Phát triển bền vững từ nguồn vốn ưu đãi
Nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế
Gia đình anh Triều Văn Su ở thôn Chành, xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) hiện có tới 4 con trâu, gần 1ha chè và 1 ao với 8.000 con cá giống. Không như 5 năm trước, cả gia đình chưa đến mùa thóc đã rỗng bồ, đông miệng ăn mà chẳng có thêm thu nhập gì cho nên chuyện bán thóc non đổi gạo chợ đã thành thường lệ. Kinh tế gia đình đã có “bước ngoặt” khi có nguồn vốn cho vay hộ nghèo từ năm 2011 anh đã mạnh dạn từng bước vạt ngọn đồi trước nhà để trồng chè, đào ao thả cá công nghiệp kết hợp chăn nuôi lợn, gà. Kinh tế dần khá, thoát nghèo, cũng là lúc anh có điều kiện quan tâm hơn đến tiện ích cuộc sống gia đình, từ cái ăn, chỗ ở và mới đây nhất là đầu tư xây dựng công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn.
Không riêng gia đình anh Su, ở thôn Chành cũng không hiếm những hoàn cảnh tương tự. Gia đình ông Chảo Kiềm Văn, người dân tộc Dao đỏ là hộ nghèo từ năm 2011 với 7 nhân khẩu, trong đó có 1 người bị tật nguyền. Tháng 8/2011 vay 30 triệu đồng của NHCSXH huyện Bảo Thắng, ông đã mua một cặp trâu vừa để sinh sản vừa phục vụ sản xuất, cùng với trồng và chăm sóc hơn 2ha rừng, chè, đào ao thả cá. Nhờ sử dụng vốn vay hiệu quả, hộ ông Văn đã thoát nghèo từ cuối năm 2012, năm 2014 trả hết nợ vay và đến năm 2015 thoát cận nghèo một cách bền vững với thu nhập bình quân hàng năm 150 triệu đồng/năm.
Theo Chủ tịch Hội CCB xã Xuân Giao Phạm Vũ Bảo, ban đầu khi tuyên truyền người dân vay vốn, họ cũng khá bảo thủ không dám vay vì sợ không trả được nợ. Sau đó, cùng với việc ngân hàng và chính quyền xã tăng cường tuyên truyền, dẫn họ đi tham quan từng mô hình để xem và nghe, người dân dần dần thay đổi nhận thức. “Các hộ vay vốn thoát nghèo đi trước trở thành hình mẫu cho các hộ đi sau học hỏi, để rồi thôn Chành hôm nay được phủ lên một màu xanh mướt của cây chè, đồi rừng,… người dân đã chuyển dần sang kinh tế hàng hóa thay vì sản xuất để tự cung, tự cấp như trước đây”, ông Bảo phấn khởi nói.
Những “làn sóng” thoát nghèo phát triển kinh tế giờ đang tỏa rộng tới từng bản, làng. Không riêng huyện Bảo Thắng, mà khắp các nơi trên địa bàn tỉnh Lào Cai, đâu đâu cũng in những dấu chân cán bộ NHCSXH mang đồng vốn chính sách đến các hộ dân nghèo. Tính đến hết tháng 6/2016, tổng dư nợ cho vay của NHCSXH tỉnh Lào Cai đạt 2.152 tỷ đồng, tăng 137 tỷ đồng so năm 2015, đạt 99,6% kế hoạch được giao năm 2016. Thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi đã giúp 14.300 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn, đầu tư vào các lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản; tạo việc làm cho hơn 14.000 lao động; 5.034 hộ vay vốn thuộc hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn đột xuất vay vốn cho con em là HSSV theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề; xây dựng được hơn 5.778 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường đạt chuẩn quốc gia,…
Để đồng vốn phát huy hiệu quả bền vững
Thế nhưng, con đường phía trước của công cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương sẽ không dễ dàng ở mảnh đất nhiều thiên tai khắc nghiệt này. Đơn cử, hồi đầu năm 2016, nhiều huyện của Lào Cai cũng đã chịu những thiệt hại từ đợt mưa rét và băng tuyết. Điều này cũng có nghĩa, sẽ có nhiều hộ dân vừa mới thoát nghèo sẽ tái nghèo và cũng sẽ có thêm nhiều đối tượng nghèo mới. Chưa kể việc áp dụng chuẩn nghèo mới cũng làm tăng gấp 2,8 lần số hộ nghèo so với tiêu chí cũ, lên tới 34,3%.
