“Hoa quý của làng”

30/08/2016
(VBSP News) Theo chân cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Đakrông (Quảng Trị) chúng tôi về Pa Loang, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông (Quảng Trị) để tìm hiểu những câu chuyện vượt khó, thoát nghèo từ dòng vốn chính sách của đồng bào nơi đây. Trong các câu chuyện, chúng tôi đặc biệt ấn tượng và khâm phục về chàng trai trẻ Hồ Ai Can, 32 tuổi, người dân tộc Vân Kiều. Sau bao nhiêu khó khăn, thăng trầm, đến nay cơ ngơi gia đình anh thuộc hạng khá giả của làng.
Hồ Ai Can đang chăm sóc đàn bò của gia đình

Hồ Ai Can đang chăm sóc đàn bò của gia đình

Thật vậy, gặp Hồ Ai Can ai cũng bất ngờ bởi vẻ ngoài già hơn so với cái tuổi 32. Nhưng khi tiếp xúc chuyện trò mới thấy khí chất, sự quả quyết từ chàng thanh niên này. Nhớ lại những ngày vất vả, Hồ Ai Can tâm sự: Bản thân nhà mình nghèo, lại đông anh em. Năm 2004 lập gia đình, bố mẹ cho ra ở riêng và cất ngôi nhà cho 2 vợ chồng, gọi là nhà chứ thật ra đó là cái lán lợp ranh, nhưng như vậy đã vui lắm rồi. Lúc đấy khổ lắm, cuộc sống bữa đói bữa no, luẩn quẩn quanh việc lên rẫy từ sớm đến tối mịt mới về vậy mà ăn cũng không đủ, muốn nuôi thêm con trâu, con bò nhưng ngặt nỗi không có tiền”.

“May thay, những lần tham gia sinh hoạt bên Hội Nông dân, được tuyên truyền, hướng dẫn về vốn vay tín dụng ưu đãi. Nhờ vậy gia đình tiếp cận được nguồn vốn. Lúc đấy, vợ chồng mình phấn khởi lắm vì nghĩ đã có tiền để mua con giống về chăn nuôi; mong muốn nhiều năm của vợ chồng giờ có cơ hội thành hiện thực”, Hồ Ai Can cười cho biết.

Khởi nghiệp từ 30 triệu đồng vay vốn chương trình tín dụng hộ nghèo năm 2009, gia đình Hồ Ai Can đầu tư trồng rừng và nuôi bò. Nhờ chăm chỉ làm ăn đồng vốn đẻ đồng lãi, vợ chồng cứ tích góp dần nên đầu năm 2015 đã thoát nghèo. Hồ Ai Can chia sẻ: “Sau khi học được cách vay vốn, cùng với đó được hỗ trợ đào tạo nghề và áp dụng KHKT vào chăn nuôi từ Ban giảm nghèo của xã nên gia đình xác định được mô hình sản xuất và đã thành công; đầu năm 2015 gia đình đã thoát được nghèo”. Nhiệt tình, trách nhiệm, chịu khó, chăm chỉ, ham học hỏi, đâu hay là học, tìm hiểu để rồi về làm phát triển kinh tế cho gia đình… là những đánh giá mà Chủ tịch Hội Nông dân xã Pa Loang dành để nói về tấm gương thoát nghèo này.

Đến giữa năm 2015, sau khi trả hết nợ gốc trước đó, Hồ Ai Can tiếp tục được vay 50 triệu đồng chương trình cho vay hộ cận nghèo và sự hỗ trợ kiến thức thông qua các buổi tập huấn, hướng dẫn kĩ thuật chăn nuôi bò. Hồ Ai Can mạnh dạn đầu tư mua 6 con bò giống về nuôi. Qua quá trình chăn nuôi, gia đình đã mở rộng mô hình nuôi thêm dê thả núi, gà thả vườn. “Hiện nay, tổng đàn bò và gia súc trên 40 con, mỗi năm mang lại lợi nhuận từ 60 - 70 triệu đồng cho gia đình. Nhờ đó, gia đình tôi có thêm điều kiện kinh tế để phát triển sản xuất cũng như sửa sang xây dựng lại nhà cửa, chăm lo cho con học hành. Giờ đây vợ chồng cố gắng làm ăn, quyết để cái nghèo không đeo bám”, Hồ Ai Can nhấn mạnh.

Già làng của thôn Hồ Văn Chăn bảo: “Hồ Ai Can là hoa quý của làng. Nhờ chịu khó, ham học hỏi nên đã đuổi được cái nghèo. Ở làng này già trẻ, gái trai đều biết đến tấm gương thoát nghèo Hồ Ai Can, mọi người vui lắm!”.

Theo Lương Xuân/Báo Lao Động

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác