuống còn 1,22% năm 2022 và thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn toàn tỉnh.
Có thể thấy rằng, chính sách cho vay ưu đãi của Chính phủ đã góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững ở tỉnh Sóc trăng. Trao vốn cho những người dân chịu thương chịu khó, chí thú làm ăn vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng cho thấy hiệu quả nguồn vốn chính sách, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Trong 20 năm qua và những năm tiếp theo, chi nhánh NHCSXH tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục đồng hành cùng người dân xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Hành trình “mang xuân đến với người nghèo” 20 năm qua tại Sóc Trăng khẳng định sự phù hợp, kịp thời trong việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách đã gia tăng hiệu quả nguồn vốn; trách nhiệm, quyết tâm của những người tham gia trong “dòng chảy” tín dụng chính sách đã biến đồng vốn thành động lực cho người nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên trong cuộc sống. Tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng vào thành quả phát triển kinh tế, mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Xuân Nguyễn

Các tin bài khác