Thoát nghèo từ đồng vốn ưu đãi
Chúng tôi vừa có dịp cùng cán bộ NHCSXH huyện Lộc Hà về xã Thạch Mỹ để tìm hiểu việc sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi tại địa phương. Theo đề nghị, ông Hoàng Quốc Minh - Chủ tịch Hội CCB xã đưa chúng tôi tới thăm gia đình anh Nguyễn Viết Dương, chị Trần Thị Huệ ở xóm Báo Ân. Dù được giới thiệu trước nhưng tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự vươn lên nhanh chóng của cặp vợ chồng này.
Theo lời ông Minh, anh Dương - chị Huệ lấy nhau còn chưa có đất ở. Đến năm 2013, gia đình này vẫn thuộc hộ nghèo của xóm. Nhờ chăm chỉ, chịu khó làm ăn lại có thêm nguồn vốn vay ưu đãi theo diện hộ nghèo, anh chị mạnh dạn vay thêm từ các nguồn khác để phát triển kinh tế. Từ chăn nuôi bò nái rồi bò vỗ béo, đến nay, gia đình anh chị có 35 con bò. Hiện gia đình anh đang còn vay 50 triệu đồng của NHCSXH. Hỏi anh sao giỏi thế? Anh Dương nói: “Tôi may mắn và luôn trăn trở làm sao để đồng vốn vay được từ nguồn ưu đãi của Nhà nước phải sinh lời nhanh chóng…”.
“Xóm này còn có 5 hộ như gia đình anh Dương. Họ vươn lên khá giả từ nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển chăn nuôi bò. Còn tất cả hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đều đang có cơ hội thoát nghèo bền vững nhờ nuôi bò từ vốn vay ưu đãi…”, chị Nguyễn Thị Hảo - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn số 1A cho biết. Nói rồi chị dẫn tôi đến xem các mô hình phát triển kinh tế của gia đình anh Chiến, anh Hoan, anh Thắng, anh Tỵ… Mỗi gia đình, mỗi cách làm riêng, nhưng điểm chung là họ không chỉ đã thoát nghèo mà còn trở nên khá giả.
Theo ông Minh, chỉ tại 2 thôn Báo Ân và Đại Yên của xã, có 6 Tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ gần 8 tỷ đồng. Qua kiểm tra, rà soát, các hộ đều sử dụng vốn đúng mục đích và phát huy hiệu quả cao.
Ở Lộc Hà, không chỉ có xã Thạch Mỹ hoạt động cho vay vốn đạt hiệu quả cao tại 13/13 xã. Lãnh đạo NHCSXH huyện Lộc Hà cho hay, trong quá trình triển khai chính sách tín dụng ưu đãi, đơn vị không chỉ thực hiện giải ngân cho vay mà còn tư vấn, định hướng các hộ sử dụng vốn hiệu quả, đúng mục đích; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức phổ biến, hướng dẫn các hộ áp dụng KHKT vào SXKD, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, nâng cao thu nhập; tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi tại các địa phương, các Tổ tiết kiệm và vay vốn, hộ vay vốn, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác…
Ông Hoàng Xuân Ty - Chủ tịch Hội CCB huyện cho biết, hiện có 77 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Nhiều tổ chức Hội CCB cấp xã như Thịnh Lộc, Mai Phụ, Hộ Độ… hoạt động rất hiệu quả, với số dư nợ trung bình mỗi xã khoảng 13 tỷ đồng. Từ vốn vay ưu đãi này, ngoài việc tập trung phát triển mô hình sản xuất, các hội viên còn mở rộng các nghề phụ, triển khai chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn,…
Tính đến hết tháng 6/2016, trên địa bàn huyện Lộc Hà đang thực hiện 11 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ gần 300 tỷ đồng với hơn 8.500 hộ còn dư nợ. Trong đó, chương trình cho vay hộ nghèo có dư nợ hơn 52 tỷ đồng; hộ cận nghèo trên 87 tỷ đồng… Nguồn vốn cho vay đảm bảo đến đúng đối tượng thụ hưởng. Hệ số sử dụng vốn không ngừng được nâng cao, nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,05% tổng dư nợ.
Các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn Lộc Hà phát huy hiệu quả, tác động mạnh mẽ đến đời sống người nghèo và các đối tượng chính sách, tạo điều kiện để họ từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần phát triển KT - XH, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.
Theo Báo Hà Tĩnh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Phát triển bền vững từ nguồn vốn ưu đãi
- » NHCSXH nhìn từ góc độ văn hóa
- » Tín dụng chính sách và thông lệ quốc tế về quyền lợi của đối tượng vay vốn
- » “Duyên kỳ ngộ”
- » TỪ NGÂN HÀNG PHỤC VỤ NGƯỜI NGHÈO ĐẾN NHCSXH: Một công cụ đắc lực bảo đảm an sinh xã hội
- » Cuộc hành trình 20 năm của tín dụng chính sách vì an sinh và công bằng xã hội
- » Những kỷ niệm không quên
- » Nâng cao năng lực quản trị trong tái cơ cấu NHCSXH
- » Ngân hàng của người nghèo
- » Niềm vui ngày giao dịch đầu năm