Công việc của cán bộ NHCSXH tỉnh Lào Cai vì thế thêm vất vả khi phải bám sát địa bàn, cùng dân và chính quyền địa phương rà soát lại thiệt hại để có thể đề xuất khoanh nợ, xóa nợ và tiếp tục cho vay mới nhằm tái sản xuất ổn định đời sống. Chính vì vậy, bên cạnh những nỗ lực của NHCSXH trong việc ưu tiên vốn cho Lào Cai, Giám đốc NHCSXH tỉnh Lào Cai, Nguyễn Hải Hà mong muốn HĐND, UBND tỉnh trong những tháng cuối năm 2016 tiếp tục trích một phần ngân sách địa phương bổ sung nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH (khoảng 5 tỷ đồng) để cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách. Đồng thời chỉ đạo các huyện, thành phố dành một phần tăng thu tiết kiệm chi hoặc nguồn vốn nhàn rỗi chưa sử dụng đến trong năm chuyển sang cho NHCSXH các huyện, thành phố quản lý, cho vay theo đúng chỉ đạo.
Ngoài ra, đơn vị cũng sẽ cùng các thành viên trong Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh đôn đốc các huyện, thành phố tích cực bám sát chỉ tiêu kế hoạch đã được giao, thực hiện cho vay đúng đối tượng thụ hưởng cũng như tích cực kiểm tra giám sát tại cơ sở để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện tín dụng chính sách. Những mục tiêu trong kế hoạch đưa tổng dư nợ đến hết năm 2016 đạt 2.215 tỷ đồng, tăng 10%/năm so năm 2015 cũng đang được hiện thực hóa.
Theo ông Nguyễn Hải Hà, việc chuyển đổi hệ ý thức của người dân trong sản xuất từ tự cung tự cấp sang kinh tế hàng hóa và ý thức thoát nghèo vươn lên từ dòng vốn chính sách đã đem đến những cung bậc mới trong tín dụng chính sách. Như gia đình chị Nguyễn Thị Thịnh ở thôn Hùng Xuân 1, xã Xuân Giao hiện có năm khẩu, nhưng chỉ có một mình chị là lao động chính. Nhờ vay vốn hộ nghèo 30 triệu đồng năm 2012, chị đã đầu tư mua một con trâu sinh sản và phục vụ sản xuất, nuôi cá trong một sào ao, làm kinh tế rừng với 0,3ha và trồng hơn 2 sào lúa. Qua đó, tăng thu nhập của gia đình đạt bình quân 70 triệu đồng/năm. Chị đã thoát nghèo năm 2015, nhưng cũng lại tái nghèo vào năm 2016 theo tiêu chí mới. Tuy nhiên, cũng chính chị đã đăng ký thoát nghèo trong năm nay với niềm tin từ hiệu quả đầu tư nuôi trâu từ khoản vay mới của NHCSXH từ tháng 10/2015.
Những người dân có quyết tâm như chị Thịnh đang ngày càng được nhân rộng nhờ việc phối hợp tuyên truyền vận động các hộ dân vay vốn SXKD hiệu quả của các hội, đoàn thể và chính quyền địa phương. Đây sẽ là khởi nguồn cho những đổi thay tích cực trên vùng đất Tây Bắc với niềm tin nghèo khó ngày càng lùi xa và thu hẹp.
Bài và ảnh Việt Phong
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » NHCSXH nhìn từ góc độ văn hóa
- » Tín dụng chính sách và thông lệ quốc tế về quyền lợi của đối tượng vay vốn
- » “Duyên kỳ ngộ”
- » TỪ NGÂN HÀNG PHỤC VỤ NGƯỜI NGHÈO ĐẾN NHCSXH: Một công cụ đắc lực bảo đảm an sinh xã hội
- » Cuộc hành trình 20 năm của tín dụng chính sách vì an sinh và công bằng xã hội
- » Những kỷ niệm không quên
- » Nâng cao năng lực quản trị trong tái cơ cấu NHCSXH
- » Ngân hàng của người nghèo
- » Niềm vui ngày giao dịch đầu năm
- » “Em mang tiền Chính phủ cho bản làng vay đủ...”